Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Huế trước dòng văn hóa của đất nước (p.2)

Huế trước dòng văn hóa của đất nước (p.2)

191
0

Khi tôi nói rằng văn hóa là quan trọng và cần thiết, tôi hy vọng rằng mọi người đều đồng ý. Nhưng khi tôi nói rằng văn hóa là quan trọng và cần thiết hơn tất cả mọi giá trị khác, thì có thể có những người không đồng ý vì họ nghĩ đến những giá trị khác mà họ cho là quan trọng hơn, chẳng hạn: tiền bạc, kinh tế, khoa học. Và có thể họ sẽ bảo: nay phải ưu tiên cho khoa học, chứ không phải văn hóa.

Chúng tôi nghĩ: kinh tế càng cao, khoa học càng cao, văn hóa càng cần phải cao hơn nữa. Bằng không chúng ta sẽ sống trong một xã hội lệch, giữa những giá trị khập khiễng. Văn hóa là nền tảng, muôn đời là nền tảng, là cội rễ. Nền tảng có chắc, cội rễ có bền, mọi giá trị khác mới trụ vững.

Văn hóa là quan trọng nhưng thiết tưởng còn có một vấn đề quan trọng hơn văn hóa, đó là môi trường văn hóa, nghĩa là văn hóa còn cần thêm một cự ly văn hóa, còn cần thêm những giá trị khác, những tổ chức thiết chế khác làm vệ tinh cho văn hóa thì văn hóa mới bền vững và thu hút.

– Mới đây, trên báo Tuổi Trẻ ra ngày 3.3, Giáo sư Pierre DarRIULAT người Pháp, khi được mời đóng góp ý kiến về nghiên cứu khoa học ở Đại học Việt Nam, phát biểu rằng nên xem xét lại kỹ hơn về nội dung các đề tài và nhất là nên chăm lo môi trường nghiên cứu khoa học. Môi trường rất quan trọng.

– Cũng gần đây, tôi nghe nói trong các Tòa Đại Sứ Việt Nam ở ngoại quốc, không có chức vụ “tùy viên văn hóa”. Tôi rất  lấy làm lạ. Nếu tình hình này là có thật, thiết nghĩ nên bổ khuyết.

– Mới hôm kia, tại diễn đàn này, nhà văn Nguyên Ngọc có nhắc lại một câu nói của Phan Chu Trinh: “Ta mất nước là vì ta quá thấp về văn hóa”. Rõ ràng là một câu nói nhức nhối đáng suy gẫm.

– Và cũng mới đây, Thủ tướng chính phủ ra quyết định thành lập Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp ở quận 13. Đây là một tin đáng vui mừng.

Tôi đinh ninh rằng Huế, với truyền thống văn hóa của mình, với lực lượng thanh niên, trí thức và Đại học, sẽ đảm đương nổi trọng trách này.

Đến đây, để kết thúc bài nói chuyện của tôi, tôi xin đưa ra đây 2 suy nghĩ sau cùng:

1. Nói một cách trung dung, chừng nào bức tranh xã  hội phơi bày ra nhiều mảng tối, chừng đó văn hóa nếu không lâm vào ngõ cụt thì cũng đang có nhiều việc phải làm.

Mà bức tranh xã hội của ta hiện nay, bình tâm mà xét, đang bày ra trước mắt nhiều mảng tối, từ trong gia đình, trường học từ cấp mẫu giáo lên Đại học, ra tới ngoài đường sá, len lỏi vào các bãi đất hoang cho đến các cơ quan, thị trường, đâu đâu cũng bày ra những vụ việc đang nằm đám, những vấn nạn cần tới chiếc đũa thần, toàn cõi đất nước thi đua hiến kế để mong lập nên một chương sử hiện đại mệnh danh là CHẤN CHỈNH

Tôi xin mạo muội đặt ra một nghi vấn: đứng trước tình hình này, mỗi người, mỗi tập thể, mỗi thành phố, mỗi vùng miền đất nước nên suy nghĩ và hành động như thế nào?

Có lẽ tất cả chúng ta đều đã và đang chứng kiến nhiều suy nghĩ và hành động không ngớt diễn ra chung quanh ta trong chiều hướng tích cực nhằm mục tiêu chấn chỉnh xã hội. Được phần nào, ta mừng phần ấy, nhưng đồng thời ta phải nhận thấy bao nhiêu thành quả gặt hái được vẫn hoàn toàn chưa đủ.

Có lẽ còn phải cần tới một ý thức tập trung hơn, một cuộc vận động bài bản hơn, một sức huy động đông đảo hơn thì mới hích dựng dậy tòa tháp nghiêng văn hóa của chúng ta.

Để đóng góp đầu tư suy nghĩ vào đại cuộc này, một lần nữa tôi xin mạo muội đề ra một lối ứng xử như thế này:

Xuyên suốt suy nghĩ và hành động vì văn hóa, tôi xin mạo muội đề nghị những ai thuộc thành phần người lớn nên có thái độ SÁM HỐI đối với tầng lớp thanh thiếu niên trong xã hội chúng ta.

