Chúng tôi khởi hành khá muộn sau khi thu xếp được 2 bạn porter cho chuyến đi. Ban đầu tôi cứ nghĩ đi theo mình sẽ là bò yak, nhưng bò chỉ được dùng cho những chuyến đi đông và nhiều hành lý. Hai bạn porter người Sherpa, một già, một trẻ, mỗi người khuân trên vai chừng 30kg hành lý của 3 người chúng tôi. Sau này trong suốt hành trình, bắt gặp những khối lượng hàng hoá kinh khủng trên lưng những người porter khác, tôi chỉ có thể nói rằng, đó thật sự mới là những đứa con của núi rừng, là những anh hùng thật sự của vùng đất hiểm trở này.
Con đường dẫn từ sân bay vào trung tâm Lukla được xây bằng đá, giờ đây nhộn nhịp dân trek
Con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn từ sân bay vào trung tâm Lukla được xây bằng đá, giờ đây nhộn nhịp dân trek, porter, bò yak đi lại như trảy hội. Đây thật đúng là mùa “lễ hội” của nhứng tín đồ trek và leo núi. Nắng chan hoà trên không trung, vương trên những khuôn mặt bừng sáng của du khách khắp bốn phương tụ về đây để cảm nhận vẻ đẹp của Himalaya hùng vĩ. Những câu chào thân ái “Namaste”, những nụ cười dành cho nhau không ngớt trên khắp hành trình, đủ để trái tim cảm thấy ấm áp, đủ để cảm thấy được chia sẻ cùng với những tâm hồn đồng điệu.
Porters với những giỏ đồ cao hơn người
Trước kia Lukla không sầm uất và đông đúc như thế này. Sự phát triển của du lịch đã kéo theo sự thay đổi và đi lên của bộ mặt nơi đây. Đi sâu vào thị trấn, con đường dần được mở to hơn, hai bên dựng san sát những ngôi nhà bằng đá. Tiệm internet, tiệm bán đồ trek, tiệm café tràn ngập, có cảm tưởng như đang dạo trên đường phố khu Thamel ngày nào. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng tất cả những thứ đang bày ra trước mặt mình không dễ dàng mà có. Hãy nhìn những bờ rào được len chặt chẽ bằng những khối đá vuông vức, hãy nhìn những khối đá xây nên con đường và bậc thang chúng tôi qua được chăm chút viền tỉa cẩn thận. Không biết bao nhiêu sức người đã bỏ ra đẽo gọt nên cái gọi là đường đi này. Sau này khi đã trek sâu hơn, tôi càng thấm thía và cảm phục những con người cần mẫn nơi đây, đã biến những vùng hoang vu sinh sôi sự sống dưới bàn tay lao động cần cù của mình.
Những bờ rào được len chặt chẽ bằng những khối đá vuông vức
Nama nói hôm nay chúng tôi sẽ chỉ trek nhẹ nhàng làm quen. Quãng đường từ Lukla đến thị trấn nhỏ Phakding chỉ tốn 3-4 tiếng trek đối với người thể lực trung bình như tôi. Con đường trek đi qua những vạt đồi bậc thang xanh mướt, qua 1 vài khu làng, chạy men theo triền núi rồi đi dọc sông Dudh Kosi trước khi đến Phakding. Trời mùa thu trong xanh, rọi những tia nắng ấm áp trên những khóm hoa cúc, hoa bướm, thược dược mơn man bên bờ rào đá. Thi thoảng tôi lại khiến những người bạn đồng hành phải chờ đợi vì mải mê nhìn ngắm và chụp chẹp những khung cảnh rất đỗi thơ mộng ấy.
Trời mùa thu trong xanh, rọi những tia nắng ấm áp trên những khóm hoa mọc len bờ rào đá
Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp những phiến đá lớn, trên đó khắc kín dòng chữ cầu nguyện của Phật giáo (Sanskrit symbols): “Om mani padme hum”. Đây là câu mantra (thần chú) đại diện cho 6 giới: OM (giới Phật), MA (thánh thần), NI (con người), PE (loài vật), ME (ma quỷ), HUM (địa ngục). Người ta thường đi vòng quanh những phiến đá này theo chiều kim đồng hồ rất nhiều lần để cầu nguyện. Đối với dân trek, nếu ko đi vòng quanh thì chúng tôi sẽ đi qua ở phía bên trái và đi về ở phía bên phải.
