Trang chủ Phật giáo khắp nơi Hải đảo thầm lặng

Hải đảo thầm lặng

188
0

Những ngày gần cuối tháng 6 tây, tức tháng 5 âm lịch, biển Đông thường dậy sóng. Đặc biệt năm nay, bão tố dậy sóng cả hai phương diện: địa dư và thời tiết. Đó là lúc đoàn 16 do GHPGVN đến tận đảo thăm viếng, đặt chân lên chủ quyền biển đảo còn lại ở Trường Sa, tiếp nhận gió biển, cảm nhận sự lẽ loi của cuộc sống giữa trời nước mênh mông mà người dân trong đất liền, trong các thị tứ nhộn nhịp khó mà biết được.

Xôn xao về giàn khoan HD 981 của Trung Quốc chưa dứt khoát, chúng lại tiếp tục cho trình làng thêm, xem thế giới chả là gì, sự phản kháng của Việt Nam lại không có giá trị. Chúng bắn giết ngư dân, đâm nát tàu hải giám, cảnh sát biển, cắt cáp tàu Bình Minh… xem lãnh hải Việt Nam như chốn không người. Ngư dân tiếp tục bám biển, Việt Nam tiếp tục bắt loa kêu gọi một cách vô vọng, cuối cùng cứ khoanh tay cho chúng giết mà không được phản ứng tự vệ.

Đã qua 15 đoàn trong và ngoài nước thăm viếng biển đảo. Ngày 21/6, cảng Cát Lái đưa 154 vị trong Giáo Hội Phật giáo cùng đoàn báo chí, đài truyền hình, nhóm khảo cổ ra khỏi sông Lòng Tảu thuộc đặc khu rừng Sát để hướng ra đại dương. Từ Cát Lái ra Vũng Tàu chỉ trên 60km, phải mất 5 tiếng. Đất liền mờ nhạt, bóng xanh cây cối cũng nhòa trong sương mỏng của chân trời mênh mang và biển cả. Hai ngày hai đêm tàu Hải quân 571 buông neo ngoài khơi đảo Sơn Ca, một ngọn đảo san hô không một bóng cây. Khoảng cách khá xa, đảo ẩn hiện trắng toát giữa màu xanh của biển và trời. Bốn chiếc ca nô chuyển tải hàng hóa và người bập bềnh trên ngọn sóng trắng xóa. Hơn 20 phút, chỉ còn thấy áo phao hồng nhạt và cano nhập nhồi đùa sóng để cố hướng vào bờ. Hơn chục em binh sĩ rất trẻ ngâm mình dưới nước để giữ ca nô cho khách bước lên chiếc ghế cắm xuống cát biển, bước lên bờ.

Đoàn chụp hình lưu niệm dưới biểu tượng Trường Sa

Ngôi chùa nằm ngay đầu bờ đảo; tuy không lớn lắm so với các chùa trong đất liền, nhưng vẫn vượt trội trên một diện tích của đảo Sơn Ca quá nhỏ bé. Kiến trúc theo lối cổ miền Bắc. Chính điện chật hẹp, đủ tôn trí ba pho tượng đá đen, tượng Hộ Pháp và tượng Thánh hiền. Với phương tiện thiếu thốn của đảo, những pho tượng trên một tấn được an vị lên bệ thờ, toàn nhờ sức lao động cơ bắp của các em chiến sĩ biển đảo, nói lên ý chí và sức người. Thảo nào, cha ông ta xa xưa, chưa có phương tiện tàu bè hiện đại, hàng năm vẫn vượt trùng dương vào mùa nước lặng để tuần thám với những biên đội đơn sơ để xác định chủ quyền Việt Nam mà chưa có một ai đặt chân đến chốn hoang vu như thế. Bao di tích khảo cổ, bao chứng từ của cung triều, bao văn kiện lịch sử thế giới cũng đã xác định sự có mặt của Việt Nam khá sớm tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thế nhưng, sự thật luôn bị phủ nhận bởi bạo lực và tham tàn. Ông cha ta đổ bao xương máu để mở mang và giữ vững bờ cõi, thế hệ cháu con đã để vuột mất ngoài tầm tay một phần máu thịt đất tổ quê cha. Trước bạo tàn, chúng ta chỉ biết la làng; sống cận kề kẻ vũ phu, chúng ta không dám liên kết với bạn bè xa xôi, để rồi cứ bị đánh, rồi thoa, dỗ ngọt rồi rút tỉa bằng những luận điệu ngọt ngào ru ngủ.

