Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Hò ru em

Hò ru em

150
0

Gần đây, nhóm Cựu giáo chức Quốc Học và Đồng Khánh Huế thực hiện một đĩa thơ nhạc đặc biệt: “Hò ru em” với giọng hò của hai nghệ nhân lão thành: Minh Mẫn và Thanh Hương. Một sự góp công góp sức nghe sao có vẻ lạc lõng giữa thời buổi disco này! Nhưng biết làm sao bây giờ, bởi lẽ mục tiêu của những người chủ trương thật cao đẹp: làm sao cho con cháu chúng ta được lót ổ bằng ca dao; làm sao cho chúng nó được ru ngủ bằng thương yêu của mẹ, của bà; làm sao cho vô thức của chúng nó được nuôi dưỡng bằng tình cảm thiêng liêng…

Muốn được vậy, thử hỏi có cái gì hơn “hò ru em”? Cần tăng thêm tuổi thọ cho câu hò. Con cháu chúng ta sẽ được tẩm ca dao không những trong bốn tao nôi mà luôn cả sau đó, khi đi đến trường chơi và học cùng các bạn. Chính vì chung một dòng suy nghĩ như thế này cho nên các cựu giáo chức nói trên muốn thực hiện đĩa “hò ru em” để trao tặng cho các trường mẫu giáo mầm non, tiểu học, nhằm cho các thiếu nhi được nghe đi nghe lại các điệu hò này trong giây phút ra chơi. Giọng mẹ, giọng bà sẽ à ơi trong không gian, các cháu cứ nô đùa thỏa thích, mặc cho giọng hò quấn quýt và tìm đường len lỏi vào lòng. Chẳng phải tiêu tốn phân ly thì giờ nào của các cháu, cũng không ai giở mòi ép buộc các cháu lắng nghe. Chơi vẫn chơi, ru vẫn ru, mặc cho thẩm thấu tự thành. Chỉ có sân trường và lớp học là được thêm câu thơ tiếng nhạc hài hòa. Như thế này thì hay quá! “Nhớ ưu tiên cho những câu ca dao về Huế đó nghe!”, lời nhắn nhủ. Ca dao về Huế thì nhiều vô kể, từ những câu về nhân tình thế thái đến những câu mang dấu tích về thời cuộc. “Nhưng còn cái nôi, có nên đưa cái nôi đi kèm lời ru không đây?”, lời dò hỏi. Phải ghi nhận rằng, cái nôi đang chịu một tuồng hóa thân khá nặng nề: nôi mây tre rõ ràng bị lép vế trước nôi sắt và, ngoài ra, càng ngày càng bị làn gió thời đại lùa về làng quê. “Thêm được âm thanh kẽo kẹt thì hay quá!”, lời nài nỉ. Kỹ thuật viên đành bó tay trước loại âm thanh này, không khéo người nghe dễ cho là âm thanh nhiễu. Công việc thu âm cuối cùng cũng hoàn tất, có lẽ chưa hoàn hảo, nhưng dù sao vẫn nhờ đó rút kinh nghiệm cho những đợt làm sau.

Hò ru em, qua thời gian, và dù trải lắm thăng trầm, muôn đời là những câu hò, một hình thái thơ nhạc trong sinh hoạt đời sống hàng ngày. Đó là một mục sinh hoạt hàng ngày bình thường đúng nghĩa, bởi lẽ chị ru em, mẹ ru con, bà ru cháu, có ai nghĩ là mình đang… làm nghệ thuật đâu. Tuy trẻ sơ sinh chỉ chiếm một chỗ nhỏ nhít trong nhà, nhưng xem ra mọi người trong gia đình cũng khá bận bịu theo giấc ngủ, bữa ăn của bé, rồi còn thêm đùa chơi, “nói chuyện” với bé. Bởi vì bé chỉ biết quậy, nên phải cho bé ngủ mới “yên nhà lợi nước”. Làm thế nào cho lời ru càng mùi, bé ngủ càng muồi.