Sám hối là nhận lỗi kèm với thiện chí chuộc lỗi. Nhận lỗi là cần thiết vì đó là sự khởi đầu của chấn chỉnh. Lỗi của người lớn thì rất nhiều và đủ loại, đó là chưa kể những lỗi chưa được phát hiện. Chuộc lỗi cũng là cần thiết, cũng như mang nợ thì phải trả nợ. Vấn đề nằm ở chỗ: người lớn không nên tự ái để phủ nhận và không nên có thái độ “công thần” bằng lòng với những việc đã làm mà mình tự cho là nhiều và tốt, trong khi những việc làm ấy, dẫu có thực sự là nhiều và tốt đi nữa, vẫn chung quy là những việc làm mà người lớn có bổn phận, có nghĩa vụ phải làm đối với các thế hệ thanh thiếu niên mà thôi.

Tôi xin phép đơn cử hai trường hợp trong xã hội để minh họa cho suy nghĩ trên đây:

a. Suốt một năm nay báo chí nói rất nhiều đến hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp”: đó là những học sinh quá yếu kém so với các bạn, so với trình độ học tập đáng lẽ phải có. Nếu ta suy cho cùng, sự thể “ngồi nhầm lớp” ấy đâu phải do các em? Mà chính là do sự thiếu quan tâm, cách cho điểm, cách báo cáo, cách vụ thành tích… tất cả đều do người dạy và những người điều hành trường học.

Ta nói nhiều đến việc học sinh “ngồi nhầm lớp”, nhưng lẽ ra phải nên nói đến việc “đứng nhầm lớp” mới quan trọng hơn, mới là đầu mối của mọi sự suy sụp.

b. Bộ môn Đạo đức trong trường học. Người ta liệt kê nhiều hiện tượng xấu trong trường học, như: học sinh nói tục, thích những trò chơi bạo lực, cóp bài của bạn, lười biếng, trốn học, bỏ học, vô lễ với thầy cô,… Người ta cũng tìm cách truy nguyên những hiện tượng tiêu cực ấy, và đi đến kết luận tạm thời là: một trong những nguyên nhân là bài học về đạo đức trong lớp học đang vắng bóng hoặc bị xem nhẹ. Cần phải phục hồi và đặt nặng môn học “giáo dục công dân”. Điều này thoạt tiên xem ra có vẻ đúng, nhưng chỉ đúng một phần nhỏ thôi.

Suy cho cùng, “giáo dục công dân” không phải là những bài đem ra giảng dạy. Hay nói cách khác, dạy “giáo dục công dân” là một việc làm bất đắc dĩ, chung quy chỉ là một hạ sách. Giáo dục công dân phải là một bài học sống động, đầy cảm xúc, gây xúc tác. Muốn được vậy, giáo dục công dân không phải là bài giảng, nó chính là người dạy bằng xương bằng thịt. Người dạy chính là tấm gương cho học sinh soi vào. Học những bài vệ sinh, học làm con, học làm học sinh, học làm công dân, là học ở thầy cô trước hết. Tấm gương trong hay đục sẽ tạo học sinh tương xứng.

Tôi khó hình dung ra một học sinh vô lễ với thầy cô một khi nó biết chắc thầy ấy, cô ấy là người thực sự yêu thương nó.

Tôi khó hình dung ra một học sinh vô lễ với thầy cô một khi nó biết chắc thầy ấy, cô ấy là người tận tụy yêu nghề và có năng lực chuyên môn đáng nể.

Tôi cũng khó hình dung một đứa con dễ dàng hư hỏng như hút xách hoặc gia nhập băng đảng một khi cha mẹ của nó là những người chăm lo đùm bọc nó không ai bằng.

Ngạn ngữ Pháp có câu: “Đứa trẻ là cha của người lớn”, vạn sự đều nằm ở đứa trẻ, kể cả tương lai của người lớn. Cho nên chăm lo cho tương lai của đứa trẻ, chính là chăm lo tương lai của mình vậy.

2. Đọc lại dòng chữ đề tài tự đề ra cho mình: “Huế trước dòng văn hóa của đất nước”, tôi giật mình nhận thấy sao mình tham lam quá, ôm đồm quá, làm sao mình có thể giải được phương trình to tát ấy. Nhưng, nghĩ đi nghĩ lại, tôi cảm nhận rằng chính ngay đề tài ấy hiện đang nằm trong trí, hiện đang nằm trong lòng của quí vị, hoặc là một phần của mệnh đề ấy, hay là toàn phần của mệnh đề ấy đang nằm trong lòng quý vị.

Nghĩ như thế rồi, tôi cảm thấy có được một đôi phần an tâm, không đến nỗi tự cho rằng mình suy nghĩ nói năng vu vơ hay là vô tội vạ. Bởi lẽ, dù muốn dù không, chúng ta đã cùng nhau bước đi một đoạn đường, và giờ đây hãy còn đoạn đường trước mặt đang kêu gọi sự tiếp bước, và lần này cấp thiết hơn, đồng bộ hơn.

Đề tài tôi vinh hạnh được đề dẫn ra ở đây, nếu nó có được muôn một giá trị nào, thì giá trị ấy không nằm ở các lời giải đáp, cũng không nằm ở các giải pháp, giá trị ấy bất quá nằm ở sự đề dẫn, gợi mở, sự dóng lên tiếng nói, giống như là một hồi chuông đảnh lễ.

B.Y

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here