Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Huế – những tháng ngày sục sôi – Kỳ cuối: Trở thành...

Huế – những tháng ngày sục sôi – Kỳ cuối: Trở thành Việt cộng

139
0

Bị truy lùng gắt gao

Khi chúng đọc đến tên thầy Chơn Lạc thì các thầy nháy mắt bảo tôi đi qua. Cuối cùng thầy Chơn Lạc không có tên. Thầy Chơn Lạc nhanh trí liền khai một tên khác và bảo chúng: Tôi là Thích Huệ… tu ở Hội An, ra thăm chùa Tường Vân gặp phải lúc tranh đấu kẹt đường chưa vào được. Chúng hỏi: Thế Thích Trí Minh đâu? Các thầy nhất loạt đáp: Ở đây không có ai là Trí Minh cả! Trí Minh là Nguyễn Đắc Xuân – một tên Việt cộng nằm vùng. Nghe thế tôi sợ quá. Nhưng may là bọn lính này lần đầu đến Huế nên chúng không nhận ra tôi. Tôi thoát được.

Bọn lính vừa rút đi, tôi cảm thấy chân tay bải hoải bèn vào liêu ở phía đông nằm yên tĩnh để lấy lại sức. Tôi đang suy nghĩ về ngày mai của mình thì đột nhiên nghe tiếng xáo súng lắc cắc và tiếng giày bốtđờxô rầm rập bên ngoài. Bọn lính trở lại bao vây chùa Tường Vân. Tôi đang lúng túng chưa biết xử trí thế nào, các thầy bảo tôi nhảy vào trốn trong cái áo quan của hòa thượng Tăng thống Thích Tịnh Khiết, rồi các thầy đậy nắp lại giấu. Nhưng tôi không dám nên theo chân các thầy chạy tán loạn ra vùng đồi núi phía sau chùa. Bọn lính dàn hàng ngang xộc vô chùa lùng sục rồi chạy ra bốn phía xung quanh tìm tôi. Tìm không ra, chúng rút quân và chửi bới om sòm. Sau này tôi được biết lúc ấy có các tên chỉ điểm đang đứng bên ngoài. Bọn chỉ điểm cam đoan là tôi đang ở trong chùa, bọn địch vào hai lần mà bắt không được tôi, chúng giận chửi bới các tên chỉ điểm tơi bời.

Biết không thể tiếp tục ở chùa Tường Vân được nữa, thầy Chơn Các là người địa phương bố trí cho tôi ở bí mật trong nhà dân. Nhưng ở trong nhà dân cũng sợ liên lụy cho dân. Bà con tổ chức cho tôi trốn trên rầm thượng đình làng Dương Xuân Hạ. Hằng ngày sẽ có người mang cơm ra cho tôi. Dương Xuân Hạ là một ngôi làng cổ, đình làng đã có mấy trăm năm. Rầm thượng của đình đã phủ một lớp bụi trần khá dày. Tôi cởi trần và nằm trên lớp bụi đó. Tôi giải buồn bằng cách đọc cuốn Trà hoa nữ mà một thanh niên trong làng Dương Xuân Hạ đã kịp đưa cho tôi khi ra khỏi chùa Tường Vân.

Nét độc đáo nhất của phong trào đấu tranh đô thị của sinh viên miền Trung là sự ra đời của Đoàn sinh viên quyết tử. Đầu tiên là ở Huế, sau lan rộng ra nhiều tỉnh thành khác. Trong ảnh: Đoàn sinh viên học sinh quyết tử Đà Lạt làm lễ ra mắt và thề quyết tâm tranh đấu chống Mỹ – Thiệu trước nhà hát Hòa Bình – Ảnh tư liệu N.Đ.X.

Suốt hai ngày nằm chờ trên rầm thượng đình làng không có ai mang cơm ra cho tôi cả. Những chất thải trong người tôi đựng trong một cái thùng thiếc không biết làm sao có thể gửi đi đổ được. Biđông nước đã hết nhẵn từ ngày thứ nhất. Chưa có ám hiệu an toàn nên tôi không dám xuống. Đến chiều tối ngày thứ hai thì một thanh niên ra gọi tôi xuống. Anh ta báo cho tôi biết trong hai ngày qua, một tiểu đoàn lính dù chiếm đóng làng Dương Xuân – nơi chúng cho là địa bàn lõm của Việt cộng, vì thế không ai dám mang thức ăn ra cho tôi. Thấy tôi vùi trong bụi đất nhớp nhúa, người thanh niên bảo tôi đi tắm và liều mạng về nhà anh ở. Người ấy không ai xa lạ mà chính là em ruột thầy Chơn Các. Hằng ngày tôi phải ẩn mình trong buồng tối, ban đêm mới được ra ngoài. Buồn thật hết biết. Không có sách đọc, không có việc gì làm, không có người trao đổi nói chuyện, không thấy trời đất. Bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn thấy kinh khủng làm sao! Cái thú độc nhất lúc ấy chỉ còn biết thả hồn chơi vơi với những kỷ niệm, những ấn tượng còn ghi nhớ trong lòng.

