Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Hành trình về đất Phật (Tây du ký sự kỳ 9): Ngày...

Hành trình về đất Phật (Tây du ký sự kỳ 9): Ngày 12-7 – New Delhi

138
0

Sau khi hoàn tất thủ tục về phần mình tôi cũng bước ra để ngắm cảnh bình minh trên thành phố thủ đô. Sân thượng để « view » của khách chỉ khoảng 3m2, trong đó 1m2 là một bể xi măng chứa rác ! Do đó tôi chỉ ngắm bầu trời lúc hừng sáng  và khung cảnh thành phố chừng  3 phút. 

Claude lại loay hoay dùng resistance nấu nước, nhưng không được. Mỗi người vì thế chỉ ăn hai trái chuối cho bữa điểm tâm. Anh nhắc tôi  thu xếp hành lý để trả phòng ngay. Chúng tôi lễ mễ mang vác ba lô xuống 4 tầng lầu để check out nhưng Claude nói với nhân viên xin gửi mấy cái ba lô lại để chiều lấy. Chúng tôi sẽ lên tàu đi Lucknow tối nay chứ không phải ngày mai. Anh này vui vẻ đồng ý.

Chúng tôi chỉ mang theo xách tay đựng giấy tờ và chai nước uống. Khi thấy người ta bán chuối ven đường, Claude dừng lại mua và trả giá. Anh ấy luôn luôn trả giá – khi mua thức ăn, đi xe lôi (rickshaw) hay thuê nhà trọ – và mua được 4 trái với số tiền 10 Rs.

Khi đến khu Connaught chúng tôi tình cờ thấy bảng hiệu Hotel Saravana Bhavan – Vegetarian Restaurant, hóa ra đây vừa là khách sạn vừa là nhà hàng chay. Chúng tôi bước vào định mua vài món mang theo cho bữa trưa và chứng kiến nghi thức « chào buổi sáng » theo Ấn Độ giáo : có một người xách quai một lư đồng, trong đó có một ngọn lửa. Anh này đi từ bàn thờ thần để trên quầy thu ngân, nơi đặt một cái trang hay khám thờ giống như khám thờ thần tài, ông địa ở xứ Đại Cồ Việt, đi vào bên trong đến cuối phòng ăn rồi quay lại. Trong khi đó thì các nhân viên đứng thành hàng ngang đọc kinh.  Cuối cùng anh ta dừng lại trước khám thờ, đặt lư lửa xuống, đưa bàn tay qua lại bên trên ngọn lửa rồi đưa tay chạm vào trán, rồi chắp tay vái xuống. Mọi người cũng chắp tay lên trán vái xuống. Thế là xong, và các nhân viên tản ra lo công việc của mình. Nghi lễ kéo dài khoảng 5 phút.

Anh Claude chọn mua một túi nylon đựng các loại hạt rang có dầu, như đậu phụng, đậu xanh, hạt điều và vài loại khác không có ở Việt Nam. Tôi chọn mua một bao cơm vắt gồm nhiều vắt tròn tròn bằng cỡ cái bánh ít, màu nâu, có tẩm gia vị và hơi khô, chứ không dẻo như cơm vắt bên xứ mình. Tôi mua thêm một miếng màu hồng, tròn và dẹp giống như mứt, không rõ làm bằng gì, nhưng vào buổi trưa khi nếm thử thì nuốt được một miếng thôi vì vị quá ngọt của nó. Tôi để dành đến lúc chiều về cho một em bé ăn xin.

Chúng tôi đến văn phòng công ty du lịch Delhi Tourism & Transportation Development (một công ty quốc doanh –  nền kinh tế Ấn Độ cũng có thành phần quốc doanh chiếm vị trí chủ đạo, cũng là một trong số những nguyên nhân đưa đến trì trệ và tham nhũng và họ cũng mới bắt đầu chuyển hướng sang  kinh tế thị trường kể từ năm 1991) ở đường Baba Kharak Singh, đối diện đền thờ Hanuman. Trước cổng là một chợ bán hoa. Buổi sáng người mua rất đông. Nhiều nhất là các tràng bông thọ, bông lài, bông sen, bông huệ. Trong khuôn viên này có một quán ăn tên là Coffee Home mà buổi trưa xe đưa khách tham quan cũng quay về đây nghỉ ngơi.

