Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Huế trước dòng văn hóa của đất nước (p.1)

Huế trước dòng văn hóa của đất nước (p.1)

205
0

“Huế trước dòng văn hóa của đất nước”. Đó là một đề tài mà tôi ôm ấp, suy nghĩ ngày này sang ngày khác, muốn phát triển từ tháng này sang năm nọ để cho đề tài dần dà không phải của riêng mình mà trở thành một cuộc đối thoại cộng thông cộng hưởng trên giấy trắng, quanh bàn tròn và cuối cùng hiện hình thành một tòa kiến trúc vật chất và phi vật chất của cộng đồng.

Nhưng đó mới chỉ là ý muốn, ý hướng của riêng tôi. Còn làm được đến đâu, giải bày được những gì, cái đó còn tùy thuộc khả năng diễn ngôn, trình độ bao quát vấn đề, mức độ thuyết phục của ý tưởng, tùy thuộc vào sự hưởng ứng của nhiều người, và nhất là còn tùy thuộc vào duyên nghiệp.

Trước khi ngả chữ lên giấy, tôi tẩn mẩn săm soi đề tài đã chọn và, giống như một đứa trẻ, tôi lấy bút màu tô đậm 3 vế chữ trong câu: đầu tiên là HUẾ, thứ đến là VĂN HÓA và sau là ĐẤT NƯỚC, ba vế như là ba đơn thức trong một biểu thức đại số cần được giải khai một cách riêng rời trước khi được xếp hàng lại với nhau.

Sở dĩ tôi liên tưởng đến đơn thức toán học áp dụng vào ý niệm Huế, ý niệm Văn hóa và ý niệm Đất nước là vì tôi nghĩ rằng từng ý niệm ấy, tách riêng ra, đã là một bài toán.

Và một khi ba đơn thức xếp lại thành hàng thì tổng thể này hiện hình như một phương trình bậc cao, phức hợp và thật là khó giải.

Trong phương hướng suy nghĩ và lý giải đề tài như thế này, tôi xin phép tuần tự đi vào từng phần của bài nói chuyện.

HUẾ

Tôi xin phép phác thảo chân dung của Huế qua một vài nét sơ lược về lịch sử, địa lý và một số đặc điểm của Huế.

Đất Huế này, từ xa xưa, được Nguyễn Trãi gọi là “phên dậu ở phía Nam”, Lê Lợi thì gọi là “vùng đất lòng dạ của ta”. Đến  thế kỷ XVI, Dương Văn An đã nhìn thấy, ở Thuận Hóa, một vùng đất  “non sông kỳ tú, ruộng đất mở mang, dân chúng đông đúc, thực là nơi đô hội lớn của một phương, cảnh vật tươi vui, phong vật quý giá”.

Và Phú Xuân được chọn làm đô thị Huế vào giữa thế kỷ XVII, dưới thời chúa Ngãi Nguyễn Phúc Trăn.

Như vậy, từ vị thế Thuận Hóa thừa tuyên từ đời Lê Thánh Tôn ở thế kỷ XV, Huế trở thành dinh phủ thời các chúa Nguyễn trước khi trở thành kinh đô của cả nước đầu thế kỷ XIX.

Địa thế của Huế là một loại địa thế khắc khổ, nơi thì uốn có gập ghềnh, nơi lại eo thắt, nơi khác thì khô khốc. Nhưng không ngờ nó có cái duyên lắt léo, là: chính vì vậy (hay nhờ vậy) nó đã rèn luyện cho dân cư khả năng thích ứng cao độ, sức đề kháng trước những trở ngại, một tiềm lực phản kháng trước những toan tính xâm hại hoặc đồng hóa ngoại lai.

Về khí hậu, đất Huế chịu nhiều thái cực: mùa lạnh rất lạnh, mùa nóng rất nóng, khi thì nhận chịu gió mùa đông bắc, khi lại bất đắc dĩ làm bạn với ngọn gió Lào khô nóng. Về khí hậu, vua Tự Đức đã từng hạ bút tổng kết bằng 2 câu thơ ngắn: “Tứ thời giai hữu hạ, Nhất vũ tiện thành đông” (Bốn mùa đều có mùa hè, chỉ một cơn mưa chuyển ngay thành mùa đông).

