Hòa thượng Thích Hải Ấn, phó trưởng Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, nói về ý nghĩa Vu Lan:
– Lễ hội Vu Lan là lễ hội lớn của người Phật tử. Tuy nhiên, có thể thấy Phật giáo Việt Nam với bề dày lịch sử trên 2.000 năm, lễ hội không chỉ là truyền thống sâu đậm của người Phật tử mà còn là nét văn hóa ở cả người dân Việt nói chung.
Theo đó, Vu Lan có ý nghĩa đầu tiên là sự báo hiếu: mọi người Phật tử đều trông chờ đến ngày Vu Lan để đến chùa lễ Phật cầu nguyện cho cha mẹ nhiều đời được giải thoát khỏi những cảnh khổ do nghiệp nhân nhiều đời mang lại.
Vì vậy, đây là ý nghĩa đầu tiên của người con Phật mong báo đáp ơn đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ trong quá khứ, và còn cầu nguyện cho cha mẹ hiện tại được luôn sức khỏe và an lành. Đồng thời thấm sâu hơn nữa là giáo lý tỉnh thức của đạo giác ngộ để thoát khổ trong cuộc sống hiện tại.
Ý nghĩa thứ hai: truyền thống Vu Lan còn là ngày cứu khổ – giải đảo huyền (nạn bị treo ngược) cho mọi sinh linh trong cuộc sống. Vì vậy người phật tử muốn đến chùa tụng kinh Vu Lan và kinh Báo ân để cứu khổ cho cha mẹ nhiều đời và cả cho mọi người bị nạn trong cảnh khổ như treo ngược.
Tôi cũng muốn nói thêm, cái khổ như người bị treo ngược này không chỉ có trong địa ngục vô hình, mà kể những người trong thế gian cũng có thể thấy được trong vô số cảnh khổ do bị phiền não hành hạ.
Ý nghĩa thứ ba là nét truyền thống tri ân và báo ân: người phật tử quan niệm có 4 ân lớn đó là ân Cha mẹ, ân Thầy tổ, ân Quốc gia và ân Chúng sinh. Do đó, ý nghĩa thứ ba của lễ hội Vu Lan chính là lễ hội tri ân và báo ân của người con Phật, và đến ngày rằm tháng bảy mọi phật tử đều mong đến chùa tụng kinh, lễ Phật, phóng sinh, bố thí làm nhiều điều thiện lành để đền đáp bốn ân nặng của người con Phật.
Ý nghĩa thứ tư: Chính là trong cuộc sống hiện tại của chúng ta phải sống đời thuận thảo với cha mẹ, bà con, thân thuộc. Nhất là phải săn sóc cha mẹ khi ốm đau, già yếu, cả vật chất lẫn tinh thần.
Hiện nay nét văn hóa ngày hiếu hạnh đã lan tỏa khắp mọi nơi qua truyền thống cài hoa hồng vào dịp ngày Vu Lan, đó cũng là nét văn hóa đẹp chúng ta cần tiếp nối và phổ biến để đem lại cuộc sống an lành cho mọi người, cho xã hội.
Hòa thượng Thích Hải Ấn – Ảnh: NVCC
Báo hiếu là một nếp sống đẹp của mọi người. Vì vậy theo tôi, mỗi người cố gắng báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên bằng cách làm lành lánh dữ, không làm các điều ác, luôn thực hiện các điều lành, giữ tâm ý của mình luôn tỉnh giác; khi cha mẹ còn sống thì luôn phụng dưỡng chăm sóc, khuyên cha mẹ cũng làm điều lành… Hòa thượng Thích Hải Ấn |
* Như hòa thượng nói, Vu Lan không chỉ là sinh hoạt đặc thù của Phật giáo mà cần phổ quát thành lễ hội của mọi người Việt trong việc đề cao hiếu đạo?
– Đúng vậy, Vu Lan là một nếp sống hiếu đạo không chỉ của người con Phật mà nét đẹp này cần phổ biến khắp cả mọi người. Bởi cũng như nhiều tôn giáo khác, Phật giáo rất đề cao chữ hiếu.
Đức Phật có dạy: Tâm hiếu là tâm Phật, hành hiếu là hành Phật. Tâm của con người hiếu thảo là tâm của Đức Phật, hành động hiếu thảo của con người chính là hành động của Đức Phật. Nét đẹp này rộng sâu bao nhiêu, cuộc sống có cơ hội đem lại an bình cho xã hội nhiều bấy nhiêu.
Thực hành hiếu hạnh theo tôi là một nếp sống lành mạnh và chắc chắn sẽ đem lại nhiều an bình hạnh phúc cho mọi người. Và khi chúng ta thực hành một cách rộng rãi trong xã hội thì không những đem lại an bình hạnh phúc cho mọi người mà có thể đem lại sự an bình cho cả mọi chủng loại chúng sinh trong môi trường sống của chúng ta nữa.
* Có nhiều người quan niệm tháng bảy là tháng cô hồn. Việc cúng cô hồn, giật cô hồn… trở thành hiện tượng xấu xí, thầy có chia sẻ gì về điều này?
– Cúng thí thực cô hồn là một sự bố thí cho các cảnh giới khác. Đây là một hình thức bố thí mở rộng cho khắp cả pháp giới chúng sinh.
Đạo Phật quan niệm còn có nhiều thế giới chúng sinh mà mắt thường và kiến thức của con người không thể nào nhìn thấy hết. Vì thế Phật giáo có lễ cúng cô hồn để cầu nguyện và bố thí cho khắp cả các loài chúng sinh đều được hưởng phước tuệ và phương tiện.
Trong lễ cúng này mục đích là làm cho tâm hồn của người phật tử mở rộng hơn đến vạn loài chúng sinh khắp trong pháp giới.
Nhưng cũng vì có một số người không hiểu hết những ý nghĩa này mà trở thành sa đà việc cúng kiếng hình thức, làm giảm đi ý nghĩa và trở nên mê tín, như đi tranh giật những đồ cúng thì làm cho mất hết ý nghĩa của cuộc lễ.
Chúng ta nên ý thức điều này để tránh đi những điều đáng tiếc không nên có.
Tấn Khôi – Hữu Tình thực hiện
(Nguồn: TTO)