Xe du lịch khởi hành lúc 9 giờ. Khách có khoảng hơn 10 người gồm người đủ sắc tộc như Nhật, Hoa, Ấn và nơi đầu tiên đến là đền Lakshmi Narayan, thờ nữ thần Lakshmi của Ấn Độ giáo. Đền thờ được gia tộc giàu có Birla xây năm 1938. Các « danh gia vọng tộc » có địa vị đặc biệt trong nền kinh tế và chính trị ở một số nước châu Á, và đằng sau họ là các tập đoàn kinh doanh, các đảng phái chính trị. Điển hình là thủ tướng mới của Thái thuộc dòng tộc Shinawatra – có anh trai là cựu thủ tướng Thaksin, anh rể là cựu thủ tướng Somchai Wongsawat –  ở Ấn là dòng họ Nehru-Gandhi, ở Pakistan là gia đình Bhutto. Các đại gia tộc này đều dính các scandal liên quan đến lạm quyền và tham ô.

Thần Lakshmi là nữ thần sắc đẹp, vợ của thần Vishnu, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Chuyện về nữ thần này được kể trong sử thi Ramayana. Một hôm các vị thần trên trời mời một vị đạo sĩ dưới trần gian lên dự tiệc. Đạo sĩ này mang theo nhiều quà cho các vị thần nhưng đều bị chê bai là không có giá trị. Vị này tức giận bỏ về và cảnh báo rằng các thần tuy có phép thuật nhưng cũng sẽ chết như con người. Các thần sợ quá bèn chạy đến thần Vishnu để hỏi. Thần Vishnu xác nhận là đúng nhưng bày cho cách để tìm thuốc trường sinh. Các vị thần và cả quỷ dữ đều cùng chung sức đi tìm. Thần Vishnu chỉ cho một biển sữa. Phải khuấy thế nào cho biển cạn thì thuốc sẽ xuất hiện. Họ dùng núi Meru ở dãy Himalaya làm điểm tựa và rắn thần Naga làm đũa khuấy. Khi núi Meru bị lún dần, thần Vishnu hóa thành một con rùa để đỡ núi lên. Sau khi khuấy 1.000 năm thì biển cạn và thần Lakshmi xuất hiện. Thần Vishnu liền lấy làm vợ. Những linh vật khác xuất hiện sau đó là bò thần Nandin, chim thần Garuda, voi thần 3 đầu Ganesha, ngỗng thần Hamsa, tiên nữ Apsara. Tiên nữ rất đẹp và trong khi các thần đang say sưa ngắm thì lọ thuốc trường sinh nổi lên. Thần gió Rehu là một loài quỷ dữ bèn chộp lấy uống. Thần Vishnu phát hiện ra bèn dùng vòng lửa chém đứt đầu con quỷ. Nhưng cái đầu đó lại được trường sinh. Sau đó thần Vishnu chia thuốc cho mọi thần khác uống và trở thành bất tử.

Đền thờ thần Lakshmi

Tượng thầnLakshmi được tạc ở nhiều đền đài Ấn Độ giáo. Có thể thấy đầy đủ các vị thần cùng linh vật ở đền Angkor, Kampuchia. Còn rắn thần Naga và chim thần Garuda cũng được các chùa ở Thái Lan rước vào để trang trí.

 

Tranh thờ thần Lakshmi

Cũng từ sự tích này ở Ấn Độ người ta nhờ bò kéo cày, kéo xe, vắt sữa, nhưng không ăn thịt ngài. Nhưng có một điều bất tiện là họ hay thả bò đi rông ngoài đường, gây trở ngại giao thông. Đôi khi bò bị xe chạy nhanh đụng phải và thế là phải xây bệnh viện để trị thương, trị bệnh cho các ngài. Tôi cũng để ý  thấy các cảnh sát viên, nhân viên bảo vệ thường cầm một cây gậy tre, có lẽ để mời các ngài đi khỏi chỗ không cần đến sự có mặt của các ngài.