Những phiến đá khắc kín dòng chữ cầu nguyện của Phật giáo
Nói chuyện với bạn guide, tôi được biết những phiến đá khắc câu thần chú này được các vị già làng trưởng bản tỉ mỉ đục đẽo từng chút một. Những dấu ấn của Phật giáo được in đậm tại mỗi ngôi nhà, phiến đá, dọc theo những cây cầu treo kín cờ phướn. Đôi khi chúng tôi bắt gặp những ngôi miếu cầu tự nhỏ, bên trong là những chuyển luân kinh to lớn. Dân trek đi qua thường quay chuyển luân kinh theo chiều kim đồng hồ để cầu mong may mắn cho chuyến đi.
Cuộc sống bình dị diễn ra sau những ô cửa gỗ hay những bờ rào đá. Đa số người dân nơi đây kiếm sống bằng các dịch vụ cho du khách, nhưng vẫn còn khá nhiều người quyết tâm “cải tạo thiên nhiên”, biến những triền núi gồ ghề thành những thửa ruộng bậc thang màu mỡ. Sắp vào mùa đông, tôi có thể thấy những khu vườn xanh um cải bắp, cải xanh hay súp lơ. Địa hình khu vực này cũng không thực sự thích hợp cho việc chăn nuôi. Bò Yak chỉ được nuôi để vận chuyển hàng hoá. Gà chỉ được nuôi để lấy trứng.
Dân trek với những phiến đá phật giáo
Thi thoảng, chúng tôi bắt gặp những toán trẻ con má rám nắng mỉm cười bẽn lẽn khi khách đi qua, rồi chạy vèo biến mất sau lưng mẹ khi máy ảnh giơ lên, chỉ còn lại đôi mắt đen lay láy ngấp nghé ngó nhìn. Lúc nghỉ trưa ở một ngôi nhà xinh đẹp xung quanh trồng đầy hoa, tôi cứ tưởng tượng ra mỗi buổi chiều tà khi sự nhộn nhịp và những tiếng lao xao của khách du lịch biến mất, khi chỉ còn lại sự yên ả và bình lặng của núi rừng, cả gia đình sẽ quây quần tại phòng khách, nơi sực lên mùi mỡ và cái mùi đặc trưng của phân bò khô cháy, nhâm nhi những cái ly bốc khói.
Đôi lúc tôi cũng ước gì cuộc sống của mình chỉ đơn giản vậy.
Đúng như lời Nama nói, quãng đường trek hôm nay khá nhẹ nhàng với khá nhiều đoạn đi xuống. Rời Lukla từ hơn 11h sáng, kể cả thời gian nghỉ ăn trưa, chúng tôi đến ngôi làng Phakding vào khoảng 3h chiều. Porters của chúng tôi đã đến trước đây từ lâu, đồ đạc đã được đưa cả vào phòng. Ba đứa được cho vào 1 căn phòng nhỏ, chỉ có mỗi 3 cái giường đơn và một ngọn đèn leo lét sáng. Thấm mệt, mỗi đứa chui ngay vào cứ địa của mình và cuộn tròn trong những chiếc chăn lạnh cóng, nằm chờ đến bữa tối.
Nama gõ cửa phòng chúng tôi vào lúc 6h tối, lùa cả bọn ra phòng khách. Bước vào trong đã thấy râm ran tiếng trò chuyện của rất đông khách du lịch, cả một Liên hợp quốc các ngôn ngữ và lứa tuổi. Ở giữa phòng là một chiếc lò sưởi với ống khói chọc lên khỏi mái nhà. Xung quanh phòng kê những chiếc bàn dài chạy dọc theo tường. Nama đã giữ sẵn cho chúng tôi một chiếc bàn trống. Tôi chỉ nhớ bàn tay mình đã ấm lên như thế nào khi áp vào cốc trà gừng và bát súp nóng hổi, để rồi khi quay về phòng lại run lên khi sờ vào cái chăn lạnh cóng. Từ ngày hôm ấy, chúng tôi đều lên giường đi ngủ vào lúc 8h tối để giữ sức cho những ngày sau.
Kì 4: Đường trek đến Namche Bazaar
Rosy (Theo PL&XH)