Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Hãy để chữ “hiếu” đè bẹp bệnh “sĩ”!

Hãy để chữ “hiếu” đè bẹp bệnh “sĩ”!

164
0

"Khi mỗi người trẻ báo hiếu với bố mẹ, bắt tay vào làm ngay những gì có hiếu với bố mẹ thay vì cứ sĩ diện hão thì chắc chắn phong trào đi làm thêm, làm giàu của thanh niên VN sẽ bùng lên. Đi làm để không phải xin tiền bố mẹ, để bố mẹ đỡ bị còng lưng, đỡ lão hóa, để tự “cai sữa” cho mình từ tuổi 18 như giới trẻ ở các nước phương Tây thì coi như đã là người có hiếu".

Hoàng Anh Tuấn nhận bằng Tiến sĩ ngành Quản trị kinh doanh của ĐH California (Mỹ) khi chưa đầy 30 tuổi. Anh từng làm giám đốc dự án xúc tiến thương mại Việt Nam – EU EuroCham; giám đốc marketing của General Electric, Microsoft Vietnam; tham gia giảng dạy tại các trường như RMIT, La Trobe, ĐH Nam California và là cố vấn cho nhiều dự án hỗ trợ doanh nghiệp.

“Ta + Tây + Ta”

Nếu phân ra các bước ngoặt trong cuộc sống của mình thì những bước ngoặt nào anh không thể không kể tới?

TS. Hoàng Anh Tuấn còn là trọng tài quốc tế môn võ Wushu (Ảnh: Bùi Dũng)

– Hai năm trước, bố tôi nhập viện. Sau khi bố mổ cấp cấp cứu, bệnh viên kết luận có  khối u ác tính. Trong vòng hai tháng phải mổ để bỏ khối u đó theo bác sĩ nói và bố tôi chỉ có thể sống thêm tối đa hai năm. Lúc ấy tôi đã nghĩ cuộc sống sao mà ngắn thế.

Bạn bè khuyên gia đình tôi nên đưa bố sang Singapore xét nghiệm lại. Người giúp vé máy bay, người dịch giùm bệnh án sang tiếng Anh… Nhưng cũng có nhiều người nói tao sẽ từ mày nếu mày mang bố đi. Là con trai trong nhà, tôi phủ quyết tất cả, quyết định đưa bố sang Singapore, dù có khó khăn thế nào. Qua đó một tháng, quyết định đưa ra là ở VN chẩn đoán nhầm.

Tôi tin tưởng là bố mình không thể kết thúc cuộc sống ngắn ngủi như vậy và tôi không thể từ bỏ từ bỏ mọi nỗ lực. Cho dù có cắt 20 năm tuổi thọ của tôi để bố tai qua nạn khỏi thì tôi cũng sẵn sàng… Gia đình đã mất một khoản tiền khoảng 300 triệu để đi chạy chữa cho bố, nhưng số tiền đó có thể kiếm lại được còn bố mình sao kiếm được?! Bố tôi qua khỏi, đó là một bước ngoặt của cuộc đời tôi. 

Một câu chuyện khác cũng thôi thúc tôi rất nhiều, đó là ngày còn bé, khi tôi được điểm 10, bố mẹ cho tôi đi ăn phở. Nhưng chỉ có tôi ăn, bố mẹ đứng ngoài nhìn. Lúc đó tôi đã hiểu, thấy nghẹn lại, chảy nước mắt, không ăn nổi bát phở mà mình mơ ước.

Lúc ấy tôi đã được thôi thúc rằng mình không thể để bố mẹ khổ nữa. Tôi đi bán đá để kiếm thêm tiền mà không hề ngần ngại, càng ngày càng trở nên dạn dĩ. Khi thấy mẹ da mồi, tóc bạc tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều và quyết tâm đạt được mong ước của mẹ là mua được ngôi nhà mặt đường, ở trong thành phố và tôi đã làm được điều đó cho mẹ.

Thế nên đến bây giờ tôi vẫn nung nấu một điều là nếu muốn làm gì thì hãy quyết tâm làm bằng được điều mình muốn, vì cuộc đời quá ngắn.

Tôi rất thích bài hát “It’s my life” của Bon Jovi, trong đó có câu “Tôi vẫn muốn sống khi tôi còn đang sống…" (I just wanna live while I’m alive….) và tôi đã tự làm cái clip này để chiếu lên cho học viên xem khi tôi đi giảng dạy.

Cho đến bây giờ, anh thấy rằng cơ hội lớn nhất mà anh đã nắm bắt được là gì và anh đã đoạt lấy nó như thế nào?

