Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Hoa cẩm chướng

Hoa cẩm chướng

142
0

Người viết chợt có một chút buồn vì hoa có tên mà bỗng trở thành hoang dại, nếu có được ai đó để ý thì lại chìm khuất trong những nhành hoa ngoại nhập kia. Chẳng biết từ bao giờ người Việt mình lại dần bỏ quên nhiều thứ từ thiên nhiên quanh mình đến thế. Phải chăng do chiến tranh tàn phá liên miên, do cuộc sống nhiều thay đổi bất ngờ, nên… vậy? 

Thực tế, triết lý vô thường luôn khuyến khích người ta sống cho thật sống, bởi mối tương quan giữa con người và thiên nhiên đâu có tách rời nhau. Cứ nhìn vào bước nhảy của con ếch trong thơ của thiền sư Basho (Nhật Bản) thì sẽ thấy cả vụ trụ xao động như thế nào. Cứ nghe một tiếng hét của thiền sư Không Lộ (Việt Nam) là biết thái hư lạnh rùng mình ra sao.

Một cánh hoa rụng xuống mà cảm thức bi ai của người xưa như tạc thơ vào hồn sông núi. Một làn hương rất nhẹ lướt nghiêng qua hơi thở, nếu chẳng biết dừng tâm lại lắng nghe thì nào hay vũ trụ đang hân thưởng sức sống cho mình. Nhiều khi thưởng hoa dại mà tìm ra tiếng nhớ bạn, ngắm chiều tà tâm tưởng đến song thân. Hoa nở ngắn có khi chỉ trong khoảng nhấp một tách trà, nhưng tình yêu cái đẹp vốn như hoa xuân không tuổi. 

Hình ảnh thiền sư Bashô (1644-1694) ngủ trong giấc mơ hoa bình dị và thanh thản đến lạ lùng:

“Tôi muốn ngà say 

ngủ mơ trên đá 

hoa cẩm chướng đầy”. 

Còn đây, giấc mộng nhàn của thi hào Nguyễn Trãi (1380-1442):

“Bao giờ làm được nhà dưới núi mây

Múc nước suối nấu chè, gối đầu lên đá ngủ”.

Trong khi, nhà thơ Lưu Quang Vũ nhìn hoa cẩm chướng trong mưa mà viết:

“Bao giờ cẩm chướng nở hoa

Người tôi mong chờ

Trở về cùng tôi mãi”.

Có nhìn mới tả được, có nghe mới vang được, có ngửi mới tỏa được, có giao cảm mới động được, có thần mới tĩnh được. Cái lòng hoa đầy cả muôn dặm không gian, làm gì có loài hoa hoang dại cho đời bỏ quên. Chỉ là trong một thoáng hữu duyên mắt ai đã chạm đến để nhân gian cùng đượm chung một vẻ hữu tình. Mỗi bước chân, vạt áo phất qua như mang đến cho chim thú cỏ hoa một chút động lòng tồn tại. Như thế cũng đủ yêu và sống rồi, nào phải gỡ núi, bứng cây về để vẽ vời cái sự thiên nhiên… 

Hoa trước tàn, nụ sau nở, cũng như đời khác đời thương nhau mà mở bi tâm. Nhìn chú tiểu im lặng như hoa, nghe rụng đầy sân bài kinh Bát nhã. Tiếng chuông chiều thức những hồn hoa. Mùi hương nghìn năm như ướp vào màu tượng cổ. 

Bi tâm tức thị Phật tâm… 

T.T.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here