Nơi thứ hai mà công ty du lịch đưa khách đến là nhà tưởng niệm Mahatma Gandhi, gọi là Gandhi Smriti ở số 5 đường Tees January, nơi Gandhi bị ám sát ngày 30 tháng 1, năm 1948. Đây không phải là nhà của ngài, mà là nhà của Birla, ông bạn nhà giàu của ngài. Người ta có để một tấm bia trước một căn nhà, ghi rằng nơi đây Gandhi sống 144 ngày cuối cùng.  Trong nhà có phòng ngủ với vài vật dụng  rất đơn giản như gối, chăn, đôi dép, cặp kính. Những phòng còn lại làm thành bảo tàng, giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh giành lại độc lập cho Ấn Độ từ thực dân Anh. Con đường từ nhà ra vườn để đến nơi cầu nguyện người ta đắp nổi dấu chân ngài và tại chỗ ngài bị bắn người ta xây một mái đình bên trên.

 

Ngôi nhà nơi Gandhi bị ám sát

 

Phù điêu trong nhà tưởng niệm Gandhi

Vì sao thánh Gandhi bị ám hại là câu hỏi tôi đặt ra cho người hướng dẫn viên du lịch. Ông ta trả lời do Gandhi đồng ý cấp cho Pakistan một số tiền lớn làm cho một số người Ấn giáo phẫn nộ. Tôi không rõ câu trả lời này có đúng không. Nhưng tình hình là trong cuộc đấu tranh giành độc lập từ tay thực dân Anh, đảng Quốc Đại của Gandhi đã hợp tác với Liên Minh Hồi giáo. Khi cuộc đấu tranh gần đi tới chỗ thắng lợi thì người Hồi giáo sợ rằng họ là phe thiểu số  và sẽ bị thiệt thòi khi người Ấn giáo cầm quyền, cho nên họ đòi hỏi phải chia cho họ vùng đất Pakistan để tự trị. Gandhi không đồng ý chia đôi đất nước. Trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ hai, Hồi giáo ủng hộ việc tham gia chiến đấu với người Anh, còn Gandhi thì không hợp tác và đòi hỏi người Anh phải rời khỏi Ấn Độ ngay. Khi thương lượng với các đại diện Ấn Độ, không có Gandhi, người Anh đồng ý  trả độc lập cho Ấn Độ và chia đôi đất nước.  Việc này gây nên một thảm họa là người Hồi giáo ở vùng Pakistan xua đuổi người Ấn giáo và người đạo Sikh. Ở một số nơi như Bihar người Ấn giết người Hồi, chỗ khác người Hồi trả thù giết người Ấn giáo. Gandhi đã đi nhiều nơi, cố ngăn cản cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Khoảng gần 1 triệu người Ấn Độ đã chết và 11-12 triệu người phải bỏ nhà cửa chạy qua Pakistan (người Hồi giáo) hoặc  chạy qua Ấn (người Ấn giáo). Rất nhiều người tỵ nạn Ấn và Sikh đổ về Delhi muốn giết người Hồi giáo để trả thù. Nhằm ngăn ngừa cuộc tàn sát trong thành phố Delhi, Gandhi đã tuyệt thực kêu gọi bất hại. Đại diện của hai bên sau đó đã gặp ký thỏa thuận rằng tính mạng, tài sản, tín ngưỡng của người Hồi giáo trong thành phố sẽ được bảo đảm an toàn. Vài ngày sau người ta đã đặt bom tại nhà mà Gandhi đang tá túc, ngài không bị thương nhưng mấy hôm sau nữa một người Ấn giáo đã đi vào vườn và bắn chết Gandhi khi ngài ra đó dự lễ cầu nguyện với một nhóm người.

 

Thực dân Anh ra đi, nhưng để lại một đất nước chia hai, một cuộc tàn sát, một cuộc di cư bi đát và một đường biên giới mơ hồ ở Kashmir luôn đe dọa bùng nổ chiến tranh. Thái Lan cũng nhức đầu vì những cuộc nổi dậy của người Hồi giáo ở miền Nam, nguyên là lãnh thổ của Malyasia  « được » Anh cắt giao cho. Thực dân Pháp ở Đông Dương dù ra đi nhưng không quên để lại thảm kịch tương tự.

