Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Hiền hòa những ngôi chùa làng – Huế

Hiền hòa những ngôi chùa làng – Huế

238
0

Chùa Huế – Ở vùng đất Huế, khi Chúa Nguyễn Hoàng vào xứ Thuận Hóa đã mang theo tinh thần của Phật giáo, đi đến đâu cũng đều lập chùa. Thuở ban đầu, chùa làng chỉ là một ngôi nhà nhỏ, dựng bằng tranh tre nứa lá, mãi đến sau này, những ngôi chùa làng mới được xây dựng kiên cố với những trang trí rồng, đắp nổi sành sứ. Mỗi ngôi chùa làng đều được xây dựng ở những nơi có thế đất tốt, ở vị trí đầu làng hay ở giữa làng. Thời nhà Nguyễn còn có chỉ dẫn cụ thể về việc xây dựng chùa.

Theo đó, “việc xây dựng chùa phải chọn đất tốt, ngày, giờ tốt. Đất tốt là nơi bên trái trống không, hoặc có sông- ao hồ ôm bọc. Trước mặt chùa có minh đường hay không có minh đường cũng được nhưng phía sau không nên có núi áp kề, ấy là thế đất tốt”. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh cho rằng “Chùa làng là loại chùa công có mặt sớm nhất ở Huế, đã trước bạ với tên xứ đất này. Thời Mạc, tại Huế đã có hai ngôi chùa nổi tiếng được sử sách ghi nhận: đó là chùa Sùng Hóa và chùa Thiên Mụ. Tuy nhiên, giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt tôn giáo, văn hóa xã hội của làng quê xứ Huế nói riêng, hay cả miền Trung nói chung, phải là ngôi chùa làng, ngôi chùa của một cộng đồng cư dân đã cùng chung khai phá một vùng đất, cố kết nhau trong một sinh hoạt tâm linh bền chặt, trải qua thử thách trên dưới năm, sáu trăm năm qua”.

Chùa làng là nơi sinh hoạt bình đẳng, là nơi tụ họp cả làng, ai cũng có thể đến chùa cầu nguyện. Nếu ngày xưa, đình chỉ là nơi dành cho nam giới đến hội họp, thì chùa là nơi luôn mở rộng cửa đón nhận tất cả mọi người. Hình ảnh ngôi chùa làng đã in dấu trong tâm trí của bao thế hệ với hình ảnh thầy trụ trì hiền hậu, với tiếng chuông chùa mỗi sớm, mỗi chiều vang lên trong không gian quê yên bình, như nhắc nhở mọi người hãy sống thuận hòa, chăm lo cày cấy để có cuộc sống no ấm.

Về mặt kiến trúc, những ngôi chùa làng thường được xây theo kiểu kiến trúc chữ Đinh, chữ Công, hay chữ Tam tùy theo công đức đóng góp. Chùa làng thường không có cửa hoặc có cửa nhưng không bao giờ đóng, cũng có khi nhà chùa chỉ xây dựng hai trụ biểu tượng trưng cho chiếc cổng. Vào các ngày lễ lớn như rằm tháng Tư, rằm tháng Tám, lễ, Tết, nam nữ trong làng và những người lớn tuổi thường đến chùa lễ Phật và sau đó xin một lời Phật dạy được các thầy chùa trích ra từ những bài kinh thành những câu răn dạy lối sống ở đời như hai câu đối ở cổng chùa Giác Lương (Làng Hiền Lương-xã Phong Hiền-huyện Phong Điền)

“Vô diệt vô sanh tuy vạn kiếp nhất bất cổ.
Nhược hiển nhược ẩn thông bách phước tứ vu kim”

Chùa Ưu Đàm, làng Ưu Điềm

Tuy là chùa làng nhưng nhiều ngôi chùa có kiến trúc qui mô. Nổi bật như chiếc cổng tam quan của chùa Giác Lương. Cổng được xây theo lối kiến trúc vọng lâu, trên là lầu, dưới là cổng. Mỗi chi tiết kiến trúc và trang trí trên chiếc cổng này đều cho người xem một cảm xúc hoài cổ. Thời gian để lại dấu rêu phong trên bề mặt nhưng vẫn không làm mờ nét tài hoa mà người thợ xưa đã để lại trong từng chi tiết nhỏ. Mặt hổ phù và hoa sen được khảm sành sứ thật sống động gợi nhớ về nét tinh hoa của làng nghề khảm sành sứ ở Huế. Trong không gian này, cảnh chùa xưa đem lại sự bình an trong lòng người viếng cảnh.
Chùa làng ngoài thờ Phật, Thánh, các vị thủy tổ các họ còn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật cổ, quý mà phổ biến nhất là chuông. Trên chiếc Đại hồng chung đúc năm 1819 của chùa Giác lương, thân chuông còn khắc tên một số nghệ nhân nổi tiếng về nghề rèn và cơ khí của làng như ông Hoàng Văn Lịch, Trần Văn Đắc, Dương Phước Thiệu, Trương Quang Sừng… Xưa nhất là chuông chùa làng La Chữ (xã Hương Chữ- thị xã Hương Trà), được đúc dưới thời Tây Sơn duy nhất còn lại cho đến nay. Quả chuông được đúc vào năm Quang Trung thứ 4 (1791), do vợ chồng võ tướng triều Tây Sơn là Điện tiền Thái bảo Ngự giá Quận công Võ Văn Dũng – vợ là Lê Thị Vi, cùng với bố vợ là ông Lê Công Học – người làng La Chữ – đứng ra làm hội chủ cúng dường. Đây là quả chuông chùa độc đáo và kỳ lạ nhất ở Huế vì các hoa văn trên chuông không hề mang nặng dấu ấn của văn hóa Phật giáo mà được trang trí bằng bộ “Tứ thời”: Xuân – Hạ – Thu – Đông. Đặc biệt, trên thân chuông còn khắc hình chiếc gương và chiếc lược sưa, lược dày- những vật dụng của nữ giới. Dưới các ô có hình 8 vị võ tướng tay cầm khí giới trong hình dáng các thế võ, tương truyền là các thế võ của Tây Sơn…. Đặc biệt, trong ngôi chùa làng La Chữ này, có một gian nhà dành thờ bài vị của những võ tướng thời Tây Sơn như Điện tiền tướng quân Võ Văn Dũng và vợ là Lê Thị Vi, nữ tướng Bùi Thị Xuân, bà Lê Công Thị Nhơn – người đã nhường đất Hạ Lang để Bùi Thị Xuân luyện voi chiến.

