Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Hành trình về đất Phật: Tây du ký sự kỳ 7, Bangkok...

Hành trình về đất Phật: Tây du ký sự kỳ 7, Bangkok – New Delhi

138
0

Ngày 10-7

Ngày thứ 11 cũng là ngày kết thúc khóa tu. Sau khi nghe bài giảng cuối, nghe lời dặn dò của thầy Goenka rằng những thành tựu trong khóa tu giống như cây non mới mọc, cần được chăm sóc và bảo vệ bằng cách ngồi thiền hai lần mỗi ngày, sáng và tối ; cuối buổi ngồi thiền cần rải tâm từ, rải tình thương, chia sẻ công đức cho mọi chúng sinh, các thiền sinh trở về phòng thu xếp hành lý, dọn sạch sẽ căn phòng rồi ra nhà ăn ăn sáng, chụp hình lưu niệm. Ai nấy đều vui tươi, rạng rỡ vì vượt qua được thử thách, và ai dường như cũng được trang bị thêm một ít hành lý để du hành vào cuộc đời trở lại.

 Ngày thứ 11, kết thúc khóa thiền. Thiền sinh chụp hình lưu niệm trước nhà ăn

Các thiền sinh Thái phần nhiều được gia đình đem xe hơi đến đón về. Một số ít đi xe hợp đồng. Các thiền sinh Tây phương cũng có một chiếc xe van chở về Bangkok. Trên đường về chúng tôi đi ngang qua những cánh đồng lúa, qua vườn cây ăn trái giống như cảnh ở quê nhà. Cái khác là nhà cửa nông dân có vẻ khang trang hơn. Rất nhiều nhà có xe hơi, phần lớn là xe pick up, có thùng sau để chở nông sản. Dọc theo sông Chao Phraya, gần Bangkok, lác đác cũng còn những nhà sàn lụp xụp giống như trên kênh Tàu Hủ ở Sài Gòn.

Chúng tôi xuống xe giữa chừng, đón xe buýt về quảng trường Victory Monument, là giao lộ của 3 con đường lớn phía đông bắc Bangkok, nơi có trạm xe buýt tỏa đi nhiều nơi, cũng là nơi có ga  xe lửa và ga skytrain. Nơi đây có đài kỷ niệm trận thắng Pháp năm 1940-41.Khi ấy Pháp đang đô hộ Đông Dương nhưng thất trận ở chính quốc. Pháp phải cắt đất ở Lào mà trước đó giành được vào năm 1893 và 1904 trả lại cho Thái. Thái cũng giành được một mảnh đất cắt ra từ miền Tây Kampuchia. Không lạ gì giữa Thái và Kampuchia vẫn xảy ra đụng độ giành nhau đền Preah Vihear.

 Tượng đài Chiến Thắng

Từ đó, chúng tôi đi xe buýt trở về quảng trường  Dân Chủ, gần khu Khao San để Claude nhận lại passport và visa. Ở đây có đài kỷ niệm cuộc đảo chính năm 1932, đưa Thái Lan từ một nước quân chủ chuyên chế thành một nước quân chủ lập hiến.  Có thể thấy được lòng kính trọng vua Thái qua các tượng đài, tranh ảnh vua Thái ở khắp nước Thái Lan. Cũng có thể thấy biểu hiện của chế độ dân chủ qua các bích chương vận động bàu cử quốc hội đang diễn ra ở Thái treo khắp nơi, từ thành thị cho đến nông thôn. Kết quả :  đảng Pheu Thai của nữ doanh nhân trẻ  đẹp 44 tuổi Yingluck  Shinawatra đã thắng đảng Democratic của thủ tướng đương chức, cũng trẻ tuổi đẹp trai là Abhisit Vejjajiva (nổi tiếng mạnh tay trong trấn áp các cuộc biểu tình và kiểm duyệt báo chí),  trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái. 