Nơi thứ ba chúng tôi được đưa đến thăm là Qutub Minar, là tháp nhọn bằng gạch cao nhất thế giới (72,5m). Tháp này do sultan của Hồi Quốc Delhi là Qutb-ud-din Aybak cho xây dựng vào năm 1193. Trên tháp có khắc những vần thơ lấy từ kinh Qu’ran của Hồi giáo. Đây là ông vua thuộc tộc người Thổ Nhĩ kỳ đã tiến quân từ vùng đất bây giờ là Afganistan, đánh thắng vương triều Chauhans, là những ông vua Ấn giáo cuối cùng của Delhi  và xây dựng một quần thể kiến trúc  ngay ở vị trí trước đó là 27 ngôi đền Ấn giáo và  Kỳ Na giáo (hay là đạo Jain) và lấy vật liệu xây dựng phá ra từ chính các ngôi đền này trong  kinh thành Lal Kot (Kinh Thành Đỏ). Người ta không biết mục đích hay chức năng của tháp mà chỉ đoán là để kỷ niệm chiến thắng. Qutub Minar nay cũng được UNESCO xếp vào loại di sản thế giới.

Tháp Qutub

Điểm dừng chân thứ tư là đền thở đạo Bahai. Đạo Bahai là một tôn giáo khá lạ lùng. Lạ ở chỗ Bahá’u’lláh, người sáng lập, tuyên bố rằng mình là vị tiên tri (prophet), là sứ giả (messiah) do Thượng Đế hứa sẽ cho xuống trần gian trong các kinh thánh của 6 tôn giáo : đạo Do Thái (Judaism), đạo Thiên Chúa (Christianism), đạo thờ lửa (Zoroastricism), đạo Hồi phái Shiai, đạo Hồi phái Sunny và đạo Babi (Babism là một đạo do Siyyid `Alí-Muhammad, người Ba Tư thành lập năm 1844 –mà Bahá’u’lláh cũng là một tín đồ). Sau này, người kế vị là Abdu’l-Bahá , còn nói thêm, Bahá’u’lláh cũng là Kalkil  Avatar, là hiện thân thứ 10 và cuối cùng của thần Vishnu, Ấn Độ giáo. Những tín đồ đạo này còn tin rằng Bahá’u’lláh chính là Đức Phật Di Lặc, vị Phật được báo là sẽ xuất hiện trong tương lai. Ngài giảng rằng mọi tôn giáo đều có cùng nguồn gốc và Ngài đến để chấm dứt thời kỳ tăm tối, đem lại ánh sáng và thanh bình cho thế gian.

Bahá’u’lláh sinh năm 1817 tại Tehran, Iran, mất năm 1892 ở trong tù tại Akka, Palestine, lúc ấy thuộc đế quốc Ottoman, nay thuộc Israel. Chính quyền lúc ấy sợ những lời tuyên bố của ngài có thể gây bất ổn cho xã hội cho nên bắt và đày ngài đi xa.  Đền thờ được xây dựng theo sách luật của  Bahá’u’lláh, theo đó mỗi cộng đồng nên xây một đền thờ nơi mà người thuộc bất cứ tôn giáo nào cũng có thể tới để cầu nguyện Thượng đế. Nơi đây không có ảnh, tượng,  bàn thờ, pháp tòa, không có thuyết giảng. Người ta có thể tụng đọc kinh kệ gì cũng được miễn là không dùng nhạc  khí. Sách luật được viết bởi người kế vị là Abdu’l-Bahá qui định đền thờ phải là hình tròn có 9 mặt. Hiện nay trên thế giới có 8 đền thờ như vậy. Các đền thờ này đều có mái vòm và các dãy bàn cho người cầu nguyện hình vòng cung hướng mặt về  đền thờ Bahá’u’lláh ở  Akká.

Đền thờ Bahai ở New Delhi, tọa lạc ở làng Bahapur,  được xây xong năm 1986  do kiến trúc sư Fariborz Sahba, người Iran, nay sống ở Canada, thiết kế. Nó là một tòa nhà mái vòm, hình hoa sen 27 cánh, tạo thành 9 mặt. Thế nên đền thờ này cũng được gọi là đền thờ Hoa Sen. Đền xây bằng đá cẩm thạch, cao khoảng 40m, trên một lô đất rộng. 105.000 m2. Bên trong có thể chứa 2.500 người.  Xung quanh đền là bãi cỏ đẹp và 9 hồ mát mẻ. Đền này là một trong những nơi được  nhiều  du khách viếng thăm nhất thế giới. Hằng năm có tới hơn 4 triệu lượt khách, hơn cả đền Taj Mahal hay tháp Eiffel.