Trong đời sống cộng đồng của người dân Việt, ngôi chùa làng trở thành tâm điểm của cả làng. Hàng năm vào các dịp lễ, Tết người dân trong làng đến thắp hương cầu nguyện. Những người dân quê hiền lành cùng với những lời cầu nguyện mùa màng tươi tốt, gia đạo bình yên, cuộc sống ấm no hạnh phúc, đó cũng chính là lời cầu nguyện mẹ cha sức khỏe, gia đình yên vui trong các ngày lễ lớn như Vu Lan. Ngôi chùa làng đã trở thành một mái ấm tinh thần của cư dân cả làng. Ai cũng đều có thể đến đây thỉnh một tiếng chuông, thắp hương lễ Phật, tìm thấy nơi đây sự bình yên và thanh thản trong tâm hồn. Cũng từ những dịp gặp gỡ tại chùa mà tình bà con, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt hơn. Nề nếp của làng, của gia đình được giữ gìn bởi những vị tuổi cao đức trọng, những vị tộc trưởng.

Chùa làng cũng là nơi xuất phát nhiều danh sư. Chẳng hạn như từ ngôi chùa làng An Khánh (thuộc làng Dã Lê Chánh – xã Thuỷ Vân – thị xã Hương Thuỷ) nhiều danh sư đã từng tu tập tại đây như nhà sư Nguyễn Văn Quý- trụ trì chùa Pháp Vân – nơi tổ chức cuộc biến động (nhà Nguyễn gọi là Giặc chày vôi) chống vua Tự Đức năm 1866, Hoà thượng Thanh Thái Huệ Minh (vị tổ thứ 4 chùa Từ Hiếu), Hoà thượng Giác Nhiên (Chùa Thuyền Tôn), Sư bà Diệu Hương (khai sơn ni viện Diệu Đức), Hoà thượng Thích Mật Hiển (chùa Trúc Lâm).

Chùa làng còn là nơi gắn liền với nhiều danh nhân. Thuộc về địa phận xã Hương Xuân – Hương Trà, Thanh Lương là một trong những làng cổ của Huế, là nơi có nhiều người đỗ đạt cao, làm quan to. Chùa làng Thanh Lương được xây theo kiểu chùa cổ của Huế. Từ xa, dân trong làng dễ dàng nhìn thấy chiếc cổng chùa xây theo lối cổ lâu (hai tầng).

Đặc biệt, trong chùa làng Thanh Lương có thờ một danh nhân, đó là ông Đặng Văn Hoà. Ông là người làm quan nhưng thấm nhuần đạo Phật, ông đã cúng dường nhiều chuông, tượng Phật cho các chùa ở vùng đất Hương Trà như chùa Bác Vọng Đông, Bác Vọng Tây, Hoà Viện, Thanh Lương, Hiền Sĩ.

Tại chùa làng Thanh Lương, ông Đặng Văn Hoà còn tiến cúng một tấm bia đá, trên tấm bia này khắc ghi lịch sử của làng, các vị khai canh, khai khẩn và tên tuổi những người có công. Tất cả đều còn nguyện vẹn cho đến ngày hôm nay.

Ngôi chùa như là nơi che chở, chia sẻ, an ủi con người trong những lúc vui buồn và cả chuyện buồn sinh tử. Mỗi lúc như thế, thầy trụ trì chùa làng là người đứng ra lo liệu về mặt tâm linh, cầu kinh cho người quá cố theo phong tục của những người theo đạo Phật, tình cảm của dân làng và ngôi chùa làng cứ thế dày thêm theo năm tháng.

Ngày nay, những ngôi chùa làng ở các miền quê không còn cảnh “tranh tre nứa lá” mà đã được xây dựng kiên cố, thờ phụng trang nghiêm- đó là một kiến trúc không thể thiếu ở các làng quê Việt, là nơi mà mỗi sớm mai hay khi hoàng hôn, những tiếng chuông chùa ngân nga lưu giữ tình quê, để cho ai dù ở bốn phương trời, khi nhớ về quê cũ vẫn mong được nghe một tiếng chuông chùa, được ngắm nhìn làng quê trong buổi hoàng hôn với những cánh cò vội vã bay về tổ ấm.

N.K.D.H

thuathienhue.vn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here