Thiên nhiên ở Huế có những nét đặc sắc mang đầy đủ các thế đất: nhiều núi đồi, thác nước, suối nước nóng, đầm, phá, sông, biển… tạo nhiều thuận lợi, sắc thái cho du lịch, đến độ trên cùng một trục lộ, ta có thể di chuyển dần dà qua các dạng thái khác nhau của địa hình.

Sông Hương là một trục lộ đưa ta đi đi về về và dừng chân tại nhiều danh thắng. Nó còn là nơi hội tụ của những hội lễ, các thú tiêu khiển.

Sông Hương, nói tắt một tiếng, là gạch nối giữa núi và biển trên cùng một trục.

Thế núi ở Huế sản sinh ra nhiều ngọn nổi tiếng nhờ phong quang, hoặc địa thế, hoặc đi liền với lịch sử, như: núi Ngự Bình, Ngọc Trản, Tam Thai, Lựu Bảo, Kim Phụng, Bạch Mã (một cao điểm nghỉ mát), núi Bân hay núi Ba Tầng nơi Quang Trung Nguyễn Huệ tế trời và lên ngôi Hoàng đế… khiến cho núi như nối trời với đất, như câu thơ của Tùng Thiện vương: “Giới quang hòa hợp hai phương đất trời”.

UNESCO, kể từ 1981, phong tặng Huế là “bài thơ đô thị tuyệt tác”, quyết định cứu vãn Huế thoát khỏi những tác hại của thời gian và thăng trầm của lịch sử, nhìn nhận Huế là “thành phần dính liền với di sản bất khả phân của nhân loại”.

Năm 1993, quần thể di tích Huế được ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.

Mười năm sau, năm 2003, một bộ phận của nhạc cung đình là Nhã Nhạc được UNESCO công bố là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Và hiện nay Huế mang giữ trọng trách là thành phố Festival của cả nước tổ chức Festival vào năm chẵn.

Huế xưa nay là thành phố nặng lòng với thiên nhiên, và cũng một phần nào đó nó là thành phố chậm chuyển mình để trở thành hiện đại với những hình thức xây cất và quy hoạch mới. Thiên nhiên vốn hiện diện trên từng đường phố, nhà công và nhà tư, đi liền với thành quách, hào và hồ, thâm nhập vào kinh thành, đền chùa, lăng tẩm như là những hiện diện song đôi nếu không muốn nói là một thể thống nhất. Xuất phát từ đó, Huế có được một di sản cảnh quan còn lại hiếm hoi trên đất nước: đó là nhà vườn, là một thực thể đã mất dần hoặc mất hẳn ở nhiều địa phương khác.

Người Huế đặc biệt mong cầu một đời sống trong đó con người hòa quyện vào thiên nhiên, và ngôi nhà vườn là vũ trụ được thu nhỏ lại như là một cảnh quan phong thủy bao gồm phương hướng ngôi nhà nằm lọt vào giữa thiên nhiên phản ánh qua khu vườn với cây cối thu gọn lại.

Vừa rồi, tôi phác họa thành phố Huế, còn người Huế thì như thế nào?

Liệu người Huế còn được tiềm năng và khả năng đến đâu, như thế nào, để làm một con người văn hóa, đảm đương những công việc văn hóa trong thành phố của mình không?

Trước hết, đặt thành phố Huế trong tương quan với thành phố chị, thành phố em, sơ bộ tôi nhận thấy rằng trong khi sông Hồng và sông Cửu Long đi vào địa lý và hiên ngang đi vào kinh tế, thì sông Hương êm đềm đi vào thơ nhạc và tâm hồn con người.

