Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Hoa dạ hợp

Hoa dạ hợp

301
0

Tất nhiên, hoa dạ hợp không được con người ca ngợi cho bằng các loại hoa đã quá nổi tiếng: hoa lan quý phái, hoa hồng như hoa của tình yêu, hoa mai, hoa đào cốt cách tượng trưng cho mùa xuân, hoa thủy tiên phong lưu ngày Tết, hoa sen nở thơm ngát đầu mùa hạ … mà ngay cả so với những hoa dân dã như hoa lài, hoa lý, hoa ngâu … thì dạ hợp thua xa về tăm tiếng.

Vì sao con người lại không niềm nỡ với hoa dạ hợp? Dù sao hoa được đặt tên dạ hợp, nghe có vẻ bí ẩn, như bóng đêm, như sương khuya, thì hẳn hoa có gì huyền diệu? Để truy nguyên về lai lịch cây, tôi phải nhờ “ông thầy” Internet vậy. “Cây hoa dạ hợp tên khoa học Magllolia Pumila andrews cũng thuộc họ mộc lan (Magnoliaceae) còn gọi là cây hoa trứng gà”. “Magnolia coco = M.pumila (Dạ hợp nhỏ hay Trứng gà nhỏ)

Cây nguồn gốc từ Trung Hoa, trồng làm cảnh nơi đền, chùa”. “Tên Việt: dạ lan, dạ hợp, hoa trứng gà, Tên Hoa: 夜合花(dạ hợp hoa), 木蓮(mộc liên), 夜香木蘭(dạ hương mộc lan),Tên Anh: Chinese magnolia,  Tên Pháp: magnolia coco Tên khoa học: Magnolia coco  Họ: Magnoliaceae”.

Phải chăng cây dạ hợp được nhập về sau này từ Trung Hoa, cho nên ít người biết; hoặc “đẳng cấp” của nó chỉ tầm tầm như vậy, làm sao nhiều người biết đến? Tôi thử đánh giá loài hoa này một chút bằng ba căn mắt, mũi, ý. Cây cao vừa phải, trong vòng 3 mét, đâm nhiều nhánh. Lá khá dài, tương đối thuôn, nhọn hai đầu. Tôi chơi hoa không nhiều, không mấy công phu, không tinh tế về hoa, không mê mẩn với hoa, nhưng chắc chắn là thích trồng cây hoa, tuy nhiên tôi chuộng những loài không đòi hỏi chăm sóc quá đáng; trong những hoa đó, dần dần hoa dạ hợp đã quyến rũ tôi vì những lẽ:

– Nhìn tổng thể, cây dạ hợp tạo tán lá khá đẹp, mạnh, và nếu được chăm bón tốt, tán lá sẽ ra đều chung quanh, trong khi cây vẫn thiên về chiều cao. Cây dễ tính, không kén đất, bạn không cần mất công nhiều mà cây vẫn trổ nhánh, ra hoa. Cây có thể hiên ngang giữa mưa nắng trăm phần trăm, và cây vẫn có thể chịu trên đầu chút ít bóng râm. Cây ra hoa suốt bốn mùa. Với độ cao tầm thước, cây cũng thích hợp với trồng chậu, và điều này làm cho tôi thích hơn, vì chậu hoa dạ hợp không cần phải bị bàn tay nghệ nhân uốn éo tội nghiệp – tự nhiên mà vẫn đẹp, tất nhiên đẹp dân dã, không so với mô-đen thành thị. Trồng chậu lại rất hay vì ta có thể đưa hương hoa về gần với mình.

– Quý nhất của cây dạ hợp là hoa. Hoa ra đơn lẻ, ở kẻ lá, cọng to, ngắn, vì vậy hoa nhiều khi có vẻ e ấp dưới lá. Hoa to vừa phải, khi còn búp thì màu xanh, thuôn tròn, khi đến độ nở thì màu xanh nhạt dần dần để trở thành trắng muốt, những cánh hoa xếp thành 3 tầng, mỗi tầng 3 cánh từ từ bung ra theo từng tầng, cuối cùng là nhụy hoa. Không được con người thi vị và thương cảm như hoa quỳnh – loại hoa trắng cánh to mềm mại từ từ rung nhẹ, hé mở để đẹp đến độ tinh khiết và thoảng hương thơm vào lúc đêm khuya, rồi sáng sớm ngày mai hoa héo tàn -, hoa dạ hợp vẫn có nét đặc biệt khi chuyển mình: hoa búp sung mãn vào ban ngày, đến chiều thì bắt đầu hé cánh, khoảng 9 giờ tối hoa nở trắng muốt, e ấp nhị vàng, cho đến sáng hôm sau thì 3 cánh hoa ngoài cùng vẫn giữ nguyên trong khi các cánh hoa bên trong khép hờ, che kín nhụy, và hoa vẫn cứ đẹp; thế rồi hoa sẽ rụng cánh một lần vào ban đêm. Từ chiều tối bắt đầu nở cho đến ngày và đêm hôm sau, hoa tỏa hương thơm thoảng, ngọt, nhẹ nhàng, đặc biệt đêm khuya, hoa giả từ cỏi đời mà không quên gởi hương lần cuối cho thinh không. Nếu cây tốt, nhiều hoa nở đồng thời, hương sẽ thoảng đưa nhiều, rõ hơn, nhưng chỉ cần một đóa, vẫn có thể làm cho khu vườn khác lạ bằng chút tinh anh đặc biệt của nó. Không được nuôi nấng cưng chiều như các loại hoa quý tộc, nhiều khi cây dạ hợp còn bị đối xử vô tình, nhưng cây vẫn sống đời cây, vẫn có một nụ âm thầm từ nách lá, để chủ nhân tối ra vườn dạo chơi, một làn hương thoảng qua, khi đó chủ nhân mới chợt nhớ: À, dạ hợp! Riêng tôi, thường tỉnh giấc từ khi trời chưa sáng, hoa dạ hợp đã nhắc khẽ bằng làn hương thơm vào phòng. Sáng dậy tôi đi thăm hoa, thì thôi rồi, những cánh hoa đã rơi từ bao giờ.

