Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo thế giới Hành trình đến Tây Tạng

Hành trình đến Tây Tạng

126
0
Tôi được biết đến đạo Phật lần đầu qua cuộc nói chuyện với một thầy giáo Bách khoa. Cuộc nói chuyện tuy ngắn, nhưng đã để lại ấn tượng mạnh mẽ. Những điều nghe được là một triết lý sống sâu sắc và tôi dự định sẽ phải tìm hiểu. Về sau, được nghe giảng bởi những vị thầy tài ba uyên bác, được đọc những câu của Albert Einstein viết về Đạo phật, tôi càng muốn đi đến Tây tạng quê hương của đạo Phật.

Đầu tiên là cuộc hành trình đến Tây Tạng. Trưởng nhóm chúng tôi là một phụ nữ trí thức, bỏ dở nghiên cứu trên đại học ở Mỹ để đi tu học đạo.

Bay đến Thành đô, thành phố mười hai triệu dân lớn thứ tư Trung quốc, chúng tôi nghỉ lại để thuê xe đi Tây tạng. Thành đô cũng có nhiều cây như những thành phố khác của Trung quốc, có những con đường trồng đến năm hàng cây ngăn giữa các làn đường trông thật đẹp. Loáng thoáng xe máy xe đạp; ôtô nườm nượp nhưng hiếm nghe tiếng còi; phố xá ngay ngắn với nhiều cửa hiệu sang trọng; trang phục của các cư dân cùng phong cách đi lại của họ và xe cộ…Tất cả đều toát lên dáng vẻ một thành phố văn minh.

Tôi chạnh lòng nghĩ: Tại sao chí ít ta không trồng được những hàng cây trên đường đẹp như hay hơn Bắc kinh, Thượng Hải? Nhiều lúc đi phố, thấy dòng chữ "Hà nội xanh, sạch, đẹp" tôi cảm thấy xấu hổ, vì so với chỉ tiêu cây xanh trên đầu người, ta quá thấp trên thế giới và sạch đẹp thì hiện nay dân tình xôn xao là còn thua cả Lào.

Từ Thành đô đến Pêma Tung (một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất Tây tạng) nằm trong thung lũng Dzogchen phải mất hơn hai ngày ôtô (đi từ lúc chưa có ánh mặt trời đến tận hoàng hôn). Qua khỏi ranh giới Trung quốc, ngay từ Kanding, thành phố nổi tiếng đầu tiên trên đất Tây tạng, sự khác biệt của Tây tạng đã hiện lộ. Những câu kinh phật khắc to trên núi cùng với rất nhiều kiểu cờ ngũ sắc và các giải băng in kinh phật được cắm và giăng thành từng mảng lớn trên các sườn núi.

Pêma Tung là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất Tây tạng nằm trong thung lũng Dzogchen.

Thành phố nằm giữa núi này khá đẹp và luôn rì rào tiếng nước từ các sông suối chảy ngay cạnh nhà, xuyên qua thành phố. Có lẽ cảnh đẹp đã tạo không khí cởi mở hưng phấn hơn, nên một bạn Việt nam cất tiếng hỏi: "Về lịch sử, hình như Tây tạng đã từng độc lập?". Một người bạn Trung quốc cùng đi nói: "Đúng, Tây tạng đã từng độc lập trong lịch sử. Mà đến đây, tôi thấy văn hóa đúng là khác biệt". Bạn người Việt lại hỏi vui: "Thế trước đây học sử, bạn có bao giờ thấy dạy Việt Nam là một nước của Trung Quốc không?". Bạn Trung Quốc cười to trả lời: "Ồ không! Chỉ là Trung quốc người quá đông mà tài nguyên thì thiếu, nên thỉnh thoảng nói nơi này nơi kia là của mình". Tất cả cùng cười và chúng tôi cảm thấy quý mến anh bạn trẻ đang đại diện cho dân tộc mình lúc này và hiểu hơn về nhân dân Trung quốc.

Chúng tôi đi giữa núi non bao bọc, khe suối sông ngòi chẩy triền miên lúc thì róc rách, lúc lại ào ào dưới chân núi và hai bên đường đi. Suốt gần ngàn cây số núi non trùng điệp ấy, luôn thấy các đội làm đường Trung Quốc với các phương tiện hiện đại. Vừa đại tu, vừa làm mới, nhiều đoạn còn trồng cỏ hai bên sườn và có lan can bảo vệ khá đẹp. Chúng tôi cũng đã đi qua đường hầm xuyên núi trên 4km, dài nhất châu Á. Khi chưa có đường hầm này, xe cộ qua đây thường bị tai nạn. Các cơ quan hành chính, cảnh sát, quân đội, trường học cùng những khu dân cư mới đã và đang được xây dựng thêm. Có những ngôi làng mới khá đẹp, nghe kể chính phủ trang bị đủ tivi máy giặt…, nhưng người Tây tạng không đến ở. Họ quen sống trong những cái lều di động theo các đàn gia súc.

