Trang chủ Phật giáo khắp nơi Hành trình chinh phục Himalaya của một người Việt trẻ: Kì 1:...

Hành trình chinh phục Himalaya của một người Việt trẻ: Kì 1: Giấc mơ và sự ám ảnh

112
0

Một giấc mơ đẹp…

 

Những ngày cuối tháng 3, nằm trên giường bệnh và nhìn về phía ô cửa sổ, nơi những mầm xanh khẽ đu đưa trong gió, tôi gặp lại chính mình trong những ngày dài rong ruổi trên vùng thánh địa của núi non – nóc nhà của thế giới. Cũng là tôi một ngày xưa cũ, trên một chiếc giường đơn độc nơi căn phòng tối, nhìn xa xăm về những dãy núi phủ trắng tuyết và ứa nước mắt vì cơ thể yếu đuối trì trệ khiến cho giấc mơ không thành hiện thực.

 

Himalaya – cái tên đã trở thành tượng đài với những kẻ ưa trek, leo trèo và phiêu lưu mạo hiểm. Đối với tôi, ấy là giấc mơ lớn trong đời. Từ lâu tôi đã mơ được đặt chân lên vùng đất bất tử của những ngọn núi cao nhất thế giới, cảm nhận dư vị của biết bao huyền thoại đã đến và đi, và được trải lòng mình với tất cả sự khoáng đạt bao la của núi non đất trời.

 

Để tôi cảm thấy là chính tôi nhất, tự do nhất, đối lập nhất, điên rồ nhất và cũng yếu mềm nhất.

 



Trên đường trek đến Chukkung

 

Có vô số cung đường trekking, hiking hay expedition cho dân tình lựa chọn, từ vài ngày cho đến vài tháng, từ dạo chơi tản bộ cho đến mức độ vô cùng nguy hiểm. Dài nhất phải kể đến The Great Himalayas Trail kéo dài qua Tibet, Nepal, Ấn Độ và Pakistan, đi là cà mất cả năm chưa hết. Khó khăn và nguy hiểm nhất là leo các đỉnh cao trên 8000m, trong đó nổi tiếng nhất là Everest và K2. Những chuyến expedition này thường kéo dài trong vòng 2 tháng với mức độ gian nan, khối lượng đồ đạc và lượng tiền bỏ ra khổng lồ.

 



Tác giả trước một ngôi nhà bằng đá

 



Lá cờ Việt Nam tác giả gặp nhiều lần trong hành trình

 

Tôi thì chẳng dám mơ đến những cái to tát cao siêu đó. Mất cả tuần ngẫm nghĩ tham khảo, tôi chọn đi 1 cung tương đối nhẹ nhàng: trek từ Lukla đến Everest base camp và trên đường có ghé qua Island Peak. Đây là cung đường phổ biến nhất và cũng phù hợp nhất với thời gian và thể lực của mọi người. Đây cũng chính là đoạn đường bất cứ ai leo Everest từ phía Nepal phải trải qua trước khi bắt đầu thực sự đặt chân lên Everest.

 



Sơ đồ đường đi dự kiến

 

Mặc dù sau đó quãng đường chúng tôi đi có thay đổi và cuối cùng không thể đi hết lịch trình, nhưng những gì đã trải qua là những ký ức tôi không thể nào quên. Đó không phải là giấc mơ trọn vẹn, nhưng chắc chắn là 1 giấc mơ đẹp.

 

… và sự ám ảnh với những nấm mồ bằng đá

 

Xin thứ lỗi vì vừa mở đầu hành trình bằng 1 niềm tự hào, giờ lại đến 1 nỗi ám ảnh mang màu u buồn thế này. Nhưng đó là thứ đã để lại cho tôi ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc nhất – những nấm mộ bằng đá.

 



Nghĩa địa trên Himalaya

 

Tôi đã mơ thấy mình đứng trước những nấm mộ bằng đá trên Himalayas từ trước khi bắt đầu hành trình. Và một ngày, tôi bắt gặp mình lặng lẽ nhặt những hòn đá nhỏ để lên những nấm mộ đó với tất cả sự tiếc thương và cảm phục. Ngày hôm đó trời chuyển gió, báo hiệu tuyết sắp rơi. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh những dải cờ phiến đủ màu sắc bay phần phật trên đỉnh núi, đem những lời cầu siêu cho linh hồn người đã khuất bay lên với trời. Những linh hồn ấy, sẽ mãi nằm lại nơi này với những ước mơ còn dang dở của họ, sẽ thỏa sức vẫy vùng trên những khoảng không bao la, trên những đỉnh núi dựng đứng xa xôi nhất. Sẽ chẳng còn giới hạn nào ngăn cản được họ.

