Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Hoài niệm chùa xưa

Hoài niệm chùa xưa

140
0

“Hồi tưởng lại, không biết tự lúc nào, bắt đầu từ mấy tuổi, tôi đã gắn bó với chùa làng. Ở quê tôi, hình như gia đình nào cũng vậy, đến các ngày vía, các ngày trai trong tháng, lũ nhóc chúng tôi lại quấn quýt chạy theo ba mạ đi đến niệm Phật đường vui đùa, chạy nhảy và tụng kinh với các bác, các chú…”


“Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng,
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung…
Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của Tổ tông”.

Dòng thời gian trôi mãi, thấm thoát mới đó mà tôi đã xa quê hương được 15 năm tròn. Thật là một kỷ niệm khó quên!

Hồi tưởng lại, không biết tự lúc nào, bắt đầu từ mấy tuổi, tôi đã gắn bó với chùa làng. Ở quê tôi, hình như gia đình nào cũng vậy, đến các ngày vía, các ngày trai trong tháng, lũ nhóc chúng tôi lại quấn quýt chạy theo ba mạ đi đến niệm Phật đường vui đùa, chạy nhảy và tụng kinh với các bác, các chú. Tôi cũng vậy, được ba mạ cho đến chùa sinh hoạt với các bạn oanh vũ đồng trang lứa và học giáo lý với các anh chị huynh trưởng. Kể từ đó, tôi được hấp thụ những bài học Phật pháp vỡ lòng.

Nhớ lần đầu tiên tôi được các anh chị dạy bài học “Quy Y Tam Bảo” với chất giọng đặc sệt Quảng Trị, mà đến bây giờ, mỗi lần nhớ về ngôi chùa xưa, nhớ về các bạn và các anh chị huynh trưởng, tôi thường tủm tỉm cười một mình. Các anh chị là những người thầy đầu tiên chắp cánh, làm nền tảng cho tôi sau này có được cơ duyên quy y Tam bảo, thế phát xuất gia làm đệ tử Như Lai: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”; nghĩa là: Phàm người xuất gia là cất bước đến phương trời cao rộng, tâm hình khác tục, nối thạnh giòng thánh, hàng phục quân ma, nhằm đền trả bốn ân, cứu giúp ba cõi.

Bài học đầu tiên, bài học vỡ lòng để lại trong tôi một ấn tượng không thể nào quên được, mãi cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in, không sót một chữ nào. “Quy y Tam Bảo” là quy y Phật, quy y pháp và quy y tăng. Tại sao chúng ta, người Phật tử, phải quy y Tam bảo? Có nghĩa rằng: “Tam Bảo là ba ngôi quý báu nhất, gồm có: Phật Bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn, có đầy đủ từ bi và trí tuệ; tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Pháp là phương pháp tu hành, những lời dạy của Phật, chư vị tổ sư. Tăng là đệ tử của Phật xuất gia học hạnh giải thoát như Phật sống đời vô ngã, vị tha và sống theo đoàn thể hòa hợp từ 4 vị trở lên gọi là Tăng già”. Những lời dạy ấy đã truyền cho tôi những cung bậc cảm xúc, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của tôi. Sau này lớn lên tôi mới hiểu giá trị những lời dạy ấy quan trọng với tôi đến dường nào!

Làng tôi có lũy tre xanh bao bọc; lũy tre là biểu tượng sức mạnh của con trai làng. Thời tiết, khí hậu quê tôi không được thuận lợi như các vùng miền khác, hằng năm phải gánh chịu những trận “hồng thủy” làm cho đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Với bản chất kiên cường, tính cần cù, siêng năng, người dân quê tôi dần dần ổn định cuộc sống và thay đổi diện mạo.

Tôi nhớ, lúc tôi còn tấm bé, chỉ vì ham chơi mùa nước, đứa em trai tôi đã bị nước lũ cốn trôi và nhấn chìm. Rất may mắn, một thanh niên làng đã dũng cảm lao mình xuống dòng nước chảy xiết cứu em tôi ra khỏi miệng nước tử thần. Cảnh tượng ấy làm tôi ân hận mãi, cho đến hôm nay và mãi mãi sau này tôi vẫn mang ơn bản lĩnh, tình cảm người dân quê tôi.

Ngôi chùa là linh hồn của dân làng, mỗi làng không thể thiếu ngôi chùa. Chùa làng tôi được tái thiết từ sau ngày đất nước lập lại hòa bình. Chùa nằm ở vị trí đầu làng. Lúc mới hình thành, chùa rất đơn sơ, nhỏ bé. Trong tấm hình còn lưu giữ lại, chùa chỉ là một mái am lợp tranh. Bốn bức tường làm bằng phên tre kết hợp với bùn non, phân trâu và rơm rạ. Người dân quê tôi thật khéo léo trong cách xây dựng, không chỉ ở chùa mà các ngôi nhà đều xây vách tường bằng cách này. Mùa đông thì ấm áp, mùa hè thì mát mẻ. Cột hiên chùa cũng được làm bằng tre, để cho cứng cáp và chịu đựng sức bền của thời gian, mỗi cột được gộp ba cây tre lại với nhau thành một cái trụ trông rất “bề thế”, chống đỡ mái hiên cong nhọn của chùa. Vậy là ngôi chùa được hình thành rất bình dị, quê mùa…

Đặc biệt, chùa quê tôi còn có Quan Âm các nằm phía trước chánh điện. Làng tôi rất tự hào về tượng Mẹ Hiền Quan Thế Âm. Được biết, bức tượng này do một Phật tử tín tâm hỷ cúng và chuyển về tôn trí tại quê hương mình. Vết phủ thời gian đã làm cho bức tượng lên màu đen tuyền rất đẹp, y như tượng đồng đen cổ kính. Vào thời chiến tranh, do cảnh bom rơi đạn lạc, mẹ hiền Quan Thế Âm bị hỏng nhiều chỗ. Điều kỳ diệu là bầy dơi đã quy tụ về đây, lấy thân Ngài làm tổ ấm, nương náu trong lòng Mẹ, đó là nơi an toàn nhất. Nhớ có lần tôi làm sai một việc, bị ba mạ la rầy đánh đòn, tôi khóc thút thít, quỳ dưới chân Mẹ Hiền ăn năn sám hối. Khuôn mặt của Ngài thật hiền từ bao dung. Ngài đã mỉm cười tha thứ cho đứa con ngỗ nghịch như tôi. Lòng tôi ấm áp vô cùng.

Giờ đây, nhớ về cảnh cũ chùa xưa, tôi bồi hồi xúc động ôn lại những kỷ niệm một thời đã qua. Ngôi chùa đã góp phần hình thành nên tính cách của tôi, phẩm chất đạo đức của tôi. Tôi biết ơn vô cùng. Chùa làng, với tôi, đó là sự trở về ấm áp và an nhiên.

T.T

(*) Cựu đoàn sinh GĐPT Phúc Lộc, Quảng Trị

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here