 

Du khách được yêu cầu xếp thành hai hàng chờ đợi. Sau đó có một người đến, dùng loa cầm tay nói về nội qui ở đền thờ. Người nay ra hiệu mời vào khi bên trong có một đợt khách đi ra. Tôi vào ngồi thiền khoảng 15 phút  trong không khí im lặng. Ngoài trời bỗng đổ mưa.

Du khách đứng túm tụm ở mái hiên, chỉ có Claude và tôi có mang theo áo mưa và một, hai người khác mang dù. Chúng tôi chạy nhanh ra xe và khoảng 15 phút sau khi mưa tạnh những người khác mới chạy ra. Chúng tôi trở về Coffee Home.

Đây là một cafeteria, nơi mọi người tự chọn món ăn, trả tiền và bưng khay ăn đến bàn. Do không biết món ăn nào thích hợp, chúng tôi phải bằng lòng với món cơm khô, đậu rang dầu và chuối mua từ sáng. Gói đậu này ăn mau ngán cho nên chúng tôi ăn ba ngày mới hết.

Buổi chiều chúng tôi được đưa đi thăm Pháo Đài Đỏ (Red Fort) mà người Ấn gọi là Lal Qil’ah hay Lal Qila. Đây là hoàng cung làm bằng đá sa thạch màu đỏ, xây trong kinh thành Old Delhi vào thế kỷ thứ XVII nơi hoàng gia vương triều Mughals sinh sống cho tới năm 1857, khi ông vua cuối cùng của dòng họ này là  Bahadur Shah Zafar bị người Anh bắt đi đày. Đại Đế Sha Jahan đã cho xây hoàng cung trong một pháo đài từ năm 1638 đến 1648. Khi người Anh đô hộ Ấn Độ họ dùng nơi này làm doanh trại quân đội và sau khi giành độc lập kể từ năm 1947 đến 2003 đây cũng  là chỗ đóng quân

 

Pháo Đài Đỏ

Đại Đế Sha Jahan là ông vua thứ năm của vương triều Mô-gôn ( Mughals/ Moghul) hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn, của đại đế Timur (Mông Cổ). Vương triều này khởi nghiệp với vua Zahir ud-din Muhammad Babur  năm 1526. Thời Shah Jahan(1627-1658)  là thời hoàng kim về kiến trúc của vương triều. Đây là ông vua xây nhiều công trình vĩ đại, trong đó có đền Taj Mahal , là lăng cho hoàng hậu tại Agra. Ông đã dời kinh đô từ Agra sang Delhi. Kiến trúc này là một thành tựu của nền mỹ thuật Ấn Độ, kết hợp với phong cách Ba Tư và cả châu Âu. Pháo đài có hai cổng chính. Cổng đi vào gọi là Cổng Lahore, phía bắc hoàng thành. bên bờ thành là các dãy hàng quán bán đồ lưu niệm. Ra khỏi vòm cổng người ta sẽ gặp một con đường trục chia pháo đài làm hai khu vực, khu quân sự ở phía tây và khu hoàng cung ở phía đông.

Pháo Đài Đỏ

Đi vào khu hoàng cung du khách sẽ thấy điện Diwan-i-Aam, có sân chầu và ngai vàng, ngăn bằng một dãy lan can làm bằng vàng và bạc. Gần đó là điện Diwan-i-Khas với những hàng cột ở tiền đường có khắc hoa văn và cẩn đá bán quí.

Phía sau ngai vàng là những dãy dinh thự, nhà ở của hoàng gia. Trong đó có Rang Mahal là nhà dành cho các bà phi. Có hồ tắm làm bằng đá cẩm thạch.

 

Điện Diwa-i-Khas
 

Rang Mahal, dinh của các phi tần

Du khách có thể thấy Moti Masjid là nhà nguyện Hồi giáo xây năm 1659  của vua Aurangzeb, người kế vị Shah Jahan.  Nơi đây cũng có bảo tàng khảo cổ và bảo tàng chiến tranh.