Văn hóa nghệ thuật là một cõi mênh mông, rất ít tính chất thực tế, nhưng làm đẹp cho đời. Giống như bông hoa trong đời sống. Hoa là một thứ không dùng vào việc gì cả, thế nhưng không thể quan niệm một cảnh đời mà không có hoa. Hoa vẫn cặp kè với con người từ chiếc nôi cho đến nấm mồ.

Sông Hương hiển nhiên như đóa hoa tô điểm cho thành phố. Không có con sông nào làm hao tốn giấy mực cho bằng sông Hương. Không có con sông nào làm tuôn trào suối nhạc cho bằng sông Hương. Và cũng chính nó là nguyên ủy cho sự ra đời của bao nhiêu hiệp hội ái hữu, đồng hương với nó ở trong nước cũng như ở hải ngoại.

Tuy nhiên, cũng chính con sông Hương mà người ta dễ tưởng là suốt đời lặng lẽ ngoan hiền ấy hằng năm vùng dậy quẫy nước tràn bờ. Bởi Huế không những nổi tiếng nắng nóng mùa hè, nó còn nổi tiếng về lụt lội nhiều lần trong năm và những lúc ấy nước sông đục ngầu, dữ dội, có khi chảy ngược dòng. Nước sông cuồn cuộn ấy, dù là trái ngược hẳn với thường ngày, vẫn đúng là hình ảnh  của sông Hương, là lòng dạ sâu thẳm của nó đã lộ diện, là bộ mặt bổ túc vào bộ mặt thường bắt gặp của nó.

Tóm lại, nắng cháy với mưa dầm bão lụt, ấy là Huế. Nước chảy lờ đờ và nước phăng phăng cuồn cuộn, ấy là sông Hương.Người thiếu nữ nghiêng nón dạ thưa nhưng yêu thương say đắm, dữ dội, ấy là con gái Huế.

Người Huế thường phản ứng chậm. Vẻ bề ngoài và hành động không hô ứng tiếp liền nhau. Hay nói cách khác, giác quan tiếp nhận cảm giác và phản ứng nội tâm cử hành hai nhịp khác nhau và giữa hai nhịp đó là một khoảng dành cho nụ nười, tiếng dạ thưa, sự e dè, cân nhắc. Đó là một loại “phản ứng hẹn giờ”, nhưng một khi phản ứng phát ra, nó có tính cách dứt khoát, không vãn hồi. Đó là nét tính Huế mà người ta gọi là “thâm trầm”, “thâm thúy”.

Nếu không có lịch sử sẵn chực những bằng chứng cụ thể, hùng hồn, thì ít ai ngờ rằng cái đất Huế trầm mặc này lại có thể là sân khấu phát động, châm ngòi những biến cố lớn lao của đất nước từ trong lòng những học sinh sinh viên chăm học hoặc những chị tiểu thương hiền lành tần tảo.

Hóa ra đất Huế là đất nuôi trồng những thái cực, và con người xứ Huế để ra cả một đời mình để gỡ rối mớ bòng bong tâm lý và mâu thuẫn nội tâm này.

Con người Huế nào góp phần làm nên Huế là những con người đi ngược lại những thuộc tính ban đầu của vùng địa lý. Nó vật lộn thường trực với những mối giằng co tâm lý.

Trịnh Công Sơn trong một ca khúc có nói tới một loài “chim di”. Chim di là một loài chim di trú, không định cư tại một nơi chốn, tùy theo mùa xoải cánh bay đi tìm khí hậu khoan hòa. Loài người cũng có những sắc dân sống chuyển dịch, thường trực nối gót nhau thành từng đoàn, trốn gió, trốn mưa, đem theo gia sản của mình trên lưng thú, có khi vừa đi vừa ăn uống từng bát huyết bò tươi hay bát sữa dê.

Người dân Ô Lý chất chứa trong tâm khảm mình một món nợ tinh thần đời đời với công chúa Huyền Trân ngày xưa đã vùi quên tuổi thanh xuân của mình mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Đó là một sự lưu đày biệt xứ nhưng tự nguyện và vị tha. Thành phố Huế sau một giấc ngủ 700 năm đã may mắn giật mình choàng tỉnh lập đền thờ tri ân vị công chúa ngoại hạng.

