Trang chủ Phật giáo khắp nơi Hiểu bài kệ "Hữu cú vô cú" của Ngài Trần Nhân Tông

Hiểu bài kệ "Hữu cú vô cú" của Ngài Trần Nhân Tông

152
0

問:

有句無句,

如藤倚樹。

如何?

 

調御乃曰:

有句無句

藤枯樹倒

幾箇衲僧

撞頭磕腦。

 

有句無句

體露金風

殑伽沙數

犯刀傷鋒。

 

有句無句

立宗立旨

打瓦鑽龜

登山涉水。

 

有句無句

非有非無

刻舟求劍

索驥按圖。

 

有句無句

互不回互

笠雪鞋華

守株待兔。

 

有句無句

自古自今

執指忘月

平地陸沉。

 

有句無句

如是如是

八字打開

全無巴鼻。

 

有句無句

顧左顧右

阿刺刺地

鬧聒聒地。

 

有句無句

忉忉怛怛

截斷葛藤

彼此快活。

Vấn :

Hữu cú vô cú

Như đằng ỷ thụ.

Như hà?

 

Điều Ngự nãi viết :

Hữu cú vô cú

Đằng khô thụ đảo

Kỷ cá nạp tăng,

Chàng đầu khái não.

 

Hữu cú vô cú

Thể lộ kim phong,

Hằng hà sa số,

Phạm nhẩn thương vong.

 

Hữu cú vô cú

Lập chỉ lập tông,

Đả ngõa toản quy,

Đăng sơn thiệp thủy.

 

Hữu cú vô cú

Phi hữu phi vô

Khắc chu cầu kiếm,

Sách ký án đồ.

 

Hữu cú vô cú

Hổ bất hồi hổ

lạp tuyết hài hoa.

Thủ chu đãi thố.

 

Hữu cú vô cú

Tự cổ tự kim,

Chấp chỉ vong nguyệt,

Bình địa lục trầm.

 

Hữu cú vô cú

Như thị như thị,

Bát tự đã khai,

Toàn vô ba tỷ.

 

Hữu cú vô cú

Cố tả cố hửu,

A sách sách địa,

Náo quát quát địa,

 

Hữu cú vô cú

Đao đao phạ phạ,

Tiệt đoạn cát đằng,

Bỉ thử khoái hoạt

Hỏi :

Câu có câu không,

Như dây bám cây,

Là như thế nào?

1 –

Câu có câu không,

Dây khô cây ngã,

Thầy tu mấy gã,

Mẽ trán sức đầu.

2 –

Câu có câu không,

Sương thân gió sắt,

Hằng hà sa số,

Thương đâm dao khắc.

3 –

Câu có câu không,

Lập chỉ lập tông,

Đập ngói  đục rùa,

Lên non lội nước.

4 –

Câu có câu không,

Chẳng có chẳng không,

Khắc thuyền tìm kiếm,

Tìm ngựa theo tranh.

5 –

Câu có câu không,

Lệ thuộc hay không,

Nón tuyết hài hoa,

Ôm cây đợi thỏ.

6 –

Câu có câu không,

Xưa cũng như nay,

Quên trăng nhìn tay,

Đất bằng chết đuối.

7 –

Câu có câu không,

Như vậy như vậy,

Mở miệng nói ra,

Đều không manh mối.

8 –

Câu có câu không,

Nhìn trái nhìn phải,

Nói đi nói lại,

Ngây ngô ồn ào 

9-

Câu có câu không,

Lo lo sợ sợ,

Cắt hết giây giợ,

Vui vẽ đó đây.


 

Bài kệ này gồm có 9 đoạn, mỗi đoạn 4 câu, 1 câu 4 chữ, tuy số lượng từ dùng trong bài kệ rất ít nhưng rất súc tích, có tính khái quát rất cao. Do đó việc dịch nghĩa toàn bài một cách đầy đủ là không dễ. 9 đoạn được chia làm 3 phần như sau:

Phần 1: Từ đoạn 1 đến  5.

Phần nầy ngài phủ nhận tất cả phạm trù mà người ta chấp như: Chấp một bên hoặc chấp có, hoặc không, chấp cả hai đều có, hoặc cả hai đều không (Tứ cú). Đồng thời nêu lên những tác hại và vô ích của nó.

Phần 2:  Từ đoạn 6  đến 7.

Phần này ngài giải thích rõ việc nói CÓ, KHÔNG chỉ là phương tiện diển đạt, tự nó không phải là cứu cánh hay tự nó không phản ảnh được toàn thể thực tại chân thật.

