Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Hành trình về đất Phật: Tây du ký sự kỳ 6, Khóa...

Hành trình về đất Phật: Tây du ký sự kỳ 6, Khóa thiền 10 ngày

123
0

Ngày 30-6 đến 10-7  

Thế là chúng tôi ngày ngày thức dậy vào lúc 4 :00 và bắt đầu thực tập từ 4 :30 đến 6 :30 những gì được hướng dẫn từ tối hôm trước. Sau khi nghỉ ăn sáng, tắm giặt đến 8 giờ lại quay lại thiền đường làm việc. 11 giờ nghỉ ăn trưa. Ai có thắc mắc thì 12 giờ có thể xin gặp thiền sư để hỏi.

Buổi chiều làm việc từ 1 giờ đến 5 giờ. Buổi tối làm việc từ 6 giờ đến 9 giờ. Trong khoảng thời gian này có một thời nghe giảng từ 7 :15 đến 8 :30. Nếu vẫn còn thắc mắc thì sau 9 :00 có thể gặp thiền sư để hỏi. Tóm lại là ngồi thiền hơn 10 tiếng đồng hồ và nghe giảng 1 giờ 30 phút.

Nếu ai cho rằng ngồi thiền là không làm việc  gì cả, là ngồi nghỉ ngơi cho khỏe, lại  được người khác  phục vụ ăn uống thiệt là sướng thì xin mời vào thử một ngày cho biết. Hồi thầy Goenka từ Miến Điện về Ấn Độ mở khóa thiền (1967) mà không thu tiền thì người ta nói với thầy là không được đâu, đây là xứ nghèo, thầy mà không lấy tiền thì người ta đến đông lắm, không ai nuôi cho nổi. Thầy cười và trả lời cứ để cho người ta tới. Quả thật, nếu vì được nuôi ăn mà tới ngồi thiền thì người ta sẽ thấy « nghề » này quá vất vả, trong thực tế nhiều người bỏ cuộc sau một ngày thử việc.

Có người cho rằng ngồi thiền là lãng phí công sức và có được gì đâu. Hồi sinh thời Đức Phật cũng có một ông nhà giàu, khi đang dẫn đầy tớ và trâu ra đồng làm việc thì thấy Đức Phật cùng các để tử đang đi khất thực. Ông này liền nói sao quí vị không chịu đi cày ruộng mà sống, lại đi khất thực ? Đức Phật nói chúng tôi cày ruộng tâm, dùng thiền định làm lưỡi cày, giáo pháp làm hạt giống, nỗ lực tu tập là lao động và quả thu được là trí tuệ, là niết bàn thanh tịnh (Kinh số 172, chương 1, Tương Ưng Bộ). Cuối cùng thì ông phú hộ này cũng hiểu.

Nhưng ngày nay cũng còn không ít người thắc mắc vì sao đi cày ruộng tâm mà không cày ngoài đồng hay đi làm việc cho các hãng xưởng giàu có cho sướng ? Vì cày ngoài đồng hay cày ngoài chợ, trong giao dịch thương mại hay văn phòng nhà nước thì ai cũng biết rồi : dù cho giàu có, tiện nghi bao nhiêu thì cũng vẫn gặp nhiều vấn đề rắc rối, chịu nhiều nỗi khổ từ thân bệnh cho đến tâm bệnh, mà thân bệnh thì tâm cũng bệnh theo và ngược lại, tâm bệnh thì thân cũng bệnh. Vây thì làm sao để tránh bệnh, tránh khổ ? Hãy thử cày ruộng tâm xem sao !

Vì sao ngồi 10 tiếng đồng hồ mà không ngồi 15 phút hay 1 giờ rồi đi dạo hay đi thiền hành cho đỡ tê chân ? Vì 15 phút hay 1 giờ chưa đủ để tâm trí lắng dịu. Khi tập trung tâm trí được rồi mà đứng dậy đi thì lập tức phân tâm. Các giác quan mắt, tai, mũi, v.v. sẽ tiếp xúc với các đối tượng khác với đề tài mình đang tập trung có thể sinh ra nhiều trạng thái tâm, nhiều phản ứng, mất sự nhất tâm. Sao không đứng mà thiền ? Vì đứng thì mau mỏi mệt. Sao không đi mà thiền ? Vì khó tập trung tâm trí. Sao không nằm mà thiền ? Vì nằm thì dễ buồn ngủ

 Vì sao không « đi đứng nằm ngồi đều là thiền » ? Muốn tỉnh thức thường trực như vậy thì phải bắt đầu tập bằng cách ngồi thiền vì đó là cách dễ nhất. Có người nói chỉ cần làm theo lời dạy của tổ Trúc Lâm « đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền. » Khi tiếp xúc với đối tượng của giác quan mà không sinh tâm ưa thích hay ghét bỏ thì không cần nói tới thiền nữa. Nhưng muốn không còn tâm ưa thích hay ghét bỏ thì cũng phải tập thiền chứ không phải nghe nói thế là lập tức được như thế.

