Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Huế – những tháng ngày sục sôi Kỳ 4: Sinh viên Huế...

Huế – những tháng ngày sục sôi Kỳ 4: Sinh viên Huế tuyên chiến

142
0

Kỳ 1: Những giọt nước tràn ly

Kỳ 2: Súng đã nổ

Kỳ 3: Lửa Từ bi từ Sài Gòn đến Huế

Kỳ 4: Sinh viên Huế tuyên

Kỳ 5 “Nước lũ” tràn ra Huế

Các giáo sư lên tiếng

Linh mục Cao Văn Luận là người thân cận của chính phủ Diệm nhưng linh mục có tinh thần độc lập.

Suốt gần ba tháng chúng tôi bỏ đại học đi tuyệt thực tranh đấu, linh mục không hề có một lời cảnh cáo nào. Bây giờ có lẽ ông Diệm cách chức linh mục vì ông không ra lệnh đuổi hết những sinh viên tham gia tranh đấu chống chính phủ.

Sau này đọc hồi ký Bên dòng lịch sử của linh mục, tôi biết lúc đó có những mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa ông Diệm và linh mục Luận, nhất là chuyện linh mục và ông Âu Ngọc Hồ đi Mỹ về biết được phản ứng của dư luận Mỹ không có lợi cho ông Diệm và viết thư khuyên ông Diệm nên thay đổi đường lối cai trị mà ông Diệm không nghe.

Linh mục Luận bị cách chức, tôi không biết linh mục đã có phản ứng gì chưa nhưng tôi tin chắc những giáo sư, sinh viên từng trưởng thành dưới bóng mát của linh mục sẽ không chịu ngồi yên đâu. Quả nhiên như thế, chỉ một tiếng sau, anh em đem về cho chúng tôi một xấp thông báo của các thầy khoa trưởng các phân khoa Đại học Huế (y khoa, luật khoa, khoa học, sư phạm…) cùng “những nhân viên giáo huấn”.

Thông cáo “tuyên bố cùng thế giới, quân dân, và sinh viên nam nữ toàn quốc:

1. Vô cùng xúc động trước hai vụ hỏa thiêu tại Huế trong vòng năm ngày, trước sự cướp xác của vị tu sĩ tự thiêu, trước sự bắt bớ phật tử và sinh viên Phật giáo, trước viễn tượng tự thiêu của các sinh viên, trước vấn đề tranh đấu cho sự thực thi thông cáo chung giữa Phật giáo và Chính phủ;

2. Vô cùng xúc động trước sự thờ ơ của chính phủ đã để cho vấn đề kéo dài đến ba tháng rưỡi nay mà không đem lại một giải pháp nào để ổn định tình thế;

3. Vô cùng xúc động trước sự thay thế linh mục viện trưởng Viện Đại học Huế trước tình thế trầm trọng này.

Xin từ chức các chức vụ mà chúng tôi đảm nhận tại Viện Đại học Huế kể từ ngày hôm nay 17-8-1963”.

Bản thông cáo ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa. Các cuộc tự thiêu của sadi Thanh Tuệ và thượng tọa Tiêu Diêu cùng thái độ sẵn sàng tự thiêu của một số sinh viên đã gây xúc động mạnh đến các giáo sư đại học.

Chuyện ông Diệm cách chức linh mục Luận chỉ như một giọt nước rót thêm vào bát nước đã đầy. Linh mục Luận là ân nhân của biết bao người, linh mục Luận bị cách chức mà họ không có thái độ thì còn mặt mũi nào mà đứng trước bảng đen dạy dỗ sinh viên nữa. Vì thế, dù muốn dù không mọi người phải từ chức.

Sinh viên quyết định bãi khóa

 image

Sinh viên Ngô Văn Bằng đọc kiến nghị bên cạnh giáo sư Nguyễn Hữu Trí. Phía sau là Võ Văn Thơ, Huỳnh Ngọc Ghênh, Nguyễn Đắc Xuân, Hồ Đức Nhị, Vĩnh Kha, Nguyễn Văn Tú – Ảnh: tư liệu Nguyễn Đắc Xuân

Ngay đầu buổi chiều 17-8, không rõ qua kênh thông tin nào mà có chừng 500 sinh viên Đại học Huế tự động họp mặt tại giảng đường C Đại học Khoa học để tỏ thái độ với chính phủ Diệm đã cách chức linh mục Luận. Từ sau vụ đàn áp ở Đài Phát thanh Huế tối 8-5 cho đến nay, 17-8-1963, lần đầu tiên mới có một cuộc họp mặt sinh viên Đại học Huế như thế này.

Trong số 500 người tham dự không riêng gì sinh viên phật tử mà có cả sinh viên Công giáo, Tin lành, nhiều người xuất thân các trường dòng, trường Tây. Đặc biệt nhất là có nhiều nữ sinh viên xinh đẹp, xưa nay nổi tiếng đài các hôm nay cũng “xuống đường”.

Vào lúc 2g chiều, chúng tôi sắp hàng làm một cuộc tuần hành dọc theo đường Lê Lợi vòng qua đường Lê Thánh Tôn (nay là đường Hà Nội) đến tư thất linh mục Luận (nay là trụ sở của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Huế). Đi đầu đoàn tuần hành có hai sinh viên khiêng tấm bảng cáctông idôren với dòng biểu ngữ viết vội đại ý xin trả lại chức vụ viện trưởng Đại học Huế cho linh mục Cao Văn Luận.

