Hu thị…thị
Nhà cửa bên phía bờ sông giải tỏa, thấy trống trải cảnh sông nước. Những cây dừa cao chải gió, những giàn mướp, dâm bụt, những bụi dứa gai, mâm xôi, hoa ngũ sắc thường mọc dại sum sê xanh mướt bốn mùa – rất thân thương của thời bé dại – đã bị đốn sạch. Biền bắp biền lúa cũng chung số phận nhường cho dự án cải tạo công viên bên bờ sông. Cây cối vừa trồng trên giải đất bồi còn thưa lưa, chưa ra hồn ra dáng.
Không biết bàn tay của nhân viên cây trồng thành phố có ân cần chăm chỉ bằng tay trời đã mấy nghìn năm thông thuộc gió mưa, sông nước, mãi hoài chan chứa cho bờ sông cảnh nên thơ mộc mạc, rất đỗi tài hoa mà vô cùng tế nhị, dìm bớt vẻ kiêu sang của những khuôn viên phủ đệ ông hoàng bà chúa một thời xênh xang võng lọng tọa lạc bên kia đường! Sự hài hòa giữa người và cảnh làm cho con đường Hà Khê trở nên thiên hạ diễm tuyệt một thời, nơi thủ phủ đầu tiên của chúa Nguyễn từ khi chúa Nguyễn Hoàng dừng chân trên đồi Thiên Mụ:
Kim Liên ơi hỡi Kim Liên,
Ðẩy xe cho chị qua miền Hà Khê,
Hà Khê nước chảy đường nghê
Chim kêu vượn hú bốn bề nước non.
Nguyễn Ðình Chiểu đã mê mẩn “đường nghê” có lẽ sau khi từ Quảng ra Huế đi thi…
Giàu sang tột đỉnh mà đớn đau cũng tột cùng, quãng đường thân thuộc ấy! Có lúc tôi đã thù nó vì đau, lại có lúc thương nó vô cùng vì nhớ. Ai ở trên con đường này đều đã từng gặp ác quỉ và mỹ nhân, đã thù nhau tận mạng mà yêu nhau tận đời. Ði trên con đường này thì… phải đạp nhanh, để đừng chảy nước mắt.
Con đường mới không gập ghềnh mà lòng cứ dần dà khúc khuỷu, bi ai. Phủ Ðoan Quốc Công chỉ còn trơ vòm cổng mái chóp rêu phong, ủ rũ như một ông già đội nón lá ngồi mãi nên vẹo người một bên. Phía trong phủ một phần đã bị quốc hữu thành Nam Châu hội quán, tiệm ăn và tửu (bia) lâu, một phần làm bãi đậu xe vận tải.
Chợ Kim Long bỗng co rúm lại thành một nhúm xác xơ, thốc thếch hàng quán như một lũ ăn mày trước cái đại lộ phồng to bất ngờ. Ngày xưa bốn cái cột sành làm cổng uy nghi đường bệ thế ấy mà hôm nay đứng chõng gọng giơ que! Ngày Tết chợ Kim Long đã là nơi vui chơi thanh lịch một thời: bài chòi, hát bội náo nhiệt cả một góc trời, áo xanh áo đỏ trên con đường rợp bóng tre, phấp phới như những tiếng reo vui, xác pháo đỏ rải con đường phủ đất bụi phù sa… Ngày Tết ra ngõ là vui – bà nội thường bảo 3 ngày Tết mặt mày nên tươi tắn, chào nhau ròn rã – đàng xa đã thấy nụ cười người đi tới, rứa là hên, là vui. Nhất là tiếng xôn xao của người người tụm lại đâu đó trên vệ đường, xúm xít quanh bàn bài vụ… nhứt lục… bầu cua cá cọp… Người lớn và trẻ con châu đầu vào nhau, chăm bẳm dán mắt trên những heo đen trâu xanh voi trắng ngựa hồng ếch vàng, cá bạc, tôm hồng, rùa xanh của bàn bài vụ với cái chén úp dấu con vụ đang xoay…
Tôi mê bài vụ trong những ngày Tết và thương luôn cả con heo ễnh bụng, con voi trắng ngà, cả con ngựa hồng phi nước kiệu, mang chúng vào trong giấc ngủ đến cả bên phương trời Tây… Nay còn đâu? Thay vào đó những chiếc xe Toyota chở du khách khệnh khạng vụt qua, hay từng toán Honda đi thăm chùa rần rật tung bụi mù mịt, như chế diễu người đi xe đạp. Người tản bộ trên đường lác đác.