Tôi nhớ tối 30-4-1966, nhân lên Đà Lạt liên lạc với các tổ chức tranh đấu trên ấy, tôi có dịp dạo chơi phố với linh mục Nguyễn Ngọc Lan, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Khánh Ly, nhà báo sinh viên Trần Trọng Thức (người làm báo Nước Mắt Mẹ của sinh viên Đà Lạt), Trần Duy Thọ, chị Sâm (vợ một sĩ quan làm quận trưởng ở Tây nguyên). Khi nói về sự bế tắc của các cuộc tranh đấu, linh mục Nguyễn Ngọc Lan bảo tôi: Hiện nay không còn con đường nào khác, ngoài con đường của Mặt trận giải phóng miền Nam. Tôi không ngờ một ông linh mục mà lại có tư tưởng ấy. Tôi nghĩ rằng linh mục nói câu đó là để đồng tình với tư tưởng của tôi lúc ấy. Tôi không hiểu tôi đã làm gì, ăn nói ra làm sao mà nhiều người cứ nghĩ tôi là Việt cộng.

Lá thư của Hoàng Phủ Ngọc Tường

 

Hoàng Phủ Ngọc Tường năm 1963. Ảnh do nha công an Trung nguyên Trung phần chụp sáng 21-8 trong “kế hoạch nước lũ” – Ảnh tư liệu N.Đ.X.

 

Thế rồi chuyện gì đến cũng đã đến. Vào một buổi tối trăng sáng nhờ nhờ, tôi ngồi dưới gốc cây nhãn trước sân nhà thầy Chơn Các ở Dương Xuân Thượng, bỗng thấy có một người đàn ông cao dong dỏng mặc sơmi bỏ ra ngoài quần, đầu đội mũ nilông như mấy ông thầu khoán hay đội, bước đến chào tôi với giọng thân thiết như đã quen biết tôi từ lâu. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng cũng đoán được hình như ông này ở trong rừng ra.Ông hỏi giọng thành thật: Mấy bữa nay bị lùng bắt chạy trốn căng thẳng lắm phải không? Vâng! – Tôi trả lời ngắn gọn thế.

Người đàn ông kể hết mọi việc đã xảy ra với tôi. Làm sao ông ta biết hết thế? Trời ơi! Cái đất Dương Xuân này đúng là cái địa bàn lõm của Mặt trận giải phóng. Dân ở đây đã báo cáo tình hình tôi bị lùng bắt với họ. Thế thì có chuyện gì ở đây mà Mặt trận không biết nữa đâu! Tôi đã ở với Việt cộng lâu nay mà tôi không ý thức được!

Nói chuyện được một chút, hai bên đã hiểu nhau. Cuối cùng ông khách rút cây viết máy giắt ở túi áo trên, tháo nắp bút rồi kéo ra một cuộn giấy nhỏ như điếu thuốc đưa cho tôi. Có người bạn gửi cho anh một lá thư đây! Tôi hơi run run mở cuộn giấy. Một lá thư viết trên giấy pơluya trắng tinh hiện ra trước mắt tôi. Nhìn kỹ thấy nét chữ đều đặn, nghệ sĩ, tôi biết ngay thư của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường – người bạn tranh đấu của tôi và cũng đang bị truy nã như tôi. Tôi hồi hộp đọc thư. Đại ý lá thư anh Tường viết: “Mình và Phan đã ra ngoài này được hơn nửa tháng nay. Rất an toàn. Biết Xuân lâu nay bị lùng bắt phải lẩn tránh rất căng thẳng. Vậy Xuân nên ra ngoài này nghỉ ngơi một thời gian cho tỉnh táo rồi vô lại tiếp tục cuộc đấu tranh”.

Đang lúc buồn, nhận được thư bạn tôi mừng lắm. Tôi cũng nghĩ chiến khu gần đâu đây thôi và cũng có đầy đủ các phương tiện để sống như ở một vùng quê nào đó của Thừa Thiên – Huế. Tôi vốn có cảm tình với Mặt trận giải phóng và có lần đã định thoát ly nhưng chưa gặp được người của cách mạng nên chưa đi. Bây giờ qua anh Tường thì tôi thấy đây là một cơ hội tốt. Tôi nhờ người đưa thư báo cho anh Tường biết tôi sẽ đi.

Người đưa thư bảo tôi một cách mừng rỡ: Vậy thì chuẩn bị gấp, sẽ có người đến đưa anh đi. Tôi trở thành “Việt cộng” từ cái hôm nhận được thư anh Hoàng Phủ Ngọc Tường.

 N.Đ.X (TTO)

 Kỳ 1: Những giọt nước tràn ly

Kỳ 2: Súng đã nổ 

 Kỳ 3: Lửa Từ bi từ Sài Gòn đến Huế

 Kỳ 4: Sinh viên Huế tuyên

Kỳ 5 “Nước lũ” tràn ra Huế 

Kỳ 6: Số phận Ngô Đình Cẩn

Kỳ 7: Phá hội thảo “Bắc tiến”

Kỳ 8: Đốt USIS và tòa lãnh sự Mỹ

 Kỳ 9: Trốn lệnh truy nã, mặc áo cà sa

Kỳ cuối: Trở thành Việt cộng

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here