Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Hiểu càng sâu, thương càng rộng

Hiểu càng sâu, thương càng rộng

176
0

1. Khi gặp khó khăn (chướng) mà ta không đủ sức hay không đủ kiên nhẫn để bước qua, đi tới, khắc phục khó khăn, chinh phục mục tiêu hay đến đích an toàn, khi ấy ta sẽ ngại, đang ngại và đã ngại (đầu hàng). Từ “chướng ngại” ra đời có lẽ mang ý nghĩa gặp chướng sẽ ngại, hay sẽ dễ bị ngại, và ai cũng ngại, vì thế, mới có lời sách tấn, gặp khó khăn chớ ngại, hãy vững chãi bước tới, vì cuộc sống không có con đường cùng…

Ngại khi gặp chướng vì không đủ lực hay không đủ kiên nhẫn và sự cố gắng để vượt qua chính là minh chứng của người yếu kém và… yếu đuối. Cả hai đều cần phải rèn luyện, tích luỹ để trở nên mạnh mẽ hơn, trong tư thế đủ năng lực để thấy chướng ấy không đáng ngại và trong tư duy “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” mà vượt lên hoặc vượt qua.

Một khi ta xác định “không có gì là không thể” thì mình sẽ không sớm đầu hàng hoặc lắc đầu trước một bài toán khó, dù khó nhưng bao giờ cũng có đáp án của nó, chỉ cần mình thuộc công thức và khéo léo ứng dụng.

2. Có lúc nào bạn nghĩ về việc làm toán cũng giống như giải quyết những khó khăn, vướng mắc, va vấp… trong cuộc đời? Nếu có thì bạn sẽ thấy, cuộc đời mỗi người là bài toán, là cái bẫy… do chính bản thân người ấy đã tự thách đố mình bằng những sự hóc búa trong hành xử, nghĩ suy, lời nói… để rồi tạo ra cho mình những lắc léo, khó đỡ, khó gỡ. Tất nhiên, mỗi người chọn đáp số nào là do cách “giải” đã được quy định, kiếm tìm trong chính cách tiếp nhận bài toán của đời mình.

Ví dụ, bạn nghèo và bạn khổ vì chật vật là đương nhiên, vì bạn là con người. Nhưng, nếu bạn không bằng lòng với cái nghèo bằng cách đi cướp của người khác hay mưu sinh không chơn chánh trên mồ hôi, trí tuệ và lòng từ bi – không tổn hại tới lợi ích người khác, hay mạng sống loài khác – thì bạn sẽ còn nghèo nữa, thậm chí sẽ phải trá giá khổ đau hơn cả nghèo hiện tại, lâm vào cảnh giới đớn đau bội phần.

Nếu cái nghèo khiến ta khổ một thì khi ta xuất hiện sự ganh ghét với cái giàu của người thì liền lúc ấy – một cách tức thì, ta sẽ phải gánh một hòn đá nặng thêm nhiều lần cùng với cái gánh nghèo mà ta lỡ lầm, hay cố ý gây tạo từ đời nào, hoặc đời này, nay gặt hái.

3. Hôm qua, có người đã nói với tôi thế này: “Cô nghèo lắm, nhưng cô không khổ nhiều, vì cô biết vì sao mình nghèo như ri”.

Rồi cô nói như một trải nghiệm – suy nghiệm rằng, mình chắc từng xài phung phí quá, có khi đã từng cướp của người khác, mưu lợi trên nỗi mất mát của người hoặc từng là quan tham vơ vét, cũng có khi cô từng lười biếng, chỉ biết ăn và xin ăn dù dư thừa sức khoẻ để làm ăn và dư dả hầu sẻ chia…

Bao nhiêu giả thiết ấy là kết quả của sự quán niệm nhân quả mà người học Phật cần phải thường xuyên thực tập để không chỉ gặp trường hợp nghèo mới thấy những điều đó và nhẹ nhõm khi nghĩ về, sống với sự nghèo khó của mình mà còn trong vô vàn trường hợp khác – cũng chính là vô vàn bài toán, đôi khi cạn nghĩ ta thấy nó vô lý thôi rồi, nhưng nhìn cho kỹ, cho sâu thì cũng có cái lý nào đó ẩn tàng chứ không phải “trên trời xuống” một cách đầy oái ăm, oan ức…

Hãy nhìn cho kỹ, đừng vội kết luận người tham hay mình thâm, mà hãy từ từ quán sát, đừng rời xa bi, trí – vốn là kim chỉ nam cho người học Phật, tu hạnh giải thoát, giác ngộ. Khi có ánh sáng của bi-trí soi đường thì ta sẽ không đổ lỗi hay đổ tội cho ai. Thậm chí ngay cả khi họ thật có tội, có lỗi thì mình cũng ngẫm mà thương, nghĩ mà mong cho họ sớm nhận ra lỗi lầm để không tiếp tục gieo nhân trầm luân chứ không phải động não để buộc tội họ sao cho xứng đáng, xử họ sao cho hả dạ, cũng như cay đắng hơn là tìm phương kế “ăn miếng trả miếng” đủ để mình bớt tức!

L.Đ.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here