Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Hòa thượng Thích Hải Ấn: "Tôi chọn y khoa để thực hiện...

Hòa thượng Thích Hải Ấn: "Tôi chọn y khoa để thực hiện tâm nguyện của mình"

174
0

Hoà thượng Thích Hải Ấn – Trưởng Ban điều hành Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán (Huế) là một trong rất ít người của nhà chùa ở Huế theo học tại Đại học Y khoa trước năm 1975. Và mỗi lần gặp ông, không hiểu sao trong đầu tôi lại hiện về “giai thoại” rất lạ và thú vị từ các bác sĩ đồng môn của ông là thời điểm giải phóng Huế, Hoà thượng Thích Hải Ấn lúc đó trực ở bệnh viện Huế đã phải tự mình… đỡ đẻ cho rất nhiều sản phụ!

Hôm rồi gặp Hoà thượng Thích Hải Ấn ở Liễu Quán nhân một triển lãm về văn hoá Huế, tò mò hỏi ông về chuyện này. Cứ lo là sẽ bị mắng cho một trận vì gặp thầy tu không hỏi gì lại lăn tăn chuyện sinh nở của phụ nữ, ai ngờ ông cười hiền khô. Ông nói “tôi là bác sĩ của hai giai đoạn. Vì hoàn cảnh lịch sử, tôi học trước 1975 đến năm thứ 3, sau khi đất nước thống nhất, tôi tiếp tục học đến năm 1977 thì tốt nghiệp. Tôi chọn học y khoa vì muốn thực hiện tâm nguyện của mình đó là săn sóc để cho bệnh nhân nghèo bớt khổ. Đó cũng là một cách tu tập… Vì vậy khi đi thực tập tại khoa sản tôi cũng như các sinh viên khác và tôi cũng phải đi tại khoa sản hết 3 tháng chứ không phải một vài tuần. Và tất nhiên tôi cũng phải đỡ đẻ như các sinh viên khác không phải là một mà nhiều nữa là khác”.
Nhưng lúc đó ông là một tu sĩ, chẳng lẽ việc đỡ đẻ lại không gặp khó khăn gì?
– Thú thật, lúc đi thực tập tại khoa sản thì tôi thấy cũng không có gì khó khăn lắm. Tôi nhớ lúc đó mọi người (bệnh nhân, người nhà…) chẳng có ai ngạc nhiên khi tiếp xúc với tôi cả. Thêm nữa, được sự giúp đỡ tận tình của nhiều sinh viên thuộc lớp cán sự sản khoa trong các ca đẻ nữa nên rồi mọi việc cũng qua đi như các khoa khác mà thôi.
Thật ra, chuyện chính tôi muốn hỏi Hòa thượng Thích Hải Ấn không phải là chuyện sinh nở. Bởi trong vòng 10 năm trở lại đây, Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên – Huế mà ông là Trưởng ban Văn hóa, thông qua Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán mà ông là Trưởng ban điều hành, đã có nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa nhân các mùa Phật Đản, Vu Lan như: Tuần Văn hóa Phật giáo; những buổi triển lãm nghệ thuật, văn hóa hay các di sản; các buổi thuyết trình hội thảo hay thảo luận… Phần lớn đối tượng tham gia các hoạt động trên là những thiện hữu tri thức ở Huế cũng như các sinh viên học sinh nghiên cứu về tuổi trẻ… Ví như mùa Phật đản Phật lịch 2558 năm nay, Trung tâm Văn hóa Liễu Quán đã có nhiều hoạt động thú vị gồm: Triển lãm Kinh sách Phật giáo xưa và nay để nói lên sức sống về văn học của Phật giáo ở Huế cũng như các nơi khác. Ngoài ra còn có trưng bày các sinh hoạt của gia đình Phật tử; thuyết trình của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói về Đức Phật là một đại lương y… Đặc biệt nhiều năm nay, Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã kết hợp với chính quyền địa phương để “biến” các sự kiện văn hóa Phật giáo thành sự kiện văn hóa của Huế với mục đích tạo thêm những không gian văn hóa để phục vụ việc phát triển du lịch mà theo như nhận xét của Hòa thượng Thích Hải Ấn là “chúng tôi muốn mở rộng mối tương quan mật thiết giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa tỉnh nhà”…
Nhưng tôi có cảm giác là những hoạt động của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán thời gian qua vẫn chưa phát huy hết nội lực của Phật giáo Huế – nhận xét này có chính xác không thưa Hòa thượng?