Phần 3:  Đoạn 8 đến 9.

Phần này ngài khẳng định chỉ khi nào cắt bỏ những giây giợ của những khái niệm CÓ, KHÔNG ta mới thực sự tự do, tự tại.

Bài kệ này đã có nhiều người dịch,nhưng theo thiển ý của tôi vẫn còn nhiều chổ chưa rõ ràng, nhất quán và thỏa đáng. Vì vậy tôi xin dịch và giảng lại bài này trong cách hiểu biết của tôi.

Trước hết như ta thấy toàn bài này nhằm trả lời cho câu hỏi “Câu có câu không như dây leo cây là gì? “

Câu có, câu không nghĩa là chấp có, chấp không. Đây là cặp đối đải tiêu biểu cho tất cả các phạm trù đối đãi khác như: âm – dương, phải – trái, trong – ngoài, chánh – tà, chân – ngụy v.v.. Đây là hai phạm trù triết học mà từ xưa tới nay các triết gia đã tranh luận không ngớt. Từ những tranh cải này đã sinh ra những phái chấp có, chấp không, người thì bảo vũ trụ thường hằng, kẻ bảo không, (người cho rằng mọi hành vi con người đều do một đấng tối cao điều khiển, kẻ khác lại bảo nó là kết quả của các tư duy và hành động của người ấy xuyên suốt từ quá khứ tới tương lai) hay nói khác hơn, người ta cố chia cắt thực tại thành những mảnh khác nhau, điều mà trên thật tế không thể làm được. Quan điểm của các thiền sư thì xem khái niệm có, không là chất liệu của khái niệm do đó tự nó đã là không thật thì làm sao dựa vào đó mà xác định một thực tại luôn sống động. Chính vì vậy đối với các thiền sư việc làm ấy là phi lí và vô nghĩa.  Đây chính là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt  bài kệ của ngài Giác Hoàng Điều Ngự. Tuy ngôn ngữ cũng như ý tưởng mỗi đoạn có khác nhau nhưng tựu trung là bác bỏ cái ý tưởng tự đặc ra cho mình một quan điểm rồi dựa vào quan điểm ấy mà định nghĩa thế giới khách quan, trong khi thế giới khách quan luôn thay đổi. Do đó nhìn từ góc độ nào cũng đều phiến diện và đều không phản ảnh đúng thực tại, ngay từ đầu Ngài Điều Ngự đã khẳng định :

1-

“Câu có câu không

Dây khô cây ngã

Thầy tu mấy gã

Sức trán u đầu”

Trước hết khi ai đó nói “ không” thì rõ ràng nội hàm của từ “không” đã dựa trên khái niệm “có” do đó một trong hai vế không xuất hiện thì vế còn lại cũng không tồn tại. Ở đây ngài Trần Nhân Tông đã ví đây là dây khô cây ngã. Trong số đó không ít là thầy tu, cứ đi tìm một cái “có” đối lập với cái “không”, một việc làm vô ích, điên đảo.

2-

 “Câu có câu không

Sương thân gió sắt

Hằng hà sa số

Thương đâm dao khắc”

Do người ta cứ cho rằng Có, không là hai phạm trù đối nghịch với nhau từ đó không ngừng tranh cãi và kết quả là bao nhiêu mâu thuẩn xảy ra, cũng như sương với gió luôn đi liền với nhau, nhưng cũng không ngừng tác động lên nhau. Ở đây ngài TNT ví sương là thể, tạm dịch là Thân, còn gió là sắt, Thân thì mềm còn sắt thì cứng, cho nên nếu cứ tiếp tục đối chọi lẩn nhau thì sẽ gây cho nhau vô số vết thương. Ngày nay chúng ta thấy những giòng chảy của tư tưởng hửu ngã đang đụng độ nhau mãnh liệt, và kết quả như thế nào thì đã quá rõ.

Trong đoạn này chỉ có câu “Thể lộ kim phong” là cần phải giải thích. Hầu hết các bản dịch đều dịch là “thể lộ gió thu”. Tuy nhiên chỉ có Hòa Thượng Thích Thanh Từ chú giải.

Ngài viết “ Khi người ta chấp câu có câu không tức là chấp hai bên, thì cái chân thật hiện tiền người ta không bao giờ thấy, cũng như vào mùa thu lá rụng hết thân cây bày trơ trọi nhưng không ai thấy rõ” (Tam Tổ Giảng Giải tr 106).