Trải qua báo thế hệ, bao thể chế chính trị khác nhau, lòng yêu nước của con dân đều là một. Mỗi người thể hiện sự yêu nước và hành động khác nhau, thậm chí đem thân mạng làm đuốc đánh động lương tâm nhân loại nhưng vẫn không soi sáng được lòng dạ vô minh của kẻ bạo tàn tham lam bành trướng. Như chị Lê thị Tuyết Mai, 67 tuổi, pháp danh Đồng Xuân, huynh trưởng miền Quảng Đức thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tự thiêu để phản đối Trung Quốc xâm lược Biển Đông mà phát ngôn vội vả của một viên chức thành phố gọi là bị khủng hoảng cuộc sống. Rồi tới anh Hoàng Thu sinh năm 1942 tại Huế, cựu chiến sĩ pháo binh thuộc quân lực VNCH, tự thiêu tại Mỹ.

Đã từng có những chiến sĩ VNCH phơi thây nơi đảo vắng, từng chôn xác dưới đại dương cũng chỉ vì chủ quyền của đất nước, cũng từng có những bộ đội hy sinh để chiếm giữ đảo vắng cho quê hương mà thân xác chưa hề được truy điệu. Đại dương vùi dập bao sinh mạng con dân đất Việt, nhưng không thể chôn vùi lòng yêu nước khi một phần lãnh hải bị chia lìa.

Trước cảnh biển Đông dậy sóng, anh em binh sĩ chế độ cũ trước đây đã từng được hậu phương quan tâm, hiện nay cũng vậy, luôn được đồng bào đến tận nơi an ủi thăm viếng, tìm mọi cách để gửi gấm tâm tình. Sáng ngày 23/6 đoàn đặt chân lên Sơn Ca với sự ngỡ ngàng, vừa vui vừa buồn. Vui vì tận mắt nhìn một phần máu thịt quê hương âm thầm tồn tại giữa biển khơi, buồn vì mọi tiện nghi của đất liền đều khó khăn, thiếu thốn. Nước ngọt chỉ sử dụng thoải mái vào mùa mưa. Không một ngọn cây nào sống nổi giữa cái mặn của nước, cái nắng của trời. Người từ đất liền trở thành thượng khách quý hiếm mà những ai ở trên đảo đều dành trọn sự trân quý khi họ đến. Đoàn của PGVN cũng được đón tiếp trọng thị để rồi khi trở lại tàu, ánh mắt các em binh sĩ trẻ ngâm mình dưới nước đẩy ca nô ra đám san hô như muốn dán chặt theo đoàn để về phố thị.

Lễ an vị tượng phật

Sau khi an vị tôn tượng Phật ngọc nhỏ do Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cúng dường ba chùa trên đảo, chư tôn đức cùng đoàn tiếp tục cuộc hành trình còn lại, trả sự thầm lặng cho đảo giữa biến động của đất trời vào mùa giông bão. Một cán bộ chiến sĩ Hải quân hỏi: “Sao mấy thầy lựa mùa giông bão mà đi?”. TT T.Giác Hiệp trưởng đoàn đáp: “Chính vì giông bão của biển Đông do con người và thiên nhiên tạo ra nên chúng tôi mới phải đến”.

Đoàn 16 là đoàn thăm viếng cuối trong năm khi bão tố đe dọa sự sống thầm lặng của các đảo biển xa xăm.

M.M

30/6/2014

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here