Trang chủ Vấn đề hôm nay Hạnh phúc dưới góc nhìn Phật giáo

Hạnh phúc dưới góc nhìn Phật giáo

129
0

Mỗi quốc gia, vùng, miền có những “định lượng” khác nhau về hạnh phúc. Khái niệm hạnh phúc ở Việt Nam cũng biến đổi theo thời gian. Hạnh phúc bây giờ không đơn giản chỉ “đựng trong một tà áo đẹp, một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn” như cách nói của nhà thơ Chế Lan Viên, mà nó cần hòa chung hạnh phúc của cá nhân với hạnh phúc của cộng đồng. 

Không phải ngẫu nhiên Mathieu Ricard, nhà di truyền học phân tử người Pháp từ bỏ cuộc sống hiện đại trở thành nhà tu hành Phật giáo Tây Tạng lại được biết đến là người hạnh phúc nhất thế gian.  

Thiền sư Mathieu Ricard “đội” mũ đo chỉ số hạnh phúc. 

Năm 2009, các nhà khoa học đã “đội” cho thiền sư này một chiếc mũ, gồm 256 cảm biến, cho phép tìm ra chỉ số hạnh phúc của con người. Kết quả quét khẳng định, phần não trái của ông Ricarrd hoạt động tích cực hơn não phải, khiến ông có trải nghiệm hạnh phúc dài hơn và giảm thiểu cảm xúc tiêu cực. Bí quyết của ông là hành thiền 20 phút mỗi ngày nhằm tăng sự tập trung và cân bằng cảm xúc. 

Như vậy, ý nghĩa hạnh phúc mà Liên Hiệp Quốc đưa ra và những nghiên cứu đối với vị thiền sư này giao nhau tại một điểm, đó là sự cân bằng.  

Hạnh phúc không nằm ngoài thân 

Con người luôn muốn làm chủ những vật chất hữu hình chỉ là phương tiện sống. Nếu mải miết chạy theo những thứ vật chất bên ngoài mà không biết quay về đời sống tu tập diệt trừ đau khổ thì tâm hồn khó có thể thanh tịnh, an lạc trong kiếp sống hiện tại. 

Đức Phật không quan niệm vàng bạc, ngọc ngà châu báu tạo nên hạnh phúc chân thực. Đắm chìm trong những đam mê, ảo tưởng của cuộc đời, chạy theo tiếng gọi của mỹ nhân, những âu yếm được cho là hạnh phúc càng làm tâm con người quay cuồng trong vòng sinh tử, không khi nào thoát ra được. 

Hạnh phúc dành cho những người biết quay về với chính mình và giây phút hiện tại. Nếu rời khỏi mình mà mải miết tìm cầu những thứ ngoài thân, lạc vào tà kiến như trôi dạt trong bể đời mênh mông, qua hàng vạn kiếp như con thuyền lênh đênh giữa biển khơi, đó là bão tố vô minh vùi dập chúng ta trong sinh tử vô tận. 

Phật pháp là phương tiện đắc lực, ngọn đuốc sáng dẫn con người đi tìm hạnh phúc chân thực. Đức Phật nói rằng, giải thoát, giác ngộ đều ở trong tâm chúng ta. “Ta đến đây không phải cứu độ các ngươi, mà cốt là chỉ đường đi sáng suốt. Hãy noi theo mà tiến hóa, giác ngộ để tự độ lấy mình. Con người là ngọn đuốc và là nơi nương náu cho chính mình. Đừng tự phó thác vào chốn dung thân nào khác”.  

Xin được minh họa quan điểm của thầy Thế Đăng, trụ trì chùa Phổ Quang, phát biểu tại buổi tọa đàm “Buông xả phiền não để an lạc từ tâm” do Công ty Cổ phần Sách Thaihabooks: nhiều người, nhất là doanh nhân ví hạnh phúc như tấm bằng khen treo trên tường, bởi thế họ thường hay tìm kiếm hoặc giành lấy. Nhưng kỳ thực không phải vậy. Hạnh phúc là những điều có ngay trong chính thân tâm mình, chứ không phải những thứ bên ngoài thân tâm.  

“Đời là bể khổ. Khổ là cái chung cho tất cả con người, không phân biệt tầng lớp, giai cấp. Không phải làm vua là suốt đời sung sướng, hạnh phúc. Không phải là doanh nhân cứ có nhiều tiền tài, danh vọng là có được hạnh phúc… Con người có được hạnh phúc hay không là phụ thuộc vào thái độ của mỗi người đối với “bể khổ” mà tạo hóa đã sinh ra…”, vị tu sỹ này cho biết. 

Hạnh phúc trong chính giây phút này 

Không phải ngẫu nhiên ông bà ta vẫn nói “Phật trong tâm”, “Phật tại tâm”. Hạnh phúc mà Đức Phật muốn chúng ta đạt đến là bờ bên kia – niết bàn. Niết bàn là hạnh phúc, là trạng thái mà mỗi con người có thể tự tạo ra, chứ không do một vị thần, vị Phật nào ban phát.  

Chân lý hạnh phúc không chờ đợi ở tương lai, ở những kiếp sau và cũng không tìm cầu ở một nơi nào khác. Nó ở đây và có thể hiện hữu ngay lúc này, tại đây. Hãy đi tìm hạnh phúc chân thật thay vì tìm kiếm những thứ hạnh phúc giả tạm ngoài thân. 

Một hạnh phúc khác, nếu có cơ hội ta nên làm đó là những việc thiện nhằm gieo duyên lành cho đời sau. Hiểu điều này, mỗi người sẽ trân quý niềm hạnh phúc mình đang có. 

Diệp Vi (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here