Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Hoan hỷ phụng hành

Hoan hỷ phụng hành

132
0

“Ngã văn” chính là Ngài A-nan nghe pháp, đại diện cho thính chúng. “Như thị” nghĩa là “như vậy”, “như thật”, là sự khẳng định lời dạy của Phật, là như thật, không hề sai khác hay lẫn tạp, mang phong cách thuần vị giải thoát. Nó khẳng định tính như thật, gây lòng tin nơi thính chúng.

“Phụng hành” nghĩa là vâng theo mà thi hành. “Hoan hỉ” là mừng vui, trong đó có chứa đựng pháp hỷ và pháp lạc. “Hoan hỉ phụng hành” là vâng lời Phật dạy mà làm theo với tâm lí vui mừng hớn hở.

Như vậy, tại sao khi nghe lời Phật dạy, các Tỳ-kheo lại hoan hỉ phụng hành?

Điều này được biểu hiện nơi tính chủ quan và tính khách quan. Tính chủ quan là tinh thần cầu pháp, tính gạn lọc và mong cầu sự an lạc giải thoát sau khi cảm nhận vô thường, khổ đau, với tâm lí tự độ và độ tha hoàn toàn tự nguyện; tính khách quan là sự khế lí và khế cơ của lời Phật dạy, là tính như thật biểu hiện chân lí cứu khổ. Do đó, với tâm mong cầu được đáp ứng một cách triệt để và hoàn hảo thì không ai mà không hoan hỉ phụng hành.

Có thể chứng minh điều đó hoàn toàn là sự thật. Trước hết, đức Phật là đấng giác ngộ, là bậc đại trí tuệ, đại từ bi. Ngài tự thân khám phá ra chân lí và nguồn gốc khổ đau. Với lòng thương tưởng chúng sinh, từ kim khẩu của Ngài, chân lí ấy được lưu bố khắp chốn trời người, dưới mọi hình thức, thời gian, không gian, khiến nhân loại thấy rõ bản chất của cuộc đời, nhân sinh và vũ trụ để tìm đến chân lí cứu cánh hoàn hảo. Giáo pháp của Ngài chỉ thuần một vị song vì tâm lí chúng sinh sai khác, nên nói pháp sai khác, tuỳ theo căn cơ, trình độ mà thành ra tám vạn bốn ngàn pháp môn. Do vậy, giáo pháp của Ngài luôn có hai đặc tính “khế lí và khế cơ”.

Khế lí là phù hợp với chân lí, tất cả đều dựa trên sự thật của duyên sinh và vũ trụ, nhằm đoạn tận khổ đau, đạt đến cứu cánh an lạc, trong đó chỉ có một vị giải thoát. Khế cơ là phù hợp với căn cơ, trình độ của người nghe pháp, là sự gắn bó mật thiết với chúng đương cơ. Tuỳ theo từng cá nhân, từng chúng hội để nói pháp sai khác, khiến tất cả đều có thể nghe, hiểu và đạt được pháp hỉ, pháp lạc.

Mặt khác, lòng mong cầu giáo pháp là điều thiết yếu. Sau khi cảm nhận được sự thật khổ đau của cuộc đời, thấy được sự hư nguỵ của thế giới nhân sinh mà phát tâm mong điều chân thật. Sự khát khao cháy bỏng đó được xoa dịu và đáp ứng bởi chân lí như thật của đức Phật. Như người bệnh gặp thuốc hay, như khát gặp nước uống, như đêm tối gặp đèn… như vậy thì vui mừng làm theo là điều tất yếu.

Cho thấy, chân lí càng khó tìm kiếm bao nhiêu thì thái độ đón nhận chân lí càng trở nên khẩn thiết bấy nhiêu. Bởi vì, giữa khách quan và chủ quan có mối tương quan đặc biệt. Chân lí chỉ biểu hiện khi thực sự đem lại an lạc hoàn toàn cho chúng sinh. Và chúng sinh chỉ đạt được cứu cánh Niết-bàn khi tiếp xúc với chân lí, mà chân lí hoàn toàn đã được đức Phật khám phá, nên thái độ tiếp nhận nghiễm nhiên trở thành cốt yếu và được đặt lên hàng đầu. Nó có khả năng quyết định trong sự tu học, và cũng là nguyên nhân chính để đạt được pháp hỉ, pháp lạc đối với chân lí của đức Phật.

Đến với chúng ta ngày nay, sự nghe pháp có đạt được pháp hỉ, pháp lạc để hoan hỉ phụng hành hay không là điều cần xem xét. Sự xem xét đó cũng được dựa trên hai yếu tố khách quan và chủ quan, hay là tính khế cơ và khế lí của kinh điển đối với mức độ tu học của giới học Phật đương thời.