Huế nổi tiếng văn hoá vườn cũng bởi con đường Hà Khê với vườn tược nằm trên một hành lang đắp cao hơn mặt đường và sông. Những khu vườn rộng thoáng, được bao quanh bằng hàng chè tàu hay tre xanh. Mỗi mảnh vườn là một tiểu vũ trụ bao gồm những sưu tập nhiều vô tình hơn hữu ý về hoa trái cây cỏ. Năm tháng tình cờ, gió, nước đem hạt giống, cây giống và phù sa, được con người phụ họa gầy dựng nên, theo cái đạo tùy thời và cái tâm vô lượng. Khế đứng bên vải, vải bên nhãn, trần bì đứng chung với chùm kết, bồng quân chung với hồng, ổi, chôm chôm bên cạnh oanh trảo, ngọc lan, hải đường chung với mộc, giáng châu với vú sữa… không phân biệt.
Ngày nay mười vườn thì hết chín bị chia năm xẻ bảy, phần thì bị xã tịch thu quốc hữu hoá, phần bị dân lấn chiếm, thành ra manh mún. Nhà cửa xây lổn ngổn làm giảm đi vẻ quí phái kín đáo của con đường nổi tiếng đẹp nhất bên bờ sông Hương đến chùa Linh Mụ, Văn Thánh, Võ Thánh.
Ngang qua đình làng Xuân Hòa, một trong những ngôi đình lớn của Huế, thấy hai cây bàng hai bên lá đỏ thắm. Màu đỏ càng đỏ hơn với cờ đào và giải biểu ngữ cũng màu đỏ với hàng chữ màu vàng: “Mừng Đảng, mừng xuân”. Khẩu hiệu này từ khi về ăn Tết đi đâu cũng thấy, ở Hà Nội rồi đến Sài Gòn, dưới phố Huế cũng nhan nhản bích chương “Mừng Đảng, mừng xuân”, đôi khi còn thêm mấy chữ “mừng thắng lợi”.
Ðôi chân tôi vừa đạp vừa thắc mắc: xuân của đất trời, của vũ trụ nhân sinh, không riêng chi cho ai, xuân đến thì tỉ tỉ nhà, tỉ tỉ người mừng, hồn nhiên, tự nhiên không ai bắt buộc, mắc chi phải mừng Đảng trước rồi mừng xuân sau? Nếu không muốn mừng Đảng thì có được mừng xuân không nhỉ? Hay sẽ bị số phận của hoa mẫu đơn đen? Ngôi đình vắng hoe trong ngày Tết, chắc lễ mừng đã xảy ra từ sáng sớm, tại tôi ham ăn nhà anh Lợi, tiếc không xem lễ Ðình Xuân Hòa mừng xuân cho biết.
Ði ngang qua chùa Từ Ân rồi chùa ông Nghệ, rồi đến nhà thờ gia tộc, xe tôi cũng đạp qua mau. Tôi muốn đi thăm mộ trước rồi ghé nhà thờ tổ tiên lâu hơn. Sau vườn trồng hoa lài của ông Trợ Vấn dưới chân chùa Linh Mụ – ngày nay thành nơi bán hàng lưu niệm và bãi đổ xe náo nhiệt – có ngõ dốc quanh chùa dẫn đến nơi mộ chí. Tôi xuống xe, ghé cái quán nhỏ mua hương và diêm. Quán đã có từ khi tôi đi học – mỗi lần theo mẹ lên thăm mộ Ba sau đó được ăn bánh bèo ngon chùa Linh Mụ – nay ở đây mọc lên hơn mấy chục quán khác bán đủ thứ linh tinh, như một cái chợ con.
Ðang mua nhang, bỗng nghe mùi thơm ngào ngạt và tiếng mời cô mua “mì xưa!” Bên cạnh tôi, một mệ già ngồi trên đòn gánh, giữa hai chiếc gióng với rổ khoai lang, khoai từ, sắn, củ môn, huỳnh tinh, đậu phụng tươi bốc hơi nóng, cọng thêm một mùi hương mà khứu giác tôi khi chạm đến đã nhảy dựng lên, dáo dác kiếm tìm: ôi chao! những trái thị tươi màu vàng còn cuống lá xanh lục đậm, tươi rói nằm trên lá chuối rổ bên kia.
Tim tôi đập rộn hình ảnh tuổi thơ, được mẹ mua cho trái thị ở chợ quê, dấu quả thị trong áo, bồng bềnh cả ngày trong mùi thơm lạ lùng, vừa nồng vừa mộng mị huyền thoại, đôi khi sực nhớ lại lấy ra dí mũi vào hít. Bà nội tôi thường cấm không cho cầm chơi trái thị, sợ bị ma hành, thôi miên. Mùi thơm của nó có ma lực hóa kiếp nàng Tấm, hay cám dỗ cả ông thần Hát Bội làm cho ông ngây ngất, tuyệt ngôn… Trái thị, Tấm Cám, bà nội tôi, cả tuổi thơ đã rời tôi từ lâu…
Vội vàng xuống xe, tôi hỏi mệ:
“Răng ngày mồng một mà mệ lại đi làm, đi bán như ri? Ngày mồng một cử làm lụng mệ nờ!”