Tuy nhiên, người Tây tạng cũng đang xây cho mình những ngôi nhà cải biên: thân nhà kiểu Tây tạng, mái kiểu Trung hoa. Họ cũng đã dùng nhiều xe máy phân khối lớn để chở người và hàng hóa. Trên đường đi, chúng tôi cũng thường gặp những đàn cừu, hươu, nai và đặc biệt là những đàn bò "iac" với những cái đuôi có lông rậm, dài khá đẹp, loài bò đặc sản của Tây tạng, giá đắt hơn bò thường, thịt ngon và mềm.

Khi gần tới nơi, tại trạm xăng cửa ngõ, tôi thấy các sư aó nâu, áo vàng lái ô tô  từ thung lũng đi ra, còn những người tây Âu thì từ ngoài đi vào. Hình ảnh đó làm nảy ra trong tôi ý nghĩ: các thế hệ chút chit của Phật đang xâm nhập cuộc sống hiện đại, còn những con người của xã hội văn minh hiện đại thì đang đi tìm những tinh túy, nguyên nhân của sức mạnh vĩ đại của Phật.

Sự khác biệt của Tây tạng tăng dần theo rừng cờ và giải băng kinh Phật cho đến khi gần như phủ dầy trên các dãy núi, thì đó cũng là lúc chúng tôi đến Pêma Tung – bừng sáng và uy nghi. Đây là một thung lũng có thế núi tuyệt đẹp. Ở giữa là ngọn núi băng. Dưới chân núi băng là ngôi chùa dát vàng rực rỡ. Đi giữa sương mù và mây ở độ cao 4500m2 trong không khí loãng luôn cho tôi cảm giác nửa thật nửa hư, vừa huyền bí nhưng lại vẫn sáng tỏ. Cảm giác đó hiện rõ mỗi khi tôi ngửa đầu nhìn lên con sông băng uốn lượn vắt ngang triền đỉnh núi. Tiếp sau núi băng là những cái hồ trên đỉnh rất thiêng và đẹp, nhưng tôi sẽ không đủ thời gian để leo lên.

Vừa xuống xe, chúng tôi gặp ngay một vị Lama (một danh hiệu đáng kính trong đạo Phật Tây tạng). Các bạn đã từng đến đây năm ngoái xin hẹn gặp. Vậy là chúng tôi cất dọn hành lý rồi leo núi ngay để đến "cốc" của Lama. Đó là một hốc núi nhỏ chừng 2m vuông. Ngoài đôi ba vật cũ bẩn không biết để làm gì, một lớp mỏng nhìn không rõ là rơm rạ hay bông bết dính lót trực tiếp trên nền đất đá để nằm cũng rất bẩn, "cốc" không hề có chăn hay một mảnh vải.

Trả lời chúng tôi, Lama nói dù băng tuyết phủ ngoài về mùa đông, bên trong "cốc" vẫn ấm. Các bạn hài lòng khi được vị Lama giải đáp cho nhiều điều. Tôi hỏi người bạn Việt đi tu là có thể sống trong "cốc" như thế này không,  thì bạn  lắc đầu. Mọi người cùng đùa vui xem ai có thể ở được trong "cốc" và trong bao lâu. Đây là một hình thức tu nguyên thủy còn giữ ở Tây tạng. Không chỉ các sư thầy, mà có cả các sư cô cũng tu trong các "cốc". Lama cho biết là số "cốc" như thế này đã giảm rất nhiều so với trước kia. Lama đã sống mấy năm trong "cốc" nhưng rất khỏe mạnh. Tổ tiên lai với người Mông cổ, nên Lama cao lớn và rất đẹp. Tôi nói vui: đúng là một tác phẩm hoàn hảo của tạo hóa, đất trời.

Ngày hôm sau, chúng tôi lại được nói chuyện với một vị Lama người Mỹ – Úc đi tu từ tuổi "teen". Về sau, chúng tôi được biết là ông có tên trong nhóm dịch giả nổi tiếng và là tác giả một cuốn từ điển Tạng – Anh. Ông sống nhiều ở Nepal, Tây tạng và thỉnh thoảng đi giảng đạo ở các nước. Tôi cảm thấy ông như một cuốn từ điển về đạo Phật.

