Năm 18 tuổi (Bính Thân, 1896), ngài xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh tại chùa Từ Hiếu.
Năm 20 tuổi (Mậu Tuất, 1898) thọ Sa-di giới, được Bổn sư đặt pháp danh Trừng Thủy, tự Chí Thâm. Năm 28 tuổi (Bính Ngọ, 1906), thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Phước Lâm, Quảng Nam. Năm Đinh Mùi, 1907, Hòa thượng đắc pháp, được Bổn sư ban pháp hiệu là Giác Nhiên. Sau khi thọ Đại giới, Hòa thượng vào Tổ đình Thập Tháp, Bình Định, xin cầu pháp với Hòa thượng Phước Huệ, được một thời gian rồi ra Huế tham học với Hòa thượng Thanh Tú Tuệ Pháp tại chùa Thiên Hưng.
Năm Nhâm Thân, 1932, Hòa thượng cùng năm vị Tăng già trong Sơn môn và 17 vị cư sĩ thiện tri thức ở Huế sáng lập An Nam Phật học hội.
Năm Quý Dậu, 1933, Hòa thượng cùng với Hòa thượng Giác Tiên vận động thành lập và xuất bản Tạp chí Viên Âm để làm cơ quan hoằng pháp cho Hội.
Năm Giáp Tuất, 1934, Bộ Lễ của triều đình Huế cử Hòa thượng về trú trì Quốc tự Thánh Duyên. Đến năm Bính Tý, 1936 lại có sắc chỉ lên giữ chức Tăng cang.
Năm Ất Hợi, 1935, Phật học viện Tây Thiên thành lập, An Nam Phật học hội cung thỉnh Hòa thượng chứng minh và làm Giám đốc Phật học viện danh tiếng này.
Năm Mậu Dần, 1938, Sơn môn Tăng già Thừa Thiên công cử Hòa thượng lên trú trì Tổ đình Thuyền Tôn. Đến năm Canh Thìn, 1940, Hòa thượng vận động đại trùng tu Tổ đình này.
Năm Tân Mão, 1951, “Hội nghị Phật giáo toàn quốc Việt Nam” họp tại chùa Từ Đàm, Huế cung thỉnh Hòa thượng vào Hội đồng chứng minh tối cao cho Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, cùng với pháp huynh là Hòa thượng Trừng Văn Giác Nguyên.
Năm Bính Thân, 1956, Tổng trị sự Hội Việt Nam Phật học quyết định sáp nhập Tăng học đường Khánh Hòa (Nha Trang) và Phật học viện Bảo Quốc (Huế) thành “Phật học viện Việt Nam tại Trung Việt” và cung thỉnh Hòa thượng làm Viện trưởng Phật học viện này. (Về sau, mới đổi lại là Phật học viện Hải Đức, Nha Trang).
Năm Mậu Tuất, 1958, cho đến năm Nhâm Dần, 1962, liên tiếp trong 4 niên khóa, Hòa thượng đảm nhận trọng trách Chánh Hội trưởng Tổng trị sự Hội Phật giáo Việt Nam tại Trung Phần.
Năm 85 tuổi (Quý Mão, 1963), ngài cùng chư Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Thích Giác Nguyên, Thích Giác Hạnh, cùng quý ngài trong Giáo hội Tăng già Thừa Thiên chống gậy dẫn đầu đoàn tuần hành tại Huế để đòi hỏi tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo, trong thời kỳ chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo tại Việt Nam.
Năm Quý Sửu, 1973, Đức Đệ nhất Tăng Thống viên tịch, Hội đồng Lưỡng viện long trọng cung thỉnh ngài lên ngôi vị Đệ nhị Tăng Thống GHPGVNTN.
Năm Giáp Dần, 1974, cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc đang còn tiếp diễn, nhân danh Đức Tăng Thống, ngài gởi Thông điệp kêu gọi chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Một năm sau (năm 1975) cuộc chiến kết thúc.
Đệ tử xuất gia của ngài có nhiều vị rất xuất sắc như Hòa thượng Tâm Thị Thiện Minh (1922-1978), Hòa thượng Tâm Phật Thiện Siêu (1921-2001), Hòa thượng Thiện Bình…
Ngày mồng 6 tháng Giêng năm Kỷ Mùi (02.02.1979), ngài thị tich, sau 41 năm làm trú trì Tổ đình Thuyền Tôn, 6 năm ở ngôi vị Tăng Thống và suốt cả cuộc đời đã cống hiến cho sự tồn vong của Đạo pháp.