– Đúng là các hoạt động của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán thời gian qua vẫn chưa phát huy hết nội lực của Phật giáo Huế như chư tôn thiền đức đã kỳ vọng. Bởi vậy sắp tới, chúng tôi sẽ phải đào tạo cho lớp Tăng, Ni trẻ thêm nhiều kỹ năng hơn nữa để thực hiện đúng mục đích mà Trung tâm Liễu Quán đã đề ra: Là cầu nối giao lưu văn hoá giữa các vùng miền để tìm hiểu và giới thiệu cho nhau những đặc thù của các trung tâm văn hoá trong cả nước. Trung tâm là lối vào để giới thiệu mọi sinh hoạt văn hoá Phật giáo Huế, tìm hiểu mối tương quan mật thiết giữa văn hoá Phật giáo Huế và văn hoá Phú Xuân. Trung tâm sẽ giới thiệu một cách khái quát về đặc trưng các chùa Huế, hệ thống truyền thừa của các môn phái, pháp phái; những nét kiến trúc chùa tháp, miếu mạo, pháp khí. Trung tâm đặc biệt sưu tầm các công trình trước tác, dịch thuật của các bậc cao tăng thạc đức, các nội dung văn bia, đối liễn thi phú… Trung tâm còn giới thiệu nét văn hoá trong nghi lễ Phật giáo Huế và mối hỗ tương giữa âm nhạc Phật giáo Huế và Nhã nhạc cung đình Huế…
Thưa, có một thực trạng đáng báo động là từ các nguồn tài trợ, hiện nhiều chùa cổ ở Huế đang bị dỡ bỏ để xây lại theo hướng to đẹp hơn, hoành tráng hơn và bị “biến dạng”, xa lạ so với kiến trúc truyền thống của chùa Huế; rồi hệ thống tượng cổ trong chùa cũng bị “bỏ đi” để thay thế bằng hệ thống tượng mới để phù hợp hơn với sự to, đẹp… Với tư cách là Trưởng ban Văn hóa của Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên – Huế, Hòa thượng nghĩ về vấn đề này như thế nào?
– Đúng là trong thời gian qua một số chùa có khuynh hướng trùng tu mở rộng và to lớn hơn làm cho phong cách xây dựng có thay đổi thậm chí làm mất đi bản chất của một ngôi chùa Huế. Với vai trò của mình, chúng tôi cũng đã phản ảnh sự việc lên Ban Trị sự và ngay cả lên Hội đồng Trị sự Trung ương để quý ngài có những quy định hợp lý cho các sự việc trùng tu cũng như xây dựng tự viện để không làm mất đi những nét kiến trúc truyền thống của Phật giáo. Chúng tôi tổ chức các “Tuần Văn hóa Phật giáo”, các buổi thuyết trình cũng là một cách làm cho các vị trụ trì các tự viện thấy được tầm quan trọng của các truyền thống đó để cùng với chúng tôi gìn giữ nét văn hóa đẹp nghìn xưa mà chư tiền bối Phật giáo đã gìn giữ và truyền lại cho đến ngày nay vậy.
<?> Thời gian qua, Giáo hội đã có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này không hay là bất lực nên để “tùy duyên”?
– Giáo hội cũng đã có những biện pháp để ngăn chặn tình trạng này như việc muốn có được phép xây dựng hay trùng tu phải thông qua Ban Trị sự tức là thông qua ý kiến của chư Tôn đức trong thường trực Ban trị sự. Đó cũng là cách để ngăn chặn nhưng thực tế cũng chưa được rốt ráo lắm bởi nhiều lý do chủ quan và khách quan. Trong tương lai chắc phải có những biện pháp triệt để hơn thì mới giữ được các di sản một cách tốt đẹp được.
<?> Những tưởng, tâm lý và ước mơ về một ngôi nhà hoành tráng hơn, to đẹp hơn nói riêng và nhiều chuyện “tham, sân, si” khác của đời sống nói chung chỉ có ở “ngoài đời”, nhưng vì sao những chuyện này lại xuất hiện ở trong “nhà chùa”, thưa Hòa thượng? 
– Theo tôi trong trường hợp này, việc mong ước và xây dựng một ngôi chùa mới to đẹp hơn ngôi chùa cũ không phải là biểu tượng của việc tham sân si như anh hiểu. Tôi cho rằng, đây là những ý tưởng và nguyện vọng chính đáng về việc các chùa muốn có một cơ sở tốt, một phong cách đẹp cho bà con Phật tử đến thăm thú, thưởng ngoạn, hành lễ… Tuy nhiên, có thể vì kiến thức xây dựng bị lệch lạc hoặc do chưa hiểu thấu nên một số ngôi chùa vấp phải các vấn đề như anh đặt ra. Bây giờ thì chùa đã xây dựng xong, thành chuyện đã rồi nên không thể sửa chữa lại được mà thôi.
– Xin cảm ơn Hòa thượng!
Theo Lao Động
Hòa thượng Thích Hải Ấn sinh năm 1946 tại xã Vinh Hải huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên – Huế với thế danh là Nguyễn Cầm. Ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1977 và tốt nghiệp Đại học khoa Phật học Đại học Vạn Hạnh. Ông là Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế từ năm 2001 đến 2009. Hiện ông là Uỷ viên Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng Ban thường trực Ban Văn hoá Trung Ương; Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên – Huế kiêm Trưởng Ban Văn hoá; Trưởng Ban điều hành Tuệ Tĩnh đường Hải Đức (Huế); Trưởng Ban điều hành Trung tâm Văn Hoá Phật giáo Liễu Quán.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here