– Cơ hội lớn nhất là khi Chủ tịch Hội Marketing Việt Nam nói khu vực phía Bắc đang cần người phát triển và tôi đã được giao nhiệm vụ này.

Bây giờ Hội đang xúc tiến đẩy cao hình ảnh, con người VN, các địa phương của VN, doanh nghiệp VN ra bên ngoài và mang quốc tế đến VN. Tôi hiểu, có rất nhiều ước mơ gần đạt tới mà nếu mình không chốt được thì nó sẽ qua đi.

Chắc anh không ngại chia sẻ ở đây một thất bại anh đã vấp phải rồi tự “hóa giải”  và một thất bại mà cho đến bây giờ anh vẫn đang đi tìm lời giải đáp?

– Lần mới về Việt Nam, khoảng năm 2000, tôi nộp hồ sơ đi xin việc tại Đại sứ quán Úc, để làm cán bộ dự án. Lọt vào vòng trong cùng, còn một chọi một, thì tôi bị trượt.

Lúc đó tôi rất buồn. Tôi đã hứa với bản thân là mình học gì thì làm cái nấy, áp dụng những điều đã học vào thực tiễn và đã học ở Úc thì sẽ làm cho Úc.

Tôi biết mình đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không tránh khỏi hụt hẫng. Dù thế, tôi vẫn viết thư cảm ơn gửi đến người đã phỏng vấn tôi: Tôi rất thích công việc đó nhưng rất tiếc đã chưa tìm được tiếng nói chung. Tương lai có vị trí tương tự thì mong ông thông báo với tôi.

Thư đến ông Graham Alliband, nguyên Đại sứ Úc, người đã ở Việt Nam 25 năm, biết tiếng Việt. Ông ấy đã trả lời tôi: Bạn là một ứng viên tốt, có tiềm năng, hy vọng sắp tới còn nhận được hồ sơ của bạn.

Lần sau, tôi tiếp tục nộp hồ sơ vào đó, dù nhiều bạn bè khuyên nên kiếm chỗ khác. Hóa ra lần này tôi được tuyển. Qua hai tháng thử việc, người từng được tuyển lựa vào vị trí cán bộ dự án mà tôi thi tuyển trước kia bận việc nhà, tôi được giao làm cùng lúc 2 việc, vừa làm dự án, vừa giảng dạy.

Còn bây giờ, tôi vẫn đang tìm lời giải cho nhiều câu hỏi lớn. Ví dụ như làm sao đẩy mạnh kênh phân phối của các doanh nghiệp, sản phẩm của VN ra nước ngoài nhiều hơn nữa? Làm sao tiếp thị hình ảnh VN ra nước ngoài hiệu quả?

Tôi đã nghĩ đến công thức “Việt Nam + bạn bè quốc tế + Việt Nam”, tức là “Ta + Tây + Ta”, có nghĩa là Ta chủ động đề xuất, hợp tác với Tây và sản phẩm vẫn do chúng ta quản lý, điều hành. Ta mời Tây về làm và mình triển khai, như các mô hình đã thành công như đồ ăn Hot rock, lẩu Ashima…

Tôi đang xúc tiến đến các hội viên thuộc Hội Marketing Việt Nam tìm được nhiều đối tác nước ngoài. Bước tiếp theo là các hội viên sẽ giúp các DN VN tìm đối tác nước ngoài.

Người giàu, người nghèo và câu chuyện con ếch điếc

"Người giàu thiên về hành động, bằng mọi cách tìm ra phương pháp để giải quyết vấn đề"

 Tác giả của bộ sách "Cha giàu, cha nghèo”, ông Robert Kiyosaki, có dẫn lời người “cha giàu” của mình: “Đừng bao giờ đổ lỗi cho bất kỳ ai vì sự thất bại của mình. Nếu con đổ lỗi cho ai đó, con sẽ không bao giờ học hỏi được từ những sai lầm của mình. Nếu con đổ lỗi cho họ tức là con đang để tuột mất sức mạnh của chính mình”. Anh có bao giờ coi những thất bại đã góp phần tạo nên sức mạnh của mình hôm nay?

– Khi đã nhận làm thì tôi sẽ đi đến cùng để nhìn thấy kết quả chứ không bao giờ dừng lại để tìm lý do bào chữa. Luôn có nhiều cách để giải quyết một vấn đề, không thể để cái khó bó cái khôn hay để nỗi lo thất bại làm vật cản ngại đối với mình. Dám nghĩ, dám làm, dám nhận trách nhiệm và đối mặt với khó khăn, thách thức sẽ khiến mình trưởng thành hơn rất nhiều.