Ở đây tôi dịch “Thân sương gió sắt” là vì căn cứ vào ngữ cảnh trong bài thì câu thứ 2 mỗi đoạn luôn là một câu có hai vế  đối nhau rõ ràng. Ví dụ : đoạn 1: dây khô cây ngã, đoạn 3: lập chỉ lập tông, đoạn 4: phi hữu phi vô. Ở đây là vế đầu “thân sương” vế sau “ gió sắt” ai cũng biết “ Sương và gió thường được nói liền với nhau, một bên là mềm (thân) bên kia là cứng (sắt) lại tác động qua lại làm sao không gây nên tác hại. Đây là cách viết hoàn toàn tương hợp với lối lập luận trong bài như “ dây khô – cây ngã” hay đoạn sau “ đập ngói đục rùa – lên non lội nước” do đó dịch “ thể lộ gió thu” thì khó mà tương hợp với mạch văn cũng như ý nghĩa đối đãi của bài kệ.

3-

Câu có câu không

Lập chỉ lập tông

Đập ngói đục rùa

Lên non lội nước

Do chủ trương “có” hay “không” người ta lập ra nhiều tông phái khác nhau để bảo vệ lập trường của mình. Ngay trước thời Đức Phật đã có nhiều phái chủ trương “ Âm thanh thường còn” phái khác thì cho rằng “Âm thanh không thường còn” . Đối với ngài TNT thì ngài cho rằng đó là những việc làm vô ích, điên đảo và mộng mị. Ngài ví điều đó như  “ Đập ngói đục rùa”. Rùa ở đây là rùa đá, người ta thường đục đá hình con rùa để mang tấm bia, thờ ở các nơi trang nghiêm như đình, chùa. miếu. Ngói thì bằng đất nung, tuy có cứng nhưng sao cứng bằng đá được, vậy cho nên đập ngói ra để lấy những mảnh vỡ có mủi nhọn để đục rùa đá là chuyện nực cười. Đất với đá là hai khái niệm thường đi liền với nhau, đất thì mềm, đá thì cứng, làm sao mà lấy cái mềm mà đục cái cứng cho được. Đây là một việc làm vô bổ, đảo điên. Cũng như lên non mà lội nước vậy. Qua đây ta có thể nghĩ rằng vè nói ngược có lẽ đã xuất hiện rất sớm ở nước ta.

4-

Câu có câu không

Chẳng có chẳng không

Khắc thuyền tìm kiếm

Tìm ngựa theo tranh

Đoạn này Ngài nói không chấp có hay không chấp không, không có nghĩa là chấp cả hai bên, vì Ngài biết rằng đến đây người hỏi có thể nghĩ rằng nếu không chấp có mà cũng chẳng chấp không vậy là chấp cả có lẫn không? Do đó ngài nói đoạn này để minh định rằng cho  dù chấp gì cũng là sản phẩm của ngã kiến, mà đã là ngã kiến thì chính là nguồn gốc của mọi mâu thuẩn, hậu quả của nó là hạn chế tự do tư tưởng và dẩn đến khổ đau, tự nó là hý luận và vô ích như việc làm dấu trên thuyền để sau tìm kiếm đã rơi xuống sông, hay căn cứ vào tranh mà tìm ngựa tốt vậy.

5-

Câu có câu không

Lệ thuộc hay không

Nón tuyết hài hoa

Ôm cây đợi thỏ.

Đoạn này Ngài lại trả lời cho câu hỏi “ không chấp có, chẳng chấp không, cũng chẳng chấp cả có lẫn không, vậy chắc phải chấp rằng “Cả hai dựa vào nhau mà tồn tại ”. Cũng như những đoạn trước Ngài cũng phủ nhận cách lập luận đó, Ngài minh họa điều đó như nón làm bằng tuyết hay hài làm bằng hoa, cũng như ôm cây đợi thỏ chạy đâm vào cây chết  khỏi mất công tìm bắt, những vịêc đó đều là vô trí.

6-

Câu có câu không

Xưa cũng như nay

Quên trăng nhìn tay

Đất bằng chết đuối.

Đến đây Ngài cho người hỏi hiểu rằng chuyện lập ngôn CÓ – KHÔNG chỉ là phương tiện, nhưng xưa nay người ta cứ tranh cải có, không, đâu biết rằng ngôn ngữ chỉ là phương tiện, cũng như ngón tay chỉ mặt trăng, nương theo ngón tay để thấy mặt trăng, không nên lầm lẫn ngón tay là mặt trăng, bởi vì đó là chuyện sai lầm, mộng mị, tương tự như thế là việc chìm trên đất bằng . Đã nói chìm là nói đến nước, vậy mà ở đây là trên đất bằng thì làm sao chìm được, đây là cách nói phê phán sự vô lý, vô lý như xem ngón tay là mặt trăng vậy.