Sự tích đã ghi dấu sâu đậm vào ca nhạc của xứ sở này. Cái hơi “ai” của ca Huế không hẳn là sầu bi nhưng đầy hoài cảm, vừa tự sự mà vừa khơi dậy mạch tình bắt nguồn từ xa xưa, hòa tan vào huyết mạch, hầu như khó lòng truy cứu, khó lòng giải minh. Nó như thể một loại tình cảm nguồn cội, lắng sâu, dằn lòng xuống kết tạo thành một trọng lượng của tâm hồn. Sợi dây tình cảm này trói buộc bước chân con người, níu kéo con người không cho nó rời xa cái phố đẻ của nó.

Người ta bảo đất Thừa Thiên vừa là vườn ươm vừa là bệ phóng nhân tài, cũng có nghĩa nơi đây vừa là địa điểm đào tạo, rèn luyện con người, vừa là môi trường thiên nhiên hun đúc bồi dưỡng tư chất cho tuổi thanh niên lập nghiệp để rồi sau đó đàn chim rời tổ bay xa. Người con của Huế cảm thấy khó lòng rời xa bàn thờ tổ tiên hoặc cõi nhà vườn của mình. Tuy nhiên nó vẫn có cảm nghĩ chưa bỏ nhà ra đi vẫn chưa viên thành vận số của mình. Và một khi xa xứ, bắt đầu nảy nở trong tâm thức kẻ ly hương một loại tình cảm mới: tình cảm hoài hương. Loại tình cảm này có tính chất siêu hình, thâm sâu như tình con với mẹ, nó âm ỉ như mạch ngầm, như than hồng vùi dưới tàn tro. Xin đừng xem đó là một thứ tình cảm nhi nữ thường tình, ủy mị. Nó vừa giúp con người không quên nguyên quán của mình, vừa thôi thúc con người sống chẳng phải cho bản thân, mà cho một vận hội chung, có tính vị tha, hướng thượng. Trong nhãn thức ấy, con người lưu vong gầy dựng hội đoàn, tập thể ái hữu hướng vọng về quê hương, xem đó như những ốc đảo tình cảm giữa đời sống mênh mông.

VĂN HÓA

Tôi xin phép không đưa ra một hay nhiều định nghĩa về văn hóa. Tôi chỉ xin nhắc lại những thành phần cấu thành văn hóa có thể dẫn dắt suy nghĩ và hành động của chúng ta.

Văn hóa có mặt tĩnh và mặt động của nó, mặc dù, xét cho cùng, tĩnh hay động cũng chỉ là tương đối.

Văn hóa tĩnh bao gồm những thiết kế xã hội đã có từ lâu, từ lâu đời, hoặc đã định hình, như ngôn ngữ, tập tục, các công trình.

Văn hóa động bao gồm những hoạt động của con người và xã hội đang xảy ra, đang tượng hình trong bước tiến của con người đến với con người, chuyển động không ngừng, hứa hẹn tiếp thu hoặc rũ bỏ.

Văn hóa không chỉ khoanh vào thượng tầng kiến trúc của con người. Nó cũng là hạ tầng kiến trúc luôn nữa. Mặc dù vẫn biết con người tạo ra vật, nhưng ta không nên quên rằng chính vật góp phần đắp nên bộ mặt mới cho con người.

Ta thường nói đến nhiều hình loại văn hóa khác nhau, như văn hóa làng xã, văn hóa đô thị, văn hóa đồ nhựa, văn hóa thái cổ… Nhưng có một loại văn hóa có thể kết nạp đủ màu da, có thể thông thương mọi loại địa hình, có thể xuyên suốt lịch đại, đó là văn hóa của tâm hồn. Đây là một thứ triết lý, nhưng không phải là triết lý cao siêu, nó bình thường, thường ngày và vĩnh cữu.