Tôi đã gặp người cha giàu mà bạn nói, trong một khóa đào tạo về “Chiến binh” (Warriors bussiness) tại Singapore. Ông Keith Cunningham là một tỉ phú, là tấm gương đối với tôi. Người cha giàu này từng gặp thất bại lớn trong đời, nhưng sau đó ông đã thành công như mọi người thấy, trở thành một “chiến binh” kinh doanh với cái đầu thép và trái tim vàng.

Vào năm 1990, ông mất khoảng 100 triệu USD vào lúc thị trường chứng khoán suy giảm mạnh. Niềm tin, hạnh phúc rơi rụng, lúc đó ông để tóc dài, đeo khuyên tai, đi lên Tây Tạng hai năm để tu thiền, đọc sách kinh doanh.

Cuối cùng ông hiểu rằng sự thất bại chính là ông ấy, như đạo Phật đã dạy "kẻ thù lớn nhất của mình là chính mình" và chính ông đặt ra nguyên tắc "thứ nhất là đừng bao giờ để mất tiền và thứ hai là… không bao giờ quên nguyên tắc thứ nhất", nhưng ông đã quên nó.

Theo anh, về căn bản, tư duy của người giàu và tư duy của người nghèo khác nhau như thế nào?

– Người giàu thiên về hành động, bằng mọi cách tìm ra phương pháp để giải quyết vấn đề. Còn người nghèo hay tìm lý do để không làm, nhìn thấy rất nhiều rủi ro, nhược điểm để… né tránh..

Tôi hay nói về câu chuyện con ếch điếc. Con ếch rơi xuống giếng, tìm mọi cách nhảy lên; nhiều con ếch khác thấy vậy kêu đừng cố, nhảy không lên đâu. Thế nhưng các con ếch khác càng nói thì con ếch dưới giếng càng ra sức nhảy. Cuối cùng nó nhảy lên được. Hỏi nó tại sao lại nhảy hăng thế? Hóa ra con ếch này điếc bẩm sinh nên cứ tưởng mấy con ếch kia cổ vũ mình!

Còn thực tế nhé, bố mẹ Bill Gates là hiệu trưởng ở trường ĐH, nhưng Bill Gates vẫn bỏ dở ĐH, cho dù bố mẹ có ngăn cản. Steve Jobs, cha đẻ của Apple, cũng bỏ ngoài tai nhiều lời gàn để theo đuổi sự nghiệp. Đấy là sự dũng cảm.

Thế nên đã là người trẻ thì phải dám cọ sát, và như tôi nói, các bậc cha mẹ bây giờ cũng nên “cai sữa” cho con mình khi chúng đã đủ 18 tuổi, chứ không phải nuông chiều, ỷ lại để có quá nhiều “đứa trẻ tuổi 30” như bây giờ.

Anh đánh giá một người được coi là “giàu sang” qua những điều gì?

– Giàu sang thì hãy dành trên 5% cho việc làm từ thiện, hỗ trợ cộng đồng. Người giàu sang cũng là người biết chia sẻ, làm giàu một cách liêm chính, chứ không phải giàu kiểu “trọc phú”.

Anh có thấy hiện tượng “nghèo” nên “hèn”, “giàu” mà lại chẳng “sang” còn phổ biến trong đời sống xã hội VN hôm nay?

– Tầng lớp doanh nhân của chúng ta mới được hình thành nên còn tồn tại nhiều điều cũ thì cũng dễ thông cảm thôi. Bây giờ, số doanh nhân được đi học, được mở mang với bên ngoài ngày càng nhiều và có hành vi ứng xử văn minh hơn, từ nơi bàn tiệc đến cái bắt tay, cách đưa danh thiếp, hẹn đối tác. Ngày xưa chúng ta còn ngồi đợi đơn hàng, nhưng đến nay chúng ta đã chủ động ra biển khơi đánh bắt cá.

Ngày xưa nhà tôi cũng nghèo. Có nhiều cái mình không làm được dù là nhỏ thôi, như mua hoa tặng mẹ ngày 8/3. Ngay cả đáp ứng những nhu cầu của bản thân cũng chưa có điều kiện, nên nhiều lúc bảo “không thèm” nhưng đó là tự mình phải nói dối bản thân.

Khi còn nghèo thì việc nói những điều yêu thương với nhau đôi khi cũng khó. Tự dưng nói con yêu mẹ thì có thể mẹ lại chắc là con mình định xin tiền. Còn lúc mình làm ra tiền, đi nước ngoài, mua về lọ thuốc bổ rồi tặng bố và nói con yêu bố rất dễ.

