Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Hành trình "ăn Tết ở nhà". Kỳ III: Ăn Tết

Hành trình "ăn Tết ở nhà". Kỳ III: Ăn Tết

107
0

Nghe như Ôn cũng đang vui với con cháu. Gặp Tăng xong thì đến người tục. Một trong những “người hiền” tôi gọi để chúc Tết là anh Lợi nguyên giáo sư trường Bồ Ðề, năm nay đã hơn 70 mà Phật sự không bao giờ dừng.

Giọng anh lúc mô cũng thiệt như đếm, không rườm rà bánh mứt ba ngày Tết:

“Nì, có muốn vô coai (coi) cây mai nhà tôi nở đúng ngày mồng một Tết không thì vô!”

“Ô, ô, thiệt không anh Lợi? Chi chơ coai mai thì xin vô liền, anh Lợi nợ.” Tôi ứng khẩu láu táu.

“Cả năm chỉ một lần mai nở. Không đến thăm, bơ nợ suốt đời!”

Nhà anh Lợi ở phía sau hồ Tịnh Tâm, từ cửa Thượng Tứ vào cũng tiện đường cho tôi định sửa soạn lên Linh Mụ cúng nhà thờ và đi thăm mộ. Lạnh thế này mà mai nhà anh nở được, thì chắc anh có phép thần, phải vào xem ngay. Vườn nhà anh chỉ trồng mai, anh nổi tiếng chơi mai, nhưng không cầu kỳ như mấy ông quan cách và những nhà kinh doanh mới giàu sụ. Nghe nói các ông chơi mai “tàn bạo”, có nghĩa là mắc tiền, giá cả sôi nổi như đánh phé tháu cáy, có gốc mai lên đến hơn trăm triệu đồng, phỗng tay trên cả những tay chơi Hà Thành. Nhưng năm nay trời quá lạnh, mai tịt ngòi, chẳng chịu nở. Vậy mà kẻ chơi mai lãng tử lại được MAI KHAI ngày mồng một, thế có phải là “ngũ hường đoạt tam khôi” [1] không chứ?

Trời xuống mưa phùn như không bao giờ sai hẹn đầu năm. Mưa mang hơi xuân về đuổi bớt cái lạnh nhức xương của Huế, nhưng trời chưa ấm hẳn. Như một mệ đời xưa, tôi mặc hai cái áo dài mà người Huế gọi là áo cặp, trong là bốn lớp áo cụt lụa để chống cái lạnh thấu xương, choàng thêm cái khăn, tôi lên xe đạp qua dốc cầu Gia Hội, chạy qua đường Trần Hưng Ðạo, quá cầu Trường Tiền, rồi thay vì đạp thẳng lên hướng Kim Long, tôi rẽ vào cửa Thượng Tứ, háo hức đi xem mai khai nguyên đán, bất kể thiên hạ quay nhìn vì cái mốt năm mới kỳ lạ của tôi, áo dài xưa ngồi trên xe mà đạp bon bon…

Ðến nơi, anh chị Lợi đón ở cổng, chưa kịp chào chúc tết, anh Lợi nói liền: “Lên gác xem mai!”.

Sàn gác lót bằng gỗ nhãn ửng hồng ấm cả chân, cửa bàng khoa (cửa xếp) gỗ mun đen mở ra khung trời bãng lãng màu nhũ bạc, làm phông cho cành lá xanh non phơi phới, từ đó xuất hiện những đóa mai vàng còn ngỡ ngàng ý xuân, như chưa muốn nhận là diễm tuyệt, vì đang là diễm ảo, đang là vàng mơ, đang là mai… khôi…

Ngắm hoa mai trong buổi sớm mùa xuân mới biết được mối hận Ðường thi dài vô tận của Lâm Bô là dường nào:

Ngâm hoài trường hận phụ phương thời
Vi kiến mai hoa triếp nhập thi
… [2]

Ðến ngưỡng cửa trời mai ấy thì thi ca dừng lại, nhà thơ dừng lại, ân hận phụ tình hoa, băn khoăn là rơm là rác trước “lồ lộ chân như”, trong lúc thiền sư chứng ngộ, nhập thần với hoa.

Anh Lợi đáng được gọi là Mai Phật vì anh vui mai mà tự tại, hồn nhiên, chơn chất. Anh đánh thức tôi ra khỏi mối hận ấy bằng cái gậy Thiền “gánh nước, giã gạo”:

“Chừ trưa rồi tui đoái (đói), phải ăn cơm. Bữa ni ăn chay đó nghe. Kim Lan muốn ăn cho vui không?”

Tôi ngần ngừ sợ trễ giờ lên nhà thờ (Ôn Mệ-Admin), anh bảo tiếp:

“Cơm không có chi cả, ăn với dưa cải chấm xì dầu." Anh vừa nói vừa xới cho tôi chén cơm, không cho cáo lui.

Tôi định ăn một chén cho vui, ngờ đâu ngon quá, lại xin anh thêm một chén, rồi lại chìa bát đã và nhẵn sạch không còn hạt cơm nào, xin anh thêm nửa chén nữa với mấy miếng dưa. Nhớ lời bà nội: “Ăn chay ngày mồng một Tết bằng ăn chay cho cả năm”… Ðối với tôi buổi cơm ấy bằng mười năm, không phải vì tôi trốn ăn chay thích ăn mặn, ních một bụng bù cho cả năm. Không! Bữa cơm hôm đó làm cho tôi hiểu được nụ cười của tượng Phật Di Lặc ở chùa Thiên Mụ thân thiết thuở ấu thời.

Niềm vui Di Lặc vươn vai, xoa bụng!

Thưởng mai, ăn cơm nhà anh chị Lợi, vốn không có trong chương trình của tôi, ấy thế mà cuộc thưởng xuân bất ngờ ấy thật đúng là ĂN TẾT! [3]
 

Kỳ cuối: Hu thị thị…và Xuân về trên sông

T.K.L

[1] Ba ông trạng trong trò chơi „Ðổ xâm hường“ của người Huế trong dịp Tết: Ðổ Xâm Hường: một trò chơi ở Huế vào ngày Tết thưòng gọi là trò chơi giành Trạng nguyên (gọi là Trạng Anh), Bảng nhãn, Thám hoa (2 ông Trạng Em). Trò chơi gồm 6 hột xí ngầu (người Huế gọi là hột tào cáo), và cho 6 người chơi x 32 thẻ (trạng anh= 32; 2 x trạng em = 16 x 2; 4 x tam hường = 8 x 4; 8 xTứ tự = 8×4;16 nhị hường x 2, 32 thẻ nhất hường). Mỗi người chơi phải đổ cho được 32 thẻ., mỗi lần trong 6 hột phải có một mặt Hường. Hường = mặt tứ của hột cáo, được sơn đỏ nên gọi là hường. Nếu đổ được 4 mặt hường là được Ông Trạng, đổ ra 5 năm hường thì được cả 3 ông trạng, gọi là NGŨ HƯỜNG ÐOẠT TAM KHÔI, người Huế cho rằng năm mới đổ được ngũ hường là vận sẽ rất hên! Ðây là một trò chơi tập thể trong gia đình vào ngày Tết.
[2] Ðường thi: Mai Hoa của Lâm Bô:
"Tìm thơ vội tả hoa mai
Giận thơ mãi vụng để hoài vẻ xinh", Quỳnh Chi sưu tầm và dịch.
[3] Xem Thái Kim Lan "Năm nay sẽ về nhà ăn Tết", báo xuân Tia Sáng 2006

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here