Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Hành trình về đất Phật – Tây du ký sự kỳ 17:...

Hành trình về đất Phật – Tây du ký sự kỳ 17: Lumbini – Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ) – Kushinaga

139
0

Chúng tôi đi một vòng trong sân, quanh trụ đá vua Ashoka, và rồi ngồi xuống cạnh cây bồ đề, nhìn ra hồ nước. Xa xa, có một đoàn người Việt khoảng 5, 6 người đứng tụng kinh quanh trụ đá. Tôi chợt nghĩ chính những người tới đây, với niềm tin mạnh mẽ, đã tạo ra một bầu không khí, một trường sinh học đặc biệt nâng đỡ tinh thần cho chính họ. Từ niềm tin trong tâm bao nhiêu điều kỳ diệu đã xảy ra.

Rời vườn Lumbini, chúng tôi ghé qua mấy cửa hàng lưu niệm chọn mua vài mặt dây chuyền và tượng Phật bằng đá nhỏ. Nghe lời khuyên của Claude tôi hỏi xin biên lai vì có thể bị hỏi han lôi thôi khi đi qua hải quan sân bay, nhưng chủ cửa hàng nào cũng nói: No bill!

Claude quyết định thuê một chiếc xe auto nhỏ đi Tilaurakot, nơi có di tích thành cổ Kapilavastu (hay Kapilvastu, tiếng Pali gọi là Kapilavatthu), cách Lumbini khoảng 25km về hướng tây, mặc dầu chúng tôi khá phân vân vì trên bản đồ Ấn Độ và Nepal đều có ghi Kapilavastu. Vậy thành Ca Tỳ La Vệ ngày xưa của bộ tộc Thích Ca hiện nằm ở đâu?

Trong bang Uttar Pradesh của Ấn Độ có một địa điểm khảo cổ tên là Piprahwa, cách Gorakhpur 110km về phía bắc, cách biên giới với Nepal chừng 1, 5 km, cách vườn Lumbini khoảng 15km về hướng nam, hiện nay vẫn có tấm bảng đề Kapilavastu, nơi người ta tìm được bảo tháp có xá lợi Phật, nền và những bức tường gạch, giếng cổ có lẽ là tàn tích của một tu viện. Các học giả tin rằng xứ sở của bộ tộc Sakya bao gồm cả hai địa điểm ở Nepal lẫn Ấn Độ. Các nhà khảo cổ vẫn còn đang tiếp tục tìm kiếm di chỉ làm bằng chứng về hoàng cung của vua Sudhodana (Tịnh Phạn) nhưng đa số nghiêng về địa điểm hiện nay ở Tilaurakot, Nepal.

Biển báo nơi đây là di tích Kapilavastu ở Tilaurakot, Nepal

Ở Tilaurakot có di tích thành trì và hào sâu chứng tỏ xưa kia là một thành phố quan trọng. Trong thành có nhiều nền gạch lớn chứng tỏ có các lâu đài nguy nga. Nghiên cứu địa mạo người ta còn thấy dấu tích của những con đường khá rộng – hơn 7m. Năm 1967 tại Tilaurakot các nhà khảo cổ Nhật đã đào được hơn 3000 đồng tiền cổ, nhiều đồ trang sức, tác phẩm mỹ nghệ,  chứng tỏ đây là kho tàng của hoàng gia và các đồ dùng bằng đất nung màu xám có niên đại từ thế kỷ thứ VII TCN đến thứ IV. Các di chỉ này được trưng bày trong một nhà bảo tàng ở đây. Hơn nữa,Tilaurakot có một dòng sông tên là Banaganga mà kinh điển gọi là  Bhagirathi mà Piprahwa không có.

Khi xe ngừng lại, người lái xe và một thanh niên bản xứ chỉ cho chúng tôi thấy cửa khẩu biên giới hai nước Ấn độ và Nepal cách đó chỉ hơn 100m, nhưng không thấy có trạm kiểm soát. Nơi đây thuộc vùng Tilaurakot của Nepal. Họ chỉ cho chúng tôi đi vào cổng (phía Tây) một khu vườn có tường thành hình chữ nhật  bao bọc. Thành cổ này có chiều dài khoảng 500m và chiều rộng khoảng 300m, bề dày hơn 3m. Trong đó không phải là một khu vườn mà đúng hơn, là một khu rừng toàn cây cổ thụ, với những nền nhà bằng gạch lớn.

