Tới tham dự và chứng minh có HT Thích Phổ Tuệ -Pháp chủ GHPGVN, HT Thích Thanh Sam – Phó pháp chủ, TT Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch HĐTS , TT Thích Thanh Duệ – Uỷ viên Thường trực HĐTS – Viện trưởng Phân viện nghiên cứu Phật học tại Hà Nội cùng chư tôn đức Tăng Ni BTS Thành hội Phật giáo Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Về phía chính quyền có đại diện lãnh đạo các cơ quan nhà nước, Ban tôn giáo chính phủ, chính quyền Thành phố Hà Nội, các cơ quan chức năng cùng hàng nghìn Phật tử Hà Nội. TT Thích Thanh Nhã trụ trì chùa Trấn Quốc đã giới thiệu lịch sử của ngôi chùa:
Chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ bậc nhất Việt Nam, tọa lạc trên đảo Kim Ngư (Cá Vàng) ở Tây Hồ, đường Thanh Niên, phường Yên Phụ. Chùa được xây dựng vào thời vua Lý Nam Đế (541 – 548) với tên gọi “Chùa Khai Quốc”.
Đến năm Lê Đại Bảo (1440), chùa được đổi tên hiệu thành An Quốc; sau đó, đến đời vua Lê Hy Tông (1675 – 1705), chùa lại được đổi tên là Trấn Quốc. Chùa cũng là nơi chốn Tổ của một chi sơn môn trong phái thiền Tào Động truyền ở Việt Nam đời Hậu Lê, do vị thiền sư Tịnh Trí Giác Quan khai hóa.
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm lịch sử, đến nay chùa vẫn giữ được nết kiến trúc cổ kính, cùng nhiều hiện vật có giá trị. Trong chùa có nhiều tượng đẹp, đặc biệt là tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn bằng gỗ thiếp vàng lộng lẫy, hàng chục tấm bia đá, 3 quả chuông đồng và gần 100 câu đối, hoành phi… có giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.
Dự toán kinh phí của đợt tu bổ này là 15 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2010 để kịp chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ 6 tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11/2010.
Các hạng mục được tu bổ trong dự án lần này là xây dựng cổng Tam quan, vườn tháp và một số hạng mục khác…
Cho đến thời điểm này, chùa Trấn Quốc đã trải qua nhiều lần tu bổ, sửa chữa. Cuối thế kỷ 18, chùa đã từng trong tình trạng hoang phế, sau được nhân dân và hòa thượng Khoan Nhân phát tâm trùng tư. Đầu đời nhà Nguyễn, chùa lại được trùng tu, đúc chuông, tạc tượng. Năm 1821, vua Minh Mạng đến thăm chùa cúng tiến 1 đồng tiền vàng và 5 quan tiền xanh, đổi hiệu chùa là Trấn Bắc nhưng nhân dân các nơi vẫn gọi là Trấn Quốc.
Năm 2001, nhà chùa tiếp tục được tu bổ lại với nhiều hạng mục như tòa Tam Bảo, nhà thờ Tổ, gác chuông. Tuy nhiên, do sự biến đổi thời tiết nên những năm qua, vào mùa mưa lũ, chùa Trấn Quốc thường bị ngập sâu, có lúc ngập đến 40 – 50 cm trong nhiều ngày liền khiến tăng ni, phật tử đi lại, chiêm bái khó khăn vất vả. Việc sinh hoạt của nhà chùa, vì thế, cũng găp nhiều bất lợi.
UBND quận Tây Hồ đã quyết định phê duyệt “Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo di tích chùa Trấn Quốc". Việc tu bổ, tôn tạo lần này nhằm làm cho chùa Trấn Quốc thêm vững chắc, khang trang và đẹp đẽ hơn, đó cũng là việc làm thiết thực chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Cuối buổi lễ HT Pháp Chủ cùng Chư tôn đức Tăng Ni và các vị khách quý làm lễ cầu nguyện hoà bình, thả chim bồ câu và động thổ xây dựng chùa.
|
X.L(theo GNO)