Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Hình ảnh Tỳ kheo ni trong kinh Trung Bộ

Hình ảnh Tỳ kheo ni trong kinh Trung Bộ

134
0

Từ đây, thân phận người phụ nữ được nâng lên ở một tầm cao mới, thoát khỏi cảnh nô lệ tủi nhục, bị tước đi tất cả mọi quyền hành mà một người cần có.

Với tư tưởng Phật giáo, phụ nữ đã thực sự được quan tâm và có quyền lợi của mình không chỉ trong gia đình mà cả ngoài xã hội.

Trong tổ chức tăng già, địa vị người phụ nữ cũng nổi bật như vai trò của nam giới. Bằng chứng là, nếu trong chúng Tỳ kheo có các đại đệ tử như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên…; thì trong chúng Tỳ kheo ni cũng có những bậc tôn ni thông tuệ được Đức Phật ngợi khen như, Dhammadinna, Kisa Gotamì…

Dù lịch sử Ni giới ra đời có phần muộn, nhưng không phải vì thế mà hình ảnh chư Ni bị khuất lấp bên những tán đại thọ đã phát triển vững vàng của hội chúng Tỳ kheo.

Sự thật, hình ảnh Chư ni có mặt khắp các kinh điển được kết tập. Điển hình là trong Tiểu Bộ Kinh với Trưởng lão Ni kệ. Trong những kinh khác, chúng ta cũng bắt gặp những thời pháp do Đức Phật trực tiếp dạy cho các Tỳ kheo ni, nhưng cũng có khi là các vị đệ tử thượng thủ thay phiên giáo giới.

Đặc biệt, khi đọc kinh Trung bộ, chúng ta không khỏi ngạc nhiên trước trí tuệ giác ngộ của một Tỳ kheo ni trẻ tuổi-Dhammadinna trong Tiểu kinh Phương Quảng, hay hình ảnh của Ni Trưởng Mahapajapati Gotami cùng năm trăm Tỳ kheo ni khác trong cuộc luận thuyết với thượng toạ Nandaka, ở kinh Giáo Giới Nandaka

Nội dung của nó cho chúng ta biết, lúc Thế Tôn đang trú tại tịnh xá Cấp Cô Độc, Ni trưởng Mahapajapati Gotami hướng dẫn năm trăm Tỳ kheo ni đến yết kiến Thế Tôn và  xin được giáo giới. Đức Phật mới bảo các vị Tỳ kheo Thượng toạ thay phiên thuyết pháp.

Đến phiên Thượng toạ Nandaka, Thượng toạ đã mở ra một cuộc luận thuyết, bằng cách đặt câu hỏi, nếu biết, chư vị Tỳ kheo ni sẽ nói rằng “Tôi biết”.

Qua đó, Thượng toạ Nandaka giúp cho các Tỳ kheo ni  thấy rõ, các căn, các trần, các thức, các uẩn là vô thường; cái gì vô thường sẽ đem lại khổ đau. Cái gì vô thường, khổ đau thì không hợp lí khi nói rằng: “Cái này là của tôi, là tôi, là tự ngã của tôi”, và rồi giới thiệu đến chư Ni pháp Thất giác chi để quán chiếu tu tập.

Thời pháp này được Bậc đạo Sư yêu cầu thuyết đến 2 lần, và sau thời pháp, tất  cả năm trăm vị Tỳ kheo ni đều chứng đắc Thánh quả, người chứng thấp nhất là quả Dự Lưu, tất cả dếu rất hoan hỷ về thời pháp ấy.

Bản kinh trên đã tái hiện được một hội chúng tu học của Chư Ni  vào thời Phật còn tại thế. Hình ảnh Ni trưởng Mâhapajapati Gotami cùng Ni chúng được kinh văn mô tả bằng những câu trả lời đầy chánh trí, được thượng toạ Nandaka tán thán là “Trí tuệ của vị Thánh đệ tử”. Điều đó tỏ rõ khả năng lãnh hội, quán chiếu và tư duy của Ni chúng ở mức độ cao.

Một minh chứng sống động hơn cả, đó là lời xác nhận của Bậc Đạo Sư, rằng:  “Này các tỷ kheo, ví như vào ngày Bố tát, ngày rằm, quần chúng không có nghi ngờ hay phân vân rằng: “Mặt trăng là không tròn hay mặt trăng là tròn. Vì khi ấy mặt trăng đã tròn”. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, các Tỳ kheo ni ấy hoan hỷ với bài thuyết pháp của tôn giả Nandaka, và tâm tư của chúng được thoả mãn. Này các Tỳ kheo, trong năm trăm Tỳ kheo ni ấy, Tỳ kheo ni cuối cùng chứng được Dự Lưu, không còn bị đoạ lạc, và chắc chắn đạt đến chánh giác.” (1)

Lời dạy trên của Đức Phật, một lần nữa minh định khả năng chứng ngộ các Thánh quả của Chư Ni, một tiềm năng chưa được nhìn nhận đúng tầm cho đến trước thời Đức Phật, trong lúc lịch sử phát triển của nhân loại đã trãi qua mấy nghìn năm.

