(LQ) Vô ưu (Saraca indica) là loài thân gỗ, thuộc họ vang (Caesalpinioideae), lá phức mọc đối, mềm mại (khi còn non rủ xuống màu đỏ sậm, trắng dần lên và chuyển sang xanh), hoa nở từng chùm ở khắp cành, thậm chí ở thân cây, có bốn cánh màu vang cam, đỏ dần trước khi héo rụng, với những chiếc tua nhụy dài, mùi hương thơm ngát.
Người Trung Quốc và người Nhật đều gọi là vô ưu thụ (無憂樹), hay vô ưu hoa (無憂花). Vô ưu là một loài cây thiêng gắn với sự ra đời của Đức Phật Thích Ca (563 – 483 trước Tây lịch). Thời ấy, dưới chân dãy núi Hymalaya, vua Tịnh Phạn trị vì nước Ca Tỳ La Vệ, cùng lúc hoàng hậu Ma Gia đang mang thai sắp đến ngày sinh nở. Theo phong tục bấy giờ, người phụ nữ phải sinh con đầu lòng ở nhà cha mẹ đẻ. Trên đường về nhà, hoàng hậu Ma Gia cùng đoàn tuỳ tùng nghỉ chân tại vườn Lâm Tì Ni, sau đó hoàng hậu đột nhiên trở dạ, vịn cành cây vô ưu mà sinh ra thái tử Tất Đạt Đa.
Đáng chú ý, liên quan đến sự kiện Đức Phật đản sinh, một số văn bản của Ấn Độ cũng đã nhầm lẫn giữa cây vô ưu (Saraca indica) và cây sa la (Shorea robusta), kéo theo sự nhầm lẫn ở không ít các ngôn ngữ được dịch khác. Cụ thể, ở Việt Nam có văn bản thì nói Đức Phật đản sinh dưới gốc cây vô ưu (hoa vàng đỏ), có văn bản lại nói Đức Phật đản sinh dưới gốc cây sa la (hoa trắng). Tuy nhiên, bức tượng cổ trong đền thờ hoàng hậu Ma Gia tại thánh tích Lâm Tì Ni (Lumbini) minh họa cảnh Đức Phật đản sinh, đã cho thấy hình ảnh cành cây vô ưu với lá thon dài (mọc đối), mà người Nepal gọi là Sita Ashok (Saraca asoca).
Ngay cả ở Ấn Độ, dù đạo Phật hiện nay không được những người Hindu quan tâm tìm hiểu, song vẫn có những điểm dễ thống nhất rằng Đức Phật đã đản sinh dưới cội cây vô ưu. Bởi trong nghệ thuật điêu khắc Salabhanjika, Yakshi của Ấn Độ cổ đại, các nữ thần được miêu tả trong tư thế thể hiện tính nữ, hay sinh sản, thường gắn liền với biểu tượng của hoa, cành vô ưu. Mặt khác, khi tìm hiểu đặc tính sinh học của hai loài cây vô ưu và sa la, thì vô ưu thuộc loại cây gỗ trung bình, tàng cây thấp, cành nhánh loà xòa, trong khi cây sa la là loài thân gỗ cao, thẳng đứng, có thể cao đến 40 mét trở lên.
Một điểm đáng chú ý khác là loài cây này mang tên hoàng đế Asoka – Ashoka (304 – 232 trước Tây lịch), với ý nghĩa không còn đau khổ, phiền muộn. Người Ấn Độ có tín ngưỡng trồng loài cây này chung quanh nhà với ý nghĩa phúc lành cầu sinh con cái. Cây vô ưu (Ashoka) được trồng ở Việt Nam hiện nay còn được gọi là cây vàng anh. Dù vậy, tên gọi Ashoka không liên quan gì đến một loài cây cùng tên (Ashoka) khác, có danh pháp là Polyalthia longifolia, mới được đưa vào Việt Nam trồng để giảm tiếng ồn.
Như vậy, có ba loài cây thiêng liên quan đến cuộc đời của Đức Phật đó là cây Vô ưu (Saraca indica) khi Đức Phật đản sinh, cây Bồ đề (Ficus religiosa, Bodhi) khi Đức Phật thành đạo và cây Sa la (Shorea robusta) khi Đức Phật nhập Niết bàn.
Cây vô ưu gắn với sự kiện Đức Phật đản sinh và tên tuổi của vị hoàng đế Phật tử vĩ đại Asoka, đã trở thành một loài cây thiêng bậc vào nhất đối với đất nước Nepal, Ấn Độ, cũng như các quốc gia có truyền thống văn hoá Phật giáo khác hiện nay. Do đó, cách bảo vệ tốt nhất đối với những loài cây này là trồng phổ biến tại các ngôi chùa, hay cần phải trả lại đúng hình ảnh của nó trong lĩnh vực nghệ thuật thẩm mỹ Phật giáo.
T.T.T
(Viết tặng những người yêu hoa)