Hãy thành thật với chính mình! Đó là một chia sẻ tôi vừa đọc được từ một cuốn sách. Nó làm tôi giật mình, trộm nghĩ là, hóa ra ta và nhiều người đã dối mình rất nhiều lần rồi ư? Dối người là một thói quen để bao biện, để che đậy một điều gì đó mình cho là xấu xí, hay đơn giản là những điều mình cho là bí mật, là riêng tư, là sâu kín của riêng mình, những điều mình nghĩ là sống để bụng chết mang đi…
Còn dối mình? Phải chăng là việc ta lờ đi những nỗi khổ niềm đau trong mình để diễn một hình thức tươi vui? Phải chăng là mình không dám đối mặt với những sự thật nơi thân-tâm của mình với những xúc cảm ngồn ngộn, những chật vật nội tâm muốn nổ tung ra mà mình không dám nhận nhìn? Sự che dấu cảm xúc, tình cảm, đau thương… tất nhiên đều có mục đích của chủ nhơn. Là vì nghĩ đến người khác, không muốn họ phải lo lắng vì mình; là không muốn họ nghĩ mình yếu đuối, là muốn tạo dựng một hình mẫu nào đó…
Và tất nhiên, không thật với chính mình thì mình sẽ không thể nào thấy thanh thản, nhẹ lòng. Điều đó có nghĩa là năng lượng hạnh phúc cũng tẩu tán khỏi mình trong chốc lát. Và, khi ta trở nên không thành thật với chính mình thì ta đồng thời sẽ không thật với người một cách đương nhiên, dễ dàng. Bởi, nhất thiết duy tâm tạo, khi nội tâm mình không thật thà nhận diện và gọi tên những tâm hành trong mình thì nó sẽ biểu hiện thành hình tướng nói cười, đi đứng, đối đãi không thật với cuộc đời, với những người xung quanh.
Do vậy, sửa chữa sai lầm về sự không thật thà bằng cách mình sẽ bắt đầu bộc bạch những điều mình nghĩ với một ai đó. Họ là người có khả năng lắng nghe, chịu nghe mình sẻ chia những điều sâu kín đó. Khi mình dám nói những suy nghĩ trong mình là khi mình dám mở cánh cửa để ai đó bước vào khu vườn bí mật của mình. Người ta có thể chọn người bạn ấy là nhật ký, có người sẽ “ngồi chơi với Bụt” và tỉ tê với Ngài về những nỗi khổ đau, những điều mình giấu giếm, không thành thật…
Tất nhiên, ai cũng có và cần có những “bí mật” không tiện hoặc không thể “bật mí” cho số đông. Và, việc trò chuyện với chính mình, thật thà nhận diện và xin phép được ôm ấp những niềm riêng ấy, xin phép được sống khác đi, không là mình một cách thật thà nhất cũng là một sự lựa chọn đường đường chính chính nhất cho một lối sống. Nhưng, cũng không nên sống quá khác, quá xa lạ với những điều mình nghĩ, những tố chất thuộc về nghiệp duyên của mình vì sống vậy là mình đang sống sau bức bình phong, rồi mình sẽ sống mòn và chết dần trong lối sống ấy.
Cái chết trong tâm hồn với sự xơ cứng, giả dối tồn tại ở tỉ lệ quá cao thì người ấy được gọi là người vô cảm, ích kỷ đó đa!
L.Đ.L