Những ngôi nhà ở của người dân ở Tây Tạng. Ảnh: skydoor.net

Tiếp đến, chúng tôi lại gặp được một vị Lama người Tây tạng chỉ dưới ba mươi, nhìn thông minh hiền hậu, khá ít nói có lẽ vì khó khăn ngôn ngữ. Vị đã hỏi về mục đích sống của người hiện đại. Trước ngày về, chúng tôi cũng đã được gặp các nhà lãnh đạo cao nhất và vị sáng lập ra Pêma Tung. Có thể vì ngôn ngữ hạn chế, các cuộc gặp thiếu thoải mái, cởi mở và cũng không giúp tôi hiểu biết thêm được là bao về đạo Phật hay Tây tạng. Đời sống của các tu sỹ nói riêng và của thung lũng nói chung còn khá cách biệt nhìn từ hình thức đến nội dung. Nhưng thế giới bên ngoài vẫn ùa vào đây từ mọi ngả, liên tục với những hàng quán và cửa hiệu mới xuất hiện cùng các hình thức khác.

Vào các ngày lễ, dân cư toàn vùng tụ tập tại chùa dường như không để lại một ai trong nhà: từ trẻ sơ sinh cho đến những cụ già còng lưng chống gậy, với những trang phục nghiêm chỉnh và có lẽ là đẹp nhất của họ. Đời sống tâm linh là sự sống còn của người Tây tạng. Tôi được chứng kiến những nghi lễ hành đạo rất khác lạ cùng những đạo cụ, nhạc cụ rất đặc biệt. Giờ nghỉ trưa, mọi người nằm trực tiếp trên những bãi đất đá lơ thơ cỏ dại. họ sống hòa quyện với thiên nhiên. Nơi đây có cả trường đại học phật giáo nổi tiếng từ xa xưa và một tu viện.

Tôi đã đến thăm tu viện Dzogchen, một trong sáu tu viện lớn của giáo phái phật giáo ra đời đầu tiên ở Tây tạng và có ba trăm tu viện chi nhánh. Tuy đã xây lại năm 2003, nhưng bên ngoài trông rất cũ kỹ, bên trong chỉ lơ thơ đôi ba chiếc bàn ghế bẩn thỉu trông thật xác xơ. Song có lẽ đây là dấu hiệu của đổi thay, vì tôi thấy hàng ngày các xe tải liên tục chở đến cát sỏi, vật liệu xây dựng cùng với những công trình mới đang dần xuất hiện, mang dáng dấp hiện đại hơn. Các bạn đã đến đây năm trước cũng kể rằng, năm nay điều kiện sống đã khá hơn vì có thêm nhà khách và có nhà vệ sinh (tuy khá bẩn). Nhưng vẫn chưa có nhà tắm và nước nóng, tuy thời tiết lúc này đang như mùa đông ở Hà nội. Đương nhiên, chúng tôi đã xác định là quên đi vấn đề tắm gội trong thời gian ở Tây tạng. Đã có những anh chị suốt đợt đi trước cả tháng không tắm. Nhưng thật kỳ diệu, tôi hầu như không thấy ngứa ngáy vì không khí ở đây thật là tinh thiết.

Một lần quỳ ngắm kỹ bức tượng phật trong ngôi chùa chính nhân lúc vắng, tôi giật mình vì vẻ đẹp và linh hồn toát ra từ bức tượng. Tôi cảm giác như chưa được thấy ở đâu một tượng Phật đẹp như thế. Không gian đó quyện vào những giai điệu cùng lời ca Tây tạng đã đem đến một cảm giác yên bình trong sâu thẳm, để rồi cho ta cái nhìn rõ hơn về những gì thấp hèn vô nghĩa và tiếp thêm sức mạnh. Lúc đứng dậy, tôi thấy hai phụ nữ Mỹ (tôi gặp buổi sáng) đang quỳ cạnh, với nét mặt và ánh mắt đầy niềm tin kính. Người bạn Mỹ nói rằng cùng với vài người khác, họ có một hành trình giống năm ngoái và chỉ ở lại mỗi chùa một đêm. Có thể vì điều kiện sống quá khổ? Nhưng tôi nghĩ ngôn ngữ là một cản trở lớn.

