Người chơi hoa sành thường cho mai đi với cúc đại đoá vàng. Cúc là loài hoa đẹp "vẻ đẹp trong muôn vẻ đẹp", bền, hình dáng phong phú, có loại hoa đơn, có loại hoa kép, cánh cúc nhiều mà không rối, không xô đẩy nhau, cành dài và cứng, lá xanh tươi, nhiều màu sắc nhất, cũng như nhiều chủng loại nhất trong các loài hoa. Nào là cúc châu sa, đầm hồng, hạc linh, hoàng long trào, hoàng kim tháp, bạch thọ mi, hoàng yến, vạn thọ, kim tiền… Đó là tên gọi cổ, tên chữ, còn dân gian thì vẫn quen gọi nôm na bằng hình dáng và màu sắc của hoa: cúc vàng to, cúc vàng nhỏ, cúc vàng cụp, cúc tiền chinh, cúc trắng, cúc đỏ, cúc tía, cúc hoa cà, cúc mâm xôi, cúc gấm, cúc móng rồng, cúc chỉ…
Chơi cúc có nhiều cách: cắm lọ để bàn, trồng chậu đặt đôn sứ, trong phòng hoặc dưới mái hiên, cạnh lồng chim, bể cá. Hay nhất là trồng từng khóm trong vườn cảnh, cho hoa nở giữa sương xuân, gợi nguồn thi hứng cho khách làng thơ. Loại cúc nhỏ phơi khô (cúc trắng hoặc vàng) còn dùng để làm vị thuốc hoặc ướp chè.
Những nơi thờ cúng trang nghiêm, ông cha ta dùng hoa huệ vì hoa huệ nói lên sự khiêm tốn, biết giữ gìn sự trong trắng của tâm hồn. Hoa còn có tên "Vãn hương ngọc".
Các bậc túc nho yêu thích mẫu đơn "thiên hương quốc sắc". Bông hoa đầy đặn, đỏ au như đĩa xôi gấc bầy trên bàn thờ lấy lộc ngày xuân.
Bạn trẻ ưu thích hoa hồng "Hoa tình yêu". Cây hoa hồng tên khoa học là Rosa sp, xuất xứ ôn đới và á nhiệt đới. Lâu nay các phòng khách thường bày hoa hồng Đà Lạt, cánh bụ lâu tàn. Mỗi đoá hồng là một cung bậc tình cảm: màu trắng là muốn than vãn, trút nỗi tâm tư; màu hồng là nặng lời thề ước; Màu đỏ là tình yêu say đắm.
Những người cầu kỳ thì chọn nguyệt quế "Hoàng hậu các loài hoa", đỗ quyên "Tây Thi trong muôn loài hoa", sơn trà "cao sang, phú quý"… nhưng chú ý nhất vẫn là hoa thuỷ tiên "những nàng tiên kiều diễm", củ thuỷ tiên khá đắt nên không phải ai cũng dám chơi. Trồng củ vào trấu tưới nước thì hoa, lá sẽ mọc thẳng tự nhiên. Nhưng cái thú chơi thuỷ tiên là ở chỗ khéo gọt, tỉa. Dùng dao trổ sắc cắt khía làm cho lá phải uốn lượn theo ý muốn, làm cho củ thành hành con phượng, con lân, con rùa. Củ gọt tỉa được đặt trong các cốc loe miệng có chân chỉ dùng riêng để bầy thuỷ tiên. Lại phải điều khiển hãm chậm lại hoặc thúc cho nở sớm để ra hoa đúng vào ngày mồng 1 Tết, mà hoa chỉ nở hàm tiếu thôi – nghĩa là nở hé như mỉm cười mới đẹp.
Hoa thuỷ tiên
Tết đến, nhà có nhiều tiền thì vác về một cây đào đánh cả gốc "hoa của ước mơ và hy vọng". Gia đình trung lưu thì chọn một cành đào xinh xinh, nụ còn đang nhú, đem về cắm lọ lộc bình. Người túng thiếu cũng gắng kiếm bằng được một bó hoa viôlét rẻ tiền, hoặc mấy bông "đồng tiền" đơn, thậm chí có khi chỉ có hai cành hoa giấy về cắm vào hai bình hoa gỗ trên bàn thờ cho có không khí ngày tết. Người nhiều tiền lại kén chọn hoa lay ơn màu trắng "hoa cao sang kiêu hãnh", vài chục bông cắm trong lọ pha lê trong suốt đặt trên bàn phủ khăn trắng muốt, như muốn độc chiếm hương sắc của Tiết xuân!
