Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Hành trình về đất Phật – Tây du ký sự kỳ 16:...

Hành trình về đất Phật – Tây du ký sự kỳ 16: Lumbini

145
0

Khi Claude trở về chúng tôi bàn nhau nên đi Lumbini ngay bây giờ. Chúng tôi trả phòng và ra bến xe buýt đi đến Sonauli, biên giới Ấn Độ- Nepal. Xe khởi hành lúc 10 giờ và khoảng gần 1 g thì đến nơi. Khi xe dừng, chúng tôi còn chưa biết cửa khẩu nằm ở đâu thì một anh xe lôi trờ tới hô to: Immigration Office. OK, vậy thì nhảy lên xe để khỏi mất công đi tìm. Hóa ra Trạm xuất nhập cảnh ở cách đó chưa đầy 100m.

Quan chức Ấn Độ có phong cách làm việc cũng lạ: họ không ngồi trong văn phòng có máy lạnh như quan An Nam hay quan Thái. Họ cũng không mặc đồng phục hay đeo lon lá gì cả. Họ mặc áo sơ mi bình thường và đặt bàn làm việc ngay ở mái hiên nhà, sát với đường đi đầy bụi bặm. Khi thấy mấy anh Tây ba lô đi ngang họ hô to Passport, come here! Khách chỉ việc bước hai ba bước là vào gặp bàn ngay làm việc. Họ phát cho khách mẫu đơn và ký, đóng dấu xuất cảnh vào hộ chiếu rẹt rẹt, rất nhanh, không cần mở máy vi tính (không có) hay hỏi han lôi thôi.

Sau đó khách bước thêm 20 bước là đi qua cửa khẩu. Hình như chỉ có một hay hai ông lính đứng gác ven đường. Nhưng người dân hai nước qua lại tấp nập, chẳng thấy trình giấy tờ gì cả. Cách cửa khẩu khoảng 10m là phòng xuất nhập cảnh phía Nepal. Họ có văn phòng, nhưng tác phong làm việc cũng rất nhanh nhẹn, không có máy móc gì ráo. Họ cho visa thời hạn 15 ngày, lệ phí 25 US$.

Bên cạnh đó còn có văn phòng hướng dẫn du lịch Tôi xin bản đố, họ cho một bản và còn chỉ ra kệ lấy miễn phí các brochure và tạp chí du lịch. Chúng tôi đáp xe jeep (xe quân đội từ thời thực dân) đi chừng 4km, sau đó đáp một chiếc xe đò đi Lumbini, cách đó khoảng 18km. Đến nơi lúc 3 giờ, chúng tôi tìm được nhà khách mang tên Maha Devi (Hoàng Hậu Maya). Ở đây có những hãng du lịch, nhà trọ lấy tên Siddhartha và Devi.

Nhà nghỉ ở đây khá sạch sẽ, cung cách phục vụ rất tốt, chuyên nghiệp hơn so với Ấn Độ. Anh chàng thanh niên tiếp tân có vẻ chịu khó chiều khách. Claude xem phòng rồi yêu cầu phòng nhỏ hơn (350R) (tiền Nepal giá trị thấp hơn tiền Ấn Độ – và họ chấp nhận trả tiền ăn ở bằng rupee Ấn) – 1 US$ = 93  rupee Nepal  = 44 rupee Ấn Độ.

Tắm rửa xong, chúng tôi đi ra ngoài và thấy có cửa hàng cho thuê xe đạp. Lúc ấy là 4:30 pm. Chúng tôi thuê xe và đạp đến vườn. Hóa ra vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni) rất gần – chỉ cách nhà trọ khoảng 100m. Chúng tôi đạp xe vào cổng, ngang qua các hàng quán bán đồ lưu niệm, nhưng khi mua vé vào cổng người ta cho biết chi được phép đạp xe đi thăm các chùa, phải để xe bên ngoài đền Maha Devi.

