Đời người như hạt sương rơi .
Lung linh một thoáng mặt trời chiếu tan .
Vừa qua, tôi đã có duyên lành nghe buổi thuyết pháp và pháp đàm rất hay. Xin thuật lại để quí vị cùng nghe. Sau phần thuyết giảng, đến phần pháp đàm. Thầy mời quí Phật tử đặt câu hỏi để cùng thảo luận.
Tận cuối hội trường, có một cụ già, đứng dậy chắp tay cung kinh xin hỏi:
– Kính bạch thầy. Con hiện đang bị bệnh. Hết đau đầu đến đau khớp, đau thận, tiểu đường, cao huyết áp. Bây giờ lại bị bại một chân nữa ạ! Suốt đêm qua con trằn trọc mãi không sao ngủ được do bệnh nó hành hạ xác thân… Cúi xin thầy thương xót chỉ bảo cho con làm sao cho hết đau bệnh? Xin thầy cầu nguyện Đức Phật gia hộ cho con được hết bệnh, khỏe mạnh như xưa…
Thầy nhỏ nhẹ, thong thả nói:
– Thưa bác, thưa đạo hữu. Đức Phật đã dạy: Cõi thế gian tràn đầy đau khổ bởi quy luật: SINH, LÃO, BỆNH, TỬ, thì đau khổ mà bác đang đi vào là giai đoạn “Bệnh tật”, tức giai đoạn “Hư hoại”.
Vạn vật là thế; tất cả đều bị luật “Vô Thường: sinh, lão, bệnh, tử” chi phối. Chẳng hạn như cái áo bác đang mặc, khi mới mua về, vẻ đẹp đẽ, mềm mại, óng mướt, tươi thắm… Nhưng nay bác mặc đã lâu rồi, màu đã bạc, gấu đã sờn, vai đã rách và vải đã mục. Nó đang ở tiến trình hư hoại! Không có gì có thể còn mãi được, vì bản chất tự nhiên là như vậy, mà thân xác bác cũng đang như vậy.
Ngay khi bác mới sinh ra thì thân bác xinh đẹp, rồi bác lớn lên khỏe mạnh. Giờ đây bác đang già yếu và đang ở thời kỳ bệnh hoạn. Vậy bác phải chấp nhận điều đó, bác hãy thấu hiểu bản chất của nó, để bác phải chấp nhận và sống an lạc với nó, dù nó ở bất cứ giai đoạn nào.
Bây giờ thân thể của bác đang bắt đầu suy yếu, hư hoại theo tuổi đời chồng chất. Thì bác đừng cưỡng lại điều đó, vì đó là qui luật tự nhiên của thân xác. Chân lý không bao giờ thay đổi đó là: Sinh ra > Già cỗi > Bệnh hoạn > Rồi chết đi! Không cách chi làm khác đi được. Thời gian vận hành của định luật đã chín mùi rồi đấy bác ạ!
Cụ già đó nói tiếp:- Bẩm thầy, nhưng con chưa muốn chết vội, vì con và cháu của con chưa khôn lớn. Nhất là còn nhiều công việc con đang làm dở dang chưa hoàn tất, con cần giải quyết cho xong đã.
– Ồ! Tất cả chỉ là vậy, khiến bác phải lo lắng. Công việc của thế gian, bác hãy để mặc thế gian cho họ tự giải quyết lấy. Bác nên hiểu rằng: Giầu hay nghèo, già hay trẻ, đẹp hay xấu, người hay vật. Bất cứ ai, bất cứ vật gi, bất cứ ở đâu cũng không thể giữ mãi tình trạng nguyên thủy như lúc ban đầu được. Mọi người, mọi vật đều phải thay đổi khác đi theo một định luật tổng quát: Sinh, Trụ, Hoại, Diệt (sinh, lão, bệnh, tử là một trường hợp), mà không cách chi sửa đổi được.
Điều mà bác có thể làm được là bác tự quán chiếu, soi rọi về thân xác và tâm thức của bác, để bác thấy tính: “có mà không thực là có” của vạn vật. Để không thấy có cái gì là “Tôi” hoặc là “Của tôi”, mà chỉ là giả có, tạm có mà thôi (Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. = Cái gì có hình có tướng, đều là giả có, chứ không thật có).
Ngay như nhà cửa, sự nghiệp, danh vọng, vợ, chồng, con cái của bác cũng chỉ là “của bác” trên danh nghĩa, chúng không thực sự thuộc về bác. Chúng thuộc về tự nhiên!!!
Như lời bác vừa cầu mong, chẳng những không đạt được. Thân bác vẫn đau đớn như thường và cách suy nghĩ sai lầm của bác còn làm bác đau khổ hơn nhiều nữa. Vì cầu mong mà không được là khổ (cầu bất đắc khổ).
