Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Hà Nội: Lễ cầu nguyện và tư vấn trước mùa thi

Hà Nội: Lễ cầu nguyện và tư vấn trước mùa thi

176
0


Sáng ngày 23/2/Mậu Tý, tức 30/3/2008, tại chùa Bằng A – Hà Nội, Ban Hoằng pháp TWGHPGVN đã trang trọng tổ chức lễ cầu nguyện và tư vấn trước mùa thi cho gần 700 “sĩ tử” các cấp ở Hà Nội và các vùng lân cận trước mùa thi 2008.


Hàng trăm vị phụ huynh cũng đã có mặt hộ trì cho con em mình. Thượng toạ Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TWGHPGVN, Viện chủ Tổ đình Bằng A đã chứng minh và chủ trì buổi lễ.


 Tham dự còn có Thượng toạ Thích Tấn Đạt, chư Đại đức Thích Đức Thiện, Thích Nhật Từ, Thích Tâm Thuần, Thích Chiếu Tuệ, Thích Trí Như, Thích Đức Lợi, Thích Đức Nguyên, Thích Thanh Vũ…cùng chư Tăng Ni ban Hoằng pháp Trung ương, Tổ đình Bằng A, thiền viện Sùng Phúc và các tự viện lân cận; các nhà giáo và các nhà tư vấn cũng được mời tham dự. Câu lạc bộ thanh niên Phật tử chùa Quán Sứ và Thiền viện Sùng Phúc cũng có mặt giúp đỡ hậu cần cho Phật sự này.


Chùa Bằng A – Linh Tiên Phúc tự vốn là một ngôi đại cổ tự tọa lạc bên dòng Kim Ngưu tại xã Thanh Liệt – Thanh Trì – Hà Nội. Là quê hương và đạo tràng dạy học của nhà giáo nổi tiếng Chu Văn An với sự tích Đầm Mực và thần Thuồng luồng đầy huyền tích.


Trải qua thăng trầm của thời gian, ngôi chùa đã gần như rơi vào quên lãng. Vận đổi sao rời, mấy năm gần đây, Thượng toạ Thích Bảo Nghiêm, được sự sách tấn, hộ trì của Hoà thượng Thích Trí Quảng, do có nhân duyên phúc báo từ nhiều kiếp trước, đã phát tâm huy động thập phương đàn việt tín thí chung sức chung lòng khôi phục và mở rộng chùa Bằng A.


Công trình 10 phần đến nay đã hoàn thiện được 7- 8. Tam quan và tả, hữu môn đã hoàn thiện. Tháp Phật 13 tầng cao 45 mét với 104 pho tượng đồng – 4 pho tượng Thiên vương tổng cộng là 108 pho tượng trong Bảo tháp. Đại giảng đường 700 chỗ, nhà tăng, nhà trai, v.v đã đi vào hoạt động. Đại điện, Tổ đường, nhà mẫu đã được tu bổ hoàn hảo. Chỉnh thể kiến trúc nơi đây đã chứng tỏ sự đổi mới cách nghĩ về vai trò và công dụng tôn giáo và xã hội của ngôi chùa: là nơi thờ phụng, tu tập, cũng là nhà trường, là viện nghiên cứu, là nơi triển khai các hoạt động xã hội mang tính tôn giáo cho mọi đối tượng xã hội, không loại trừ bất kì một ai.