Tôi nhớ bà nội thường “đóng sổ” công việc chiều 30 Tết và cấm con cháu nói đến “việc làm”.
Mệ trả lời, che một chút lam lũ:
“Hôm ni tốt ngày cô nợ. Nên chi nấu khoai sắn ra đay bán may xưa!”
Tôi mua gần hết rổ khoai sắn, hai lon đậu phụng, mua luôn cả rổ trái thị. Mấy o bên cạnh thấy tôi ham trái thị, chạy đi vơ hết những nơi khác, đổ xô đến đòi bán. Bỗng chốc, e trái thị của cả làng Xuân Hòa đã chui vào túi đảy của tôi. Tôi mua hết tất trong tiếng cười dòn tan của mấy o bán hàng về vẻ lớ ngớ của tôi, còn tôi thì vui tìm được quà Tết đem vào mộ cúng Ba và chị tôi ngày đầu năm. Mệ bán sắn mừng bán được may xưa, lại lời tiền lì xì mới toanh. Có lẽ khi quảy gánh, mệ đã bỏ thêm vài trái thị vừa hái trong vườn lên rổ cho vui, nào ngờ nó làm vui thiệt. Ðúng là hương thị có sức mê hoặc đem tiếng cười cho cả người bán lẫn người mua.
Lại lễ mễ đạp xe lên dốc hẻm, lủng lẳng với những thứ “nhà quê” như thế, tôi nghĩ, Ba và chị sẽ hỉ hả cùng cười với tôi. Chị sẽ cười ái ngại, tội em ba bữa Tết không có mứt bánh ăn Tết như ngày xưa. Thời con gái đảm đang, chị đã từng làm hết món mứt này đến món mứt kia theo chỉ dẫn của bà và mẹ cho cả nhà ăn Tết.
Trái thị màu vàng óng ả đã làm cho mâm quả của tôi sáng rỡ trên những hòn sỏi, thêm vào một vài đoá ngũ sắc hái trên đường, thẩm mỹ còn hơn mâm ngũ quả mà cô em họ tôi đã giúp tôi bày ở dưới phố trong cuộc chạy đua sắm tết ngày ba mươi. Ai đời chuối ở Huế mà cũng biết leo thang, một nải chuối cau, chuối mật những gần trăm nghìn đồng. Nên nhớ người Huế không cúng chuối bà lùn, vì… sợ lùn, lún suốt cả năm trường thì khốn.
Tôi thắp nhang khấn vái lời chúc Tết. Mộ ba tôi là nơi thời con gái, chị và tôi hay đạp xe lên thắp hương rồi nhân tiện vãng cảnh chùa, nay chị về nằm bên cạnh Ba, còn tôi thì lui cui với trái thị thơm lừng cả một vùng tưởng nhớ. Có thể rơi nước mắt từng giây…
May mà ở gần chùa Linh Mụ, bao nhiêu nước mắt nhân gian đã được tiếng chuông mang đi đổ vào dòng sông nên chỉ còn cay mắt… với những đứa trẻ xóm dưới đang trố mắt nhìn. Tôi vào lạy Phật, sau khi đã chia với chúng gói khoai sắn, đậu phụng và tiền lì xì. Còn nhớ lời ôn Ðôn Hậu: “Ði mô cũng không đẹp bằng ở Huế, ở Huế không có chỗ mô đẹp hơn chùa Linh Mụ!” với nụ cười khiêm tốn về cái “siêu” mà không “siêu” nên thành “siêu” của Linh Mụ Tự.
Xuân về trên sông
Có phải từ năm cũ sang năm mới, suốt cả ngày mồng một Tết, tôi đã đi, đứng, đạp xe, làm những nghi lễ ngày Tết, loanh quanh xa gần, miên man với bao chùm liên tưởng, vòng vo né tránh, cần rần cà rà, la cà từ phố đến quê, như chưa muốn thú nhận một điều ẩn kín, tuy lòng đã chắc một hai: đi đâu rốt cùng cũng chỉ để đến điểm này: đứng trên thềm chùa Linh Mụ, nơi góc quành ngọn đồi lộng trời thiêng, NHÌN SÔNG.
Chính trong giây phút nghe sông núi tĩnh lặng từ nghìn xưa còn đó, thấy tiếng hòa ca êm ái chảy tràn trong nắng xuân chơi vơi giữa sông, nếm được vị xuân nồng đang chuồi êm trên giòng Hương, sờ được màu tinh khôi của thời gian đang rải tơ xanh trên đỉnh Kim Phụng, nhận ra “dừng lại” cũng là “đang trôi” nơi sóng nước hồn nhiên dạt dào xuân tâm vô lượng, tôi chợt tìm thấy bóng mình đã in trong lòng sông ấy từ vô thỉ vô chung.
Hết
T.K.L