Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Hóa thân

Hóa thân

159
0

Lạp chúc hữu tâm hoài tích biệt,
Thế nhân thùy lệ đáo thiên minh.

hay: 

Núi cao chi lắm núi ơi,
Núi che mặt trời che khuất người thương!

là những loại hình nhân cách hóa trong văn chương. Ngọn đèn, ngọn núi đã được hóa thân như một hữu thể có ý thức cho người đối thoại. Người đọc tiểu thuyết, người xem phim thường có những lúc hòa mình vào một nhân vật nào đó mà ta có cảm hứng. Một diễn viên thủ một vai rất xuất sắc, y như thật, bộc lộ được toàn diện nhân vật trên sàn diễn, gọi là nhập vai tức là người nghệ sĩ đã tự hóa thân từ một con người thực trong cuộc sống đời thường ra một nhân cách khác trong nghệ thuật. Những con chồn trong Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh đã đổi dạng thay hình làm cho khách đa tình có những phút giây kỳ ngộ. Trang Chu mơ thấy mình hóa bướm, đến khi tỉnh dậy ngẩn ngơ không biết mình đã mơ thấy hóa bướm hay chính mình là bướm đang mơ thấy làm người. Trong thiền học có nói “ngoan thạch điểm đầu” và trong Kinh A Di ĐÀ có nói tiếng chim lời gió ngày đêm sáu thời diễn xướng âm thanh hòa nhã khiến người nghe phát tâm niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng. Trong các thiền sư danh tăng Việt Nam có những thiền sư được nhiều lần phong thần như Không Lộ, Từ Đạo Hạnh, Giác Hải đã được phong Trung đẳng thần vào năm Duy Tân thứ 4. Các Thiên hoàng của Nhật Bản như Thần Vũ Thiên hoàng v.v… đã được thần hóa và các vua Pô Thun Rài, Pô Rô Mê cúa dân tộc Chăm cũng được thần hóa và được khắc hình trên Linga thờ trong tháp. Khái niệm hóa thân đã làm phong phú cuộc sống nhân gian qua nhiều cung bậc với muôn vàn trạng thái.

Nhưng hóa thân đa dạng đa thái với nhiều ý nghĩa có lẽ phổ biến vẫn là trong kinh điển nhà Phật. Tượng Phật Quan Âm nghìn tay nghìn mắt là biểu trưng ý nghĩa tích cực của hóa thân mà nghệ thuật tạo hình Việt Nam đã diễn tả. Nhưng không phải chỉ có Phật Quan Âm, nguồn cảm hứng trong Phẩm Phổ Môn của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa mà còn trong bao nhiêu kinh với bao nhiêu hình tượng như Phật A Di Đà hay các bồ tát Dược Vương, Dược Thượng, Hư Không Tạng, Địa Tạng v.v… trong Kinh Đại Tập. Các hoạt động hóa thân trong kinh giáo thường được rút tỉa ý nghĩa đưa vào cuộc sống như truyện Tấm Cám, truyện Cây nêu ngày Tết, truyện Cây tre trăm đốt của Việt Nam. Nhưng nếu ở Việt Nam chỉ diễn tả ở bậc cao thì ở Nhật Bản lại diễn tả được nhiều mặt của cuộc sống với nhiều cung bậc như truyện Hai kẻ yêu nhau, truyện Thế mạng, truyện Địa Tạng vị bồ tát của trẻ em v.v… chứ không phải cứ mỗi mỗi lại ông Bụt hiện ra. 

Thử suy gẫm câu truyện sau đây:

Bá tước Phó tư lệnh hải quân Ogasawara có một thời là thư ký riêng cho Tư lệnh hải quân Togo Heihachiro, người được gọi là anh hùng trong chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905), đã được gọi nhập ngũ với cấp bậc Chuẩn úy hải quân khi xảy ra cuộc chiến tranh Nga-Nhật.

 Trước khi lên đường, mẹ ông trao cho ông một pho tượng Phật vàng Quan Âm cao 1.8 inch và bảo hãy cúng Phật một ly nước mỗi buổi sáng. Ogasawara nói với một người bạn rằng ông đã cúng nhiều hơn để tỏ lòng thành đối với sự dạy bảo của mẹ. Một hôm ông mơ thấy một trận hải chiến dẫm máu. Đại pháo của Nga bắn trúng thuyền của ông làm ông bị mất một cánh tay. Sáng hôm sau viên Chuẩn úy trẻ viết thư về cho mẹ kể về giấc chiêm bao đêm qua, nhưng tuyệt nhiên không nói đến việc thấy mình bị mất một cánh tay vì sợ mẹ lo âu. Hai mươi ngày sau trận hải chiến nổi tiếng xảy ra trên biển Hoàng Hải. Các chiến thuyền bố trí đọâi hình y hệt như ông đã thấy trong giấc mơ. Đại pháo Nga bắn trúng thuyền của ông. Chiếc áo khoác ông treo bị thủng 13 lỗ. Ông không bị trúng đạn mà một cánh tay tượng Quan Âm đã bị đạn lấy đi mất. Việc này đã làm cho viên Chuẩn úy trẻ tin vào sự phù hộ của Phật Quan Âm. Sau khi cởi áo chiến bào, Ogasawara dành khoảng đời còn lại cho việc phụng thờ Phật Quan Âm và rộng giảng hạnh nguyện của của vị Bồ tát cứu khổ cứu nạn. (Truyện Thế mạng của Sakai Atsuharu trong Japan in a nutshell). 