Các bạn trẻ hãy chứng minh mình yêu bố mẹ bằng đồng tiền mang về, hạn chế xin tiền gia đình. Khi đi làm rồi hãy biết tiết kiệm và đầu tư, cái giàu sẽ từ đó mà sinh ra.

Chú tâm để cháy hết mình!

"Với tôi, cho để nhận"

Năm nay anh 35 tuổi, tức là ở giai đoạn đã qua những quá trình sống quan trọng nhất. Anh đã chủ động hoạch định con đường đi cho mình từ khi trưởng thành đến nay như thế nào, hay là có nhiều thứ đến một cách ngẫu nhiên, may mắn, do khách quan tác động?

– Chẳng có cái gì ngẫu nhiên cả. Tôi đã xác định làm gì thì tôi đốt cháy mình cho nó, huy động 11/10 tâm sức, nhiệt lượng, từ học võ, đi bơi hay triển khai dự án kinh doanh… Tôi đã từng dạy wushu và có học trò vô địch tán thủ nữ. Thế nên cái gì người ta làm được thì mình cũng có thể làm được. Trình độ không quan trọng bằng thái độ.

Năm 2004, tôi đã từng giúp Thái Nguyên trở thành tỉnh có nguồn vốn thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất toàn quốc. Đó là nhờ có ban lãnh đạo lúc đó vô cùng nhiệt tình, quyết liệt. Các doanh nghiệp ở đó tập trung đầu tư tìm bạn hàng. Những điều đó đã tạo sức hút cho Thái Nguyên. Còn lúc đó mà cứ nói Thái Nguyên sao làm được thì không bao giờ làm được. Nếu anh không muốn tự cứu mình thì tôi sẽ không muốn nói nữa…

Ở đây tôi chỉ là truyền lửa cho mọi người. Khi lửa cháy thì năng lượng lên đến 11/10. Anh quyết tâm làm cái gì thì anh nói thẳng ra và làm theo. Cũng như anh muốn kiếm bao nhiêu tiền thì hãy nói ra, tôi giúp, có người sẽ giúp và anh hãy cháy hết mình.

Liên tục động não, tìm ý tưởng mới, anh còn nhiều “khoảng trống” dành cho riêng mình?

– Có chứ. Tôi vẫn đầy đủ thời gian để “sạc năng lượng”, để đi xem phim, đọc sách, đi nước ngoài học hỏi thêm. Phải học từ những người giỏi nhất. Được làm cái mình yêu thích và chia sẻ thông tin, hiểu biết với mọi người đó cũng là cách tôi thư giãn.

Bây giờ anh có thể "tiếp thị" bản thân mình bằng một câu thôi…?

– Tôi sẵn sàng chia sẻ với mọi người, với tôi, “give to take”, cho để nhận.

Còn để để tiếp thị hình ảnh đất nước VN thì điều gì là quan trọng nhất và theo anh, nên nhấn vào đâu?

– Nhấn vào con người. Nước ta có quá nửa dân số dưới 35 tuổi. Đã là người trẻ thì sẽ chẳng sợ một thách thức gì. Tương lai người trẻ sẽ khiến SEA Games là của chúng ta, châu Á là của chúng ta…

Tư duy hành động, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trên truyền thống, nền móng của đất nước đó là những điều quan trọng với người trẻ cần có.

Có những sai lầm nào mà lâu nay chúng ta cần đã mắc phải rất nặng nề, làm hỏng hay méo mó hình ảnh đất nước mà anh cho rằng phải nhanh chóng được khắc phục và chấm dứt?

– Đó là suy nghĩ trẻ thì không đáng tin cậy, chưa làm được việc, giao cho một người trẻ làm lãnh đạo thì không được. Đừng nghĩ người trẻ thì không làm được việc. Hãy giao việc và giao cho họ cơ hội.

Còn người trẻ hãy ra sức học, làm và nâng tinh thần nhận trách nhiệm cao lên. Muốn bày tỏ con yêu bố lắm thì đừng xòe tay ra xin tiền bố.