Maha Devi hay Maya Devi là đền thờ Hoàng Hậu Maya. Ai cũng biết sự tích đản sinh Thái Tử Siddhartha (Tất Đạt Đa). Lúc gần sinh nở. theo tục lệ, bà phải về nhà mẹ ở Devadaha, bây giờ cũng ở gần Huyện Nawalparasi của Nepal. Trên đường đi, bà ghé qua vườn Lâm Tỳ Ni (cách kinh thành chừng 28km)  để nghỉ ngơi. Khi đưa tay với một cành hoa thì bà sinh ra Thái Tử từ nách. Có lẽ đó là truyền thuyết làm cho mọi chuyện trở thành đẹp đẽ hoặc thiêng liêng.

Đền thờ Hoàng Hậu Maya

Khi đi đường, ngay cả bằng xe cộ hiện đại, chúng ta còn thấy mệt, huống gì thuở đó xe cộ hay đường sá đều thô sơ, mà trời thì nắng nóng – tháng Vesak là tháng nắng nóng trong mùa mưa – mưa nắng thất thường – chắc chắn Hoàng Hậu rất mệt. Theo nhà văn Hồ Anh Thái, thì người Ấn Độ có tục lệ  sản phụ đứng khi sinh con. Người mẹ  đứng, hai tay đưa lên đầu, nắm chặt một thanh ngang hay một cành cây. Bà mụ phải rất khéo léo và cẩn thận khi đỡ.

Cũng theo truyền thuyết thì vua Trời hay Đế Thích hiện xuống đỡ Thái Tử và các con rồng phun nước để tắm cho Thái Tử. Hiện nay trong đền thờ Maha Devi có một tấm phù điêu bằng sa thạch, khắc họa câu chuyện ấy, nhưng tấm phù điêu ấy cũng bị vạt mòn mất một nửa, rất khó nhận ra. Và bên ngoài đền có một hồ nước, mà truyền thuyết khác (trong ký sự của ngài Pháp Hiển, nhà chiêm bái Trung Hoa vào thế kỷ thứ IV) cho rằng chính Hoàng Hậu  Maha Devi đã tắm và sau đó mới sinh Thải Tử và Thái Tử được tắm trong hồ này sau khi sinh.

 

Sau đó Hoàng Hậu quay lại Kapilavastu. Có lẽ do đi đường mệt nhọc và tai biến sau khi sinh nên bà đã từ trần sau đó 7 ngày. Thái Tử Gotama từ khi  đã phải chịu một nỗi đau rất lớn là mất mẹ tuy rằng ngài cũng được bù trừ bằng tình thương của bà dì cũng là mẹ nuôi là Hoàng Hậu Gotami.

Vua Ashoka đã viếng thăm vườn Lumbini cùng với sư Upagupta, sư phụ của vua, vào năm 249 TCN và trồng một trụ đá, đồng thời ra chỉ dụ, khắc trên trụ này, giảm thuế cho dân làng Lubini, lúc ấy vẫn còn rất khá giả. Nhà chiêm bái Pháp Hiển (Fa Xian) cũng đã đến đây và ghi lại trong ký sự của mình.Nhà khảo cổ người Đức là Feuhrer và Thống Đốc của Palpa là Khadga Samsher, đã tìm ra trụ đá này vào năm 1895. Khai quật ở địa điểm này, Feuhrer cũng tìm ra ngôi đền làm bằng gạch với bức phù điêu bằng đá. Năm 1996 các nhà khảo cổ lại tìm được tảng đá, cũng do vua Ashoka cho đặt, đánh dấu chính xác nơi Thái Tử đặt chân chấm đất khi mới sinh. Ngày nay tảng đá ấy nằm bên trong đền, được lồng kính, cách trụ đá Ashoka ở bên ngoài đền khoảng 5 m.

Tảng đá đánh dấu nơi Thái Tử chào đời

 Chữ khắc trên trụ đá của vua Ashoka được dịch ra như sau:

“Hai mươi năm sau khi lên ngôi, Người được chư thiên quí mến, Quốc vương Piyadas, đã đến đây chiêm bái. Bởi vì chính nơi đây, Đức Phật – bậc Thánh giả của dòng họ Thích Ca – đã giáng trần. Quốc vương ban lệnh khắc một pho tượng bằng đá và dựng trụ đá này ghi dấu nơi Đức Phật đản sinh. Dân làng Lâm Tỳ Ni được miễn thuế và dân chúng trong vùng này chỉ đóng một phần tám lợi tức hoa màu”.

