Trang chủ Phật giáo khắp nơi Hành trình về đất Phật – Tây du ký sự kỳ 15:...

Hành trình về đất Phật – Tây du ký sự kỳ 15: Gaya – Vaishali

128
0

Thấy một vị sư đang quét sân tôi chắp tay vái chào thì vị ấy đi đến một bàn thờ bên ngoài rào chắn cây bồ đề và rút ra ba lá rồi đi đến trao tận tay trong im lặng. Tôi cũng im lặng vái chào lần nữa.

Sau đó khoảng 15 phút, cửa chánh điện mở, chúng tôi vào ngồi thiền. Không khí rất mát mẻ. Đêm qua trời có mưa. Bầu không khí xung quanh rất trong lành và yên tĩnh. Mặt trời hé rạng, khách hành hương bắt đầu kéo vào cho nên chúng tôi đứng dậy nhường chỗ. Vị  lạt ma và nữ thí chủ Đài Loan cũng ở đây.

Chúng tôi cùng về chùa Viên Giác ăn sáng và chuẩn bị hành lý để chia tay nhau. Theo thầy Hạnh Tuệ, đệ tử của thầy Như Điển, cho biết, trung tâm này lập ra để hỗ trợ Phật tử đi hành hương đất Phật cho nên, ở và ăn cơm không phải trả tiền. Khách muốn cúng dường thì cứ bỏ vào thùng phước sương. Chúng tôi cũng không quên cúng dường vị lạt ma đã cho chúng tôi đi nhờ xe và trả tiền các khoản ăn uống cho mọi người.

Vị lạt ma cho biết sẽ đi về Delhi. Còn chúng tôi đi ra phòng du lịch để đáp xe buýt đi lên phía Bắc đến thành phố Patna, cách đây gần 100km. Xe khởi hành lúc 7 :15 và mãi đến gần 12 g trưa mới tới.

Đến bến xe Patna ( hồi xưa gọi là Paliputa, kinh đô nước Magadha thời vua Ajatavastru, nay là thủ phủ bang Bihar) chúng tôi đi vào phòng vé để hỏi xe đi Vaishali. Nhưng phòng vé không bán vé đi đến đấy. Họ nói cứ ra xe mà hỏi. Bến xe ở đây hàng trăm xe đậu ngổn ngang, chiếc ngược, chiếc xuôi, không có hàng lối gì cả. Bãi để xe thì đầy các vũng nước đen ngòm. Nhiều chỗ phải lội lõm bõm. Hỏi Vaishali, người ta lắc đầu không hiểu. Cuối cùng có một thanh niên chạy tới lắng nghe rồi vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi đi theo. Sau một hồi chỉ cho chúng tôi lên một chiếc xe đò cũ kỹ như bao chiếc khác ở đây. Chúng tôi nghe anh chàng phụ xe hô to Hazipur, Hazipur. Tôi nhắc lại chúng tôi đi Vaishali, anh chàng này khoác tay bảo chúng tôi cứ ngồi đó. Tôi hỏi Claude có nên ở lại, anh chàng lắc đầu nói « I don’t know. »

Trên đường đến Hazipur chúng tôi chạy trên cầu vượt qua sông Hằng và chứng kiến phong cảnh mênh mông, kỳ vĩ của dòng này. Con sông đổ từ sườn núi phía tây của dãy núi Himalaya, chảy xuống phía nam rồi băng ngang qua tiểu lục địa đi về hướng đông, rồi lại chảy về phương Nam để đổ nước ra vịnh Bengal. Con sông trải dài  2.525km, tạo nên một vùng châu thổ có tới 400 triệu người sinh sống. Vì tục lệ thiêu xác bên dòng sông và bỏ tro xuống nước, người ta đã làm ô nhiễm con sông rất nhiều. Nhưng từ trên cầu nhìn xuống dòng sông chỉ thấy dòng nước chảy cuồn cuộn, không thấy vật gì khác. Có lẽ vì vậy người dân không tin là dòng sông có thể nhiễm ô và họ cứ tiếp tục những nghi lễ tắm rửa buổi sáng ở những bến nước , gọi là ghat, bên cạnh các giàn thiêu xác. Mặc dầu chính phủ đã xây dựng nhiều lò thiêu, đốt bằng điện, nhưng dân chúng vẫn còn giữ tục lệ này.