Và sau đây là truyền thuyết Quả chuông chùa Miidera ở tỉnh Aomori:

Ngày xưa có một thanh niên trông thấy một đám trẻ con chơi đùa nghịch ngợm một con rắn ở bãi biển. Chàng thanh niên cho bọn trẻ mấy xu để mua con rắn và phóng thích nó. Mấy hôm sau có một thiếu nữ đẹp đến nhà người thanh niên xin cho trọ qua đêm. Rồi dần dà người con gái ở lại nhà người thanh niên cho đến khi người thanh niên đem lòng yêu nàng và lấy nàng làm vợ. Cuộc sống vợ chồng đã diễn ra trong ngôi nhà ấy. Tuy nhiên hằng đêm cứ đến giờ đi ngủ thì nàng vào phòng riêng của mình và dặn chồng đừng bao giờ nhìn vào bên trong lúc nàng đang ngủ. Do tính hiếu kỳ quá mạnh không chế ngự được, một hôm chàng lén nhìn trộm thì thấy một con rắn với một em bé. Nàng bảo chồng: “Thân thế của thiếp đã bị phát hiện, thiếp phải giã từ chàng ra đi. Thiếp để lại cho chàng viên đá quí này thì con chúng ta không bao giờ khóc. Nhưng nếu khi nào con không hết khóc, chàng hãy ra bãi biển nơi xưa kia chàng đã cứu thiếp và vỗ tay ba tiếng”.

Lãnh chúa địa phương khi biết tin trong làng có người đàn ông có được viên đá quí của con rắn và đã đoạt lấy. Thế rồi từ đó đứa con khóc mãi không thôi. Người đàn ông nhớ lời vợ lúc chia tay đã ra bãi biển vỗ tay ba tiếng. Người vợ rắn liền xuất hiện bảo người đàn ông rằng: “Viên đá quí thiếp trao cho chàng là một trong đôi mắt của thiếp. Giờ đây vì con, thiếp sẽ trao cho chàng viên đá quí khác, là tròng mắt còn lại của thiếp. Xin chàng hãy bảo trọng giữ gìn thì con chúng ta sẽ hết khóc. Nhưng từ nay thiếp hoàn toàn thành kẻ mù lòa. Xin chàng hãy vì thiếp hiến cúng một quả chuông vào chùa Miidera để thiếp biết được ngày đêm mỗi khi nghe tiếng chuông chùa”.

 Và từ đấy mỗi triêu mộ người ta lại nghe tiếng chuông chùa Miidera vang vọng. (Truyền thuyết về quả chuông chùa Miidera của Sakai Atsuharu trong Japan in a nutshell)

 Pho tượng Quan Âm dù là bằng vàng cũng chỉ là một thứ vật chất vô tri vô giác, nhưng sự mất một cánh tay của pho tượng là vi diệu vô thượng biết bao. Ôi con rắn một thứ súc sinh mà người đời hễ gặp là muốn đánh dập đầu cho chết, nhưng con rắn ở đây thể hiện một tình cảm cao quí, một tình cảm không thể thiếu ở con người nếu con người đó mang thân xác người mà không muốn có một lòng dạ súc sinh. Con người không phải thiên thần hay quỉ súc nhưng con người có khả năng hóa thành một cái gì cao hơn thiên thần hay thấp hơn quỉ súc. Điều đó tùy thuộc vào việc con người có làm chủ được bản thân, có chủ động được việc hóa thân hay không. Nếu hài lòng về một điều gì đã thành đạt rồi mãn nguyện, hãnh diện, tự hào vê tròn quả phúc thì đó là bị hóa thân. 

 Hóa thân trong tinh thần đạo Phật là đường lối tự vươn lên, là phương tiện đem Phật pháp vào cuộc sống. Hóa thân không phải lúc nào cũng có thần thông biến hóa, cũng bao phủ hào quang được người trần mắt thịt ca tụng chiêm ngưỡng và luôn luôn đi tới một kết cuộc có hạâu như kết cuộc của những tuồng kịch cổ điển. Hóa thân có lúc phải khoác một hình hài tiều tụy, chịu nỗi gian truân và không ngại sẽ gặp một kết cuộc bi thảm. Hóa thân như một Võ Trứ ở Bình Định, một Bạch Xỉ tướng quân ở Quảng Bình, một người theo đạo Thích ở Định Tường, một đạo Lành ở Nam Kỳ (Xem Lý Kim Hoa, CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN, Tư liệu Phật Giáo) cũng là ý nghĩa tích cực của hóa thân. Người Phật tử thường niệm Nam mô thiên bách ức hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật vì trong truyện tiền thân Phật có vô số hóa thân như thế. 

 N.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here