Cùng họ với đào còn có mai, Hà Nội có giống mai trắng đẹp, chơi mai phải chọn thế cây phóng túng, cành thoáng, thân gày mà hoa to. Một gốc mai già, dáng cằn cỗi, bỗng nảy chồi vút lên một nhánh cao dài là cây quý, gọi là điềm "Lão mai sinh trường cán". Làng Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội lại có giống mai đặc biệt, hoa cũng như quả đều từng đôi một, gọi là "song mai". Quả song mai to, thịt thơm, được coi là thứ quả quý ngày Tết.
Dáng mày râu hiên ngang, mong nhiều thành đạt có hoa thược dược, trong sạch như hoa mai, ước mơ như hoa đào đỏ, chân thật là đoá cúc vạn thọ.
Hoa là biểu tượng cho cái đẹp. Mỗi loài hoa điều có ngôn ngữ riêng. Cúc tương trưng cho nếp sống khiêm tốn, điềm đạm cho người giàu tâm hồn, "phú quý lòng hơn phú quý danh" (Nguyễn Trãi). Mẫu đơn là vua hoa, hoa phú quý. Đào đầm ấm khi dương xuân. Lan được gọi là "vương giả hương", thanh nhã, không phàm tục. Trà mi, hải đường, nụ lớn hoa to, cánh dầy mà hương kín đáo, biểu tượng cho sự đầy đặn, phúc hậu… Hoa hướng dương luôn luôn hướng về mặt trời, tượng trưng cho sự thuỷ chung son sắt. Hoa phù dung chúm chím, nhưng ít người chơi vì phù dung có nghĩa là hồng nhan bạc mệnh(!?). Hoa quỳnh chỉ nở vào nửa đêm, có chuyện cổ tích rất dài về loài hoa này, đó là cuộc đời đau khổ của một cô gái, ngã trước mùa xuân…
Dạ Quỳnh Hương
Xuân đến, Tết về, trong giao tiếp người ta thường tặng hoa cho nhau. Nhưng phải tặng hoa gì với đối tượng nào? Đừng tặng thuỷ tiên cho bạn trai vì "anh chàng thuỷ tiên" chỉ biết mình, không yêu ai ngoài bản thân. Hãy tặng hoa trắng cho các cô thanh nữ, tặng hoa màu (trừ hoa hồng) những cô ở tuổi 40 hay đã có chồng. Hoa tươi một loại, đồng màu, đang chớm nở là lịch sự.
Các bạn trẻ làm công tác đối ngoại – đặc biệt là người Âu thường tặng hoa theo số lẻ. Ví dụ: Mua 10 bông hoa về gửi tặng người thương 9 bông, giành lại một bông cho hạnh phúc của riêng mình, như tục cau lại quả của người Việt Nam. Có thể tặng 7 bông, 5 bông, 3 bông nhưng tránh số chẵn và số 13. Họ coi số 13 là con số bất hạnh. Đừng tặng họ hoa màu vàng vì màu này họ cho là thứ hoa buồn.
Khi cắm hoa nên cắm số lẻ: 3, 5, 7… có bông cao, bông giữa, bông thấp (thiên, trung, địa). Nếu có 10 bông, 9 bông cắm thấp còn một bông cao thẳng lên, đó là tượng trưng của niềm tin và tất thắng.
Từ xa xưa cho đến nay và mai sau, hoa vào thơ, vào văn, vào giấc mơ tuổi già, con trẻ, vào hạnh phúc của tuổi thanh xuân trăng tròn lẻ… Thú chơi hoa – đặc biệt khi xuân về đã tạo thành một phong tục tao nhã lâu đời của người dân ta. Hoa xuân làm tăng thêm vẻ đẹp không khí đầm ấm, hạnh phúc của mỗi gia đình, một nhu cầu không thể thiếu được. Hoa xuân thêm thắm đời xuân…
N.N