Đây có thể nói là một loại triết lý phi triết lý vì nó dễ hiểu, dễ nhận ra, có thể đến với mọi người, nuôi dưỡng mọi người, lan tỏa chung quanh mình.

Đó là nếp sống tự trọng và vì người khác.

“Tự trọng và vì người khác”, theo tôi nghĩ, là đỉnh cao của đời sống công dân.

Lối sống này sản sinh ra một loại người mà ta có thể gọi là trí thức. Trí thức chẳng thuộc một giai cấp nào cả. Có trí thức tư sản và có trí thức vô sản. Người trí thức không phải là người thuộc tầng lớp cao cấp, đứng lên trên đa số, hay tách biệt với đám đông. Người trí thức được phân bố đều khắp, chung cùng với người khác, và nhờ vậy được người khác tôn xưng là trí thức, trong khi người trí thức không tự nhận là trí thức.

Người trí thức không nhất thiết là người học cao, không nhất thiết là người đỗ đạt, mặc dù vẫn biết cái học là bàn đạp đưa đến tri thức.

Tóm lại, có thể nói người trí thức là người nhạy bén với những chuyển biến của xã hội, sẵn sàng vì người khác, sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi về phía mình.

Vì vậy, người trí thức là người có văn hóa cao.

Huế, từ xa xưa là vùng đất thu hút những vùng đất khác nhờ cảnh quan đặc sắc một phần, nhờ luôn cả những huyền thoại hư ảo của một vùng đất chưa được biết nhiều do giao thông còn hạn chế. Riêng giới tao nhân mặc khách của Bắc hà, trước cách mạng tháng tám, hầu như đều có đến Huế và lưu ngụ tại đây một thời gian. Như Đoàn Phú Tứ có sống qua hàng tháng ở Vỹ Dạ, như Nguyễn Bính ở Ngự Viên, Nguyễn Tuân thì lại là người đi sưu tập từng giọt mưa ở Huế và chuyên ngóng các cô gái Huế đi qua cầu Trường Tiền, còn những nhạc sĩ như Dương Thiệu Tước, Phạm Duy, Văn Cao thì thích lênh đênh trên sông Hương.

Huế đã mất đi nhiều địa điểm văn hóa.

Trước hết là cái Nhà Kèn theo cách gọi thông dụng trước cách mạng tháng tám để chỉ cái nhà lục giác ở công viên trước mặt Trường Đại Học Sư Phạm. Cái nhà nhỏ ở công viên này thực ra không hoàn toàn bị bỏ quên, thỉnh thoảng được trở thành địa điểm văn học nghệ thuật, hoặc là làm triển lãm, hoặc là làm nơi đọc thơ, âm nhạc. Chỉ khác một điểm là trước đây nó là nơi tấu nhạc cuối tuần.

Địa điểm thứ hai bị mất hẳn là Nhà hát Vỹ Dạ. Đây là một nơi hát bội và dùng làm nơi trình diễn cho các đoàn hát các tỉnh khác đến dừng chân và trình diễn nghệ thuật cho dân chúng các vùng ngoại ô.

Địa điểm khác nữa là Nhà hát Bà Tuần ở đường Phan Đăng Lưu, trước đây là đường Gia Long hoặc Ngã Giữa. Đây là một nơi Hát Bội, sống rất lâu năm, nhưng nay thì không còn.

Một địa điểm tiếp theo là Hội Quảng Tri ở đường Huỳnh Thúc Kháng, trước đây là Hàng Bè. Trước đây Hội Quảng Tri dùng làm nơi diễn thuyết. Thanh niên và nói chung dân chúng đều vào đây được và nghe những bậc thức giả diễn thuyết về đề tài thời sự và văn học nghệ thuật.

Ngày nay, bù vào những địa điểm đã mất, Huế có hai nhà hát nhưng cả hai nơi đã đánh mất tính cách đều đặn, thường xuyên và đánh mất chức năng giáo dục, thuyết trình và đối thoại.

Ngoài ra, sinh hoạt văn hóa hiện giờ, nói chung, thưa thớt, rất mỏng.