Như thế, tôi yêu hoa dạ hợp, một loại hoa bình dị mà biết dâng hiến cho đời, dẫu tôi không mấy chu đáo với nó, cứ nghĩ để nó tự do theo cách sống của nó. Tôi càng yêu nó thêm vì … hoa khiến tôi nghĩ đến người …

*
*     *

Giữa một xã hội đầy rẫy những khó khăn để xây dựng niềm tin, trong đó, những giá trị đạo đức bị thử thách trước sức mạnh của đồng tiền và danh vọng, môi trường giáo dục không mấy lành mạnh, đời sống tinh thần bị thống trị bởi thị hiếu nghe nhìn tầm thường, lơ lửng giữa giá trị truyền thống và tinh hoa của thời đại; may sao quanh ta vẫn có những con người biết vượt lên những thời thượng dễ dãi, những hình thức phô trương che dấu nội dung rỗng tuếch, những giả dối tràn lan, trong khi vẫn giữ tâm trong sáng để có làm được gì thì không màng lợi lộc về mình, và sống tự nhiên đóng góp chút hương hoa cho đời, như cây dạ hợp sống khỏe khoắn vô tư mà tỏa hương. Những người như vậy, không vồ vập niềm nỡ, không văn hoa kiểu cách, không chơi trội với ai; trái lại sống an nhiên, và khi đến với ai thì đem lại không khí trong lành, nhẹ nhàng, thật thà như môn khoai, nhưng lại không kém phần tinh tế trong văn hóa, dẫu cho họ đang mang trình độ học vấn cấp i nào.

Hoa dạ hợp tỏa hương như thế, mà sau này tôi mới đến với nó; cũng như vậy, may mắn tôi nhận ra ngày càng nhiều con người như cây dạ hợp nhờ tâm không quá lăng xăng trước chuyện đời và bước chân của mình được thênh thang hơn. Tôi biết được nhiều hơn sức sống của đạo Phật ở những nơi xa thị thành khi có dịp tiếp xúc với những bác khuôn hội, những anh chị huynh trưởng Gia đình Phật tử, đã từng kiên trì thắp ngọn đuốc tuệ, duy trì khuôn hội và giữ được nền móng trong giai đoạn khó khăn của đất nước sau ngày hòa bình, thống nhất. Tôi được biết những người – tạm gọi là bảo vệ – trông nom, giữ gìn vật chất và tài sản của các cơ sở giáo dục và văn hóa giáo hội, với hạnh nguyện cúng dường chí thành, vì vậy làm mọi thứ: tiếp trà, đánh trống, quét dọn, chăm sóc cây, chống bão lụt, … kể cả lên núi hái cây chổi về làm chổi. Tôi được biết nhiều người thể hiện tâm cúng dường ở rất nhiều Phật sự khác nhau, có người tôi được gặp mặt, có người ở nơi xa, kể cả ở nước ngoài, qua các trang sách báo, các diễn đàn, qua các hoạt động từ thiện, văn hóa, văn nghệ Phật giáo, các anh chị làm công quả cho chùa trên mọi địa bàn, các Phật tử luôn giữ vững niềm tin nơi Tam Bảo, … Rất nhiều người như thế, rất nhiều Phật tử như thế, họ sống như cây không kén đất, họ xem trọng niềm vui tinh thần hơn là chạy theo thị hiếu vật chất, với cá tính có thể rất khác nhau, người trầm lắng, người trào lộng, nhưng gặp nhau ở chỗ thể nghiệm đạo Phật bằng chính cuộc sống thực của mình, bằng giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, ý, biết thế nào là đủ, từ đó họ sống khỏe khoắn, vững vàng, cùng tạo thuận duyên cho nhau như các mạch máu trong cơ thể sống.

Bạn thân mến của tôi, có thể bạn có cảm tình với những người như thế, nhưng bạn chưa chí thú với cuộc sống của những người đó; bạn muốn thấy mẫu người nghệ sĩ hơn, sôi nổi hơn, góc cạnh hơn, biết đấu tranh mạnh mẽ … Vâng, đây chỉ là cây hoa dạ hợp, còn thì, biết bao nhiêu loại cây hoa với biết bao hương sắc khác nhau!

C.H.H
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here