Bởi vậy, bác phải nhìn mọi thứ đúng theo bản chất của nó và đừng níu kéo nó, đừng tiếc thương nó: “HÃY BUÔNG NÓ RA”. Bác hãy sẵn sàng rũ sạch mọi thứ bên ngoài. Bác hãy “Buông ra!”. Bác đừng bám víu vợ, chồng, con cái, quyến thuộc, tài sản, công danh… Vì những thứ đó bác không thể mang theo được, hoặc bác không “buông”, thì nó cũng phải “buông” bác mà thôi. Cho nên bác “Hãy Buông Ra!”, bởi mọi thứ đều có mà không thực là có (vô ngã): “Không tôi và Không của tôi”. Tất cả rồi sẽ biến mất, chẳng còn gì.
Bác phải nhận biết cho bằng được điều này. Đừng bận tâm về con cái; bây giờ chúng còn trẻ, rồi mai này chúng cũng sẽ già cả y như bác ngày hôm nay. Không ai trên thế gian này có thể trốn thoát được định luật: sinh tru hoại diệt… Nếu bác “Buông ra” được mọi thứ thì bác mới thấy được thanh thản và không còn lo sợ bất cứ điều gì trong mọi tình huống bác ạ!
Cụ già hỏi nữa:
– Bẩm bạch thầy, nghe thầy dạy dễ quá, nhưng làm sao con ‘buông ra’ cho được?
– Nếu bác ‘buông ra’ không được thì bác sẽ vô cùng đau khổ. Vì không ‘buông ra’ cũng chẳng được. Bởi mọi thứ nó không thuộc về của bác, kể cả chính xác thân bác nữa. Lúc này bác hãy tập trung tâm tưởng, để cho nó được thong dong, còn mọi việc đã có người khác lo. Bác hãy tự nhủ lòng rằng: “Chung sự” (Tôi hết việc rồi).
Tư tưởng ham sống lâu sẽ làm bác đau khổ. Cho dù bác mong muốn thiết tha tới đâu cũng chẳng được. Muôn sự đều vô thường và luôn luôn không cố định… “Sau khi sinh ra > Nó biến hoại > Nó diệt đi !”. Đức Phật cũng thế, bác và cả bàn dân thiên hạ cũng đều như thế. Vậy mà bác muốn xác thân bác còn mãi sao được?
Bác hãy nhìn vào hơi thở thì biết. Nó đi vô rồi lại đi ra, bản chất của nó là vậy. Bác chẳng thể ngăn cản sự đi ra và đi vô của nó được. Bác thử nghĩ coi: “Có thể nào bác thở ra mà không thở vào được chăng?”. Tức là hơi thở nó đi vào, rồi nó lại đi ra. Khi nó ra rồi thì nó lại phải đi vào. Tự nhiên là như vậy, không cách chi làm khác được. Y chang quá trình bác sinh ra > rồi già nua > rồi bệnh tật > rồi chết đi! Đó là điều hoàn toàn tự nhiên và bình thường…
Nếu bác không sinh ra, thì lấy gì bây giờ bác bị đau bệnh! Và lấy gì để mai mốt bác chết! Bác có hiểu điều đó không ???
– Kính bạch thầy, con hiểu được những gì thầy vừa dạy, nhưng con vẫn lo sợ quá chừng!
Thầy cầm ly nước uống nhấp giọng, đoạn thầy nói thêm:- Bác nên hiểu rằng: Vạn sự ở đời là như vậy, khi bác nhận thức được đúng đắn thì bác đừng do dự: “Hãy buông ra tất cả”. Dù bác không buông nó ra thì mọi thứ nó cũng bắt đầu buông bác ra đó. Này nhé! Như những bộ phận trong cơ thể của bác nó cũng đang muốn rời xa bác đấy. Vì những bộ phận ấy nó đã sống đủ thời hạn với bác rồi, nên nó sắp ra đi đó. Bản chất của nó là: “Đã đến, thì phải ra đi”.
Bởi thế gian là không có sự thường hằng hay mãi mãi, dù bất cứ ở đâu, bất cứ thời nào, bất cứ thành phần giai cấp nào; người giầu có, kẻ nghèo khó, người lớn cũng như trẻ nhỏ, người có học cũng như người thất học…v.v. cũng không thể có sự thường hằng được. Ai ai cũng phải xoay vần theo luật “Vô Thường” chi phối.
Quán triệt được điều đó, bác sẽ chả còn quyến luyến bất cứ sự gì. Bác hãy ‘Buông ra” chứ không còn nắm giữ được nữa, ví có giữ cũng chẳng đặng. Bác buông ra, thì tâm bác sẽ thảnh thơi; không buồn mà cũng chẳng vui, không khiếp sợ và cũng chẳng liều lĩnh. Lúc bấy giờ lòng bác sẽ an ổn với trí tuệ hiểu biết: “Vạn vật không bao giờ có thể thường còn mãi mãi được”.
“ĐẶC TÍNH PHẢI ĐỔI THAY CỦA VẠN VẬT, KHÔNG BAO GIỜ THAY ĐỔI”.