Sông Hằng – gần Patna

Cây cầu băng qua sông Hằng ở đây, mang tên Mahatma Gandhi, là một trong những cây cầu dài nhất thế giới – dài hơn 5,5km. Ngay bên dưới có một cồn nổi, không thấy nhà ở mà thấy chuối mọc thành rừng, có lẽ rộng bằng vài chục cồn Hến ở Huế.

 

Đến 2 giờ thì xe dừng lại ở một bến xe cũng lớn. Chúng tôi cố tìm c

Cầu Mahatma Gandhi

ái gì đó để ăn. May sao kiếm được một gói bánh mì để làm sandwich, và một nải chuối cau – chuối rất rẻ, chỉ 10 rupee, tức là chưa tới 5.000 đ.

Chúng tôi lại hỏi đường. Vừa nghe chúng tôi nói Vaishali thì một phụ lái liền xách hành lý của chúng tôi chạy ra sau vứt lên thùng xe và lấy dây cột cánh cửa lại. Chúng tôi cũng hoang mang không biết xe có đi Vaishali không. Đến một trạm xe khác nhỏ hơn,  họ mời hành khách xuống hết. Chúng tôi trông thấy một tượng Phật ở ngã tư đường liền nghĩ chắc Vaishali là đây.

 Chúng tôi vừa đi vừa hỏi nhưng không ai hiểu. Một anh chàng đạp xe lôi rà đến, lại nhanh nhẹn chộp lấy hành lý bỏ lên xe. Chúng tôi buộc phải lên ngồi. May sao chúng tôi có hỏi thầy Hạnh Tuệ số điện thoại của chùa Kiều Đàm Di. Chúng tôi ngồi trên xe gọi, có người trả lời nhưng do xung quanh đường sá ồn ào chúng tôi nghe không rõ. Chúng tôi nhìn quanh và mô tảcảnh vật cho người bên kia nghe thì anh chàng kia cho biết còn hơn 10km nữa. Chúng tôi đưa điện thoại cho anh xe lôi nhờ anh ta hỏi lại. Chỉ nói vài tiếng rồi anh ta trao trả điện thoại, cắm cổ đạp. Đi qua vài đường phố chật hẹp, anh chàng lại bảo chúng tôi xuống xe và chỉ cho mấy chiếc xe đò loại nhỏ.

Lại lên xe – chuyến xe đò thứ ba trong ngày – chạy nữa. Rồi giữa chừng người ta bảo xuống xe đi. Chúng tôi thấy một cổng chào và một bản đồ lớn. Thì ra đây mới là Vaishali, một ngôi làng nhỏ. Lúc ấy là  4 :30 pm. Đi bộ một đoạn chúng tôi thấy xa xa là mái chùa kiểu Việt Nam và cảm thấy ấm lòng khi nghĩ chắc đây là chùa Kiều Đàm Di rồi.

Mô hình chùa Kiều Đàm Di – còn đang thi công

 

Chánh điện chùa Kiều Đàm Di

Thuở xưa,  Vaishali (kinh sách thường viết là Vesali, hay Tỳ Xá Ly) là kinh thành rất giàu có của nước cọng hòa đầu tiên trên thế giới (trước cả Hy Lạp) của người Licchavi. Một năm nọ xảy ra hạn hán, đói kém, người chết như rạ, bầu không khí chết chóc, đau buồn rất nặng nề. Vị quốc trưởng triệu tập nghị viện họp bàn cách giải quyết. Có người đề nghị mời đức Phật, lúc ấy đang thuyết pháp bên nước Magadha, sang để giải tỏa tinh thần cho người dân, giúp họ trở lại cuộc sống bình thường. Vị quốc trưởng cử một sứ giả sang. Họ gặp vua Bimbisara, trình bày câu chuyện. Nhà vua đưa họ đi gặp Đức Phật và Đức Phật nhận lời mời.

Vua Bimbisara cho trang trí đèn hoa trên con đường từ Rajgir (lúc đó gọi là Rājagṛha – Vương Xá) dẫn ra sông Hằng, còn người dân bên xứ Licchavi thì trang hoàng con đường bên phía họ. Hình như Đức Phật và các đệ tử phải đi mất 5 ngày mới tới bờ sông. Vua Bimbisara cho chuẩn bị sẵn thuyền bè và bước xuống sông tiễn Đức Phật mà chuyện xưa kể rằng vua bước xuống và lội cho tới khi nước lên tận cổ mới chịu quay lại.