 

Những nấm mồ bằng đá đó hoàn toàn không có linh cữu người quá cố bên trong. Mỗi kẻ leo núi khi quyết định đặt chân lên những nơi nguy hiểm, là đã chấp nhận rủi ro, chấp nhận để lại thân xác trên những vùng băng hà vĩnh cửu.

 



Mỗi kẻ leo núi khi quyết định đặt chân lên những nơi nguy hiểm, là đã chấp nhận rủi ro

 

“Đôi khi người ta rơi mất xác, đôi khi lở tuyết chôn vùi, đôi khi thấy thây người nằm đó nhưng chẳng ai có thể làm gì. Ở trên đó thằng nào lo cho thân thằng ấy thôi, làm gì có sức kéo xác ai xuống. Trực thăng cũng không bay cao được. Mà tao nghĩ người ta cũng thích được ở lại nơi đó hơn” – bạn guide của tôi đã nói như vậy khi tôi hỏi về chuyện cứu nạn và vận chuyển linh cữu người quá cố ở những nơi hiểm trở.

 

Thế nên, những nấm mồ bằng đá ấy chỉ mang tính chất tưởng niệm. Chúng có thể được xây đắp và khắc chữ cầu kỳ, nhưng cũng có thể chỉ là vài ba viên đá xếp chèn lên 1 bức ảnh in vội vã. Chúng được đặt gần nơi người đoản mệnh đã bỏ mạng, hoặc đặt trên những đỉnh cao lộng gió để linh hồn sớm siêu thoát về với trời.

 

 

Những nấm mồ đá

 

Tôi đã đứng lặng đi rất lâu trước bức ảnh một cô gái trẻ. Bạn ấy cùng năm sinh với tôi và vừa mất cách đó chưa đầy 1 tháng. Tôi nhặt 1 hòn đá bé xíu và lặng lẽ đặt lên mộ bạn ấy. Giây phút đó có điều gì day dứt, buồn thảm đến tận cùng cứ siết chặt lấy tôi. Môi tôi run run và cổ họng như bị ai bóp nghẹt. Thế nhưng khi tạm biệt bạn ấy và quay đi, trong lòng tôi lại là 1 sự nhẹ bẫng. Có lẽ bạn ấy đã có những ngày tháng tươi đẹp của cuộc đời mình. Có lẽ bạn ấy đã, đang và sẽ luôn tiếp tục những hành trình mới. Chỉ là ở một nơi không giống như của tôi bây giờ.

 



Tôi đã đứng lặng đi rất lâu trước bức ảnh một cô gái trẻ

 

Đối diện với những điều này không dễ dàng với tôi. Tôi bị ám ảnh. Nó gợi lên trong tôi sự giằng xé, mâu thuẫn; giữa một bên là những khát vọng, ước mơ, là sự can đảm và nghị lực của con người, với một bên là sự thật trần trụi và lạnh lẽo, là những nỗi đau ở lại.

 

Rốt cuộc tôi cũng chẳng làm được gì, chẳng thay đổi được gì và chẳng sống khác đi với chính mình được. Mỗi người có một cuộc đời và những lựa chọn, phải không? Hay rồi cuối cùng cũng bị chi phối bởi khái niệm mang tên “số phận”?

 



Tôi bị ám ảnh với những nấm mồ bằng đá trên dãy Himalaya

 

Ngay trước chuyến trek bên Nepal, tôi đã có hơn 2 tuần lang thang bên Tây Tạng. Cũng đến Everest Base Camp ở phía Tibet (ở độ cao chừng 5300m) và ở lại đó qua đêm. EBC phía Tibet có thể đi xe đến sát được, song EBC ở phía Nepal thì bắt buộc phải trek từ 3-7 ngày tùy thể lực. Đường South Col bên Nepal cũng là đường leo phổ biến nhất và ít nguy hiểm nhất cho các chuyến thám hiểm lên Everest, hơn nữa quãng đường trek với độ cao thay đổi từ từ cũng là 1 cách tốt để dần thích nghi độ cao. Do đó, tuyến trek từ Lukla đến EBC bên Nepal thu hút được rất nhiều người tham gia.

 

 

Ngoài các nhà thám hiểm, leo núi, quãng đường trek từ Lukla đến EBC còn được dân trekkers khắp mọi nơi ưa thích bởi vẻ đẹp hùng vĩ, những nét văn hóa độc đáo của người Sherpa, và cũng bởi nó không quá khó với người có thể lực trung bình. Cùng với Annapurna Circut, đây luôn được Lonely Planet và các site đánh giá du lịch bầu chọn là 1 trong 10 cung đường trek đẹp nhất thế giới.

 

Theo Rosy (PL&XH)

Kỳ II: Trên bầu trời Himalaya

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here