Nếu bác có nhiều thứ, bác sẽ phải bỏ lại nhiều thứ nếu bác có ít thứ, bác sẽ bỏ lại ít thứ; cho dù giầu có là giầu có, đẹp đẽ là đẹp đẽ, nổi danh là nổi danh… chẳng có gì khác biệt, mọi sự cũng thế thôi! Vậy bác hãy buông nó ra, buông cho đến khi nào tâm trí bác an lạc! Mọi sự bác không còn cảm thấy khổ đau hay sung sướng. Mọi thứ bác không còn thấy là của bác nữa; sung sướng và khổ đau cũng đểu Hoại, Diệt và Mất tiêu như nhau … Như nhà thơ Tản Đà đã nói:
Gẫm nghìn xưa ai tài hoa, ai tiết liệt, ai đài trang.
Cùng một giấc mơ màng trong vũ trụ.
– Kính bạch thầy, con đã hiểu!!!
– Vậy sao! Bác giải thích xem nào ?
– Thưa thầy, chỉ có định luật: “Vô Thường” là bất biến, là vĩnh cửu, là thường còn. Ngoài ra, tất cả muôn vàn vạn sự ở đời này đều luôn luôn biến đổi không bao giờ ngừng. Chẳng hạn như:
*THÂN VÔ THƯỜNG: Nay khỏe mạnh, mai ốm đau. Nay đang sống, mai đã chết…
*TÂM VÔ THƯỜNG: Nay đang mến thương nhau, mai chuyển sang hận thù ân oán nhau…
*TÀI SẢN VÔ THƯỜNG: Của cải nay còn, mai hết. Tức là tiện nghi vật chất không thể tồn tại mãi được… Vật thể này biến đổi thành ra vật thể khác. Sự vật không bao giờ cố định cả.
Thầy cười hoan hỷ, đoạn thầy hỏi:
– Đúng, bác hiểu khá đấy, như vậy bác sẽ làm gì khi bác hiểu như vậy?
– Kính bạch thầy, con sẽ buông ra mà không bám víu vào bất cứ điều gì trên thế gian này, để mọi sự chảy xuôi như dòng nước. Tính của nước luôn chảy xuống chỗ trũng (thủy lưu tại hạ), dù chỗ đó là đất hay cát, hoặc ruộng vườn. Bản chất của nước là như vậy, nước luôn chảy một cách tự nhiên xuống chỗ thấp mà không có cách nào cho nó chảy một cách tự nhiên lên trên cao được. Đó là định luật của càn khôn vũ trụ mà thầy vừa chỉ dậy cho con.
– Vâng! Bác hiểu được như thế, tức là bác đã thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ của bác rồi đấy. Bây giờ chỉ còn một điều là bác đưa vào thực hành những gì bác vừa chứng ngộ là đạt quả Phật rồi đó.
Cụ già ngạc nhiên thưa:
– Kính thưa thầy, con ngỡ là thành Phật khó lắm chứ! Đâu đơn giản như thầy vừa nói ?
– Có khó gì đâu: “Phật tức Giác ngộ”. Vì thế, mê lầm là chúng sinh, giác ngộ là Phật. Chúng sinh và Phật khác nhau chỉ có vậy. Mọi người trong chúng ta vì u mê tăm tối, nên tham lam: Sắc, Tài, Danh một cách vô độ mà không hiểu rằng những thứ đó do nhân duyên giả hợp tạm có. Hợp rồi tan, sinh rồi diệt! Ngay như xác thân bác cũng tạm có đó. Rồi trở thành không đó có bao lâu! Tựa hồ như bóng phù du, như ảo ảnh, như khói sương… Nhưng vì si mê chạy theo níu kéo nó nên thành chúng sinh mà thôi. Bây giờ bác đã giác ngộ và bác buông ra những thứ mà trước đây bác bám víu vì ngỡ là thật… Vậy là bác đã thành Phật rồi.
Ví như ông bà thân sinh ra bác, cho bác ăn học tới nơi tới chốn để cho bác trở thành là con người trí thức đàng hoàng… Nhưng vì u mê, bác ham chơi với chúng bạn, sa đà say sưa trác táng, hưởng thụ thú vui vật chất, dẫn đến sa đọa hư hỏng. Khi ấy, bác là kẻ xấu tệ … Nay gặp duyên may bác giác ngộ. Thấy được lẽ thật, bác bỏ con đường hư thân, trở lại con người thật đàng hoàng của mình… Với bằng cấp và kiến thức có sẵn của mình, bác tận tụy làm ăn, liêm chính, giữ uy tín đạo đức… là bác trở thành người cao sang, quí phái rồi…
Phật hay chúng sanh, tốt hay xấu chỉ khác nhau chỗ giác ngộ hay u mê mà thôi. Đoạn thầy đọc bài kệ:
Chiều nay lộng gió thu về
Lá vàng tơi tả tràn trề khắp nơi.
Đời người như hạt sương rơi .
Lung linh một thoáng mặt trời chiếu tan .
Thân em như đóa hoa lan
Ngươì đời yêu thích muôn vàn đắm say
Nhưng rồi chẳng được bao ngày
Cánh hoa tàn úa đổi thay hoàn toàn.
M.L-T.M.S