Khi  Đức Phật vừa sang tới bờ bên kia thì sấm nổ vang trời và mưa như trút. Sau một chốc, trời quang mây tạnh. Đức Phật được người Licchavi tiếp đón trọng thể. Đức Phật giảng cho họ nghe kinh Ratana (kinh Châu Báu ) sau này được đưa vào Tiểu Bộ Kinh (Khuddhaka Nikāya). trong suốt bảy ngày liền, và lưu lại khoảng sáu tháng. Dân chúng ở đây khoảng 84.000 người đều qui ý Tam Bảo.

Lúc ấy là năm thứ năm sau ngày Phật thành đạo.Trên bước đường hoằng hóa, sau này, Đức Phật còn ghé lại Vaishali nhiều lần. Người Licchavi cũng dâng cúng cho ngài một khoảnh đất, trước kia gọi là Mahavana (Đại Lâm), với rất nhiều cây sala để lập tu viện Kutagarasala (Trùng Các). Ở đây có một giảng đường hai tầng, có nóc nhọn.

Trước đó, một năm sau ngày thành đạo, ngài đã trở về Kapilavasthu để giảng pháp cho vua cha nghe và dẫn con là Rahula (lúc ấy mới lên bảy tuổi) và Nanda, em trai ngài, đi xuất gia. Khi ở tại Rừng Lớn khoảng sáu tháng ngài được tin vua cha bệnh nặng, ngài đã về Kapilavasthu nói pháp giúp vua qua đời một cách nhẹ nhàng. Sau đó, ngài  làm lễ trà tỳ (hỏa táng) cho cha và đưa hoàng thúc Mahanama lên ngôi. Bà dì Gotami (Kiều Đàm Di), mẹ nuôi Thái Tử Siddhartha, lúc ấy ngỏ ý xin xuất gia, nhưng ngài từ chối, nói rằng chưa phải lúc.

Nhưng cũng tại tu viện Trùng Các này một hôm bà dì Gotami xuất hiện, đầu cạo tóc, đi chân đất, cùng với một đoàn khoảng 50 (có tài liệu ghi là 500) người nữ từ hoàng cung Kapilavasthu cũng chân trần, sưng vù và rướm máu. Bà khẩn khoản xin Đức Phật cho xuất gia. A Nan cũng góp lời thỉnh cầu.  Cuối cùng Đức Phật đã nhận lời sau khi đưa ra điều kiện gọi là Bát Kỉnh Pháp (là sáu điều cung kính), là người nữ trong giáo đoàn phải tôn trọng người nam, chẳng hạn phải vái chào trước, phải lập tu viện gần một tu viện nam để được bảo vệ, phải thỉnh các vị sư đến dạy dỗ hoặc truyền giới, phải làm lễ bố tát (sám hối) trước tăng chúng vừa có nam vừa có nữ, v.v. có lẽ để cho hoàng hậu và các cung  phi tập thái độ khiêm cung khi sinh hoạt trong giáo đoàn. Sáu tháng sau, công chúa Yasodhara (Da- du- đà -la) (vợ Thái Tử Siddhartha) và em gái của Ngài là Sundari Nanda cũng xuất gia.

Trong số các sư cô hồi ấy có những vị đã trở thành các giảng sư danh tiếng mà Đức Phật khen ngợi như chính ni trưởng Mahapajapati (Gotami), Khema, Bhadda Kundalakesa, Kisagotami, Patacara, v.v.  Về sau khi ni trưởng Mahapajapati hơn trăm tuổi cũng đã nhập diệt tại Vaishali.

Vì đây là nơi thành lập ni bộ cho nên ni sư Khiết Minh, ở chùa Kim Liên, Quận 4, Sài Gòn mới sang đây lập tu viện, cũng như tăng xá để tiếp đón các tăng ni và khách hành hương từ Việt Nam sang.

Cũng tại Vaishali Đức Phật tuyên bố sẽ nhập diệt trong ba tháng nữa. Ngài bảo Anan triệu tập các vị tỳ kheo đang cư trú quanh thành Vaishali để dặn dò :

«Bất cứ sự thật nào mà Như Lai đã truyền dạy các con  phải khéo học hỏi, thực hành, trau dồi, phát triển đầy đủ,  . . ., vì tình thương chúng sinh, vì sự tốt đẹp và hạnh phúc của nhiều người, vì sự tốt đẹp và hạnh phúc của chư thiên và loài người.