Trụ đá Ashoka kỷ niệm nơi Đức Phật đản sinh

Chính Đức Phật cũng đã viếng thăm khu vườn Lumbini và quê ngoại Devadaha. Khi ngài đến đấy ngài có giảng một bài kinh mang tựa đề Devadaha Sutta, được ghi lại trong Trung Bộ Kinh. Kinh kể chuyện ngài bác bỏ các luận thuyết của phải Nigantha (Ni Kiền Tử) như thế nào.

Do Phật giáo suy tàn trên đất Phật, vườn Lumbini cũng bị rơi vào quên lãng trong suốt gần hai thiên niên kỷ. Mãi cho đến năm 1967, vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc là ông U Thant, người Miến Điện, một Phật tử thuần thành, đến thăm viếng và kêu gọi tổ chức UNDP của Liên Hiệp Quốc và cộng đồng thế giới giúp phục hồi Lumbini. Từ đó mới có những dự án của Miến Điện, Nhật Bản, Nepal và các nước khác làm hồi sinh khu vườn thiêng này.

Kiến trúc sư danh tiếng của Nhật Bản là Kenzo Tange được mời lập một Đồ Án Tổng Thể  qui hoạch và xây dựng khu vườn Lumbini (1972-1978) và sau đó Lumbini đã được UNESCO xếp hạng Di Sản Thế Giới vào năm 1997. Hiện ở cổng đi vào vườn (chỗ văn phòng du lịch) có bia đá ghi công Kenzo Tange.

Theo đồ án này, vường Lumbini được qui hoạch thành một khoảnh vườn hình chữ nhật, chiều rộng 1 mile và chiều dài 3 miles. Một đầu của khu vườn là đền thờ Hoàng Hậu Maya, và đầu kia là Tháp Hòa Bình của Nhật. Phần giữa chia đôi theo chiều dài bằng một con kênh. Một đầu kênh đặt ngọn lửa vĩnh cửu rước từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York sang vào năm 1997. Nửa phía Đông là các tu viện theo hệ phái Theravada (Nguyên Thủy hay Nam Tông) và nửa phía Tây là các chùa theo hệ phái Mahayana (Đại Thừa hay Bắc Tông).

Sơ đồ qui hoạch tổng thể vườn Lâm Tỳ Ni do Kiến trúc sư  Kenzo Tange thiết kế

 

Ngọn lửa vĩnh cửu rước từ New York sang –

phía trước là con kênh chia vườn thành hai phần đông tây

Ngôi đền Maha Devi thật ra chỉ đơn giản là bốn bức tường để bảo vệ phần ngôi đền xưa bằng gạch hiện chỉ còn nền và đống gạch cũ. Trong đó phần quí nhất là phiến đá đánh dấu (marker stone) nơi sinh Thái Tử và phù điêu về cảnh đản sinh. Người ta đóng một hành lang bằng gỗ cao khoảng 1m, rộng khoảng 2m đi gần sát tường, và dẫn đến phiến đá để khách hành hương khỏi dẫm chân lên di tích. Khách cũng có thể ngồi thiền, tụng kinh trên hành lang đó, nhưng người ta cấm chụp ảnh ( Do đó ảnh bên trong đền là từ postcard và thư viện Internet).

Nền gạch đền thờ Maya Devi xưa nằm bên trong đền thờ mới

Ban Quản Lý Lumbini  muốn xây ở đây một ngôi đền hai tầng nhưng bị UNESCO bác bỏ (vì khi đã trở thành Di Sản Thế Giới thì phải tuân thủ các tiêu chuẩn trùng tu, tái thiết). Ở xứ Đại Việt, nhiều công trình xưa cũng bị phá dỡ để xây lại cho “hoành tráng” hơn, nhưng đánh mất giá trị lịch sử vốn có.