Việc giảng đạo chủ yếu bằng tiếng Tạng và không có máy dịch nên bản thân tôi rất tiếc là không hiểu được; nhiều điều nghi vấn không được giải đáp chưa kể đến những bí ẩn đã được đọc trong sách của các nhà thám hiểm Tây tạng trước đây, cũng không có ai để trò chuyện. Dù sao, như mọi người nói, thì đặt chân được đến miền đất thiêng Pêma Tung, Dzongchen này là đã phúc đức lắm rồi.

Hàng ngày vẫn có các nhóm người đến từ nhiều nước. Người Trung quốc, Hồng Kông và Đài Loan đến khá đông và thường ở lại lâu. Mọi người ở đây đối xử với nhau rất thiện hữu. Trước ngày về, tôi vô tình phát hiện ra một khu lều trại của người nước ngoài. Đó là một bãi đất rộng, có hàng chục cái lều đã và đang được dựng lên của những người đến từ các nước đa phần là tây Âu: Anh, Pháp, Thụy điển, Đan mạch, Thụy sỹ…Tôi ngạc nhiên thấy có nhiều thanh niên Nga, họ đến từ Petecbua và Macscova.

Tôi tiếc là không có thời gian để có thể nói chuyện lâu. Có không ít người đã sống ở đây cả tháng, tuy dưới lưng họ là đất đá lổn nhổn, không nhà vệ sinh và không mọi điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Cạnh khu lều của họ là ngôi chùa mới xây xong do người nước ngoài tài trợ. Tôi gặp họ đúng trước ngày khai trương ngôi chùa nên được chứng kiến cảnh lao động hăng hái của đội quân quốc tế cho ngôi chùa Phật. Tôi cũng gặp một người Anh đã sống và làm việc nhiều năm ở Trung quốc. Anh đã thường xuyên dành các mùa hè đến làm việc ở Pêma Tung, đã đưa mẹ cùng người thân đến đây. Anh nói thạo cả hai thứ tiếng: Trung quốc và Tây tạng.

Tại thị trấn nhỏ gần Pêma Tung, tôi thấy có nhiều người mặc áo tu đi xin tiền giống ở Việt Nam. Tôi đoán họ mặc giả sư. Nhưng một lần khi đang nói chuyện với một người Mỹ biết tiếng Tạng ở Pêma Tung, đã có một vị sư trẻ đến nhờ người Mỹ dịch hộ để xin tôi tiền. Tôi cũng nhìn thấy các sư đã dùng tiền được phát trong các buổi lễ để mua ngay những cốc mỳ ăn liền tại cửa hàng nhỏ mới mở và ăn rất ngon lành. Đời sống các sư cũng như mức sống của người Tây tạng còn rất khổ. Và lẽ tự nhiên, các tu sỹ đang đi vào cuộc sống hiện đại một cách tỉnh táo chủ động hay bị động vô ý thức. Cảm giác rằng đạo Phật đang đứng trước những thách thức rất lớn để bảo tồn và phát triển cứ tăng lên trong tôi.

Những gì nhìn thấy hàng ngày vẫn đưa tôi trở lại với ý nghĩ lúc ở trạm xăng. Tôi hình dung như đang có hai dòng suối chảy ngược chiều: một dòng của những người vì đời sống tâm linh, họ tìm đến đạo phật; giòng kia là của các tu sỹ Phật giáo thâm nhập vào đời thường. Lúc gặp nhau, hai dòng sẽ có thể quyện lại thành một dòng thác, cuốn đi mọi rác rưởi và bệnh hoạn, làm con người có đủ sức mạnh đương đầu với những thách thức cấp bách của thời đại đang tăng lên từng ngày. Nhưng đây là điều vô cùng khó, đòi hỏi phẩm hạnh tài năng của những nhà truyền giáo và đời sống tâm linh của những vị cầm đầu các quốc gia.

Đây cũng là suy nghĩ lúc tôi chia tay với thung lũng Dzogchen. Đường về đã mất ít thời gian hơn vì tốc độ làm đường thật là nhanh. Điều này chứng tỏ chính phủ Trung quốc cũng đang tích cực xây dựng và phát triển Tây tạng.

Việt Nam là nước có đạo phật từ lâu đời và hiện đang phát triển. Nếu chúng ta có một xã hội đầy tình yêu thương vị tha, dân trí cao, biết sống hiến dâng, chắc chắn đất nước ta sẽ phát triển bền vững, dân tộc ta sẽ có thể tiếp tục tự hào trong hòa bình xây dựng. Việt Nam sẽ là điểm đến của bạn bè năm châu bốn biển. Đó cũng là đóng góp của chúng ta cho sự phát triển của nhân loại.

 (Theo Tuần Việt Nam)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here