Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Hoa trắng, tháp vàng: biểu tượng của đất nước Triệu Voi

Hoa trắng, tháp vàng: biểu tượng của đất nước Triệu Voi

141
0

Hoa trắng mà tôi muốn nói ở đây là hoa sứ trắng. Thật thiếu sót khi nói về biểu tượng của đất nước Lào mà không có đôi lời về một loài hoa rất đặc trưng. Người Việt gọi là hoa sứ (ở miền Bắc gọi là hoa đại), người Lào gọi là hoa Chămpa. Bên cạnh danh xưng Triệu Voi người ta còn gọi Lào là đất nước hoa Chămpa. Cây sứ có mặt ở khắp mọi miền quê Việt Nam.

Ở Huế sứ được trồng nhiều nhất trong các khu lăng mộ, trong hoàng thành, lăng tẩm vua chúa, đình chùa. Trong vườn nhà ít ai trồng sứ mà chỉ trồng sứ cảnh vào chậu. Sứ đứng đầu bảng các loài hoa chịu dựng nắng nóng. Dưới cái nắng như thiêu như đốt ở Campuchia, ở Lào giữa mùa khô bên cạnh sắc màu ủ rủ của các loài thảo mộc khác sứ vẫn nhị vàng bông trắng rực rỡ và ngát hương trên nền ngát xanh của lá. Người Campuchia dùng hoa sứ trong việc thờ cúng, trang trí ở những nơi trang trọng. Phụ nữ ưa cài hoa sứ trên mái tóc, xâu lại thành vòng đeo ở tay, ở cổ. Người Lào cũng vậy, họ thường dùng hoa Chămpa để ngâm lấy nước thơm tắm tượng Phật, để té (tưới) cho nhau sau những lời chúc phúc trong các ngày lễ tết, ngày hội cộng đồng. Không chỉ nằm khiêm tốn trong các khu vườn, khuôn viên công sở, ở Lào loài hoa Chămpa được đưa ra phố, được trồng dọc hai bên đường như là một loài cây xanh đặc trưng toả bóng mát và toả hương sắc khắp cho phố phường của đất nước tươi đẹp, thanh bình.

Hoa Champa trên đường phố Lào Ảnh: Thanh Tùng

Ở Viên Chăn khi chiều về du khách và người dân thành phố thường tụ tập về Khải hoàn môn Patuxai. Công trình này là một biểu tượng chiến thắng của người Lào – vinh danh những chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp và tưởng niệm những người đã chết trong chiến tranh. Cách Patuxai 2km về phía đông là That Luang duyên dáng, xinh đẹp, rực rỡ tháp vàng, vừa tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc Phật giáo, vừa được xem là biểu tượng của đất nước Lào.

That Luang tiếng Lào nghĩa là tháp lớn. Ngọn tháp chính, tháp trung tâm của chùa That Luang, được bao quanh bởi 3 lớp tường thành đồ sộ trang trí bằng những cánh hoa sen sơn son thếp vàng và những ngọn tháp nhỏ lô nhô, lộng lẫy. Những tháp nhỏ hình dáng cũng giống như tháp lớn có tác dụng tôn cao dáng bay của tháp chính và làm cho các thành tố kiến trúc hài hoà với nhau theo tỷ lệ vàng.

Về tư tưởng, các nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng That Luang được thể hiện như một hình ảnh núi vũ trụ thu nhỏ với Kim tự tháp ba bậc. Tháp chính là núi Mêru, các tháp nhỏ là những ngọn núi nhỏ bao quanh chói chang trong nắng, rực rỡ ánh hào quang giữa nền trời xanh. Các lớp tường thành, hành lang chân đế và rắn Naga là hình ảnh tượng trưng cho nước của đại dương.

That Luang linh thiêng hơn với truyền thuyết kể rằng vào năm 236 Phật lịch có năm nhà sư người Lào qua Ấn Độ tu học đã đem về quê hương chiếc xương bánh chè của đức Phật. Họ thuyết phục chậu mường Viên Chăn cho dựng một bảo tháp để thờ bảo vật xá lợi. Chậu mường Viên Chăn vui mừng nhận lời và đã cho xây ngôi tháp Đại Phật tích. Năm 1566 sau khi thiên đô từ Luang Prabang về Viên Chăn được 3 năm vua Setthathirat đã cho dựng That Luang trên một ngôi chùa cũ. Một nhà khoa học Pháp khi nghiên cứu về That Luang đã phát hiện ra khối cong chính của ngôi tháp đã trùm lên, che lấp ngôi tháp cũ.

Toàn cảnh That Luang – Ảnh: Thanh Tùng

Gạt bỏ yếu tố truyền thuyết, trở lại với hiện thực lịch sử không ai có thể phủ nhận That Luang gắn liền với một thời huy hoàng, rực rỡ nhất của Lào, thời kỳ sau chiến thắng quân xâm lược Miến Điện ở phía bắc vua Setthathirat di chuyển kinh đô từ Luang Prabang về Viên Chăn với chiến lược phòng thủ, bảo vệ đất nước. That Luang xây dựng đồng thời với kinh đô Viên Chăn trong thời điểm cả đất nước đồng tâm hiệp lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho nên công trình không còn thuần tuý là kiệt tác kiến trúc tôn giáo mà nhanh chóng trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết, gắn bó của các bộ tộc Lào, của quốc gia Lào thống nhất.

Các nghệ sĩ, nghệ nhân Lào đã thể hiện rất thành công cả hai chức năng trong một công trình: Tháp Phật giáo linh thiêng với truyền thuyết từng là nơi thờ xá lợi của đức Phật; biểu tượng quốc gia với hình tượng quả bầu trên đỉnh tháp chuyển tái ý niệm về nguồn gốc của dân tộc Lào. Cũng giống như chuyện bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ của người Việt, nguồn gốc của các tộc người sinh sống trên đất nước Lào được huyền thoại hoá bằng câu chuyện quả bầu khổng lồ mọc lên trên vùng đất hoang hoá. Một vị thần đã chọc thủng quả bầu này và từ trong đó chui ra con người và muôn vật, từ đó sinh sôi, nẩy nở…

Tâm hồn và tài năng của người Lào đã kết tinh vào That Luang với dấu ấn hỗn hợp nhiều nền nghệ thuật kiến trúc: Khơme, Miến Điện, Thái Lan. Lễ hội That Luang là một trong những lễ hội lớn nhất của người Lào; được diễn ra trong ba ngày trăng tròn của tháng 11 dương lịch, bắt đầu là lễ tắm Phật, kết thúc bằng lễ rước nến.

                                             (Còn nữa)

  T.T. 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here