Theo các viên chức chính phủ Nam Hàn hôm 07-01-2008, pho tượng Phật 1.300 năm được phát hiện ở Gyeongju, cố đô ở miền Đông Nam hồi tháng 11- 2007 sẽ không được dựng lại nữa. Các chuyên viên cho biết: Pho tượng được phát hiện trong dáng nằm úp mặt ở Yeoramgok, Namsan, trong tình trạng rất nguyên vẹn, mặc dù đã trải qua 1.300 năm.
Một viên chức thuộc Cơ quan quản lý Di sản văn hóa thế giới nói: “Tượng được bảo tồn rất hoàn hảo, vì nó được chôn trong lòng đất đã hơn 1.000 năm. Thậm chí phần trên mũi của tượng vẫn còn nguyên vẹn khi mặt tượng đổ xuống chỉ cách một tảng đá 5 cm.”
Chính phủ đã đình hoãn vô hạn định kế hoạch xoay dựng pho tượng trở lại cho đúng vị trí ban đầu như khi chưa bị lật đổ, điều này khiến cho nhiều người quan ngại về mối nguy cơ hư hoại “vô hình”.
Kim Bong-gon, viện trưởng viện nghiên cứu di sản văn hóa quốc gia cho biết: “Vấn đề ở đây không chỉ vì tượng quá nặng (Pho tượng có chiều cao 5,6 m nặng hơn 70 tấn, nặng hơn một xe bọc thép 50 tấn, loại xe chủ yếu được dùng trong quân sự ở Nam Hàn) mà còn một trở ngại khác là tượng bị chôn vùi quá sâu bên dưới một sườn đồi. Với điều kiện địa hình như thế, thì rất khó để đưa một cần cẩu cỡ lớn hay máy bay trực thăng để xoay trở lại pho tượng.
“Điều khiến cho các chuyên gia quan ngại nhất là phần mặt của tượng có thể bị vỡ nát nếu tượng bị rơi tuột trong khi xoay chuyển.” Các viên chức chính phủ nói.
Đỉnh Namsan có độ cao 494 mét ở trung tâm Gyeongju là nơi phát hiện pho tượng và cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa từ triều đại vương quốc Silla, một triều đại từng lấy Phật giáo làm quốc giáo, từ ngàn xưa đã rất tự hào về sự phong phú của các cổ vật cũng như là kinh đô của một vương quốc cổ đại từ năm 57- 935 tr.TL. Pho tượng điêu khắc trên đá này đã được liệt kê vào di sản văn hóa thế giới của UNESCO từ năm 2000.
Theo Korea Times, Jan 7, 2008/ N. Q. dịch.