Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Hòa thượng THÍCH THIỆN SIÊU Con Người Với Những Điều Bình Dị

Hòa thượng THÍCH THIỆN SIÊU Con Người Với Những Điều Bình Dị

165
0

Trong hình dung của tôi trước đây, Hòa thượng là một "ông cụ" khó tính, khó gần và khó tiếp xúc bởi những câu hỏi "mắc mớ" thường gây lúng túng cho người mới gặp. Nhưng, sau khi được gần Hòa thượng một thời gian, hình ảnh về ngài trong tưởng tượng của tôi mới vỡ lẽ ra chỉ là…tưởng tượng! Hòa thượng, một bậc chân tu giản dị, một học giả Phật giáo uyên thâm Hán tạng, người luôn theo dõi, quan tâm từng bước đi của lớp tăng ni trẻ, luôn thao thức về một đường hướng cho nền giáo dục Phật giáo nước nhà, và là linh hồn của Phật giáo chốn cố đô…

Trong bộ áo "vạt hò" màu lam, tại một góc thanh vắng trong thiền khách của chùa Từ Đàm, trên chiếc tràng kỷ với những bộ Đại tạng chữ Hán, các loại từ điển và sách tra cứu khác, một vị sư già cặm cụi viết lách, tĩnh tại như không hề quan tâm tới thế giới bên ngoài, kể cả cái nóng như ran của miền trung vào hè hay cái lạnh tê buốt mùa đông. Đó là hình ảnh rất đỗi quen thuộc ở ngôi chùa lịch sử này và đối với người dân cố đô, Hòa thượng Thích Thiện Siêu, vị giáo phẩm mà Tăng Ni và Phật tử ở đây thường gọi bằng âm điệu Huế vừa gần gũi vừa tôn kính: "Ôông Từ Đàm".

… Xuất gia từ năm 14 tuổi, Hòa thượng sớm được đào tạo trong một môi trường giáo dục căn bản và nghiêm túc là Phật học đường Báo Quốc, Phật học đường Kim Sơn (Huế) với những bậc giáo thọ uy tín và uyên bác như cố Hòa thượng Trí Độ, bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám… Ngay từ thuở nhỏ, Hòa thượng bản tính vốn hiền hậu và chăm chỉ, ham đọc sách hơn quà cáp hay vui chơi như bạn cùng trang lứa, bộc lộ những tư chất đặc biệt của một học giả, đặc biệt là về văn học A-tỳ- đàm. Chương trình tại các Phật học đường thời bấy giờ bắt buộc học Tăng tiếp xúc thẳng với các bộ kinh luận chữ Hán và kéo dài hơn mười năm, thời lượng đủ để người thầy có thể truyền tất cả tri thức của mình cho học trò. Gợi về thuở ấu thời, với chất giọng Huế sắc nhưng giản dị, Hòa thượng tâm sự: "Ngày xưa, theo lối dạy đơn thân, Thầy chúng tôi không dạy chi nhiều về chi tiết. Ngoài chương trình học Thầy không cho đọc thêm chi hết, kể cả sách văn chương. Lúc đó, phong trào quốc văn đang rộ lên, nhóm Tự lực văn đoàn đã cho ra đời hàng loạt đầu sách và đang chiếm lĩnh thị trường sách thời bấy giờ. Chúng tôi cũng mua về đọc, nhưng Thầy chúng tôi vốn là người trọng cổ, nên lâu lâu Ngài đi soát coi thử chúng tôi có ai đọc không, nếu bắt được ai có sách ấy Ngài liền xé ngay không nói gì hết (…). Chúng tôi học kinh luật luận bằng chữ Hán với một Thầy suốt năm này qua tháng nọ. Lâu ngày với giọng quen quen dễ đâm ra buồn ngủ, cho nên ai cũng tìm chỗ thuận tiện để… ngủ. Trong lớp có mấy cái cột nhà lớn và hễ hôm nào ai được cột nhà che là hôm đó coi như may mắn lắm! (cười). Cột nhà là… "thần hộ mệnh", vì có ngủ gật cũng không bị Thầy phát giác, và ai cũng tranh nhau tìm cột nhà mà núp…"

Sau khi tốt nghiệp chương trình Phật học với hạng ưu, Hòa thượng đã lao ngay vào con đường giáo dục, như bổn phận làm Thầy vốn sẵn có. Nói về cái duyên với công tác giáo dục Phật giáo, Hòa thượng kể tiếp: "…Người xưa thường nói: Hậu sanh khả úy, kẻ hậu sanh đáng sợ. Chữ "đáng sợ" ở đây theo tôi là tỏ ý khen ngợi, nghĩa tốt, trong hoài bão của một người Thầy luôn mong mõi những người học trò, thế hệ sau giỏi hơn, hay hơn mình. Với tôi, nhìn thấy các thầy, các cô trẻ giỏi giang là điều hết sức đáng mừng chứ không phải là "đáng sợ". Cũng do đó mà tôi đã đeo đuổi cái nghề dạy học này từ khi ra trường đến giờ. Nhiều người coi tôi hợp với nghề giáo hơn cả. Trước đây, tôi đã từng làm Đốc giáo, làm Viện trưởng viện Cao đẳng Phật học tại Phật học viện Hải Đức, Nha Trang. Sau này, Giáo hội PGVN cũng giao công tác Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni cho tôi. Ngoài ra, tôi còn được phân công giảng dạy tại các trường Cao cấp Phật học tại Hà Nội, TP. HCM; và gần đây lại đảm trách công tác Viện trưởng, tham gia giảng dạy cho Tăng Ni Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Nhìn thấy tất cả các miền đều có trường Phật học, tôi rất mừng. Nhưng tôi thấy cần phải có một trung tâm lớn để đào tạo Tăng Ni tập trung chung cho cả ba miền thì tốt hơn, không phân chia ranh giới. Bởi khi mọi người đều có cùng một sự hiểu biết, phương thức tu tập và chí nguyện phụng sự thì sẽ tốt hơn cho Phật giáo và sự phát triển chung của nước nhà."