Đã mấy năm nay, Đạo tràng Pháp hoa miền Bắc lấy đây làm nơi sinh hoạt chủ yếu. Năm ngoái Cụ Nhất Hạnh về nước cũng lấy đây làm nơi mở đạo tràng tu tập, v.v. Xuôi theo đường Kim Giang bên dòng Kim Ngưu đang kè bờ ngổn ngang và bụi bặm, chúng tôi về chùa bằng A. Dòng Kim Ngưu xanh trong thuở nào, giờ là một dòng nước thải đen đặc bẩn thỉu, quằn quại chảy ngang trước chùa, soi bóng ngôi tháp Phật cao vút tận trời xanh, đến cống Thanh Liệt thì đổ vào Nhuệ Giang. Chính quyền và nhân dân đang gắng sức cứu vãn thảm trạng ô nhiễm môi trường nơi đây. Chùa Bằng A đang ngổn ngang công trường, đường xá đầy bụi bặm và ổ gà. Vậy mà không ngăn nổi dòng “sĩ tử” về chùa Bằng A để tham gia lễ cầu nguyện và tư vấn mùa thi.


Miền Bắc tiết này đang mùa hoa xuân. Vườn chùa Bằng A trắng ngần hoa bưởi, hương ngào ngạt tinh khiết đến say lòng. Nâng niu trên tay chùm hoa bưởi hái trong vườn chùa, đẹp đến lạ lùng, thơm đến nao lòng. Chuyền chùm hoa cho một người bạn vừa quen, vương trên tay là hương hoa và phấn vàng, tôi lại nhớ về nụ cười rất duyên của chị Phan Thị Thanh Nhàn khi nói về thi phẩm Hương thầm thời chiến tranh. Hương bưởi lại trào dâng trong miệng khi thưởng thức khẩu mía ngọt lịm, mát lạnh ướp hương bưởi tại trai phòng chùa Linh Tiên.


Các sĩ tử về đây, có lẽ chả ai để ý đến mùi xú uế nồng nặc của dòng sông nước thải lẫn hương bưởi tinh nhuận của chùa Bằng A. Các em đang lo lắng và chịu áp lực rất lớn bởi mùa thi đang đến gần. Hội trường lớn chùa Bằng A được trần thiết trang nghiêm rực rỡ. Chính toà là tượng Đức Thế Tôn giơ bông sen đầy trí tuệ. Bên dưới khán chúng là tràn ngập các em học sinh, sinh viên, độ tuổi từ mười đến cận 30. Đông đảo nhất là các em chuẩn bị tốt nghiệp PTTH, 18 đôi mươi. Trong số đó có nhiều em chưa là Phật tử, với ánh mắt đầy bỡ ngỡ.







7 giờ 30, chư Tăng quang lâm hội trường trong sự cung nghênh đầy thành kính của các em. Thượng tọa Bảo Nghiêm dẫn đầu chư Tăng,  dâng lời bạch Phật, hành lễ cầu nguyện. Ngài thay mặt các em cầu mong chư Phật tuệ quang thường chiếu, khai thị cho các em sáng tâm, sáng trí, mạnh khoẻ, tinh tấn và thành tựu trong các kì thi sắp đến. Không khí thiêng liêng ngập tràn, đầy xúc động.



Tiếp theo là nội dung sách tiến và tư vấn. Đại đức tiến sĩ Thích Nhật Từ lặn lội từ Sài gòn ra, chia sẻ với các em về những tiền đề để có thể học tốt và thi tốt: sức khoẻ, tâm lý và sinh lý cùng với những kinh nghiệm mà Thầy đã kinh qua trong mấy chục năm trên con đường tu, học và hành đạo.


Được biết, ngay từ thuở còn cắp sách đến trường, Thầy đã có ý thức mãnh liệt về nghiệp học, đã bộc lộ là một đồng tử pháp khí của Như Lai. Để có được 2 tấm bằng tiến sĩ với nhiều sinh ngữ thành thục khi độ tuổi chưa đến 40, thầy đã không mệt mỏi tìm tòi và thực hành các phương pháp học hiệu quả. “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” là tâm nguyện của Thầy, điều mà Thầy muốn được chia sẻ với các em.