Trong một kinh khác ở Trung Bộ II, Đức Phật cũng đã xác nhận khả năng chứng ngộ của Chư Ni đệ tử rằng: “Này Vaccha, không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm, mà còn nhiều hơn thế nữa là những Tỳ kheo ni, đệ tử cuả ta, đã đoạn trừ các lậu hoặc, với thượng trí, tự mình chứng ngộ, chứng đạt, và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”. (2)

Dù hình ảnh Tỳ kheo ni xuất hiện với tần số không nhiều trong Trung Bộ, nhưng mỗi khi xuất hiện, hình ảnh ấy luôn toả sáng bởi trí tuệ và phong thái thanh thoát. Trong đó, hình ảnh Tỳ kheo ni Dhammadinna được xem là một minh chứng cụ thể nhất. Là vị Ni trẻ tuổi, có biệt tài thuyết pháp đệ nhất, Dhammadinna xứng  đáng được chọn làm đại biểu cho hình ảnh Tỳ kheo ni trong kinh Trung Bộ.

Theo trưởng lão Tăng kệ và Ni kệ, Dhammadinna vốn là vợ của Visaka, họ từng sống hạnh phúc trong đời sống gia đình. Một hôm Visaka nghe Thế Tôn thuyết pháp và đắc quả A Na Hàm, nên quyết định giao toàn bộ gia sản cho vợ để xuất gia.

Quyết định của Visaka đã làm Dhammadinna suy nghĩ, cô tự hỏi, Visaka có thể chứng đắc Thánh quả, tại sao mình lại không? Câu hỏi ấy đem cô đến với đạo, và cô đã gặp Ni trưởng Mahapajapati Gotami để xin được xuất gia. Nhờ tinh cần tu tập, không bao lâu sau cô đắc quả A La hán, khi Visaka chưa kịp xuất gia.

Kinh ngắn Phương Quảng đã đưa hình ảnh Dhammadinna đến với người đọc qua những câu trả lời đầy trí tuệ, mà người hỏi đạo lại chính là Visaka.

Trong cuộc vấn đạo này, Visaka đã đặt ra rất nhiều câu hỏi để trắc nghiệm Dhammadinna. Các câu hỏi từ đầu cho đến “thân kiến” là để trắc nghiệm về sự chứng ngộ quả vị Tu Đà Hoàn. Câu hỏi về “Bát thánh đạo” là hữu vi hay vô vi, hỏi về kinh nghiệm giải thoát của A Na Hàm. Câu hỏi về Diệt thọ tưởng định và Niết Bàn là trắc nghiệm quả chứng A La Hán.

Câu trả lời của Dhammadinna về Diệt thọ tưởng định và Niết Bàn đã vượt khởi tầm hiểu biết của Visaka, vì bản thân ông chưa có kinh nghiệm giải thoát đối với quả vị A La Hán. Đây là quả “vô học”, chỉ có sự thể chứng mới biết mà không thể biết qua ngôn ngữ.

Chính Đức Thế Tôn cũng đã xác nhận với Visaka rằng: “Này Visaka, tỳ kheo ni Dhammadinna là bậc Hiền trí! Này Visaka, tỳ kheo ni Dhammadinna là bậc Đại Tuệ. Này Visaka, nếu ông hỏi Ta ý nghĩa ấy. Ta cũng trả lời như tỳ kheo ni Dhammadinna đã trả lời. ông đối với ý nghĩa này hãy như vậy thọ trì”.

Tỷ kheo ni Dhammadinna đến với Thế Tôn, Tăng già sau cư sĩ Visaka, nhưng lại chứng quả A La Hán trước Visaka. Điều này nói lên rằng, về mặt giải thoát, đoạn trừ lậu hoặc, thân nữ không có gì chướng ngại. Cơ hội tu tập để giải thoát giác ngộ không phải là đặc quyền của riêng ai, mà luôn mở ra cho tất cả những người đến với đạo.

Với trí tuệ giác ngộ của một vị A la hán, Tỳ kheo ni Dhammadinna đã được Visaka như pháp, cung kỉnh đảnh lễ, dù ông đã đắc quả A na hàm.

So với các bộ kinh khác, hình ảnh Tỳ kheo ni xuất hiện không nhiều trong Trung Bộ. Qua 125 bài kinh, chỉ bốn kinh có hình ảnh Tỳ kheo ni xuất hiện, trong đó có một kinh đề cập đến các Tỳ kheo ni trong mối quan hệ vượt mức cho phép với tôn giả Phaggunamoliya (3). Các kinh còn lại, hình ảnh Tỳ kheo ni luôn toả sáng khi xuất hiện. Vào thời Phật còn tại thế, các Tỳ kheo ni đệ tử dưới sự chỉ dạy của Bậc Đạo Sư, họ không chỉ tu tập để đạt đến vô lậu tâm giải thoát mà còn thuyết pháp, giúp người khác tìm về. Trong 125 bài kinh được kết tập, có một bài của Tỳ kheo ni Dhammadinna, là  niềm khích lệ và động viên lớn cho Ni chúng hôm nay, chỉ có trí tuệ giải thoát mới làm cho hình ảnh Tỳ kheo ni mãi mãi toả sáng.

C.N

 Chú thích:

1.Kinh Trung Bộ III, Trang 467, xuat bản năm 1986.
2.Kinh Trung Bộ II, trang 330, 1992.
3.Trung Bộ I, Ví Dụ Cái Cưa, trang 277, 1992.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here