Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi HÃY ĐỂ THÚ VUI ĐÙA

HÃY ĐỂ THÚ VUI ĐÙA

146
0

        Sau một giấc ngủ thật sâu, tôi tỉnh dậy, đưa tay lên vươn vai theo thói quen thì, cái gì thế này? Tay tôi chạm vào những song sắt tròn to ở trên đầu rồi cả trước, sau, trái, phải, dưới chân đều là những song sắt rất vững vàng và kiên cố. Tôi ý thức được rằng tôi đang ở trong chuồng. Chính cái chuồng tôi đang nhốt con gấu với ý định sẽ lấy mật. Đúng lúc đó thì con gấu xuất hiện, nó nói: Có điều gì làm bà khó chịu ư? Tôi im lặng. “Hay chỗ ở quá chật chội đối với bà?”, tôi im lặng. Nó lại hỏi: “Hay là những thức ăn tôi thẩy vào chuồng không hợp khẩu vị của bà?”, tôi… tôi im lặng. Nó bỏ đi. Đến lúc này thì không thể điềm tỉnh được nữa, tôi gào lên: Đồ man rợ, đồ… đồ súc vật; sao ngươi lại dám nhốt ta vào chuồng?. “Thưa bà”, Gấu nói rất chậm rãi, “Bà chăm sóc tôi như thế nào, tôi chăm sóc lại bà y như thế. Nhưng bà yên tâm, tôi không hề có ý định lấy mật của bà đâu”, và lần này nó bỏ đi thật. Quá hoảng sợ, tôi lịm đi……Không, tôi tỉnh lại, may quá, tôi nằm mơ !

