Những phương pháp nghiên cứu và hành trì đạo Phật cũng nhiều và phong phú như những vùng mà Phật giáo đã được chấp nhận và tìm được nơi hoằng pháp. Nền giáo lý tuy xuất phát từ Ấn Độ nhưng đã lan tỏa một mặt ở khắp vùng Đông nam Á đến Tích Lan, Miến Điện, Cam Bốt, Thái Lan và mặt khác ở khắp vùng Trung bộ đông Á để đến Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam. Tây Tạng tiếp nhận tư tưởng Phật giáo chậm hơn và Phật giáo ở Tây Tạng có sự pha trộn rõ rệt của dòng truyền thừa Ấn Độ lẫn dòng truyền thừa Trung Hoa. Điều mỉa mai là ngay tại Ấn Độ nơi phát nguyên, đạo Phật từ lâu đã không còn sức sống. Kinh sách của Phật giáo ngay tại Ấn Độ hoặc bị hủy hoại, hoặc thất lạc và ngày nay người dân Ấn chẳng mấy ai biết đến đức Thích-ca Mâu-ni. Tuy nhiên, có thể nói là ở những phần còn lại của châu Á, đạo Phật đã nảy nở và tăng cường sự rực rỡ của nền văn hóa của những dân tộc đã tiếp nhận đạo Phật.
Giáo lý của Đức Phật là giáo lý công truyền: bất kỳ ai có quan tâm đều có thể tiếp cận với toàn bộ những lời dạy của Đức Phật. Ngược với những gì mà một số người vẫn tin, Phật pháp không hề dành riêng cho giới tỳ-kheo và cũng không phải là của riêng của các vị Tăng. Phật pháp có một tầm quan trọng lớn lao đối với mọi chúng sinh. Nếu Phật pháp có thể trở thành một sức mạnh năng động để đóng góp một cách đáng kể cho sự giải thoát của toàn thể loài người, nền giáo lý ấy sẽ đòi hỏi sự cộng tác của một số ngày càng tăng các nhà trí thức trên toàn thế giới để làm sáng tỏ và truyền bá rộng rãi một cách có hiệu quả lời Phật dạy cho mọi dân tộc. Trong việc thúc đẩy sự lan tỏa của tư tưởng Phật giáo, có lẽ có ba điểm dưới đây cần được chú ý:
Trước hết, để giúp mang lại thanh bình cho thế giới, con người cần phải chứng nghiệm bản chất của sự khổ đau rồi từ đó phát triển bồ đề tâm. Có những người trẻ tìm đến đạo Phật chỉ vì họ đã hiểu một cách sai lạc rằng đặc điểm của đạo Phật là xa lìa trần thế, coi đạo Phật là một cách biểu hiện sự nhàm chán đối với cuộc đời, để cuối cùng rơi vào chủ nghĩa hư vô. Ngày càng có nhiều nhà trí thức và học giả tìm hiểu đạo Phật, nhưng mối quan tâm chính của họ là vấn đề học thuật và họ thiếu sự tận tụy trong việc hành trì những điều tinh túy của giáo pháp. Ngay cả việc hành trì đơn độc trong những khung cảnh thiên nhiên hẻo lánh – cuộc sống khổ hạnh ẩn dật – cũng quyến rũ nhiều hành giả vì những lý do sai lầm, bởi vì họ cũng thiếu sự tận tụy với những điều tinh yếu của giáo pháp. Động lực cần phải được tập chú vào cốt tủy của đạo Phật là việc làm tăng trưởng sự nhận biết về sự đau khổ của chúng sinh trong vòng sinh tử, cũng như việc làm phát khởi bồ đề tâm để dẫn đến trạng thái giác ngộ trọn vẹn và hoàn hảo (trạng thái A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề). Ngay tự ban đầu, chúng sinh vẫn bị lẫn lộn về thực tại tối hậu, và vì sự lẫn lộn ấy, họ cảm thấy yêu thích điều này ghét bỏ điều kia, từ đó tạo nên những phán đoán dựa trên những tiền đề lầm lạc. Sớm hay muộn những mối quan hệ ưa thích cũng chấm dứt trong sự chia lìa, mang lại kết quả là sự đau khổ; và những sự oán ghét đã được nuôi dưỡng lại bùng lên mỗi khi đối tượng ghét bỏ của một con người nào đó lọt vào tầm nhận biết của con người ấy. Theo thời gian, cả lòng yêu thương và nỗi oán giận đều trở nên gánh nặng khiến cho con người chìm vào biển cảm xúc. Bao lâu mà những sự phân biệt còn được tạo ra dưới hình thức gia đình tôi, dân tộc tôi, đất nước tôi với cái giá phải trả là cũng các phạm trù ấy nhưng liên quan đến kẻ khác, sự yêu ghét vẫn còn gài vào nhau và hậu quả là sự nhầm lẫn sẽ được gây nên làm động lực cho bạo động. Các bậc thánh đều hiểu rằng những người bạn của họ hiện tại có thể là kẻ thù của họ trong quá khứ, trong khi những kẻ thù hiện tại của họ lại trở thành những người được yêu thương của họ trong tương lai. Vì thế, họ không có thù hay bạn. Họ cũng biết rằng khi sự phân biệt còn bị bấu víu bởi tính ngoan cố, sự nhầm lẫn tiếp tục tăng trưởng và những sự điều chỉnh hời hợt ngoài mặt không thể nào tẩy sạch những vướng mắc đã được phòng thủ kiên cố ấy. Để mang lại sự giải thoát cho thế giới, con người cần sự minh bạch chói lòa của sự giác ngộ hoàn toàn, phát khởi bởi bồ đề tâm, mới có thể hiểu được sự thống nhất giữa tự ngã của mình với bản ngã của tha nhân. Khi đó, và chỉ khi đó, mọi cấu uế của tâm thức con người mới được nhìn thẳng vào một cách có hiệu quả. Đó mới là ý nghĩa của việc quan sát nỗi đau khổ để làm phát khởi bồ-đề tâm.
