Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Hành trình "Ăn Tết ở nhà". Kỳ II: Vui như Tết

Hành trình "Ăn Tết ở nhà". Kỳ II: Vui như Tết

128
0

Từ cổng đến chánh điện, lá bàng lác đác trên con đường lát gạch đỏ. Chùa Diệu Ðế có hai dãy cây bàng lâu năm, mùa đông lá đỏ rực rỡ, cuối đường là hai cây nhãn cổ thụ, cảnh sơ thái, thiền nhã. Chánh điện được trang hoàng khiêm cung, vừa đủ đạo vị đón xuân. Thầy Trụ trì không ngờ có vị khách… cuối cùng mà cũng là đầu tiên đến vãng chùa trong đêm khuya, vội trở vào liêu choàng áo lễ ra tiếp. Tôi nhớ mẹ tôi rất thân với Hoà Thượng trụ trì, đã quá cố từ lâu, ngày đầu năm mẹ thường dẫn tôi đến chùa lạy Phật. 9 tiếng chuông đánh bong, 9 lần sụp lạy! Mẹ thường vừa lạy vừa nhắc nhủ con bé ngày xưa như thế.

Tôi lạy Phật với cảm giác bên tôi mẹ cũng đang thành kính đảnh lễ, chân thành, ấm áp. Không gian quen thuộc, nhu hòa của điện Phật xoa dịu những căng thẳng còn sót lại của buổi Giao thừa, ánh sáng dịu êm từ tượng Phật tỏa xuống, mùi hương hoa phảng phất nhẹ nhàng bao quanh làm cho thần kinh thư giãn bất ngờ, đến nỗi đáng lẽ đứng lên cáo từ sau khi lạy và cúng dường phước sương, tôi lại xin phép Thầy cho ngồi lại, xếp bằng, nhắm mắt.

Tôi muốn dành vài phút cho riêng mình trong ngày mồng một đầu năm, lắng mình, nghe rõ giác quan đang va chạm với vũ trụ mới tinh, ngay bây giờ, ngồi ở đây, trên đất “nhà”, ở Huế…

Ngồi yên mới thấy mình là chân đi. Từ khi về đây, Sài Gòn – Hà Nội – Huế, vù đi vù đến không ngừng, đến nỗi vòng chân xếp bằng bán già thoạt tiên chưa quen thiếu điều bật tung, hất thân xiêu đảo. Sự dừng lại của cơ thể bỗng chốc trần trụi va vào cảm giác cô đơn, chơ vơ trong cõi đời. Một chút nhói tim, một chút tê chân, một chút tủi thân…

Ðiểm rốt cùng của ý thức là sự chạm mặt với chính mình, sau tất cả đoàn viên hay vĩnh biệt nhân quần. Cảm nhận trỗi dậy đồng thời với sự rũ bỏ những hoài niệm và ước vọng đã lẽo đẽo theo tôi từ phương xa mang về đến tận nơi đây, khi nhận ra sự “qua đi” hầu như là định luật, và mỗi “bắt đầu” nhập mật hồn nhiên như hơi thở.

Có lẽ mỗi sự bắt đầu, mỗi cái mới tinh khôi đòi “cô đơn” tuyệt đối để trở nên “mới”, phải trút bỏ hết những gì thuộc quá khứ qua nghi lễ của một cuộc tắm gội tất niên – bao nhiêu cáu ghét năm cũ xả hết như bà nội tôi thường cẩn thận thực hành vào một giờ lành cuối năm – thì “mới” mới là… mới tinh và cuộc bắt đầu mới tràn đầy sức sống.

Cuộc đi từ năm cũ sang năm mới ngắn ngủi có một quãng đường, nhưng dài, bằng hai năm. Còn dài hơn thế nữa, nó xuyên suốt tuổi thơ cho đến giờ khắc ấy, cả gánh hành trang quá khứ từ khi xa xứ cho đến khi trở về, kềnh càng đầy ham muốn và ảo tưởng, bỗng chốc trút đi nhẹ bổng, mọi tất bật lao đao dừng lại. Hơi ấm hiền lành trong chánh điện và khí lạnh tinh sương khuya đầu xuân chạm nhẹ bờ vai như vỗ về. Cảm giác cô đơn trong giây phút tĩnh mặc thật lạ lùng: nó đem đến sự vững tâm ngay sau khi con tim vừa giật mình ngộ được phù du, như một người soi gương nhận ra thời gian đang đậu trên mái tóc, chợt mỉm cười thương hại vẻ hoảng hốt của chính mình trong gương. Ừ thì cô đơn… mà cũng không cô đơn đến nỗi!

Khi tôi mở mắt, bỗng có tiếng reo: “A, cô Kim Lan, A Di Ðà Phật!”. Lấp ló hai vị sư trẻ vừa từ trong liêu bước ra chánh điện, có lẽ để xem vị thí chủ quái dị nào đang ngồi thiền (mà nghĩ vẩn vơ!) khuya khoắc như thế. Khi thấy tôi, họ cười hớn hở. Còn ngỡ ngàng tối sáng, hai Thầy đã hoan hỉ tự giới thiệu là tăng sinh khoá II của Học Viện Phật học, nơi tôi được mời giảng dạy mỗi khi về Huế.

Ui chao chi lạ! Thật không có niềm vui nào bằng. Bất ngờ nhà Sư và đệ tử, thầy trò gặp nhau! Ðối với tôi nỗi mừng còn hơn thế nữa, nó mang hương vị đặc biệt của “tha hương (tôi có “xa nhà“ không nhỉ?) ngộ cố tri”. Câu chuyện đầu năm như nhúm lửa xua tan mọi điều tủi thân còn lưu lại của cảm giác cô đơn. Khi ra về, quí Thầy còn đem hai đòn bánh tét, bánh chưng và sách Phật học làm quà đầu năm.

Tôi hỉ hả như một đứa trẻ được cho món quà đúng ý. Nỗi hí hửng được quà Tết này e còn hơn nỗi hí hửng của con bé được áo mới năm nào. Ôm bánh về nhà, tôi gọi điện cho con hỏi thăm bên nớ ăn Tết ra răng. Con tôi bảo:

“Bên ni dì Y. cậu L. mợ T. đang gói bánh chưng, Mạ nờ!”

“Rứa là Huế thua Munich cái nồi bánh chưng đêm 30!”

Ngẩn ngơ một chút vì hơi lạnh của đêm Tết Huế, nhưng vui khi nghĩ đến cái bếp Giao thừa bên trời tây mỗi năm tôi đã nhen cho bà con, nay vẫn còn đỏ lửa, lại thêm hí hửng vì không nấu mà có bánh đầu năm như một phép mầu, tôi đi ngủ trong niềm “vui như Tết” ấy.

Kỳ III "Ăn Tết"

T.K.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here