Thành phố mình từ rất lâu có cái Thảo Cầm Viên, dân Sài Gòn quen gọi là Sở Thú. Thời gian gần đây Sở Thú có lắm chuyện để bàn, toàn là chuyện không vui. Thôi, chuyện vui mới kể, chuyện buồn thì chẳng nên kể ra đây làm gì. Lãnh đạo Thành phố đã rất quan tâm đến Sở Thú – lá phổi của Sài Gòn – cũng đề ra nhiều biện pháp như chi thêm tiền để làm phong phú hoạt động và quyết định bù lỗ hàng năm vài tỷ đồng. Trong nhiều giải pháp ưu ái dành cho Sở Thú thì giải pháp “Chuyển Thảo Cầm Viên thành Công Viên Thực Vật và dời thú đi nơi khác để nuôi dưỡng và chăm sóc tốt hơn” của Ủy Ban Nhân Dân Thành phố là hợp lý và có lý. Thế nhưng không phải là không có những ý kiến bất đồng. Cho nên, để rộng đường dư luận và tranh thủ được thêm nhiều người đồng tình, chúng ta hãy cùng phân tích cái “có lý và hợp lý” của quyết định này.
Sở Thú rộng khoảng trên 30ha được khởi công xây dựng vào tháng 03 năm 1864, do nhà thực vật học người Pháp nổi tiếng J. B Louis Pierre sáng lập và điều hành. Sở Thú nằm giữa trung tâm Thành phố, là một trong những vị trí đẹp và hiếm của Sài Gòn lại có sông rạch vắt qua. Trước đây, Sài Gòn  chưa có nhiều tụ điểm vui chơi như bây giờ thì Sở Thú là địa điểm tuyệt vời nhất. Nơi đây, học sinh – sinh viên đến sinh hoạt tập thể, gia đình đi thư giãn, các cặp tình nhân hò hẹn và là điểm đến của các nhà nghiên cứu, các học sinh – sinh viên có nhu cầu thực nghiệm, thực tế, v.v. Ngày xưa, dân Sài Gòn nói đến đi chơi là nghĩ ngay đến… Sở Thú. Vì vậy, nơi đây đã gắn bó rất sâu đậm với người dân Thành phố.
Bây giờ thì khác, trong những cái khác đó có nguyên nhân: Con người và Thành phố liên tục vận động phát triển, chỉ riêng Sở Thú thì dừng lại. Đi quanh một vòng trong Sở Thú ta vẫn thấy “như xưa”. Cái như xưa của Sở Thú bây giờ như có gì không ổn. Không phải là ta “thấy trăng quên đèn”, nhưng như xưa mà có độ tinh xảo, trau chuốt thì được gọi là đồ cổ, còn thô thiển, nhếch nhác thì đó là đồ cũ, không thể liệt vào hàng quý hiếm được. Vậy quyết định của UBND Thành Phố, ta có thể hiểu: ở Sở Thú cái gì “cổ” thì giữ và tôn tạo, cái gì “cũ” thì cải tạo hoặc di dời. Vì vậy cho nên “Thảo Cầm Viên thành Công Viên Thực Vật và dời thú đi nơi khác” là có lý và hợp lý .
Tôi có một bạn người nước ngoài (tôi quen anh ta với mục đích là để luyện tiếng Pháp, nhưng sau một thời gian quen biết anh ta lại rất giỏi tiếng Việt(!)), chúng tôi hay tha thẩn đi dạo trên con đường có lá me bay. Cho tới một bữa, anh lôi kéo tôi ra khỏi cái không gian lãng mạn bằng một thực trạng trần trụi: chúng tôi đứng trước những con thú bé bé xinh xinh bị nhốt trong những cái lồng chật chội, rồi đem phơi mưa phơi nắng dọc theo lề những con đường lớn ở Quận Một để bán. Những con thú đó mắt lờ đờ, miệng sùi bọt mép.  
Anh ta nói với tôi: “Tại sao những con người hiền hòa, dễ thương của đất nước bạn lại có thể đối xử tàn nhẫn với những con vật như vậy?” Anh nói tiếp: “Ở các nước văn minh, đối xử như thế là bị lên án rồi!”.
Chuyện nhốt những con thú trong chuồng giữa lòng Thành phố vài mươi năm trước còn có thể chấp nhận được (vì một số nước trong khu vực cũng làm như vậy), nhưng bây giờ thì phải xem lại. Các nước trong khu vực đã biết chọn lọc trong sự thay cũ đổi mới, riêng ta lẽ nào lại đứng yên? Hơn nữa, thi thoảng chúng ta mới ghé tạt vào Sở Thú để xem, lại bắt nhốt cả đời thú để chờ ta đến ngó. Hành xử như thế là không phải. Thôi thì thế này, ta hãy khoanh một khu rừng rộng (Củ Chi chẳng hạn) rồi thả thú vào trong đó. Thú dữ thì ở trong một khu vực được rào dậu kiên cố, thú hiền thì ở chung với nhau để con này “lí le” với con kia cho đời thú thêm phần lãng mạn. Còn chúng ta muốn xem thú thì… OK! Từng đoàn người ngồi vào trong xe tiến thẳng vào rừng mà xem, xem chán rồi về. Ta sẽ vừa ngắm cảnh hoang sơ của rừng rậm, vừa ngắm thú hoang dã chạy nhảy vui đùa trong không gian của nó. Chắc chắn ta sẽ thư thái hơn rất nhiều so với ngắm con vật bị nhốt trong chuồng mắt lờ đờ, miệng sùi bọt mép.
Có lần, tôi được đi xem thú ở trong rừng bên các nước bè bạn trong khu vực. Tôi ngồi trong xe nhìn ra, bỗng nhiên có một con Hươu cao cổ thong dong tiến đến đúng chỗ tôi ngồi (đầu Hươu cao nên vừa tầm chỗ kiếng xe) rồi Hươu ta lấy cái mặt dẹt dẹt vào kiếng. Nếu không có vách kiếng ngăn tôi sẽ ngỡ là Hươu nó hôn mình. Sau đó, Hươu ta đi một vòng chậm rãi ngắm ngắm, ngó ngó vào từng dãy ghế trong xe. Tự nhiên tôi bật ra ý nghĩ: không phải là mình đi xem thú, mà đi để thú xem mình. Nhân bản quá!
Cái quyết định có lý và hợp lý về Sở Thú của UBND Thành phố là đây.
TTNT.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here