Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Hành hương chùa Huế

Hành hương chùa Huế

329
0

Theo Gs Thái Kim Lan, đang giảng dạy Triết học và Phật học tại Đại học Ludwig – maximilian, Munich, Đức, “sâu nhất của văn hóa Huế là Phật giáo. Văn hóa Phật giáo bàng bạc trong không gian, thấm đẫm trong hồn người sông Hương núi Ngự”. Nắm bắt được đặc trưng này, nhiều công ty lữ hành đã tổ chức tour tham quan những ngôi chùa nổi tiếng ở Huế, đặc biệt vào dịp đầu xuân năm mới.

Thực thể sống động

Từng là Thủ đô của Phật giáo Việt Nam, Huế có số lượng chùa nhiều nhất so với bất kỳ địa phương nào trên lãnh thổ Việt Nam. Không kể các niệm Phật đường, các chùa khuôn hội, hiện ở Huế có hơn 300 ngôi chùa lớn nhỏ, trong đó trên 100 chùa cổ, hầu hết vẫn giữ được nét cổ kính của kiến trúc Á Đông và Việt Nam. Các ngôi chùa Huế rải khắp cả trong và ngoài kinh thành, tập trung ở vùng gò đồi Dương Xuân, phía tây nam TP Huế. Mỗi ngôi chùa ở Huế không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên, mà còn là một địa chỉ lịch sử, văn hóa và tâm linh đặc sắc.

Chùa Huế xuất phát có 2 loại: một là những ngôi thảo am nhỏ giữa núi rừng thâm nghiêm, hai là cổ tự khang trang, vàng son lộng lẫy nhờ sự cúng dưỡng từ vua quan, nhưng không gian, kiến trúc, mô típ trang trí chùa Huế đều hài hòa với thiên nhiên. Khác với hệ thống di tích cung điện, lăng tẩm nhà Nguyễn, chùa Huế là một thực thể sống động và phát triển, chứa đựng những dòng chảy văn hóa đặc sắc nối quá khứ với hiện tại, nối con người với văn hóa tâm linh… Ẩn chứa đằng sau những mái ngói thâm u, tường rêu cổ kính của những ngôi chùa ấy là kho tàng văn hóa, lịch sử, tôn giáo đặc sắc của vùng đất và con người xứ Huế.


Chùa Thiên Mụ
Khách đến Huế mà không quá bước đến thăm các danh lam cổ tự sẽ chưa hiểu hết cái chiều sâu, bí ẩn, cái đa dạng phong phú của vùng đất có nền văn hóa đã định hình mặc dù đã trải qua nhiều biến thiên, nhiều cơn hưng phế. Kiến trúc sư, nhà sinh vật cảnh, nhà sưu tập đồ cổ, nhà nghiên cứu âm nhạc, lễ hội… đến chùa Huế đều có thể khai thác được nhiều điều lý thú, bổ ích cho hoạt động của mình. Những người mệt mỏi cuộc đời đến chùa để tìm một chút tĩnh tâm, thư giãn. Thanh niên đến chùa vào ngày nghỉ để tìm một chút thảnh thơi và di dưỡng tinh thần. Những Phật tử Huế đi xa có dịp trở về thăm quê cũng thường đến viếng cảnh chùa để nhớ lại những kỷ niệm êm đềm của một thời quá vãng…

Điểm đến hấp dẫn

Các chùa Thiên Mụ, Báo Quốc, Từ Hiếu, Trúc Lâm, Từ Đàm… từ lâu đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn của Huế. Tại một hội thảo chuyên đề di sản văn hóa Phật giáo và phát triển du lịch ở Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết, ngay từ cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã tổ chức du lịch Trung Kỳ, trong đó chùa Huế được “đặc biệt” chú ý cùng hệ đền đài, lăng tẩm. Trong nhiều sách hướng dẫn du lịch của Marcel Monnier, Ph.Esbérhard (Pháp), thông tin về chùa Huế đã gợi mở nhiều điều kỳ thú cho khách du lịch. Suốt thế kỷ XX, đặc biệt sau ngày Việt Nam thống nhất, chùa là một điểm đến không thể thiếu trong tour tham quan Huế.

Sức hấp dẫn của chùa Huế ngày càng tăng, khẳng định giá trị về nhiều mặt của nó, trong đó có giá trị lịch sử và văn hóa. Hiện nay, nhiều công ty lữ hành tổ chức tour tham quan lễ Phật tại những ngôi chùa nổi tiếng ở Huế, đặc biệt vào dịp đầu xuân năm mới. Tết Quý Tỵ vừa qua, Huong Giang Travel tổ chức tour Hành hương về chùa cổ và cầu nguyện, bắt đầu từ chùa Báo Quốc, ngôi chùa có từ thế kỷ thứ XVII, nơi đào tạo Tăng tài cho Phật giáo; rồi đến Từ Đàm – trụ sở chung của Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên Huế và Tổng hội Phật giáo Trung phần; chùa Đức Sơn – ngôi chùa duy nhất ở Huế có cô nhi viện; chùa Thiên Mụ – một biểu tượng của đất thần kinh; chùa Huyền Không Sơn Thượng, đắm mình trong không gian thơ và họa… Trong hành trình đặc biệt này, khách còn được thưởng thức cơm chay, nghe giới thiệu về sự ăn trong im lặng và thực hành ăn trong im lặng…

Hue Travel thường xuyên tổ chức tour Về thăm chùa Huế, đưa khách lần lượt lễ chùa Từ Đàm, chùa Từ Hiếu, cầu nguyện trước tượng Phật Bà Quan Âm, chinh phục tháp chuông Hòa Bình tại khu du lịch đền thờ Huyền Trân Công Chúa; thăm Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã – một trong ba thiền viện lớn nhất Việt Nam thuộc Thiền phái Trúc Lâm, và kết thúc hành trình tại chùa Thiên Mụ. Công ty Thương mại dịch vụ du lịch đường mòn Đông Dương (Trails of Indochina) tổ chức đưa khách đến tham quan – đàm đạo – ăn cơm chay chùa Đông Thuyền, Bà La Mật…; tham quan hoạt động thủ công các ni viện, chứng kiến các ni giới chế biến tương, chao, bánh, ngũ cốc, làm hương…

Có thể nói, hành hương về chùa Huế là cơ hội trải nghiệm thực sự giúp giải tỏa căng thẳng, chuyển hóa khổ đau của cuộc sống và bước đi bằng những bước chân an lạc. Đến với chùa Huế, khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh vườn thiền, thưởng thức ẩm thực chay Huế… mà còn được đắm mình trong dòng lịch sử, văn hóa Phật giáo đặc trưng của vùng đất Phú Xuân – Huế. Nếu được đầu tư khai thác đúng cách, những ngôi chùa ở Huế sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, riêng có của Cố đô.

N.L (Đại Biểu Nhân Dân)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here