 Vì sao ngồi tới 10 ngày ? 10 ngày cũng chỉ là để học và tập những điều căn bản. Tâm trí con người rất khó tập trung vì nó hay suy nghĩ miên man, nhảy từ chuyện này sang chuyện khác. Trạng thái tập trung gọi là định. Khi có định thì người ta quan sát một đối tượng mới sâu và nhờ quan sát sâu mới có hiểu biết mà kinh điển gọi là tuệ.

Vậy thì hãy làm nhà khoa học đi để có tuệ ? Không, nhà khoa học chỉ có kiến thức, không có tuệ. Đối tượng nghiên cứu vẫn nằm ngoài  thân và tâm của ông ta. Nhà khoa học hay học giả không biết cách để xử lý các vấn đề nảy sinh trong tâm cho nên vẫn khổ tâm như người không có kiến thức. Ông ta vẫn gặp những điều không ưa ý, những người không hợp ý, những điều bất hạnh, vẫn phải  lo lắng, buồn phiền, vẫn khổ.

 Vì sao Vipassana mà không tập các môn thiền khác ? Vì Vipassana giúp trông thấy thực tại khi nó đang diễn ra, không tưởng tượng, không suy đoán. Chẳng hạn khi tập thiền anapana là quan sát hơi thể để gíúp tập trung tâm trí thì có người khuyên nên đếm từ 1 tới 10. Đúng là đếm giúp tập trung nhưng đếm làm cho đối tượng quan sát trở thành số đếm, chứ không phải hơi thở. Như vậy là thay vì quan sát một thực tại thì lại theo dõi một điều hư ảo, không có thật, là con số. Có người khuyên hít vào niệm Phật, thở ra niệm Phật. Như vậy sẽ làm cho hơi thở buộc phải đi theo một nhịp cố định, mà điều này không phù hợp với hoạt động tự nhiên của cơ thể vì hơi thở có khi ngắn, có khi dài.

 Chúng tôi tập thiền anapana trong ba ngày rưỡi rồi chuyển sang thiền Vipassana là quan sát các cảm giác. Quan sát hơi thở thực chất cũng là quan sát cảm giác vì hơi thở không nhìn thấy được. Cũng như gió, người ta không thể thấy gió mà chỉ thấy cành lá rung động mà biết có gió. Ta cũng biết hơi thở do không khí khi đi vào mũi đụng chạm đâu đó ngoài cửa mũi hay trong ống mũi sinh ra cảm giác. Thông qua cảm giác ta hiểu được tính chất, cách vận hành của thân và tâm, hiểu được nguồn gốc của cảm giác sung sướng và khổ đau và hiểu được con đường thoát khổ. Cái hiểu này chính là tuệ.

Có cảm giác của thân và cảm giác của tâm. Khi tiếp xúc với môi trường xung quanh, trong ta luôn có cảm giác phát sinh. Chẳng hạn khi tiếp xúc với cái nóng, cái lạnh ta liền có cảm giác khó chịu hay dễ chịu trong thân, Khó chịu thì sinh ra bực bội, dễ chịu thì sinh ra ưa thích, mà kinh điển gọi là tâm sân và tâm ái. Nếu khó chịu thì ta tìm cách xua đuổi, dễ chịu thì tìm cách níu giữ. Và xua đuổi hay níu giữ bằng lời nói hay hành động (gọi là tạo nghiệp) thì ta cũng sẽ chịu hệ quả của nó, gọi là gieo nhân và nhận quả.

Khi tiếp xúc với ý của người khác, chẳng hạn là ý khen ngợi  hay chê bai thì trong tâm ta cũng sinh ra cảm giác dễ chịu hay khó chịu. Vì thế Đức Phật xếp tâm vào loại giác quan – khác với khoa học (cho rằng chỉ có 5 giác quan). Cảm giác của tâm kéo theo cảm giác dễ chịu hay khó chịu của thân. Cả hai đều gây ra sự mất cân bằng hay gây bệnh. Đông y cũng cho biết khi vui mừng quá cũng gây ra bệnh tim, giận quá sinh bệnh gan, lo quá sinh bệnh bao tử, buồn quá sinh bệnh ruột.

