Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Hương cỏ Bí sô

Hương cỏ Bí sô

127
0

Tôi vẫn biết, tu tập để đến ngày thọ Đại giới là rất khó, và rất lâu. Ít nhất người đó phải tuổi đầy 20, sáu căn hoàn mãn, tinh thần và thể chất đều minh mẫn, khỏe mạnh, nhất là việc hành trì Kinh, Luật phải được thông thạo, khi ấy mới hội đủ tố chất của một vị Tỳ kheo sống tu tập trong giáo pháp của đức Phật.

Tỳ kheo, hai từ cao quý và thiêng liêng mà người xuất gia học đạo ai cũng phải hướng đến. Giới Tỳ kheo được gọi là cụ túc giới, tức là giới pháp đầy đủ và hoàn mãn để bước vào đạo quả Niết bàn giải thoát.

Tỳ kheo còn được gọi là Bí sô, Bậc sô hay Tỳ khưu, được giải thích là Khất sỹ, Bố ma, phá phiền não, trì tịnh giới. Luận Trí Độ giải thích nghĩa Tỳ kheo là: Tỳ là phá, kheo là phiền não. Người có khả năng phá trừ phiền não gọi là Tỳ kheo.

Tỳ kheo còn được gọi là Bí sô hay Bậc sô. Vì sao được gọi với phương danh này? Theo bộ Phiên dịch danh nghĩa, Tỳ kheo có năm đặc tính. Bí sô là loại cỏ thơm ở núi Tuyết Sơn, loại cỏ này cũng có năm đặc tính, đó là: thể tánh nhu nhuyến, dẫn mạn bàng bố, hinh hương viễn văn, năng liệu đông thống, và bất bối nhật quang. 

Thể tánh nhu nhuyến là thể chất mềm mại, ví dụ cho việc thân, khẩu, thuần thục, điều phục mọi thô xấu.

Dẫn mạn bàng bố, là loại cỏ này mọc lan tràn ra, dụ cho vị Tỳ kheo thuyết pháp giáo hóa mọi người không bao giờ mệt mỏi, không tuyệt dứt.

Hinh hương viễn văn, loại cỏ này có mùi hương bay xa, chỉ cho giới đức của một vị Tỳ kheo lan khắp ai cũng biết. Như Pháp Cú kinh dạy: “Hương của các loại hoa không ngược bay chiều gió, chỉ có hương của người đức hạnh, ngược gió khắp tung bay”.

Năng liệu đông thống, loài cỏ này có tác dụng dùng để chữa bệnh tật, dụ cho vị Tỳ kheo có khả năng đoạn trừ mọi bất an, đau khổ, phiền não của thân tâm.

Bất bối nhật quang, loài cỏ này không bao giờ bị che khuất bởi ánh sáng mặt trời, nó luôn tìm ánh sáng của mặt trời để hướng đến. Tỳ kheo thường tư duy chánh kiến, luôn hướng về ánh sáng mặt trời trí tuệ là đạo lý của đức Phật.

Năm ý nghĩa của loại cỏ Bí sô tương ứng với năm đức của nghĩa Tỳ kheo. Tỳ kheo thành tựu năm đức ấy là thành tựu trọn vẹn ý nghĩa của một người mang trọng trách “thừa Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, mang sứ mệnh “tục diệm truyền đăng” đem ánh sáng Phật pháp gieo rắc làm lợi lạc mọi người. Vì đó mà lấy tên Bí sô chỉ cho Tỳ kheo cũng phải có đủ năm đức tính cao quý.

Hương từ Bí sô, nghe sao mà cao quý quá! Ai vẫn cứ ngỡ một cây cỏ hoang dại thì chẳng có lợi ích gì. Nhưng quả thật, giữa cỏ Mũnja và lau sậy Babaja rối tung, người ta đã tìm thấy hương từ Bí sô xen lẫn giữa thiên nhiên, đất trời nhưng âm thầm mang trên mình một triết lý, một đạo lý sống động nhiệm mầu, đánh thức loài cỏ dại cố vươn mình về hướng mặt trời và hấp thụ tinh khí uyên nguyên của trời đất để cùng tô điểm thêm đẹp cho đời.

Nên cỏ Bí sô, hương Bí sô được ví cho người xuất gia lấy giới hạnh để phòng hộ thân tâm, nhằm tăng trưởng từ bi và trí tuệ, cùng thắp sáng ngọn đèn tuệ giác, mang lại an lạc hạnh phúc cho mình và cho mọi người.

T.Đ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here