Thượng tọa Tấn Đạt đã rất xúc động và say mê khi chia sẻ với các em về một số tấm gương hiếu học cổ kim. Nhấn mạnh là các “tấm gương sống” hiện đang hành hoá như GS. TS Lê Mạnh Thát và đặc biệt là nhị vị tiến sĩ Thích Đức Thiện và Thích Nhật Từ đang an vị trên ghế chủ tọa ngay trong hội trường. Người thật việc thật, “dĩ thân vi giáo” – “lấy thân mình làm tấm gương mà dạy” vẫn là điều tối ưu trong sư phạm xưa nay.



ĐĐ Tiến sĩ Thích Đức Thiện



Tiến sĩ Phạm Thu Hương



Cư sỹ Huệ Minh



Cư sĩ Trần Trọng Hoàng


Tiếp theo, Đại đức tiến sĩ Thích Đức Thiện, tiến sĩ Phạm Thu Hương, cư sĩ Huệ Minh, Trần Trọng Hoàng chia sẻ với các em về một số yêu cầu và kinh nghiệm học, thi hiện nay, về phương pháp tư duy và “mẹo học” hiệu quả, thiết thực.


11 giờ đã điểm, các em hào hứng, phấn khởi dâng lên chư Tăng bản đăng kí ước nguyện phấn đấu học hành và thi cử đỗ đạt; nhận từ chư Tăng chiếc lá bồ đề trí tuệ và tinh tiến, như là “chiếc bùa” bảo mệnh, hộ trì trên con đường học và thi của các em.


Sau “tiệc buýp-phê” chay tịnh tại chùa, các em ra về, hăng hái và bình tâm hơn. Cầu mong mọi điều tốt lành luôn ở bên các em. Giờ đây bên các em luôn có sự hộ trì của chư Phật từ bi và trí tuệ, chư Bồ Tát tinh tiến và bao dung.


Trên đường rời hội trường, trao đổi với chúng tôi, Đại đức Thích Nhật Từ nói: “Lễ cầu nguyện và tư vấn như thế này, cho dù mới là bước thử nghiệm nhưng chúng tôi tin là có hiệu quả và thiết thực đối với đời sống xã hội. Phật giáo cần và sớm đi vào cuộc sống; không nên né tránh bất cứ vấn đề nào, đối tượng nào. Chắc rồi đây, mô hình này sẽ được nhân rộng, tạo nên một truyền thống tốt đẹp trong hệ thống Phật sự nó chung và hoằng pháp nói riêng ở nước ta.


Rút kinh nghiệm sau buổi lễ, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm nhìn đám cư sĩ trẻ chúng tôi tin tưởng nói: “đổi mới không ngừng các hoạt động hoằng dương chính Pháp là yêu cầu lớn lao và cấp bách hiện nay của Giáo hội. Tự bản thân các Thầy sẽ có nhiều hạn chế khi tự thân tổ chức các hoạt động xã hội mang tính Phật giáo, nhất là các hoạt động gắn với tuổi trẻ. Nhưng sẽ là rất thuận duyên khi huy động được sức mạnh, nguồn lực và sức sáng tạo của các cư sĩ Phật tử trẻ, nhất là các vị có tri thức và khả năng tổ chức. Rồi đây, trong các hoạt động Phật sự gắn với đời sống xã hội, chúng tôi chỉ là những người chỉ đạo, còn thực thi tổ chức thì sẽ giao phó và uỷ thác cho các anh.”


Quá Ngọ, rời ngôi chùa đầy hương bưởi tiết xuân, bước qua Tam quan là dòng sông Kim Ngưu đen đặc nước thải với con đường đầy ổ gà và gió bụi. Trở về, lòng chúng tôi khấp khởi mừng. Mừng đấy mà lo đấy.












Đại đức Thích Chiếu Tuệ hướng dẫn các sĩ tử nhận quà tặng của chư tôn đức ban Hoằng pháp












Đại diện CLB thanh niên Phật tử tùng lâm Quán Sứ đến tham dự buổi lễ





  • Tin Huệ Minh- Ảnh Cẩm Vân (thientam.vn)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here