Tượng đài Dân Chủ 

Hình ảnh vua Thái Lan 

Chúng tôi trở lại quán chay May Kaidee, số 111 hẽm Tanao. Quán này có cả lớp dạy nấu ăn chay (học trong 1 ngày). Quán cũng có chi nhánh  cách đó 100m và chi nhánh 2 ở đường Samsen. Chúng tôi cũng đi loanh quanh khu Khao San, khu du lịch ba lô, giống như khu phố Phạm Ngũ Lão ở Sài Gòn và Phạm Ngũ Lão ở Huế. Kể từ năm 1988 khi có một vài khách sạn rẻ tiền mọc lên ở khu phố cổ này, Khao San, một con đường hẹp và dài khoảng 1 km, đã trở thành một khu thương mại bình dân sầm uất, thu hút khách du lịch nội địa lẫn nước ngoài. Hàng chục nhà trọ, dịch vụ du lịch, quán cà phê, quán ăn, quán massage, quán bán đồ lưu niệm, quầy đổi tiền, xe bán hàng rong, và nhiều nhất có lẽ là sạp bán quần áo. Tài tử giai nhân nườm nượp suốt ngày và hình như suốt đêm 

Quán chay May Kaidee

 

Đường Khao San – khu phố du lịch ba lô

 Chúng tôi xem bản đồ tìm đường đến sân bay. Anh Claude đề nghị đáp thuyền cao tốc trên sông để đến ga tàu điện vì nhanh và rẻ. Xuống đò mà mang theo hành lý cồng kềnh thì hơi gay go. Nhưng đã chấp nhận phiêu lãng thì phải liều lĩnh. Từ Khao San ra bến đò đi bộ khoảng hơn 100 m. Chúng tôi xem bản đồ lớn ở bến đò và đếm xem bao nhiêu bến thì tới bến có ga xe lửa: bến thứ tư, có tên là Harbour. Thuyền máy hóa ra không chỉ là một phương tiện vận chuyển khách du lịch mà cho cả người địa phương. Tuyến đường sông này dài 21km , từ Bang kok đến tỉnh Nonthaburi, ghé qua hàng chục bến ở cả hai bờ. Có nhiều loại thuyền, loại sang trọng vé 150 Bht (5 US$), loại bình dân (từ 10Bht tới 25 Bht – 30 Bht= 1 US$), phục vụ từ 6:30 tới 7:30. Nghe nói mỗi ngày chở tới 40.000 khách.  Thuyền đi chở khoảng 50-80 khách, nhưng đi rất nhanh và ghé mỗi bến cũng chỉ 3-4 phút. Khi lên bờ, theo lời khuyên của một hành khách trên thuyền, chúng tôi gọi xe tuk tuk để đến ga Hua Phong. 

Đò máy cao tốc express boat trên sông Chao Phraya

 

Một bến đò máy trên sông  Chao Phraya

Từ ga  metro này chúng tôi đáp tàu đến trạm đường Sukhumvit, rồi lễ mễ leo lên tầng trên đáp skytrain đến ga Thaya Thai, rồi lại lễ mễ bước xuống tầng dưới đáp tàu cao tốc đi sân bay quốc tế Suvarnabhumi. Trước đây tôi đã từng đi qua sân bay Don Mueang và rất ngưỡng mộ cái sân bay rộng mênh mông với trên 100 cửa ra tàu bay (boarding gate) và văn phòng của hơn 80 hãng máy bay, lóa mắt vì các gian hàng lộng lẫy. Nhưng bây giờ (từ năm 2006) Don Mueang trở thành nhà ga nội địa, nhường chỗ cho Suvarnabhumi thì có thể đoán sân bay mới lớn thế nào nữa. Đây là nhà ga hàng không lớn thứ ba thế giới, với 120 boarding gates, rộng 563.000 m2 với hàng trăm gian hàng sáng rực dưới ánh đèn, và không biết bao nhiêu quầy làm thủ tục. Riêng Air Asia có 5 quầy. Năm 2010 ga này đón 42, 7 triệu lượt khách (Tân Sơn Nhất đón khoảng 15 triệu, Nội Bài 6 triệu). 