Một người bảo vệ dẫn đường cho chúng tôi đi xem nền gạch của một tòa nhà hai tầng , có bậc thang đi lên và một ít tường  gạch. Người ta cũng xây một câu thang bằng sắt bên trên để khách khỏi dẫm lên di tích.  Nhưng ngay dưới chân cầu thang, người Ấn giáo hay Hồi giáo đã đắp một tượng rắn hổ mang. Các nhà khảo cổ cho rằng đây là di tích tu viện Nigrodharama (bây giờ người ta gọi là Kudan) mà vua Sudhodana (Tịnh Phạn) đã xây cho Đức Phật khi ngài về thăm vua cha một năm sau khi ngài thành đạo.

 

Di tích của tu viện Nigrodharama

 

Cuối chân cầu thang dẫn lên di tích là tượng rắn hổ mang

Gần đó lại có một di tích khác bao gồm một khối đá cao mà người ta tin rằng đấy là một bảo tháp có tên là Kasaya (áo cà sa), kỷ niệm nơi vua Tịnh Phạn dâng y cho Đức Phật và dấu tích của nhà ở, có lẽ là tu viện.

Di tích bảo tháp và tăng xá của một tu viện

Gần đó có một hồ, bây giờ trồng sen, nhưng người ta phát hiện ra gạch đá dưới lòng hồ, có vẻ như vỡ ra từ bảo tháp và tăng xá.

Hồ sen ở gần di tích tu viện

Kapilavastu là nơi ni trưởng Mahapajati Gotami (Kiều Đàm Di) đã lập một tu viện và công nương Yasodhara (Da Du Đà La), công chúa Sundari Nanda (con vua Sudhodana và bà Gotami) đã tu học ở đây. Công nương Yasodhara đã tu tập rất tinh chuyên và trở thành một tỳ kheo ni xuất chúng.

Đức Phật cũng đã về đây vào mùa an cư thứ 15 sau ngày ngài thành đạo và giúp dẹp yên cuộc tranh chấp giữa hai xứ sở  Sakya và Koliya. Sakya là quê nội của ngài và Koliya là quê ngoại – quê của Hoàng Hậu Maya và cả công nương Yasodhara. Hai đội quân đã giàn trận hai bên bờ sông Rohini (phía đông vườn Lumbini). Đức Phật khuyên vua Mahanama gác bỏ những giận dữ sang một bên để tìm hiểu nguyên nhân.  Chẳng qua mùa hạ năm đó trời hạn hán mà nông dân cả hai bên đều cần nước tưới ruộng. Sự tranh giành, xô xát  giữa một số nông dân dần dần lan rộng, tạo ra một bầu không khí thù địch và dẫn tới cuộc động binh. Cuối cùng hai vua Mahanama và Suppabuddha đã ngồi lại thương lượng  về việc chia sẻ nước sông và hai nước tránh được việc binh đao.

Trong khuôn viên này cũng có một di tích giống như một ngôi đền rất nhỏ,nhưng bên trong người ta đã đặt một tượng  linga, tượng trưng cho thần Shiva. Một ngôi nhà khác còn trông rất điêu tàn cũng được đắp thêm tượng voi, giăng cờ để trở thành một đền thờ thần linh. Tình hình tương tự xảy ra ở nhiều nơi trên đất Ấn và Nepal – đó là người ta hoặc là đập phá các di tích hoặc biến di tích thành nơi thờ phụng thần thánh.

Ngôi nhà nhỏ trong khuôn viên thành cổ, trong đó người ta đặt một linga 

Một di tích bị biến thành đền thờ thần

 

Di tích bị đặt thêm tượng voi thành đền thờ

Ở trung tâm khu vườn này cũng có nền của vài tòa nhà được cho là cung điện của hoàng gia Sakya.