Hò ru em là một điệu ngân nga lời thơ. Thơ thông thường là ca dao. Cũng có khi chỉ trích lời thơ từ tác phẩm văn học, nhưng người ru chẳng buồn biết đó là tác phẩm văn học, chỉ biết đó là những câu thuộc nằm lòng, được truyền miệng, như trường hợp “lẩy Kiều”. Tất cả nghệ thuật và kỹ thuật của hò ru em được xây nền trên sự “láy lại”. Nhịp võng đưa, vâng theo chuyển động con lắc, là một nhịp láy lại triền miên. Thêm vào đó là tiếng “à ơi” xen giữa từng phần câu thơ, có thể lặp đi lặp lại, gia giảm tùy người ru, tùy theo nhịp thở, tùy theo tâm tư, có khi tưởng chừng như tiếng ngân nga dãn nở “vô tuyệt kỳ”. Người ru, tùy theo thời khắc trong ngày, tùy theo bụng dạ đầy vơi theo nghĩa đen và theo nghĩa bóng, toàn quyền ru liền mạch, hay ngắt quảng, hay chủ ý lên giọng đúng chữ nào đó trong câu. Nhừng bài ru trở thành những bài học ngôn ngữ đầu tiên cho trẻ. Những câu chữ sẽ hòa quyện vào hơi thở và lắng sâu xuống tiềm thức của trẻ.

Người phụ nữ Việt Nam, nhất là trong xã hội cũ, dù luôn luôn đóng vai trò trọng yếu trong gia đình, vẫn là một hiện diện mờ nhạt, có khi như cái bóng, thường khi không xuất hiện trước mặt khách. Cái bóng ấy im lặng và thi hành nhiều hơn phát biểu. Bao nhiêu phát ngôn đều từ cửa miệng người đàn ông trong gia đình. Đến lúc ru con, người mẹ cảm thấy nhẹ mình, giải tỏa được hơi thở và tình cảm. Và tự do trong sự lựa câu hò hòa hợp với lòng mình. Con ngoan ngoãn nằm trong nôi, mặc tình cho mẹ ru ngắn, ru dài. Vẫn biết con không nghe lọt lời ru, mẹ vẫn chọn lời gửi gắm. Không phải chỉ có những câu ca dao đạo nghĩa mà thôi để thay lời ước nguyện thầm kín cho con học tập, mẹ vẫn còn đưa ra mấy câu hò phơi bày thói hư tật xấu của người đời mà mẹ cảnh giác con ngay từ trong nôi.

Đứa con là hình ảnh thu nhỏ của chính mình (nếu đó là con gái) hoặc của người chồng (nếu đó là con trai), và nếu quả như vậy thì đó là khuôn mặt sẽ còn thiên biến vạn hóa của bất khả tri: con ơi, con là một ẩn số (“mai kia mốt nọ…”, “biết đâu rồi chẳng…”). Đó là mầm mống của âu lo tượng hình trong lòng người đang cất tiếng ru.

Hò ru em chung quy là độ thoại của người mẹ thông qua lời truyền khẩu của ông cha để lại. Bên cạnh những lời bâng quơ miêu tả thiên nhiên, thời tiết, làng nước, thì những câu được chọn ru nhiều hơn cả là những câu có “đụng chạm” ít nhiều đến bản thân người ru. Và những câu thơ này, từ trí nhớ hiện ra, trở thành lời của mình, nâng lên làm lời diễn ngâm và nhuốm sắc thái chủ quan một phần nào đó. Ta có thể nhận ra điều này khi nghe cùng một câu ca dao được hò ru qua nhiều người khác nhau: mỗi câu được kinh qua một kênh giọng riêng, mỗi giọng sẽ tỏa ra một âm sắc riêng, và âm sắc này ấp ủ sắc thái của tâm hồn. Thậm chí không những giữa người ru này với người ru kia có nét riêng biệt đã đành, lại còn có nét riêng qua từng thời khắc khác nhau từ chính một người hò tới lui một câu hò ấy. Cũng ngần ấy chữ trong câu, vậy mà tùy theo người này người khác, lối xuống âm này âm kia khác lạ hẳn đi, chữ nào đó lên bổng xuống trầm, âm nào đó kéo dài hẳn ra, hay là láy lại, hay chỉ lướt qua, hay bỗng đâu vang trội hẳn lên…

