Trang chủ Phật học Giới thiệu về nghiệp: Bài 4:Hạnh phúc và bất hạnh

Giới thiệu về nghiệp: Bài 4:Hạnh phúc và bất hạnh

153
0

Nghiệp chín trong một không gian hoàn toàn khác biệt – nói cách khác, những kết quả xuất phát từ những hành nghiệp này thuộc về một không gian khác – liên quan với những gì chúng ta đã nói đến ở phần đầu của bài thuyết trình này, đó là không gian của hạnh phúc và bất hạnh. Khi lập lại những hành động nào đó, chúng ta sẽ kinh qua những sự việc nào đó – người khác đối xử đối với mình theo một cung cách nào đó, hay có thể là một hòn đá từ trên đỉnh vách đá sẽ rơi lên đầu ta. Chúng ta trãi qua những thứ này với niềm hạnh phúc hay bất hạnh. Hãy nghĩ về điều này. Có một số người, khi dẫm lên một con gián, họ cảm thấy rất vui – ta đã tóm được thứ ghê gớm này! Những người khác, khi dẫm lên một con gián, họ cảm thấy kinh tởm và rất buồn bã. Một số người khi bị ai đánh, hay la hét, họ cảm thấy bất hạnh và rất buồn, còn những người khác thì lại cảm thấy vui, “Vâng, tôi là người tội lỗi; tôi không tốt; tôi xấu xa; tôi đáng bị la rầy và đánh đập.”

Chắc các bạn biết câu nói này, tôi nghĩ là nó xuất xứ từ đây, tại Mễ Tây Cơ (Mexico), hay có lẽ người nào đã đặt ra câu chuyện và tôi đã tin vào nó, nhưng câu nói đó là: “Nếu chồng tôi đánh tôi thì có nghĩa là anh ấy thật sự yêu tôi; nếu anh ấy không đánh tôi thì có nghĩa rằng anh ấy không yêu tôi.”

Niềm hạnh phúc hay bất hạnh này hầu như là một loại không gian khác biệt, có phải không? Điều gì xảy ra cho ta trong một không gian là những gì ta đã làm một cách thúc bách, lập lại lập lại nhiều lần, và những gì ta kinh nghiệm, những việc xảy ra cho ta – đó là một không gian; và những không gian khác là cách ta thật sự trải nghiệm nó như thế nào, với niềm hạnh phúc hay bất hạnh. Những điều mà ta kinh nghiệm, hai không gian này, cả hai đều đang chín muồi từ những hành nghiệp trong quá khứ, nhưng từ những hành nghiệp khác nhau. Nếu ta chỉ nhìn vào không gian của hạnh phúc và bất hạnh, đây này là một không gian rất tổng quát. Nó bắt nguồn từ cách ta hành động một cách tiêu cực hay xây dựng. Nếu ta hành động một cách tiêu cực, kết quả là ta sẽ kinh qua nỗi bất hạnh; nếu ta hành động một cách xây dựng, kết quả sẽ là sự trải nghiệm hạnh phúc.

Hành Động Xây Dựng và Tiêu Cực

Bây giờ thì sự việc trở nên rất thú vị, khi ta tìm hiểu xem đạo Phật có ý gì khi nói về hành vi xây dựng và tiêu cực. Tự nhiên là có một vài sự giải thích về điều này. Tuy nhiên, như đã thấy, chúng ta không thể thật sự định rõ bản tính của một hành động qua khía cạnh ảnh hưởng mà nó tạo ra cho một người khác, bởi vì không ai biết được nó sẽ có ảnh hưởng gì: có rất nhiều những yếu tố khác liên quan trong đó. Thế nên xây dựng hay tiêu cực liên quan đến trạng thái trong tâm thức mình, lúc chúng ta hành động. Nếu hành động của ta dựa trên sự tham lam, hay chấp thủ, hoặc sân hận, hay hoàn toàn ngờ nghệch, thì nó tiêu cực. Trái lại, nếu hành động của ta không dựa trên sân hận, không tham lam, không chấp thủ, không ngờ nghệch, thì nó có tính cách xây dựng. Hiển nhiên là xa hơn nữa, nếu nó dựa trên lòng từ ái và bi mẫn, bố thí, v.v… thì đó cũng là hành vi xây dựng.

Ngoài ra, còn có những yếu tố khác. Việc xem xét những yếu tố khác khiến cho một hành động trở thành xây dựng hay tiêu cực là điều rất thú vị. Một yếu tố là nhân phẩm đạo đức, hay nhân phẩm đạo lý. Điều này liên quan đến quan niệm về bản thân và lòng tự trọng. Nếu không có lòng tự trọng thì ta sẽ không quan tâm đến ảnh hưởng của hành động của mình đối với bản thân. Nó là thái độ “sao cũng được.” Với lòng tự trọng thấp như thế, ta sẽ hành động một cách tiêu cực. Nói cách khác, nếu tôi nghĩ về chính mình một cách tích cực, nếu tôi tôn trọng bản thân như một con người, thì tôi sẽ không hành động như một thằng ngốc. Tôi sẽ không hành động một cách ngu dại, tàn nhẫn, bởi vì tôi không muốn tự hạ thấp mình để hành động như thế – tôi có một ý niệm cao cả hơn nhiều về bản thân, về những gì tôi có thể làm. Đây là yếu tố mà chúng ta đang nói đến ở đây: việc có ý thức về nhân phẩm đạo đức hay không. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng, vì nó quyết định ta sẽ hành động trong một cách xây dựng hay tiêu cực.