Điều dễ nhận thấy ở Hòa thượng là người ham học, ham đọc. Cũng chính điều này đã làm cho không ít người rất ngại mỗi lần tiếp xúc với Ngài, hễ thấy sách là đọc, thấy điều không rõ là hỏi và lắng nghe, không phân thượng hạ, già trẻ. Có một nhà báo thường theo dõi các kỳ họp Quốc hội đã thống kê rằng, Ngài là vị đại biểu Quốc hội làm khách nhiều nhất ở quầy sách báo tại khuôn viên Hội trường Ba đình trong các giờ giải lao giữa phiên họp. Gần Hòa thượng hằng ngày mới thấy thời gian đối với Ngài là quý hóa đến nhường nào. Một ngày bình yên với Hòa thượng thật sít sao. Năm giờ khuya đã có mặt ở thiền khách tĩnh lặng bên chén trà nóng; sáu giờ sáng lên chánh điện lễ Phật, tụng niệm và hành thiền; một tiếng sau thả bộ xuống nhà khách dùng điểm tâm; tám giờ bắt đầu ngồi vào bàn làm việc cho đến giờ cơm trưa, nghỉ trưa; hai giờ chiều lại cặm cụi một mình với các bộ Đại tạng kinh luận đồ sộ cho đến lúc thị giả báo cơm chiều. Tối, Hòa thượng một mình trong phòng riêng, không có các tiện nghi của đời sống hiện đại như điện thoại, ti-vi hay máy lạnh, lò sưởi, dù cái thời tiết thay đổi giữa các mùa ở Huế không phải là dễ chịu với mọi người. Một ngày bình yên với Ngài là thế, như một chu kỳ nhưng lại không thấy sự trễ nải, đơn điệu, mà tươi mới như mặt trời mỗi bình minh. Thế mới biết, là một bậc giáo phẩm mang nhiều trọng trách lãnh đạo Giáo hội, nhưng các công trình nghiên cứu, dịch thuật giá trị của Ngài vẫn xuất hiện như thể là công trình của một đời người cần mẫn. Tuy nghiêm khắc với thời gian là vậy, nhưng hễ có các tăng, ni trẻ muốn thỉnh vấn trong vấn đề tu học thì Hòa thượng vẫn dành thời giờ cho họ. Gần đây, dù đang dỡ dang công trình dịch và chú bộ Đại trí độ luận vàtrong bề bộn các Phật sự khác, Ngài vẫn không bỏ qua việc đọc các tác phẩm của một số tăng sĩ trẻ, rồi viết thư tay để góp ý thân tình và đích thân hiệu đính từng điểm, từng chi tiết. Đó là một tính cách giản dị mà không phải dễ tìm thấy trong cuộc sống, nhất là trong lĩnh vực học thuật.

Là người chứng kiến, trải qua không biết bao biến động, đổi thay của thời thế trong hơn hai phần ba thế kỷ 20, song tính mộc mạc, giản dị, nhưng thâm trầm, sâu lắng rất phương Đông và tính cách Huế ở con người của bậc chân tu này không hề thay đổi. Có lần, Ngài tâm tình: " Ở hoàn cảnh nào, tình huống nào, với bất cứ sự phân công nào của Giáo hội, theo yêu cầu của quần chúng Phật tử, tôi luôn tâm niệm mình là một ông thầy tu, "tiên vi sư hậu vi sư", trước làm thầy tu sau cũng làm thầy tu không khác, luôn tâm niệm như vậy nên mọi Phật sự khó khăn đến đâu rồi cũng thành tựu, và những biến thiên bên ngoài không làm lung lay ý chí phụng sự của mình. Và tôi tin vào điều đó." Hòa thượng nói tiếp: "Làm ông thầy tu thì phải hội đủ 3 yếu tố, đó là chánh kiến, tịnh giới và oai nghi. Chánh kiến nghĩa là đối với Tam bảo thì phải có một niềm tin vững chắc, một sự hiểu biết vững chắc không lay chuyển, và tin nhân quả. Làm tu sĩ mà thiếu chánh kiến thì chỉ có hình thức chứ không có nội dung. Tịnh giới tất nhiên phải giữ, tùy vào cấp độ đã thọ nhận mà giữ cho thanh tịnh. Có chánh kiến và tịnh giới nhưng không có oai nghi, oai nghi khong nghiêm túc, không đàng hoàng thì không ra người làm thầy. Có đủ những yếu tố đó thì mọi hành động đều tự lợi và lợi tha, còn không thì chỉ hại mình hại người mà thôi."

Một ngày bình yên với Hòa thượng Thiện Siêu, "Ôông Từ Đàm" – gọi thân tình theo cách của người Huế, được cảm nhận với tôi trong thời gian gần Hòa thượng là thế. Trong cảm nhận của tôi, hay nói khác đi là hình ảnh của Ngài trong tôi, một con người có tính cách giản dị, nhưng là sự giản dị thường khơi dậy những nguồn hứng thú cho người tiếp xúc, ít ra là lớp trẻ như chúng tôi, về một hướng sống và xử thế phù hợp với tính cách của người học Phật, làm việc Phật.

          (Kỷ yếu Cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu)
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here