 

Moti Masjid – nhà thờ Hồi giáo trong Hoàng cung

 Pháo Đài Đỏ là nơi làm lễ kỷ niệm độc lập 15 tháng 8 hằng năm, và là nơi thu hút du khách đông nhất của Old Delhi.

Chúng tôi cũng được đưa đến Raj Ghat là vườn tưởng niệm Gandhi, nằm trên đường Mahatma Gandhi, bên dòng sông Yamuna. Đây là nơi hỏa thiêu thi hài của người được xem là «Father of Nation », cha của dân tộc vào ngày 31 tháng 8 năm 1948. Vườn này là nơi  khách nước ngoài và các đoàn ngoại giao thường đến đặt vòng hoa.

Ở đây có một phiến đá cẩm thạch màu đen và một ngọn lửa vĩnh cửu. Công trình này rất đơn giản, phản ánh được tính cách giản dị trong sinh hoạt của vị thánh Ấn Độ.

 

Khu vườn tưởng niệm Mahatma Gandhi

Lăng mộ vua Humayun là nơi chúng tôi được đưa tới tham quan cuối cùng mà theo  hướng dẫn viên cũng là nơi có kiến trúc cổ đẹp nhất. Lăng do kiến trúc sư Mirak Mirza Ghiyat, người Ba Tư thiết kế theo lệnh của Hoàng Hậu Hamida Begum. Sau này Hoàng Hậu cùng nhiều vị vua khác cũng được chôn ở đây. Lăng mộ này là hình mẫu cho đền Taj Mahal của vua Mô gôn đời thứ năm là Sha Jahan.

Humayun là ông vua thứ hai của vương triều Mô gôn, trị vì vùng đất ngày nay là Pakistan, Afghanistan và bắc Ấn Độ, rộng gần 1 triệu km2. Vua  lên ngôi vào năm 1530 nhưng vì đắm mình trong nữ sắc cho nên 10 năm sau ông bị một quí tộc người Pashtun (Afghanistan ngày nay) là Sher Sha Suri lật đổ để lập nên triều Suri. Humayun phải chạy qua Ba Tư lánh nạn. Nhưng triều Suri không kéo dài lâu. Khi Sher Shar Sur mất, người con là Islam Sha Suri trị vì thì gặp nội loạn. Hamayun được Ba Tư giúp đem quân đánh bại nhà Suri. Nhưng vua lên ngôi được một năm (1555-1556) thì mất.

Vua Humayun

 

Mộ vua Humayun

 

Lăng mộ vua Humayun

Qua một ngày tham quan có thể thấy sự phức tạp của lịch sử và văn hóa của đất nước Nam Á này. Ấn Độ là một tên gọi chỉ xuất hiện trên bản đồ thế giới từ năm 1947. Trước đó, khởi thủy chỉ có tên sông Ấn (Indus) với đồng bằng và nền văn minh gắn liền với vùng sông nước mênh mông và  phì nhiêu ấy. Biết bao nhiêu bộ tộc, sắc dân đã từng sinh sống trên vùng đất này. Từng vùng đất nhỏ thì mỗi thòi kỳ lịch sử đều có thể mang một tên khác nhau. Rồi bao nhiêu là  vua chúa, vương triều, sultan, đại đế. Trong các di tích cũng  không rõ các di sản ấy là của dân tộc nào vì có yếu tố Aryan, Ba Tư, Hy Lạp, cũng có yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ, Mông cổ, Anh, v.v.

 Ấn tượng gì rõ nét nhất qua một ngày ở New Delhi ? Đối với tôi đó là tính chất vô thường của mọi sự vật với trùng trùng các lớp sóng phế hưng.

 Khởi đầu chuyến đi là đền thần, là  câu chuyện về khát vọng sống, khát vọng trường sinh, nhưng yếu tố ích kỷ, ác tâm đã hiện hữu, đoạn giữa là những công trình gợi nhớ đến sự tranh giành nhau, giẫm đạp nhau, ám hại, tàn sát nhau của con người, cuối cuộc lữ là lăng mộ, là câu chuyện về hoài niệm, tiếc thương, là nhận thức rằng trường sinh chỉ là ảo mộng.

T.N.B

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here