Trong cuộc sống người ta thường  thấy có người nghiện cà phê, có kẻ nghiện rượu bia, người mê bóng đá, kẻ mê gái, mê trai. Thật ra, là người ta ưa thích và bám víu cái cảm giác do cà phê, rượu, hay trai gái đem lại  mà thôi. Khi thiếu vắng đối tượng người ta có cảm giác trống vắng. Điều này thấy rõ trong các vụ án yêu đương. Khi thấy người yêu bỏ mình đi yêu người khác thì người yêu là kẻ thù, vì thật ra mình đâu có yêu người kia mà người kia chẳng qua là người cung cấp cái cảm giác dễ chịu ấy, bây giờ không chịu cung cấp nữa. Cho nên muốn không phải lệ thuộc cái đối tượng kia thì người ta phải «xử lý »  cái cảm giác của mình, phải đem cảm giác ra mà « kiểm điểm » !

Các nhà khoa học cũng nói rằng khi trai gái gần gũi, khi xem bóng đá, khi đánh bài đánh bạc  trong người đều phát sinh một loại hooc môn gọi là adrenalin. Chính chất hóa học này gây ra cảm giác lâng lâng thích thú và người ta nghiện cái chất ấy và người ta gọi nó là ma túy nội sinh. Vậy thì tứ đổ tường có cùng nguồn gốc là cái cảm giác trong cơ thể.

Vậy thì khi bám víu vào  một cảm giác dễ chịu sẽ làm ta lệ thuộc vào đối tượng của cảm giác và khi thiếu vắng đối tượng ấy ta sẽ cảm thấy trống vắng, đau khổ. Ngoài ra, khi cảm giác dễ chịu được lặp đi lặp lại cũng biến thành cảm giác khó chịu. Khi ăn một tô phở người ta có thể có cảm giác dễ chịu nhưng khi ăn hai hay ba tô người ta sẽ cảm thấy »khó chịu » ngay.  Cho nên mọi sự say đắm yêu đương, nghiện ngập cảm giác cuối cùng đều đem đến khổ đau.

Vậy thì con đường thoát khổ là làm cho mình trở nên nhạy cảm, nhận biết cảm giác ngay khi nó phát sinh, không để cảm giác dễ chịu, cảm giác dễ ưa, dễ mến hay  dễ ghét khống chế, điều khiển mình, làm cho mình tạo nghiệp. Tập thiền cũng là tập giữ tâm trí cân bằng mà kinh điển hay gọi là tâm xả. Vậy thì định cần phải được luyện tập,  tuệ phải qua rèn luyện và xả cũng qua rèn luyện mới có. Và rèn luyện thì vất vả, thế thôi.

 Mười ngày ở khóa tu là mười ngày làm việc vất vả, mười ngày nỗ lực, mười ngày quyết tâm, mười ngày thanh lọc tâm, tập làm chủ tâm. Trong văn học thiền người ta ví việc tập thiền như chăn trâu. Cái tâm mình nó ưa chạy rông và nó có sức mạnh ghê gớm, khó làm chủ được. Nhưng một khi điều khiển được nó thì trâu hay tâm làm được nhiều điều ích lợi.

Ngày thứ 10 chúng tôi học một thứ thiền khác gọi là metta bhavana hay thiền từ tâm, cũng gọi là từ bi quán, nghĩa là rải tâm từ ra khắp bốn phương. Suốt 10 ngày tâm hướng vào trong để quan sát và cảm nhận các cảm giác, các rung động, các luồng năng lượng di chuyển khắp cơ thể. Tâm và thân đều đạt được nhiều hiểu biết, được  tẩy trừ nhiều điều bất thiện, ô nhiễm. Hôm nay tâm hướng ra ngoài tri ân Đức Phật, tri ân các vị thầy đã trao truyền phương pháp tu tập, cám ơn những người đã tạo các phương tiện  cho mình thiền tập. Tâm mình cũng tràn đầy cảm thông, đầy tình thương với các loại chúng sinh do thiếu hiểu biết,  phải chịu đau khổ triền miên. Thiền sinh hướng tâm đến cha mẹ, người thân, bạn bè, và tất cả chúng sinh để chia sẻ công đức, trí tuệ, tình thương mà mình đạt được. Thiền sinh nhất tâm cầu nguyện cho chúng sinh được an vui, hạnh phúc, được giải thoát.

T.N.B

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here