Người trẻ không thiếu “chất” mà chỉ thiếu “lửa”

"Tôi đã đặt mục tiêu trong đời mình là phải tham gia chạy maraton một lần"

“Nếu tôi có một chiếc xe đạp cũ, cho thuê, tôi cũng có tiền. Nếu tôi có một chiếc chiếu rách, đem ra Mỹ Đình cho thuê, tôi cũng có tiền. Thú thật, tôi nhìn đâu cũng thấy tiền và các bạn có đến n cách kiếm tiền mà chẳng bao giờ phải nói nhà em nghèo”… Anh đã khiến nhiều người trẻ bị… rúng động với phát biểu ấy đấy. Phải chăng anh đang thấy được quá nhiều cơ hội làm giàu, phát triển sự nghiệp mở ra với người trẻ hôm nay nhưng tiếc một điều rất nhiều người trẻ còn bi quan và… chẳng thấy gì?

– Nói thẳng ra bạn cần tiền và cần bao nhiêu. Trẻ hay theo phong trào, người ta đi làm gia sư, bán hoa… rồi nói em đã làm thêm nhiều lắm. Nhưng làm như thế thì khô áo là hết tiền.

Cơ hội giành cho bạn trẻ quá nhiều, hãy kiên trì, kiên tâm với công việc mà mình thực sự say mê. Mình phải có thích thú, có mục tiêu rõ ràng thì mới có thể làm đến nơi đến chốn. Cơ hội bay nhanh, đặt năng lượng cao thì mới chộp được.

Nếu anh không sẵn sàng và tự tin giơ tay thì không ai biết thế nào mà giúp. Vậy hãy vặn năng lượng lên đi. Có chạy nhanh mới có thể ghi bàn chứ vật vờ thì không bao giờ chiến thắng, trước hết là thắng bản thân mình.

Đừng lấy lý do mình thiếu chất, không đủ năng lượng. Thực sự mình ăn ngon hơn Tây nhiều chứ. Mình không hề thiếu chất, chỉ thiếu lửa mà thôi. Như vận động viên wushu Thúy Hiền, một cô gái thiếu canxi, ốm yếu cũng vô địch 3 thế giới liên tục ba lần. Cứ nói cần cải thiện dinh dưỡng nhưng ăn thế nào để đủ, nếu bày hết mọi món ăn ra đó thì có vô địch được không hay sự quyết tâm vẫn không đủ mạnh, vẫn chạy vật vờ?

Còn tôi đã hứa với lòng mình là phải thực hiện được mục tiêu trong đời mình là tham gia chạy maraton một lần.

Anh nói rằng mình đã góp phần xây dựng lên nhân vật Mquiz và là một trong những giám khảo của chương trình “Chìa khóa thành công” dành cho các bạn trẻ, phát sóng trên VTV1. Vậy chìa khóa thành công với các bạn trẻ hiện nay, theo anh, có thể gói gọn trong những điều gì, phải chăng là “hành động, hành động và… hành động”?

– Đó là học và ứng dụng những điều mình đã học vào công việc. Học, làm và giao tiếp bằng tâm. Nếu lên chùa, muốn cầu xin sức khỏe thì mình phảI có kế hoạch rèn luyện sức khỏe và tuân thủ thực hiện. Muốn có một tỷ hay hai tỷ thì cũng phải bắt tay vào hành động để đạt được chứ không phải chỉ biết đi cầu xin mơ hồ “con xin lộc rơi lộc vãi” mà chẳng biết cụ thể là muốn cái gì!

Anh có khuyến khích bản thân và những người trẻ khác dám bày tỏ và dám thực hiện khát vọng đến mức tuyên bố “Đến năm 40 tuổi tôi sẽ làm thủ tướng” như có người từng tuyên bố và… chưa làm được, hoặc “Tôi muốn là Bill Gates Việt Nam”?

– Dù chưa gặp mặt những người tuyên bố nhưng tôi cho là họ rất dũng cảm và tôi ủng hộ. Chưa là thủ tướng nhưng chắc chắn người tuyên bố đã là thủ lĩnh rồi, bản thân họ là một trong những người giàu nhất VN và nhiều người dưới quyền họ cũng giàu gần như thế.

Trong Chi hội của tôi, có ban trẻ đã kiếm được 400 tỷ trong vòng 4 năm về kinh doanh SMS. Với những người đó, mục tiêu họ đặt ra vẫn có thể sẽ đạt được sớm hay muộn khi họ vẫn là chính mình.

Tất nhiên, việc đặt mục mục tiêu là hướng đến điều mà chúng ta có khả năng đạt được. Nếu quá lớn, không có khả nang thực hiện thì là ảo tượng. Người làm kinh doanh có nguyên tắc trong việc đặt mục tiêu là càng cụ thể, đo đếm được càng tốt và trong thời gian đủ ngắn của cuộc đời hữu hạn của mình, phải đạt được.

 theo TuanVietmam.net

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here