Trước đây sinh hoạt văn hóa được tổ chức ngay từ trong trường trung học, thí dụ trường Quốc Học để ra ngày thứ năm để thuyết trình. Phần thuyết trình cũng như phần đối thoại được chia đều cho thầy lẫn trò, không phân biệt.

Sinh hoạt này hầu như mất hẳn. Ngay cả các trường đại học ở Huế, nếu tôi không nhầm, càng ngày càng ít tổ chức hoạt động này, mà chỉ tập trung lo việc giáo án, giáo trình, thi cử. Luôn cả nghiên cứu khoa học cũng không gây được tiếng vang ra khỏi học hiệu của mình, đánh mất tính chất cộng đồng của Đại học.

Đã từ lâu nay, bản thân tôi mơ ước Huế có được một tòa nhà gọi là Nhà Hội Nghị, và Huế xứng đáng có ngôi Nhà Hội Nghị như thế này. Trước tiên đó là một ngôi nhà hái ra tiền, vì nó không phải phục vụ riêng cho Huế mà nó còn là nơi vừa nghỉ dưỡng vừa làm việc nghiêm túc cho bất cứ tỉnh thành nào trong cả nước muốn hội thảo hội nghị một cách vừa thay đổi không khí vừa thưởng ngoạn cảnh quan sông biển và thưởng thức ẩm thực đặc sắc của Huế.
Với một Nhà Hội Nghị như thế này, tôi tưởng tượng thêm rằng có một thời điểm nào đó trong năm, ta vẫn có thể tổ chức 2 hoặc 3 hội nghị cùng một ngày hoặc cùng một giờ với nhiều lãnh vực khác nhau, nhiều đề tài khác nhau, cho từng đoàn trong tỉnh, từng đoàn trong nước và từng đoàn quốc tế. Nếu lãnh đạo thành phố Huế có chủ trương chiêu hiền đãi sĩ, có ưu tư khai trí và đào tạo cho các thế hệ tương lai, nếu Ban chủ nhiệm ngôi Nhà Hội Nghị dự ước ấy làm việc chặt chẽ với Sở Du Lịch Tỉnh, với Sở Công An Tỉnh để thu hút những tên tuổi có thẩm năng trong cả nước và để cầu thị đối với những khách vãng lai từ nước ngoài về cũng như người ngoại quốc, đồng thời vẫn an tâm về mặt chính trị, thì đây là một cơ hội lớn cho thanh niên sinh viên được trang bị tri thức, được tiếp cận những vấn đề lớn, được trao đổi học hỏi một cách thiết thực. Đây cũng còn là một dịp cho thanh niên sinh viên Huế làm quen với người nước ngoài và thực hành Ngoại ngữ.

Nhân đụng đến vấn đề Ngoại ngữ, tôi buộc lòng nói thêm rằng chương trình Ngoại ngữ hiện nay của ta trong Đại học đang ở trình độ khá thấp, nếu không muốn nói là rất thấp. Và nếu chương trình học hiện hành trường tồn bền vững, không biết đến bao giờ ta mới thiết lập được những cuộc đối thoại bình đẳng với nước ngoài, không biết đến bao giờ ta mới vươn tới sự đánh giá tương đương giữa bằng cấp trong nước và bằng cấp quốc tế.

Một nước láng giềng với ta là Thái Lan, năm 2003, đã khai sinh một mô hình tiên tiến về công viên và gọi tên là công viên tri thức, trong đó có thư viện, phòng nghe nhạc, đủ loại đồ chơi. Công viên này lập ra những góc riêng, góc chung, phục vụ cho mọi người ở mọi lứa tuổi, người già, trẻ nhỏ thật nhỏ và luôn cả cho người khuyết tật. Sở dĩ tôi nêu dẫn trường hợp này là vì tôi cho rằng nó là khả thi, tuy tốn kém, nếu không khả thi ngay trong hiện tại thì cũng khả thi trong một tương lai gần. 

B.Y

(Còn nữa)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here