Lên đến nơi thì thấy tư thất của linh mục Luận cửa đóng then cài. Chúng tôi chạy quanh nhà thì gặp thầy Nguyễn Hữu Trí (Đại học Sư phạm). Thầy Trí cho biết linh mục Luận đã rời Huế vào Đà Nẵng bằng xe con cách đó mấy phút.

Không gặp được linh mục Luận, đứng ngay trên thềm nhà, trước mặt thầy Trí chúng tôi nhân danh toàn thể sinh viên Đại học Huế thảo một kiến nghị gửi cho tổng thống Ngô Đình Diệm. Bản kiến nghị ấy sau này đăng trong tạp chí Nhận Thức (số 3-1964) có nội dung như sau (trích):

Chúng tôi, toàn thể sinh viên thuộc các phân khoa Viện đại học Huế, họp tại Trường đại học Khoa học lúc 14 giờ ngày 17-8-1963, ký tên dưới đây đồng kiến nghị và quyết định:

1. Yêu cầu tổng thống thâu hồi lệnh bãi chức viện trưởng của linh mục Cao Văn Luận.

2. Yêu cầu tổng thống và ông bộ trưởng quốc gia giáo dục tìm mọi phương sách để quý vị khoa trưởng và giáo sư đã từ chức để phản đối lệnh bãi chức trên đảm nhận lại chức vụ của mình.

3. Quyết định bãi khóa từ ngày hôm nay cho đến khi nào những nguyện vọng trên được thỏa mãn.

Đồng ký tên.

Xuống đường!

Kiến nghị của sinh viên Đại học Huế chỉ đấu tranh đòi phục chức cho cha Luận và yêu cầu chính phủ tìm mọi cách để các giáo sư trở lại nhiệm sở của mình, chứ hoàn toàn không đề cập gì đến cuộc đấu tranh của Phật giáo. Kiến nghị như thế vừa đúng với vị thế của sinh viên, vừa đoàn kết được các sinh viên không theo đạo Phật và đặc biệt “mở thêm một mặt trận mới” của sinh viên Huế chống Diệm song song với phong trào đấu tranh của Phật giáo.

Thảo và ký kiến nghị xong, chúng tôi kéo lên tòa đại biểu chính phủ tại 5 Lê Lợi – nơi người của chính phủ Diệm đang hội họp tìm biện pháp đối phó với phong trào đấu tranh. Lên đến nơi, cửa ngõ tòa đại biểu khóa chặt. Chúng tôi đứng ngoài hàng rào la ó vang rân. Cảnh sát và xe vòi rồng đến bao vây nhưng không dám hành động.

Thấy không thể trốn được, ông Nguyễn Xuân Khương – kỹ sư nông nghiệp hay thú y gì đó vừa được cử làm đại biểu chính phủ (thay ông Hồ Đắc Khương đã bị bãi chức) – cùng giáo sư Nguyễn Quang Trình – bộ trưởng bộ quốc gia giáo dục – ra đứng bên trong hàng rào tòa đại biểu tiếp sinh viên.

Ông Nguyễn Xuân Khương xổ giọng cha chú ra vừa dọa dẫm vừa vuốt ve sinh viên, liền bị chúng tôi vạch mặt. Giáo sư Nguyễn Quang Trình biết không thể đối chất với sinh viên nên đứng lặng thinh. Nhân thể một sinh viên nhảy lên đứng trước mặt giáo sư bộ trưởng đọc bản kiến nghị của sinh viên. Đọc xong chúng tôi nhờ ông chuyển kiến nghị lên tận tay tổng thống Diệm.

Gửi kiến nghị của sinh viên xong, chúng tôi định làm một cuộc biểu tình qua các đường phố hai bên bờ sông Hương. Lúc này nhiều sinh viên học sinh khác bổ sung cho đoàn biểu tình lên đến cả ngàn người, trong đó có cả các thầy dạy đại học. Dân chúng đứng hai bên đường đông nghẹt.

Quân đội và cảnh sát của Diệm triển khai lực lượng phong tỏa hết các đường phố. Họ bắt chúng tôi phải giải tán. Chúng tôi tuyên bố nếu bị giải tán thì sẽ ngồi tuyệt thực ngay tại chỗ trên đường Lê Lợi. Cuối cùng họ phải để cho đoàn biểu tình về tập họp trong khuôn viên công trường xây dựng Đại học Sư phạm trên nền cũ tòa khâm sứ Huế.

Có thể nói ngày 17-8-1963 là ngày lập nên truyền thống đấu tranh yêu nước của sinh viên Huế.

Để cho phong trào đấu tranh của sinh viên Huế được độc lập, chúng tôi dùng ngay văn phòng của Tổng hội Sinh viên Huế đặt tại tầng trệt nhà Morin thuộc Đại học Khoa học làm trụ sở đấu tranh. Từ chùa Từ Đàm mở thêm chi nhánh chùa Diệu Đế, nay có thêm Đại học Huế tạo thành cái thế chân vạc rất vững chắc.

NGUYỄN ĐẮC XUÂN

______________________

Chính quyền Diệm bất ngờ triển khai “kế hoạch nước lũ”, tấn công vào chùa chiền có tổ chức tranh đấu trên toàn miền Nam.

Chuyện gì xảy ra tại Huế?

Kỳ tới:  “Nước lũ” tràn ra Huế

Theo: Tuổi trẻ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here