Trải qua hơn 2.500 năm, giáo lí đức Phật vẫn luôn luôn giữ vững tính khách quan của nó. Mỗi bài kinh, mỗi câu kệ trong Tam tạng Kinh điển luôn mang tính khế lí, khế cơ. Điều này được chư Tổ, chư vị tôn túc kiểm chứng và thực hành, đạt đến giải thoát an lạc, nên tính khách quan không còn gì để bàn cãi. Điều cốt yếu ở đây là thái độ của sự nghe pháp; hay nói khác hơn là tính chủ quan của người học Phật.

Như trên đã nói, cảm nhận sự thật của cuộc đời mà phát tâm mong cầu chân lí là nhiệm vụ tiên quyết. Đó là phát tâm Bồ-đề với lòng khát khao tự độ và độ tha. Tất cả các thiện pháp được thiết lập trên sự phát tâm đó. Nếu hành giả chưa ý thức được tinh thần tự độ và độ tha với lòng thương vô bờ bến thì không thể tiếp nhận chân lí. Nên pháp hỉ, pháp lạc không thể đến với hành giả. Chẳng những sau khi nghe pháp đã không hoan hỉ phụng hành, mà còn cảm thấy phiền não, khổ đau trong sự trói buộc.

Đứng trên phương diện khác, có thể có liên quan đến người truyền pháp và người nghe pháp mà dẫn đến hoan hỉ hay phiền não. Chân lí là một, lòng cầu pháp thiết tha mà sự truyền đạt chân lí thiếu thực tiễn, không phù hợp với chúng đương cơ, thì lỗi ở đây thuộc về người truyền đạt, không thuộc về chân lí, hay ở người nghe pháp. Còn nếu người nghe pháp không biết được mình đang cần những gì, tu những gì hay không thấy được “thực tại đang là” của mình thì dù có thiên kinh vạn quyển cũng không có kinh nào phù hợp với họ. Dù có bậc biện tài vô ngại cũng không thể rót vào lòng họ những pháp âm giải thoát, còn nói chi đến việc nghe pháp mà hoan hỉ phụng hành.

Vì vậy, vấn đề đặt ra cho mỗi người học Phật là sự hoan hỉ phụng hành. Nó là sự kết tinh giữa hai nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vấn đề thiết yếu hàng đầu là sự lợi ích trong khi nghe pháp, tất cả không ra ngoài mục đích giải thoát an lạc. Hầu hết sự truyền đạt đều dựa theo bản ý của đức Phật và trình độ hiện có của chúng đương cơ. Sự sửa soạn thân tâm trở nên tất yếu, mà trong đó tinh thần cầu pháp là điều đáng quan tâm hơn cả.

Để có được sự khát khao, mong cầu giải thoát, một thái độ tôn kính, không thể không xây dựng trên căn bản lòng tin. Ở đây, lòng tin được chỉ đạo bởi chánh kiến trở nên cần thiết, mà lòng tin đó luôn luôn lấy ái tâm và kỉnh tâm làm đầu. Sự ái kính đối với Tam bảo, đối với thân quyến, đối với tha nhân và đặc biệt là sự tôn trọng bản thân. Khi kỉnh tâm được thiết lập trên cơ sở chánh kiến thì lòng tin bất hoại được nhen nhóm và tăng trưởng. Có kỉnh tâm là có sự thân cận thiện tri thức, đó là nhân tố để tăng trưởng chánh kiến, thấy được sự thật của cuộc đời, thì sự mong cầu chân lí sẽ đến và chân lí sẽ đơm hoa trên mảnh vườn tâm của chúng ta.

Qua trên, ta thấy tính như thật của giáo lí đức Phật được xác tín bởi lục thành tựu và rốt ráo ý nghĩa năng độ với “hoan hỉ phụng hành”. Một sự sắp xếp vừa có nghĩa chân thật, vừa có nghĩa thực tiễn, lợi ích, hoàn toàn mang bản sắc trí tuệ và từ bi của đức Phật. Giáo lí ấy mỗi khi ta nói ra đều phù hợp với chân lí và có lợi ích thật sự cho tha nhân. Chân lí muôn đời vẫn là một, trách nhiệm còn lại ở mỗi chúng ta. Sự hướng tâm cầu pháp như đói cầu được ăn trở nên bức thiết. Thấy rõ sự bế tắc trầm luân của bản thân và tha nhân mà phát tâm cầu giải thoát là phương châm lấy nghĩa tự độ độ tha làm cứu cánh, thì việc nghe pháp không còn vô ích hay phản tác dụng, mà sẽ có sự hoan hỉ phụng hành đối với chúng ta.

N.K

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here