Sau khi thăm bên trong ngôi đền và thầm cám ơn Hoàng Hậu Mada, chúng tôi ra bên ngoài để thăm trụ đá của vua Ashoka, mà nhờ các hàng chữ khắc ghi trên đó, nhiều người, nhất là ở phương Tây, mới tin có một Đức Phật lịch sử. Còn người phương Đông thì dĩ nhiên là tin có Phật vì có Phật mới có pháp, là lời giáo huấn của Phật, mà pháp thì đã lưu truyền hàng ngàn năm nay rồi.

Chúng tôi cũng ra ngồi yên ở gốc cây bồ đề để cảm nhận dư chấn của cơn rung động của trái đất khi vị bồ tát ra đời.

Cây bồ đề bên hồ nước

 

Di tích các tu viện bên cạnh đền thờ

Sau đó chúng tôi đạp xe đi tìm Việt Nam Phật Quốc Tự của thầy Huyền Diệu mà chúng tôi vẫn ngưỡng mộ từ lúc đọc cuốn Khi Hồng Hạc Bay Về. Chùa cũng ở không xa ngôi đền. Khi vào cổng có một thanh niên mặc áo thun, quần tây ra tiếp. Tôi xin gặp thầy trụ trì thì nghe trả lời là thầy đi vắng. Tôi hỏi có thể ở trọ đây được không. Câu trả lời là không. Lý do cũng như ở Bồ Đề Đạo Tràng là chùa đang còn xây dựng. Chúng tôi nghe nói chùa khởi công  từ năm 1993. Chúng tôi không dám bước vào trong chính điện mà chỉ đứng ngoài nhìn ngọn giả sơn phủ tuyết trắng và thấy giống với chùa Kỳ Quang ở Gò Vấp, nơi chùa xây các ngọn núi giả và hang động cho trẻ em chơi.

 

Việt Nam Phật Quốc Tự

Chúng tôi hỏi thăm mấy con hồng hạc thì được anh thanh niên này chỉ ra vườn, có một khoảnh sân được rào lại và quả thật có 4 hay 5 con hạc đang dạo chơi. Sắp đến giờ cho ăn rồi (gần 6:00) các thầy khuấy bột mì, nhào nặn thành các cục bột nhỏ và đưa qua hàng rào, mấy con chim chạy đến mổ ăn. Có lẽ trong thiên nhiên không còn đủ thức ăn cho loài chim hiếm này hay chúng đã quên kỹ năng tìm thức ăn?

Chim hạc trong vườn chùa Việt Nam Phật Quốc

Ngoài chùa Việt Nam này ở đây còn có chùa Linh Sơn do thầy Trí Không, đệ tử của thầy Huyền Vi bên Pháp qua đây xây dựng. Trời bắt đầu tối. Chúng tôi thấy ngọn lửa vĩnh cửu và con đường dẫn đến chùa của nhiều nước, nào là Miến Điện, Nepal, Đại Hàn, Trung Quốc, v.v.

Chùa Linh Sơn

Bảo tháp Myanmar

 

Bảo tháp Nepal

 

Chùa Thái Lan

 

Chùa Trung Quốc

Chùa Geden, Áo

 

Tháp Hoa Sen, Đức

 

Chùa Đại Hàn

 

Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế Lumbini

Về guest house anh Claude có một gói mì nên tự làm lấy bữa ăn. Còn tôi lên quán ăn ở sân thượng gọi một tô mì ăn liền. Anh phục vụ nói nhà hàng không có nhưng có thể chạy đi mua. Tôi gọi thêm cà chua. Chỉ có một khách, cũng ngồi một mình ở một bàn ở đằng xa trên ban công. Chúng tôi cứ ngồi như thế nhìn trời đêm có lẽ suốt hai tiếng đồng hồ. Gió càng lúc càng mạnh hơn. Đến 10g khi tôi đi xuống phòng thì Claude đã ngủ.

T.N.B
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here