Khi thông tin hai hãng phim Việt cùng muốn đưa tác phẩm Đường xưa mây trắng của thiền sư Thích Nhất Hạnh lên phim, giới điện ảnh rất băn khoăn vì Phật Giáo là đề tài khó làm và khó ăn khách. Vì sao họ quan tâm? Chúng tôi đã trao đổi với bà Nguyễn Bích Thủy, PGĐ Hãng phim Sena Film, đơn vị đang theo đuổi dòng phim này.
Có thông tin Sena Film đang triển khai dự án dựa trên một cuốn sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh, bà có thể cho biết đó là cuốn nào? Tại sao Sena Film lại chọn cuốn đó hay không?
– Chúng tôi đang triển khai một dự án không dựa trên cuốn sách nào của thiền sư Thích Nhất Hạnh mà dựa trên 2 bộ kinh nguyên thủy quan trọng nhất của đạo Phật là Kinh quán niệm hơi thở và kinh Tứ niệm xứ. Tên của dự án là: Mười sáu hơi thở của nhân gian.
Khi trình bày dự án với thiền sư Thích Nhất Hạnh thì thiền sư đã nói: “Tôi nghĩ là làm được. Hiện bây giờ trong lĩnh vực y khoa và khoa học tâm lý trị liệu người ta đã bắt đầu sử dung phương pháp hơi thở quán niệm một cách thực tế. Tôi rất là vui và tôi sẽ hỗ trợ hết mình nếu quí vị làm cuốn phim đó”.
– Cuốn sách nổi tiếng của thiền sư Hạnh là Đường xưa mây trắng cũng được Sena và Phước Sang cùng “ngấp nghé”, hiện tại kế hoạch này đã được bàn thảo ra sao? dự án này có thể trở thành hiện thực?
– Đường xưa mây trắng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một cuốn sách tuyệt vời. Tôi đã tìm được cách để giải thoát những khổ đau vướng mắc cho mình qua cuốn sách đó. Vì vậy, niềm khao khát của tôi là mong muốn được cho tất cả mọi người biết được tinh thần của Đường xưa mây trắng. Nhưng từ khao khát, mơ ước đến thực hiện, luôn còn những khoảng cách lớn.
Khi nghe thầy Thích Nhật Từ thông báo Hãng Phước Sang cũng có ý muốn làm phim chuyển thể từ Đường xưa mây trắng, tôi thực sự vui mừng và hy vọng Phước Sang sẽ làm được. Bất kỳ ai, bất kỳ hãng phim nào, một khi đã nghĩ đến việc chuyển thể làm phim từ cuốn sách, chắc chắn mục đích của nó hoàn toàn không thương mại, mà không thương mại thì không cạnh tranh và đố kỵ, càng có nhiều người cùng tham gia càng tốt.
Trước đây, Đường xưa mây trắng đã từng được một nhà tỷ phú Ấn mua bản quyền để làm phim, và được một hãng phim Mỹ sản xuất. Nhưng cũng lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh một hợp đồng kỳ lạ được ký kết: thiền sư từ chối số tiền bản quyền khổng lồ, thay vào đó ông yêu cầu toàn bộ thành phần đoàn phim đến Làng Mai học đạo. Liệu câu chuyện này có xảy ra tại Việt Nam? Hay Sena và thiền sư có cách làm việc nào khác?
– Cũng năm ngoái tôi may mắn có gặp và trao đổi với ông Modi tỷ phú Ấn Độ, người quyết định đầu tư 120 triệu đô la để sản xuất bộ phim Đường xưa mây trắng và 150 triệu để quảng bá và phát hành bộ phim đó trên toàn thế giới sau khi hoàn thành.