Những sự thật ấy là gì ?

Là Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Thần Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần và Bát Chánh Đạo. »

Các tỳ kheo nghe Đức Phật sắp nhập niết bàn đều đến thăm và đảnh lễ ngài, duy có một vị ở gần nhưng không đến. Mọi người đều thắc mắc. Ngài cho mời vị ấy lại. Vị tỳ kheo giải thích:

“Bạch Đức Thế Tôn, con biết ngài sẽ nhập diệt trong ba tháng nữa và con nghĩ rằng hình thức đảnh lễ ngài tốt đẹp nhất là đắc quả A-la-hán trước ngày ấy.”

Đức Phật khen ngợi vị tỳ kheo và nói:

“Lành thay!Lành thay! Ai thương Như Lai hãy cố gắng noi gương vị tỳ kheo này. Người tôn kính Như Lai nhất là người thực hành những lời giáo huấn mà Như Lai đã dạy.”

Từ giã Vaishali ngài lên đường đi về hướng Kushinaga. Những người Licchavi đi theo tiễn ngài không chịu đi về. Vì thế khi đến Kessarya (hồi đó là Deora) ngài đã trao tặng cho họ bình bát của ngài và sau này vua Ashoka đã dựng một bảo tháp ở đây.

Vaishali cũng là nơi diễn ra Hội Nghị Kết Tập Kinh Điển lần thứ hai, một trăm năm sau khi Đức Phật nhập Niết bàn. Dấu tích còn lại chỉ là một cây cổ thụ.

Chúng tôi khi đến chùa Kiều Đàm được một sư cô tên là Quảng đón tiếp. Sư cô nói hiện nay chỉ có hai  sư cô thường trú. Người trả lời điện thoại là một anh đốc công có tên Việt Nam là Giang, coi việc xây dựng chùa. Anh này là người Ấn có ông ngoại là người Việt – cho nên có thể nói tiếng Ấn, tiếng Anh và tiếng Việt. Chùa còn đang xây dựng (từ năm 2004), nhưng vì đang là mùa mưa nên tạm ngừng thi công. Sư cô làm cho chúng tôi hai tô mì gói. Sau đó chúng tôi đi rảo bộ quanh Vaishali.

Chúng tôi đi ngang một hồ nước , gọi là Abhishek Pushkarini,  mà sau này mới biết đó là nơi mà các thành viên nghị viện của đất nước khi mới được bầu lên tới đây rảy nước thánh làm lễ nhận chức.

Hồ Abhishek Pushkarini

Chúng tôi đi thăm Vishwa Shanti Stupa ( Bảo Tháp Hòa Bình) do tông phái Nichren (Nhật  Liên Tông – chuyên tụng kinh Pháp Hoa) Nhật Bản xây dựng năm 1996. Trong bảo tháp này có xá lợi của  Đức Phật ở phần nền và ở trên đỉnh tháp. Trên đỉnh cũng có tượng Phật bằng thủy tinh và vàng.  Cho tới năm 2000, hệ phái này đã xây dựng 80 ngôi tháp Hòa Bình trên khắp thế giới.

Tháp Hòa Bình do Nhật Liên Tông, Nhật Bản, xây dựng

Trời đã tối mà ở đây lại là một vùng quê rất vắng vẻ cho nên chúng tôi phải quay về lại chùa Kiều Đàm Di.

 

Ngày 21-7-2011: Vaishali

Chúng tôi thức dậy sớm và đi thăm bảo tháp Kolhua Stupa và trụ đá Ashoka kỷ niệm nơi Đức Phật giảng bài pháp cuối cùng, tức là kinh Di Giáo.

Đây là trụ đá duy nhất mà đầu tượng còn nguyên vẹn. Trụ cao 18,3m, nhưng chỉ có một con sư tử (thay vì bốn), hướng mắt về phía Bắc, nhìn về phía Kushinaga, nơi Đức Phật sắp nhập niết bàn – ngài sắp lên đường một mình đi vào cõi mà chỉ ngài mới biết. Chính nhờ những dòng chữ khắc trên trụ mà nhà khảo cổ Cunningham xác định được đây là di tích đánh dấu nơi Đức Phật giảng bài kinh cuối cùng.