7-

Câu có câu không

Như vậy như vậy

Mở miệng nói ra

Đều không manh mối.

Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch: “ Chữ bát mở ra, sao không nắm mũi?” ”.(TTGG tr 112)

Nguyễn Lang dịch: “Tám chữ tháo tung, không nơi bám víu”  VNPGSL – C1 – T 361

Lê mạnh Thát dịch: “ Tám chữ mở toang, không còn mũi rẩy” (Trần Nhân Tông Con người và Tác phẩm ch II Bài giảng chùa Sùng nghiêm) .

Hòa Thượng Thích Phước Sơn dịch: “ Tám chữ tháo tung, toàn không manh mối” (tam tổ thực lục VNCPHVN 1995 tr 29)

Trong 4 cách dịch trên Nguyễn Lang có chú thích tám chữ là “ Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc”.

Hòa Thượng Thích Thanh Từ thì viết rằng: “  Bát tự là chữ bát nhưng có chỗ giải nghĩa bát tự là tám chữ, rồi dẩn Kinh niết Bàn câu ““ Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc”. Đây là một lầm lẫn vì không hiểu được ý nhà thiền. Hai chân mày chúng ta nằm hai bên, ở giữa hở giống hình chữ bát  của chữ Hán. Chữ bát mở ra là hai chân mày đã mở trống, liền đó chụp lấy lổ mũi, tức là phương tiện đã bày ra rồi thì phải nhận ra chổ cứu cánh”. (TTGG tr 112)

Hai dịch giả còn lại không giải thích gì.

“ Mở miệng nói ra, đều không manh mối” căn cứ vào câu “ Ngữ ngữ Thích Ca hoạt kế, cú cú Đạt Mạ gia phong. Phóng chi tắc bát tự đả khai, bả chi tắc nhất ngôn tuyệt há – 語語釋迦活計句句達摩家風放之則八字打開把之則一門絕罅” của Trần Thái Tông nói trong bài “ Phổ thuyết hướng thượng nhất lộ”. Tạm diễn giải nghĩa đen như sau: Lời lời tùy duyên của đức Thích Ca, câu câu tôn chỉ của Đạt Mạ là: Muốn khai ngộ thì phải mở miệng nói ra (dụng ngôn) chứ không nói thì một cửa im lìm. Như ta biết khoang miệng của con người có hình chữ bát 八 mà muốn nói thì phải mở  miệng, hay theo chữ Hán thì “ Bát tự khai” nhưng mở miệng mà không có hơi từ trong cổ họng cùng sự linh hoạt của lưỡi thì sao thành lời (đả) vì vậy nếu  không “phóng” hay “bả” thì một cửa (cổ họng) im lìm. Trước đó trả lời một vị tăng TNT cũng đã dùng cụm từ này.

Vị Tăng hỏi thêm : Cứu cánh thế nào?

Ngài dạy : Bát tự đả khai phân phó liểu, cánh dư vô sự khả trình quân”. (Những gì đáng nói đã nói rồi, còn gì đâu nữa nói với ông).

“Toàn vô ba tỷ – Đều không manh mối” . Chân lý vốn viên dung, lời nói chỉ là sản phẩm của tư duy và khái niệm. Trước khi nói là im lặng, sau khi nói là im lặng, lời nói bước ra từ im lặng rồi trở về với cỏi tịch ngôn thì làm gì có manh mối. Tuy nhiên vì muốn khai ngộ chúng sanh mà phải lập ngôn, nhưng ngôn ngữ chỉ là cái võ chứa đựng khái niệm, tự nó không phải là chân lý, thế mới có chuyện ngón tay chỉ trăng hay ý tại ngôn ngoại.

8-

Câu có câu không

Nhìn trái nhìn phải

Nói đi nói lại

Ngây ngô ồn ào

Tất cả chỉ vì chấp vào ngôn từ mà tạo ra bao nhiêu mâu thuẩn, việc cứ tiếp tục tranh cải chỉ là hý luận mà thôi.

9 –

Câu có câu không

Lo lo sợ sợ

Cắt hết giây giợ

Đó đây thích chí

Do đó khi biết rằng, Đạo vốn viên dung, vượt ngoài ngôn ngữ thì chuyện có, không chỉ là mộng mị, buông hết lo âu, cạn nguồn trói buộc thì lúc ấy mới thấy tự tại .

 V.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here