Không gian đặt chiếc nôi là một căn buồng, hoặc một góc nào đó ở nhà ngang chẳng hạn, nghĩa là một nơi người mẹ cảm thấy tự do cất tiếng. Lạ thay, buồng là một không gian khép kín, riêng tư, ấy vậy mà lời dành quyền lọt ra ngoài không gian này để có thể chờn vời trên cây cỏ, trong vườn, vương cất bên bờ dậu, lan ra cầu ao, hàng xóm…

Như vậy, ru em là một dịp giải bày khúc nôi, hé lộ tâm tình trút lòng ra cho vơi bớt những gì ấm ức, nặng lòng. Cho nên, trong nhiều trường hợp, ru em khoác màu sắc của một viện cớ (preesteexte), và người ru có thể là người đóng thế (doublure) cho nhân vật trong câu ca dao và yên ổn sống trong tình huống ngoại phạm (alibi) chính đáng. Loại độc thoại này, và cũng chính vì là độc thoại, tất nhiên là “độc thoại mẹ” qua đó người mẹ la trung tâm, bất luận đến những vòng tròn âm thanh khuếch tán chung quanh.

Chẳng phải như thế sao: lời ru cuốn hút lời ru, con chưa ngủ mẹ ru, con ngủ rồi mẹ vẫn ru. Sao cho bao nhiêu lời ru gom góp lại làm thành trọn bài tâm sự mới thôi.

Hò ru em là một độc thoại ư? Giả như đó thuần túy là một độc thoại, thì vòng tròn âm thanh sẽ lẩn quẩn vây bủa người xướng xuất mất thôi! Ai dại gì bện lấy cho mình chiếc dây thòng lọng, ai không dưng tự siết cổ mình? Đó hẳn nhiên là một cuộc đối thoại mẹ con, nhưng qua đó chỉ có mẹ là lên tiếng. Vẫn là đối thoại. Đối thoại được. Đối thoại nay dứt mai tiếp. Không có con người nào giữa đời này hồn nhiên, vô tội, thuần khiết, toàn thiện cho bằng con người thu nhỏ nằm trong nôi, huống nữa đó là tác phẩm máu thịt của mình. Và có ai giữa đời này là người không khao khát bạn lòng, người thân tín, kẻ tâm phúc? Vô hình trung, mẹ nâng con lên hàng tác nhân có năng lực đối thoại với mình. Hoặc là nâng con lên, hoặc là hạ mình xuống để thiết lập đối thoại. Bắt đầu bằng đối thoại tỉ tê, thủ thỉ. Vẫn có những cuộc đối thoại với một người rặt nói và một người rặt nghe. Ru con là trường hợp như thế này. Nhưng ở đây hình nhân nhỏ nhoi là thế vẫn không những được nâng cao lên hàng người đối thoại, còn là hiện thân bằng xương bằng thịt của tình nghĩa vợ chồng. Làm sao đứa con chẳng mang một ý nghĩa thiêng liêng? Con người, trong những giây phút cao điểm của đời sống tâm linh, có thói rước trời đất, sông núi, trăng sao chứng giám cho thề nguyền, ước nguyện của mình. Người mẹ ru con, cũng vậy, trong giây phút xúc cảm, cũng có thể lấy con mình ra chứng tri cho lòng thành của mẹ. Tràng đối thoại này, như đã nói, lúc đầu là tỉ tê, thủ thỉ, theo tinh thần “cơm với cá như mạ với con”. Dần dà, theo lời ru đưa đẩy”, giọng ru bắt đầu “nhập”, đối thoại tiến dần đến chỗ hùng hồn lúc nào không hay. Người ru lên giọng, cả tiếng và tiếng hò ru bay lên, lan xa.

Hò ru em đến đây không còn gửi gắm riêng cho mỗi em nữa rồi, mà còn cho người khác (có như vậy dân gian mới thưởng thức hò ru em rộng rãi). Bao nhiêu người khác nghe được câu hò, hàng xóm cũng lõm bõm câu được câu mất. Giữa bao nhiêu thính giả run rủi này, chỉ riêng một người được lời ru nhắm đến: đó là người đàn ông trong gia đình.

