Trang chủ Thiền môn xứ Huế Huế: Mùa an cư thanh tịnh

Huế: Mùa an cư thanh tịnh

136
0

Đây là một nét văn hóa An cư truyền thống của chư Tăng ở Huế, bởi mật độ chùa Huế rất tập trung, phân bố đều trên địa bàn thành phố nhỏ hẹp do đó mặc dầu không phải là trường hạ tập trung nhưng giữa các chùa có một sự liên kết An cư với nhau thông qua Ban Trị sự và Ban Tăng sự  lập danh sách Tăng, Ni An cư trong toàn tỉnh và theo dõi sát sao tình hình an cư của Tăng, Ni đã tạo lên một không khí an cư rất nghiêm túc.

Mùa an cư năm nay của Tăng, Ni Thừa Thiên-Huế đặt dưới sự chứng minh của HT. Thích Khả Tấn, Chứng minh đạo sư trú xứ; HT. Thích Đức Phương Y chỉ sư trú xứ. Ban Tăng sự đã lập danh sách đăng ký an cư năm nay toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 389 vị Tỷ Kheo; 218 vị Sa di tập sự tại 81 điểm an cư (chùa). Phía Ni bộ có 446 vị Tỷ Kheo Ni; 100 Thức Xoa, và 81 vị Sa di Ni của 73 chùa đã đăng ký an cư tại 5 điểm an cư là chùa Diệu Đức, chùa Diệu Viên, chùa Hồng Ân, chùa Hoa Nghiêm, chùa Diệu Hỷ.

HT. Thích Đức Phương sách tấn chư Tăng Ni mùa an cư PL.2554

Thông qua danh sách đăng ký an cư nầy, Ban Trị sự đã theo dõi tình hình an cư một cách sát sao để rà soát tình hình an cư kiết hạ của chư Tăng, Ni tại các trú xứ một cách tốt nhất. Cho nên tính hệ thống quản lý luôn được Ban Trị sự và Ban Tăng sự đề cao và được các chùa liên kết thực hiện tốt. Qua hơn một tháng tổ chức an cư các chùa đã tiến triển một cách thanh tịnh, trang nghiêm, chưa có một trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.

Trung bình tại mỗi trú xư an cư ở Thừa Thiên Huế có từ 10 đến 50 vị đăng kí “vào Hạ”, cho nên, việc phải có sự tổ chức đồng nhất về chương trình, thời gian tu học, tụng kinh niệm Phật và quá đường…đã được Ban Trị sự và Ban Tăng sự định hướng đúng đắn cho toàn bộ Tăng Ni tại các trú xứ. Một số vị vì đang tham gia công tác Phật sự cũng có thời gian thích hợp để thực hiện đầy đủ trách nhiệm an cư một cách đầy đủ nhất với chúng Tăng. 

Nhìn chung, chương trình cũng như tinh thần An cư đã được đề ra là rất khế hợp, nhẹ nhàn. Chương trình an cư mỗi ngày tại các trú xứ rất khế hợp với truyền thống “trú dạ lục thời” của thuyền môn. Mỗi ngày thường bắt đầu từ 3 giờ 30 sáng, tuần tự theo đó là chấp tác, tụng kinh, học Phật pháp giới luật, quá đường, thiền hành, công phu, tịnh độ, chỉ tịnh…Tại các cơ sở của trực thuộc Giáo hội Ban Trị sự có công văn gởi đến để các cơ sở đúc rút hoàn thành các chương trình hoạt động sớm để chư Tăng, Ni dành thời gian cho công việc tu học, trau dồi giới hạnh.

Chư Tăng, Ni tham dự họp an cư PL.2554

Mỗi tháng chư Tăng vẫn tiếp tục hai buổi Bố tát chung tại Tổ đình Từ Đàm, qua các buổi Bố tát chung này, ngoài việc tác pháp Bố tát, tụng giới… trước và sau giờ Bố tát chư Tăng có điều kiện và thời gian để cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tu học theo đúng tinh thần “đồng tu đồng học”. 

Một sự thuận duyên cho Tăng, Ni tại Thừa Thiên Huế trong mùa an cư nữa là các giới Phật tử đã hiểu được giá trị đích thực việc an cư của Tăng nên đã hạn chế rất nhiều sự thỉnh mời chư Tăng về tư gia để cầu siêu, cầu an. Thay vào đó, được Ban Trị sự, Ban Tăng sự và chư Tăng khuyến khích tổ chức tại các trú xứ an cư, kết hợp ngay trong lễ cúng dường Quá đường để chư Tăng thanh tịnh cầu nguyện thì sự lợi lạc sẽ thiết thực hơn. Đây là một việc làm thể hiện đúng tinh thần khế lý, khế thời của người con Phật, vừa có tính “hộ pháp” tạo thuận duyên cho chư Tăng, Ni an cư một cách viên mãn, làm tăng thêm phần thanh tịnh và đúng pháp “tứ chúng đồng tu”.

Những Đạo tràng, những đoàn thể Phật tử tại Thừa Thiên Huế là rất hùng hậu, cho nên vấn đề “hộ pháp” cho chư Tăng, Ni an cư như trên phải nói là diễn ra rất đều đặn. Mỗi Đạo tràng cũng đã lên cho mình một chương trình hành hương cúng dường tại hầu hết các trú xứ an cư của chư Tăng, Ni trong toàn tỉnh. Trung bình mỗi đạo tràng có từ 50 đến hàng trăm người nên việc vận động “hộ pháp” rất thuận tiện và nhất là đã tạo được hình ảnh văn hóa “cúng dường quá đường” rất đặc sắc trong mùa Hạ xứ Huế .

N.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here