Một yếu tố khác là sự quan tâm đến cách hành vi của ta sẽ phản ảnh ra sao về những người khác. Chúng ta đang nói về điều gì? Nếu ta tạo ra một hành động kinh khiếp, nó sẽ phản ảnh như thế nào về gia đình tôi? Nó phản ảnh như thế nào về quê hương tôi? Nếu tôi có một hành động kinh khiếp, người ta sẽ nghĩ gì về người Mễ Tây Cơ? Nếu chúng ta là Phật tử mà tôi đi uống rượu say và đánh lộn với người khác, điều này sẽ phản ảnh ra sao về đạo Phật và Phật tử? Bởi vì ta có đủ lòng tôn trọng đối với gia đình, đoàn thể của mình, hay bất cứ cá thể nào, như tôn giáo, quốc gia, thành phố, với ý thức quan tâm về ảnh hưởng mà hành vi của chúng ta sẽ tạo ra, với sự quan tâm về cách hành động của chúng ta sẽ phản ảnh ra sao về những người khác, nếu như có được điều này, ta sẽ tránh những hành vi tiêu cực. Nếu như không có nó, ta sẽ hành động một cách tiêu cực. Đây là một tuệ giác đặc biệt thâm thúy của đạo Phật. Yếu tố chính là gì? Là lòng tự tôn, tự trọng và tinh thần quý trọng cộng đồng của mình.

Điều này cho ta một tuệ giác lớn về một số yếu tố cần phải được cân nhắc trong việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Nếu chúng ta tước đoạt nơi một con người và cộng đồng của họ tất cả ý thức về nhân phẩm, khiến cho đời sống của họ trở nên thật sự thậm tệ và có những ý nghĩ ghê gớm về họ, họ sẽ cảm thấy dù họ có cố gắng làm gì đi nữa thì cũng không quan trọng. Nếu họ không có ý thức về giá trị bản thân hay giá trị cộng đồng của họ, thì tại sao không hành động một cách tiêu cực? Họ cảm thấy rằng họ không có gì để mất. Tôi nghĩ rằng điều này là một điều hữu ích để ghi nhớ về cách ta ứng xử với người khác ra sao, đặc biệt là trong những hoàn cảnh rắc rối trên thế giới. Điều quan trọng là đừng bao giờ tước đoạt ý thức về nhân phẩm của ai hay cảm giác về giá trị của cộng đồng của họ.

Đây là một vài yếu tố tinh thần liên quan với điều gì khiến cho một hành động trở nên tiêu cực hay xây dựng. Nó cũng là việc xem trọng sự thật là cách ta hành động và xử sự đối với người khác sẽ ảnh hưởng đến họ. Điều này nói về việc có lòng quan tâm hay chăm sóc – tôi gọi nó là “thái độ chăm sóc.” Nhưng đôi khi, ta rất ngây thơ, ta nghĩ rằng tôi có thể nói bất cứ điều gì với bạn và sẽ không có sao hết. Tôi thật sự không quan tâm đến cảm giác của bạn một cách nghiêm túc. Thế là ta không có thái độ chăm sóc đối với người khác.

Nếu ta hành động bằng loại yếu tố tinh thần như tham lam, sân hận, không có ý thức về giá trị bản thân, không quan tâm về cách ta hành xử sẽ phản ảnh về người khác ra sao, không có sự chăm sóc, không thấy rằng những gì ta làm sẽ ảnh hưởng đến người khác cũng như bản thân mình, thì kết quả của điều này là gì? Là sự bất hạnh. Tuy nhiên, nỗi bất hạnh này không phải là một sự trừng phạt.

Chúng ta thật sự phải tư duy sâu sắc về điều này. Có phải tâm trạng chất chứa tất cả những yếu tố tiêu cực này thật sự là một tâm trạng hạnh phúc, và nó có thể thật sự sản sinh ra một kinh nghiệm hạnh phúc trong ta hay không, hay nó chỉ có thể tạo ra bất hạnh? Nếu suy nghĩ về điều này nhiều hơn nữa thì ta sẽ thấy thật ra đây là điều hợp lý, rằng trạng thái đó của tâm thức, trạng thái tiêu cực của tâm, sẽ đưa đến kết quả của sự bất hạnh, và nếu chúng ta có một trạng thái đối nghịch, không có tham lam, sân hận và tất cả những điều khác, nó sẽ sản sinh ra hạnh phúc. Vì vậy, ta có những loại hành vi chung chung này – xây dựng và tiêu cực – và chúng sẽ đưa đến kết quả là những kinh nghiệm hạnh phúc hay bất hạnh.

Hơn nữa, có những loại hành động cụ thể mà ta tạo ra như la hét với người nào, hay tử tế với ai và v.v…, và những điều này cũng có sự ảnh hưởng của nó về khuynh hướng lập lại hành động đó và khuynh hướng rơi vào các tình huống mà người khác sẽ đối xử với ta theo cách này.

Một kết quả khác của hảnh nghiệp của chúng ta – nhưng không cần phải đi vào nhiều chi tiết ở đây – liên hệ đến loại tái sinh nào mà ta sẽ trải qua: ta sẽ tái sinh với một cơ thể và tâm thức của một con chó, một con gián, hay một con người. Loại cơ thể và tâm thức mà ta sẽ có được như là bối cảnh cho những kinh nghiệm nào đó sẽ xảy ra cho ta và cách ta cư xử theo cung cách nào đó. Có nhiều chi tiết khác ở đây, nhưng trong bài thuyết trình giới thiệu này, tôi chỉ muốn đề cập tới các nguyên tắc tổng quát nhất.


Bài 5: Thuyết Quyết Định hay Tự Do Ý Chí

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here