Không hẹn mà nên, hò ru em có thể trở thành một cuộc đối thoại tay ba, qua đó trước sau vẫn độc một người phát ngôn: người mẹ ru, hai người còn lại đều im lặng.

Trong đối thoại tay ba diệu kỳ và hi hữu này, nhân vật duy nhất khai thác được lời ru – khai thác theo nghĩa tích lũy và sản sinh – không ngờ lại là đứa bé bởi vì chỉ nhờ đứa bé lời ru mới có tương lai (Chính vì vậy ta nên cho các con các cháu nghe nhiều nhiều tiếng hò ru em!). Sự khai thác được khởi đi từ sự ghi nhận thụ động âm thành và chữ nghĩa vào luống vô thức. Và viễn tượng của âm thanh là ngôn ngữ hình thành tuần tự chắp nối, lắp ghép từng con chữ. Sẽ có những chữ rơi rụng như từng mảnh khảm không dính chắc vào não bộ, nhưng ngược lại cũng sẽ có những từ, những âm động lại sinh sôi, và kết quả sẽ là những lời (lời nói, câu viết, và luôn cả lời ca, câu thơ…) cùng bao nhiêu hình tượng…

Trước mặt mẹ, con tiếp nhận lời ru bằng vô thức, và nếu như tri giác chưa thể tiếp nhận nộng dung của lời, thì thính giác vẫn rộng mở đón làn điệu ru hời. Sau lưng mẹ là một người vắng mặt: đó là người cha. Người cha không hiện diện, cha ở ngoài căn buồng ở sau một vách ngăn, hay ở đâu đó trong nhà, ngoài vườn, có khi còn ở xa hơn. Và trong trường hợp người cha không để lọt tai những lời ru gửi riêng đó, biết đâu chẳng có một đệ tam nhân tự nguyện làm trung chuyển? Những câu ru như:

Bông lài bông lý bông ngâu,
Chẳng bằng bông bưởi thơm lâu dịu dàng.

Hay là:

    Chàng ràng chi lắm bướm ơi,
    Đậu mô thì đậu một nơi cho thành.

Đúng là những câu hò mà nhạc điệu dành hết cho con, nhưng nội dung thì trao gửi cho người bạn đời. Người phụ nữ bao giờ cũng có tâm sự, cần thở than, giải bày, gửi gắm. Người đàn ông thì suốt đời phạm tội, kể từ cái tội công sức đổ ra nuôi con sút kém nhiều so với vợ mình. Ấy vậy mà một cuộc đối thoại vợ chồng trực tiếp, thẳng mặt, bình đẳng, bao giờ cũng khó thực hiện và hiệu quả vô cùng phi phỏng. Đã vậy thì: ru em là một chước cực chẳng đã của kẻ yếu thế, nhưng cần phô diễn, để trần tình, vạch bụng mình ra trước một con người mình đã trao thân gửi phận thoắt đâu trở thành một ẩn số, một cái bóng khó nắm bắt, không biết chừng biến thành người trở mặt hay kẻ thù thân thiết lúc nào đây, mà nay mình cần phải đối thoại gián tiếp, cách không, với lợi thế duy nhất có trọng lượng tương đối là đứa con, hòng mong cứu vãn tình hình, tái lập trật tự cũ, chiêu hồi con người lạc hướng của đời mình. Đứa con, trong cán cân tình cảm, trong chủ quan của mẹ, dưới mọi khía cạnh và nguyên nhân, đương nhiên đứng chung về phía đĩa cân với mẹ. Trong trường hợp này, lời ru có cái diệu dụng là “truyền âm nhập mật”.

Hò ru em sẽ trường thọ muôn đời và, không biết chừng, cũng cần cho người lớn. Vẫn biết phải cần thêm nhiều phụ gia, nhiều pha phách. Như Trịnh Công Sơn đã từng ru, và ru suốt đời mình. Cuộc đời biến đổi bao nhiêu, chiếc nôi vẫn là ngôi trường đầu tiên của con người.

                                            B.Y
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here