Tiếp theo, điều mà con người phải làm để mang lại thanh bình cho cuộc sống loài người là học tập Phật pháp với tâm từ vô lượng. Khi đã phát khởi bồ-đề tâm, hành giả nay ở địa vị của người thông hiểu Phật pháp và sẵn sàng phát triển những phương pháp giảng dạy thích hợp. Những giáo pháp công truyền và bí truyền – Nguyên thủy, Đại thừa, Kim Cương thừa, Pháp Tướng tông hay Thiền tông – tất cả đều chứa đựng những giải pháp thích hợp có thể được ứng dụng thành công cho mọi lãnh vực chuyên biệt của sự nỗ lực. Chính trị học, kinh tế học, các ngành khoa học xã hội, giáo dục, y khoa, vân vân, tất cả đều có chỗ đứng trong việc hành trì giáo pháp của Đức Phật, và những người đã được phú cho lòng từ vô lượng sẽ ở địa vị ứng dụng một cách thiện xảo một phương pháp thích hợp cho mọi hoàn cảnh. Khi đó mọi hành động đều hướng đến việc giải thoát cho mọi chúng sinh, dẫn dắt mọi chúng sinh hướng đến việc đạt được sự giác ngộ triệt để tối thượng. Đó mới chính là ý nghĩa của việc học tập Phật pháp với từ tâm vô lượng.
Sau cùng, điều mà con người phải thành tựu để mang lại thanh bình cho thế giới bao gồm việc hành trì miên mật sáu đức tính tối thượng hay còn gọi là sáu ba-la-mật. Giả sử một người đã phát khởi tâm bồ-đề và đã học tập Phật pháp với tâm từ vô lượng. Nếu như người ấy không thực hành những gì mà người ấy rao giảng, thế thì làm sao người ấy có thể gột bỏ những cấu uế trong tâm thức của chính mình để hướng dẫn con thuyền chở mọi chúng sinh vượt qua biển sinh tử đến bến bờ niết-bàn? Các bậc Bồ-tát đều thực hành sáu ba-la-mật: bố thí cho mọi người; buộc thân và tâm của mình phải tuân theo giới hạnh; không bị tác động bởi được mất, khen chê, vui buồn; luôn luôn tránh những tư tưởng xấu ác và trưởng dưỡng những ý nghĩ hiền thiện. Tương tự, sự quán sát trong tĩnh lặng là điều vô cùng quan trọng, Thiền tông Trung Hoa gọi là Chỉ và Quán. Cũng quan trọng không kém là việc sử dụng sự bén nhạy của trí tuệ khi xem xét điều gì cần làm, chẳng hạn như việc làm thế nào để từng bước điều chỉnh dần những hành vi và động lực thiếu chính đáng, từ đó giảm bớt tham ái, chấp thủ và vô minh. Giáo pháp về Lục độ đem lại lợi ích cho mình và cho mọi người. Những hành giả nhập môn nên chọn một hay hai hạnh trong lục độ rồi chuyên tâm thực hành cho đến khi thuần thục. Sau một thời gian khi hành giả đã phát triển xu hướng thực hành của mình, hành giả sẽ thụần thục đối với cả Lục độ. Lúc sự thực hành của hành giả đã đạt được một mức độ thành tựu đáng kể và hành giả có thể khởi tâm bồ-đề của mình bất cứ lúc nào ở bất cứ đâu, hành giả cảm nhận được sự hài hòa ở khắp mười phương. Đó là trạng thái được gọi là Bát-nhã-ba-la-mật hay tình trạng có Tuệ giác tràn đầy.
Càng có nhiều người khởi bồ-đề tâm và thực hành chánh pháp, nhờ đó mà chuyển hóa tâm cấu uế thành trí thanh tịnh tỏa sáng, cõi Ta-bà càng thanh tịnh. Nếu tâm thanh tịnh, quốc độ cũng thanh tịnh. Khi đại đa số con người đã thanh tịnh được hạnh nghiệp của mình, vô số quốc độ tạo thành thế giới này sẽ trở nên tĩnh lặng; cõi con người sẽ trở thành cõi thanh bình. Điều đó chẳng phải là không hợp lý. Và chẳng lẽ điều đó không đáng cố gắng thực hiện hay sao? Mong sao mọi người cùng nhau tham gia vào nỗ lực tập thể xứng đáng nhất này.
Nguyễn Hiền Phác biên dịch