 

Các nền móng của những tòa lâu đài ở khu vực trung tâm

Người bảo vệ dẫn chúng tôi đến một di tích và chỉ đó là cổng thành phía Đông, nơi Thái Tử đi ra trên con đường đi tìm đạo. 

 

Cửa Đông – Thái Tử Siddhartha bỏ nhà đi tìm đạo qua cửa thành này

 

Bờ thành còn lại bên trái Cửa Đông

Người này còn dẫn chúng tôi đi ra khỏi thành khoảng  1km đến nền của hai ngôi bảo tháp nằm kề nhau, mà người ta cho là bảo tháp của vua Suddodhana và Hoàng Hậu Maya.

Nền của hai ngôi bảo tháp nằm kề nhau được cho là

tháp kỷ niệm vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Maya

Xe còn đưa chúng tôi đi thăm một nơi khác có trụ đá của vua Ashoka mà người ta cho rằng để kỷ niệm nơi sinh và nơi nhập diệt của hai vị Phật khác. Đó là làng Niglihawa, phía đông bắc của thị trấn Taulihawa,cách khoảng 7km, có một trụ đá của vua Ashoka, được nhà khảo cổ Fuhrer tìm ra năm 1895 mà người ta cho là để kỷ niệm một vi Phật quá khứ tên là Kanakmuni (Câu Na Hàm Mâu Ni). Trụ này bị gãy, một phần vùi đứng trong đất, một phần để nằm dài. Nhà vua cũng xây một stupa (bảo tháp) ở gần đó. Ký sự của ngài Pháp Hiển và Huyền Trang đều có ghi nhận các ngài đã viếng thăm nơi này.

Trụ đá Ashoka, kỷ niệm nơi đản sinh và nhập diệt của Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni,

một trong 7 vị Phật quá khứ

Ngoài ra, cách Taulihawa 3km về hướng tây nam, trong làng Gotihawa, có một trụ đá khác, kỷ niệm nơi Đức Phật quá khứ là Krakuchanda (Câu Lâu Tôn) đản sinh và nhập niết bàn. Trụ đá này bị gãy và mất phần đầu, chỉ còn phần gốc cao khoảng 3,5m.

Các em bé Nepal ở gần tháp đôi của vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Maya

Nhìn “nền cũ lâu đài bóng tịch dương” ở kinh thành Kapilavastu, chúng tôi không sinh lòng hoài niệm “cảnh ấy người đây luống đoạn trường” như Bà Huyện Thanh Quan vì Đức Phật luôn luôn dạy nhìn sâu vào bản chất của thực tại – các sự vật nếu do một số điều kiện kết hợp với nhau mà thành thì đều vô thường –  khi các điều kiện ấy thay đổi, biến mất thì sự vật cũng tan rã, hủy hoại.

Chúng tôi trở về Lumbini khoảng 11 giờ và lên đường trở lại Gorakhpur.Đến nơi lúc 3:30. Chúng tôi lại tìm xe đò đi tiếp đến Kushinaga, nơi Đức Phật nhập niết bàn.
 

Kushinaga

Khi đến ngôi làng nhỏ này lúc 7:30  thì trời đã tối. Chúng tôi gọi một chiếc xe lôi và hỏi có chùa Việt Nam hay không. Anh ta chở tới, nhưng thấy cổng đề chữ Hán cho nên cho rằng đó là một chùa Tàu chúng tôi không vào. Sáng hôm sau mới biết đó là chùa Linh Sơn do sư cô Trí Thuận lập ra, có sự cúng dường của Phật tử Đài Loan và có phòng cho khách lưu trú.

Chúng tôi đi bộ một quãng khoảng 100m nữa thì người ta cho biết không còn nhà cửa gì đâu. Chúng tôi đành quay lại và thấy một ngôi chùa Tây Tạng. Lại có duyên với Tây Tạng nữa rồi. Chúng tôi vào hỏi thì được nhận ngay một phòng. Và thế là sau một cuộc lữ khá dài và có duyên lành chúng tôi đã đến được thánh tích thứ tư trong “tứ động tâm.”

T.N.B

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here