Ga hàng không Suvarnabhumi, Bangkok  (nguồn: internet)

Chúng tôi được một xe đón và đưa ra máy bay lúc 7:00 pm và cất cánh 7:35. Bay gần 5 giờ chúng tôi đến sân bay quốc tế Indira Gandhi của thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Sân bay này cũng làm chúng tôi choáng ngợp vì kiến trúc nguy nga của nó. Theo thông tin từ brochure, nhà ga sân bay này rộng gần bằng sân Bang kok – 502.000 m2 và năm ngoái đón gần 30 triệu lượt khách. Chúng tôi vội chạy ra khỏi ga đón tàu express chuyến cuối lúc 11 giờ đêm để về trung tâm thành phố. Tính theo giờ Bangkok thì bây giờ hơn 12 giờ rồi. Tàu chạy êm như ru chẳng kém Bangkok. Nhưng ấn tượng đẹp đẽ không kéo dài lâu. Bước ra khỏi ga xe lửa chúng tôi bị sốc trước cảnh hàng trăm người nằm la liệt trên sàn nhà ga. Một mùi quen quen xông lên mũi. Đúng là mùi của các bến xe, nhà ga quê nhà ta vào thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước (là mùi nước tiểu chứ gì nữa!) .

Đi ra khỏi ga chừng 20 mét chúng tôi cảm thấy có cái gì đó không ổn vì trước mặt tối đen. Sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet cho biết trước mặt nhà ga là khu chợ bazaar nơi có các nhà khách bình dân. Vậy là chúng tôi ra theo hướng sai, chắc là mặt sau ga. Đây cũng không phải là lần duy nhất chúng tôi lạc hướng ở Ấn Độ. Đi vào nhà ga trở lại, chúng tôi được nhân viên kêu lại đưa hành lý vào máy soi. Buồn cười thật. Chúng tôi leo lên một cầu vượt để băng qua nhà ga, thấy bên dưới cả tá đường sắt chạy song song.

Sau đó cũng ra được mặt trước. Nhưng khi kéo vali đi nó nghiêng bên này, ngã bên kia. Hóa ra đường nhựa nhưng không bằng phẳng, lồi lõm, rồi những vũng nước đọng, và rác, rác ở khắp nơi.  Khu chợ bazaar là một khu như phố cổ Hà Nội, vừa là nơi ở, vừa là nơi bán hàng. Đèn đường chỗ sáng chỗ tối, nhà cửa nhếch nhác, cổ lổ trông tệ hơn 36 phố phường nhiều.

Dù khuya rồi, đường vắng chúng tôi cũng loay hoay  tìm ra nhà khách nơi một anh bạn của Claude giới thiệu. Nó nằm trong một ngách rộng chưa tới 2m. Phòng tiếp tân rộng khoảng 3m x 4m, có 2 ghế salon rách bươm. Anh nhân viên receptionist ngoắc một nhân viên khác và trao hai tấm trải giường. Nhìn màu trắng ngả sang  xám thì tôi thấy lòng chùng xuống, nhưng tự nhắc mình bình tĩnh. Chúng tôi ì ạch leo lên cầu thang hẹp khoảng 1m  theo anh receptionist lên tầng 4, tầng cao nhất. Trong phòng có 2 giường, một quạt trần và một thùng to bằng một tivi 27 inch, nhưng không phải, đó là một cooler, máy quạt hơi nước. Anh chàng mở máy và tiếng máy nổ to gần bằng tiếng xe xích lô máy ở Sài Gòn. Khi vào phòng toilet tôi mới “hãi” vì cái “sự dơ bẩn” của nó. Nhưng mà thôi, thực tại mình không thay đổi được – chỉ thay đổi cái tâm của mình. Anh Claude chợt hỏi vì sao tôi muốn đi tới New Delhi. Tôi không nhớ đã nói gì với Claude. Nhưng nghĩ ngợi một lúc tôi trả lời muốn thấy thủ đô của Ấn Độ. Thôi  ngủ đi cái đã!

T.N.B

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here