Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Hãy kể tôi nghe…

Hãy kể tôi nghe…

206
0

Bài hát “Bonjour Vietnam” của nhạc sĩ Marc Lavoine khi được cô gái người Bỉ gốc Việt – Phạm Quỳnh Anh truyền cảm từng gắn kết nhiều tâm hồn Việt trên khắp thế giới. Chất nhạc và chất thơ hòa quyện trong giọng ca trầm hút, lắng sâu, khi thì dịu ngọt, thì thầm, lúc thì thổn thức, gọi mời…, khiến người nghe xa quê hương hạnh phúc mà có thể bật khóc được…

“Hãy kể cho tôi về cái tên xa lạ và khó gọi mà tôi đeo mang từ thuở chào đời…”.

Vì mang nặng cả một miền ký ức nên cái nét Việt trên khuôn mặt của cô đã thấm sâu vào lời ca mang ngôn ngữ Pháp. Ngôn ngữ có thể bị điều kiện hóa, nhưng sự quyến rũ của âm nhạc lại nằm đâu đó trong tâm hồn mỗi người, nên rào cản ngôn ngữ đã bị xóa nhòa, chẳng thế mà bài hát được những người Việt Nam nơi quê nhà, từ trẻ đến già, dù có người không biết tiếng Pháp vẫn truyền nhau nghe và xúc động.

“Khi đại bác gầm thì họa mi tắt tiếng”. Trên thế giới đại bác vẫn đang gầm lên từng ngày từng giờ, nhưng ở đâu đó trên đất Bỉ, vẫn có một giọng ca đầy tươi mát hát về một quê hương nhiều đau thương nhưng cũng rất ngọt ngào. Có thể trong con mắt người nước ngoài, Việt Nam được biết đến qua hình ảnh của chiến tranh, nơi những chiếc trực thăng đang trong cơn thịnh nộ… Nhưng hận thù và đau thương của chiến tranh làm sao có thể lấp đầy được nỗi nhớ quê hương đang da diết. Quỳnh Anh đang hát về một dân tộc đã từng trải qua bao đau thương vì chiến tranh, nhưng Quỳnh Anh cũng hát lên để tìm về…, và tìm về để… rồi đây người lại nhớ người, rồi đây người lại yêu người…

“Hãy kể tôi nghe về màu da, mái tóc và đôi bàn chân đã cưu mang tôi tự thuở chào đời…”.

Hãy kể… Hãy kể… Và hãy kể…, vì có người muốn nghe, muốn hiểu, muốn thương, và bởi hai chữ “cưu mang” đã nói lên một ân tình sâu nặng. Qua giai điệu trong suốt chảy dài, mẫu mực như một bản sonate đầy chất cổ điển và lãng mạn: “Một ngày kia tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn người…”, mọi người đều có thể tìm về với màu da, mái tóc, đôi chân, căn nhà, con đường, phiên chợ nổi trên sông, con thuyền tam bản…, và cả những điều chưa biết. Thực không có gì lấp đầy được cảm xúc khi giai điệu thăng hoa. Ở đó, không gian của âm vang, thời gian của thân phận chỉ là để đến nơi, và đơn giản để cất một tiếng chào…

Có người sẽ cho rằng đó là những hình ảnh thính giác được nhặt nhạnh một cách chăm chỉ trên sách báo, truyền hình… Không sao! Vua Trần Nhân Tông từng nói “mỗi lần đưa ra một lần mới”. Có rất nhiều người hàng ngày được nhìn thấy, được xúc chạm với “đất mẹ, quê cha” mà vẫn thờ ơ, vô cảm. Có thể nói, từ những hình ảnh ấy mà thấy được sự cưu mang, thấy được thân phận và tìm về hồn mình thì quả thật không dễ với một cô gái đang phơi phới tuổi xuân, nơi xa xôi bên kia bờ đại dương.

Trong đoản khúc được lặp lại tới ba lần: “Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy…”, có một điều gì đó chờ đợi, mong mỏi, thúc giục và đang đến rất gần. Tâm hồn dâng cao, nên âm nhạc đòi hỏi phải được chuyển tiếp bằng một hình thức sinh động của biến tấu, và bí mật chỉ có thể nằm thẳm sâu trong một chất giọng có hồn. Tâm hồn ấy bay bổng, đi xa vạn dặm và không cần chờ đến một ngày kia mà đã đến nơi, đã giao cảm, vì không có ngoại lệ nào trong buồn đau và hạnh phúc nơi người Âu hay Á, nơi người Việt ở quê nhà và người Việt nơi viễn xứ. Thế nên, xin đừng ai giấu sự xúc động của mình đi khi đã nghe trọn một tấm lòng.

Từ chào hỏi “hồn người” đến chào hỏi “hồn tôi”, nơi có những người cha, những ngôi chùa và những tượng Phật bằng đá, những bà mẹ, những người phụ nữ còng lưng trên ruộng lúa…, để rồi “tôi về với tiếng lòng, với cội nguồn, với đất mẹ quê cha…”.

Nếu không có chữ “về với” thì có lẽ Quỳnh Anh cũng như bao người Việt khác sẽ chỉ là người khách lạ hiếu kỳ ghé thăm mà thôi. Chợt nhớ đến hai chữ “về với” đau đáu và đầy cảm thương của Thiền sư Tuệ Tĩnh. Chữa bệnh cho hoàng đế Trung Hoa xong, đang trên đường trở về thì người qua đời, gửi thân nơi đất khách, nhưng trên bia mộ vẫn da diết hàng chữ: “Có ai về phương Nam, cho tôi theo về với…”.

Nỗi nhớ quê không có tuổi. Ai trong chúng ta có thể kìm lòng được khi thấy một Thiền sư của mấy thế kỷ về trước và một cô gái đầy sức thanh xuân thời hiện đại, tuy cảm thức khác nhau nhưng họ đều đã nhớ quê nhiều đến như thế…

Có lẽ nào âm nhạc và xúc cảm đã đánh thức quá khứ, đánh thức những trái tim đồng điệu và đánh thức cả một niềm tin dân gian: quê hương. Một niềm yêu đã cưu mang mình từ thuở ấu thơ, đó là “hồn người” nơi màu da, mái tóc, bàn chân…, đó là “hồn tôi” nơi mẹ cha, nơi những ngôi chùa, những pho tượng Phật…

Hình ảnh thính giác nơi âm nhạc hiện ra êm đềm trước khi bước chân lịch sử có thể đi qua. Nhưng lịch sử tâm hồn không tuân theo một con đường đi lên hay đi xuống. Có thể ngày mai sẽ không còn những pho tượng Phật bằng đá, không còn những phiên chợ nổi, những con thuyền tam bản, những người mẹ, người chị còng lưng trên ruộng lúa… Nhưng niềm tin tươi sáng nơi hồn tôi và hồn người luôn đồng nhất trong tiếng gọi quê hương. Và rất có thể “một ngày kia” sẽ dài hơn một cuộc đời, một thân phận…, nên xin những tâm hồn Việt hãy cùng nhau tìm về trong âm điệu của hôm nay…

T.T.T (Facebook)

Bấm vào để nghe Bonjour Vietnam

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here