Theo ông, sau khi đọc cuốn sách, ông tìm thấy con đường giải quyết những cái vướng mắc trong cuộc sống mà ông đang trải qua. Vì vậy ông quyết định bỏ số tiền lớn đó ra để làm phim với mong muốn giúp nhiều người của Ấn Độ cũng như nhiều người khác trên toàn thế giới tìm được cách giải quyết những cái kẹt trong cuộc sống như ông. Rất tiếc dự án của ông đến nay vẫn chưa thực hiện xong vì còn nhiều vướng mắc khác về tâm ý của nhiều người liên quan chưa đồng thuận.
Chúng tôi đã trao đổi với thiền sư về ý định thực hiện cuốn phim đó bằng tiếng Việt, nhưng hiện nay chúng tôi chưa bắt đầu vì kẹt duy nhất về kinh phí, mặc dù thiền sư đã có nói, tiền không quan trọng, cái tâm mới quan trọng.
Phật giáo là đề tài không dễ làm và khó ăn khách, tại sao Sena liên tục lựa chọn đề tài này (trước đây là Duyên trần thoát tục, giờ là Mười sáu hơi thở của nhân gian, có thể tương lai lại là Đường xưa mây trắng?)
– Làm phim có nhiều mục đích khác nhau. Làm phim vì mục đích thương mại khác làm phim vì để thỏa mãn khao khát nghệ thuật của người nghệ sĩ. Còn những bộ phim về đề tài Phật Giáo là vì một mục đích nằm ngoài 2 mục đích nói trên, mục đích từ thiện, tạo công đức. Sở dĩ chúng tôi đến với loại đề tài này có lẽ là do nhân duyên đưa đẩy, bắt đầu từ ý định làm từ thiện bằng chính nghề nghiệp của mình của diễn viên điện ảnh Việt Trinh.
Xin phiền bà bằng một câu hỏi không vui, phim Duyên trần thoát tục đã không có được thành công lắm, nhưng Sena vẫn muốn đi theo hướng đề tài này, phải chăng Sena đang có tham vọng tạo nên một “trường phái” riêng trong làng điện ảnh?
– Theo chúng tôi thì bộ phim đã thành công ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi. Vì với số tiền 1,5 tỷ ban đầu Việt Trinh và Sena chỉ định làm một bộ phim cổ trang bằng chất liệu DVD để truyền tải một thông điệp Thiện Ác nhân quả luân hồi và nghiệp báo trong đạo Phật mà thôi. Sở dĩ định làm DVD vì nghĩ rằng càng in lậu, càng được truyền bá rộng rãi, càng tốt (!)
Nhưng rồi chúng tôi làm bằng được phim nhựa và được đưa vào kỷ lục Phật Giáo VN là bộ phim hoành tráng nhất, có những cảnh võ thuật và kỹ xảo hiệu quả nhất. Về doanh thu, chúng tôi thu được số tiền lớn hơn dự định ban đầu để làm từ thiện ở khắp mọi miền đất nước và sắp tới, vào tháng 10 chúng tôi sẽ đem một phần tiền sang Ấn Độ và Nê Pan.
Tất cả những điều đó là xuất phát từ nhu cầu cuộc sống đem đến cho Sena Film. Còn lại, chúng tôi không có ý định tạo trường phái riêng bằng dòng phim đó.
Bà đã có ý tưởng về phong cách cũng như các diễn viên cho phim, bà có thể chia sẻ chút ít cùng độc giả của chúng tôi? Trong dự án tới diễn viên Việt Trinh có tiếp tục tham gia?
– Mỗi dòng phim có một ý tưởng và phong cách riêng. Và chọn diễn viên tùy thuộc vào từng phim cụ thể sau khi đã có kịch bản và kế hoạch sản xuất chi tiết. Hiện nay chúng tôi chưa có thông tin chính xác về những điều trên. Với diễn viên Việt Trinh thì, luôn sát cánh cùng Sena trong các dự án dòng phim này vì đó là lẽ sống và niềm đam mê của Việt Trinh hiện nay.
Hoàng Hường thực hiện
Source:>> http://vietnamnet.vn/vanhoa/2008/08/797551/