Bảo tháp Kolhua và trụ đá vua Ashoka

 

Trụ đá vua Ashoka với đầu tượng sư tử nhìn về hướng bắc

Phía trước trụ đá là một nền gạch có chu vi khoảng 15 m vuông, cao khoảng 3m. Đây  là ngôi tháp do vua Ashoka xây dựng để thờ xá lợi ngài A Nan, thị giả của Đức Phật,  người có góp phần thỉnh cầu cho nữ giới tham gia giáo đoàn và chính ngài cũng nhập diệt ở Vaishali.

Vào năm 1976, các nhà khảo cổ đã khai quật và tìm thấy một hộp bằng đá đựng xá lợi, vài lá vàng ròng và những viên đá quý rất nhỏ. Xung quanh ngôi tháp này cũng có nhiều bờ tường cũ mục, cũng có thể là di tích của những tu viện cũ hay những ngôi tháp nhỏ được xây dựng xung quanh đại tháp này

Trong khuôn viên khu Kolhua này còn có nền tịnh xá  và giảng đường, tăng xá và hồ nước  được gọi là Ramakunda (Hồ Khỉ). Theo truyền thuyết hồ này là do một đàn khỉ đào cho Đức Phật và con khỉ chúa thường đến dâng trái cây và mật ong cho ngài.

Hồ Ramakunda sau lưng bảo tháp và trụ đá

Các nền nhà, nền tháp trong khuôn viên vườn Kolhua

Chúng tôi cũng đi tới bảo tháp nơi mà người Lichchavis khi nhận xá lợi của  Đức Phật đã đem về tôn trí ở đây.Lúc đầu bảo tháp này xây bằng đất, sau này xây thêm đá và gạch. Nhưng bây giờ chỉ thấy vài tảng đá to, bên trên người ta lợp một tấm nhựa tổng hợp. Theo sử sách thì vua Ashoka đã khai quật xá lợi ở bảo tháp này và đem đi tôn trí trong hàng ngàn ngôi bảo tháp khác.

Nền bảo tháp xưa kia tôn trí xá lợi Phật của bộ tộc Lichchavi

 

Bảo tháp xá lợi Phật

Ra khỏi Kolhua, chúng tôi đi ngang qua ngôi làng quê Basrah, nơi hồi xưa là một nơi mà trong nhiều tác phẩm văn học được ca tụng là rất đẹp, có nhiều công viên giải trí, nay chỉ thấy nhà tranh vách đất, nông dân, trâu cày và những thửa ruộng xanh.

Nhà tranh vách đất ở làng Vaishali

 

Kho chứa nông sản

 

Nông dân đang cày ruộng ở Vaishali

Chúng tôi quyết định về sớm để đi Hajipur nên bỏ qua không đi thăm được nhà bảo tàng Vaishali, nền nhà của nàng kỹ nữ Ambapali, người đã dâng cúng khu Vườn Xoài cho Đức Phật để làm tu viện. Nàng Ambapali đẹp đến nỗi vua Bimbisala cũng phải say mê và có con với nàng nhưng không được hoàng gia công nhận. Người con trai này về sau cũng xuất gia, tên vị này là Vimalakondanna (nhưng theo cuốn Đường Xưa Mây Trắng của  thầy Nhất Hạnh, vị này chính là y sĩ Jivaka). Chính nàng kỹ nữ này cũng xuất gia và tu tập trở thành một vị A- la-hán. Những lời thuyết giảng của vị này được ghi trong cuốn Therīgāthā (Trưởng Lão Ni Kệ). 

Chúng tôi cũng không đến được nhà của ông trưởng giả Duy Ma Cật, vị Bồ Tát tại gia được đề cập đến trong kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết. Bây giờ ngôi nhà nhỏ đó cũng rất điêu tàn.

Chúng tôi về chùa ăn sáng. Sau đó từ biệt các sư cô chúng tôi đi sang chùa Sri Lanka, phía đối diện để hỏi đường đi Kushinaga.

Chúng tôi theo đường cũ về lại Hajipur, đáp xe lửa đi Gorackhpur , cách đó 320 km về hướng đông. Do không mua được vé toa có máy lạnh, mà đi toa phổ thông, không có ghế ngồi, phải ngồi ké ghế có người ngồi cho nên đây là một chuyến tàu “nghẹt thở” nhất trong chuyến hành trình (từ 3:30 đến 8:30).

Chúng tôi tìm được nhà khách Sunrise và ăn uống xong thì đã 11 giờ đêm.

T.N.B

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here