Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Hải đường xứ Huế

Hải đường xứ Huế

136
0

Ở bài thơ “Vịnh Hải đường” trong Minh Mệnh thánh chế có lời chú thích: “Theo Quần phương phả thì hải đường có bốn loại, là chiêm cánh, tây phủ, thủy lục và mộc qua, ngoài ra lại có loại hoa vàng, loại hoa thơm, nhưng đều là cánh mềm, hoa nhỏ, hoặc sắc vàng, hoặc đỏ lợt, hoặc như yên chi, chỉ có mấy sắc ấy thôi. Hải đường phương Nam thì cây cao, lá to vừa dài vừa nhọn, hoặc sắc đỏ tươi, ruột có nhị, cánh to mà dày, lúc nở đẹp hơn hoa phù dung, nên tục gọi là sen cạn; so với hoa hải đường ở đất Thục thì đẹp hơn nhiều, tựa hồ phương Bắc không có giống hải đường này, cho nên những lời trước thuật có khác”. Khi khắc hình ảnh hải đường xứ Huế lên Nghị đỉnh, thuộc bộ Cửu đỉnh trong Hoàng thành Huế, Minh Mạng vẫn gọi nó là hải đường hoa.

Trong bốn loài hải đường được ghi trong Minh Mệnh thánh chế, loài Tây phủ hải đường chính là “Hải đường hoa Trung Quốc” (Malus spectabilis thuộc họ Hoa hồng – Rosaceae). Nó có cành mảnh, mọc thưa, lá mỏng, thon nhọn, hoa nhiều màu hồng nhạt, nhỏ gần giống hoa anh đào. Chính loài hoa này đã được Nguyễn Du nhắc tới trong các câu thơ: “Hải đường lả ngọn đông lân / Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà”, “Hải đường mơn mởn cành tơ / Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng”.

Khi khắc hình ảnh hải đường xứ Huế lên Nghị đỉnh, thuộc bộ Cửu đỉnh trong Hoàng thành Huế, Minh Mạng vẫn gọi nó là hải đường hoa.
Khi khắc hình ảnh hải đường xứ Huế lên Nghị đỉnh, thuộc bộ Cửu đỉnh trong Hoàng thành Huế, Minh Mạng vẫn gọi nó là hải đường hoa.

Mộc qua hải đường hay thiếp ngạnh hải đường (Chaenomeles sinensis, họ Hoa hồng – Rosaceae) có lá thon, nhỏ, mảnh mai, hoa sắc đỏ thắm, cánh mỏng. Cây hải đường mà vua Minh Mạng gọi là hải đường phương Nam là Camellia amplexicaulis thuộc họ chè – Theaceae. Phương Nam ở đây là để so với Trung Quốc, trong thực tế, nó phân bố từ nhiều tỉnh miền Bắc đến Thừa Thiên Huế. Như vậy, nói đến hải đường có thể làm cho mỗi người nghĩ một cách khác nhau. Điều quan trọng là mỗi khi tìm hiểu bất kỳ một loài hoa nào, không chỉ với tên gọi là đủ, mà còn phải nhận diện tỉ mỉ nó, và tốt nhất là kèm tên khoa học. Vì đâu chỉ có hải đường Huế trùng tên với hải đường Trung Quốc, trong thực tế còn có hàng trăm loài hoa khác cũng đồng quy tên gọi, cũng từng gây khó khăn cho việc thông tin trên thương trường, nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Muốn có sự rạch ròi nên đặt lại tên cho từng loài hoa nhằm tránh sự nhầm lẫn.

Hải đường xứ Huế luôn được nhiều người xem là loài hoa biểu trưng cho tính cách mộc mạc nhưng mạnh mẽ, giản dị nhưng thắm thiết, không hương nhưng sắc thắm mặn mà, với nhiều cánh hồng ôm ấp một chòm nhụy vàng thắm, chúm chím cười trước gió đông về như thách thức với thiên nhiên khắc nghiệt. Dù thời tiết có đổi thay thất thường, dù hoàng mai trở mình chuyển dịch mùa hoa, thì hải đường vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, cứ ung dung đơm nụ khai hoa từ đông sang xuân khá đều đặn. Chính nhờ thế, những năm mất mùa mai, nhiều người Huế chưng hải đường trong ba ngày tết. Có người thường dùng cánh hoa hải đường chấm ruốc như một món rau tươi thú vị.
 

Đ.X.C (Báo Thừa Thiên Huế)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here